Tốc
độ gấp 4 lần, Việt Nam ngược dòng lên top đầu thế giới
Cập nhật lúc 14:23
Khả năng chống chịu
của nền kinh tế Việt Nam được củng cố. Tăng trưởng GDP duy trì mức cao với
xuất khẩu dự kiến tăng 8% trong năm 2019, cao hơn 4 lần so với bình quân
thế giới
Nền kinh tế
Việt Nam tiếp tục tăng trưởng vững chắc, đạt kết quả ấn tượng và thể hiện khả
năng chống chịu tốt trong bối cảnh toàn cầu gặp khó.
Top đầu thế giới
Trái với dự báo
thận trọng hồi giữa năm, Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng, kinh tế Việt Nam sẽ đạt
kết quả tích cực trong 2019 với tốc độ tăng trưởng GDP ước đạt 6,8%, nợ
công giảm gần 8 điểm phần trăm GDP so với năm 2016 và thương mại thặng dư
liên tiếp bốn năm qua.
Trước đó, hồi
giữa năm, trong Báo cáo bán thường niên, WB dự đoán kinh tế Việt Nam sẽ tăng
trưởng 6,6% trong năm 2019 và khoảng 6,5% trong 2020 và 2021.
Báo cáo lần này
khẳng định khả năng chống chịu của nền kinh tế Việt Nam. Theo đó, tăng trưởng GDP của Việt Nam được duy trì ở mức cao
nhờ vào khu vực kinh tế đối ngoại vững mạnh, với xuất khẩu dự kiến
tăng 8% trong năm 2019 - cao hơn gần 4 lần so với bình quân trên thế giới.
Cũng theo WB,
Việt Nam tiếp tục là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài, bình
quân dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cam kết gần 3 tỷ USD mỗi
tháng. Bên cạnh đó là sự dẻo dai nhờ sức cầu trong nước, chế biến chế tạo,
xuất khẩu.
Tiêu dùng cá
nhân của các hộ gia đình là một yếu tố ngày càng quan trọng đóng góp
cho tăng trưởng GDP, khi tầng lớp trung lưu đang lớn mạnh và mức lương tăng
lên. Đầu tư của các doanh nghiệp ở khu vực tư nhân cũng tăng ở mức 17% so với
cùng thời kỳ.
WB cho rằng,
triển vọng ngắn và trung hạn của Việt Nam là tích cực với GDP tăng trưởng
quanh mức 6,5% trong những năm tới. Các yếu tố căn bản của nền kinh tế Việt
Nam vẫn vững vàng, Chính phủ đã tạo được dư địa tài khóa nhất định thông
qua chính sách tài khóa thận trọng.
Trong tuần
trước, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cũng vừa nâng dự báo tăng trưởng
kinh tế của Việt Nam trong năm 2019 và 2020, từ lần lượt 6,8% và 6,7% lên
6,9% và 6,8%, trái ngược với động thái hạ dự báo tăng trưởng của các nước
châu Á đang phát triển (từ 5,4% và 5,5% xuống còn 5,2%) do ảnh hưởng của tăng
trưởng kinh tế hạ nhiệt tại Trung Quốc và Ấn Độ.
Theo ADB, việc
điều chỉnh tăng dự báo GDP là từ những tín hiệu tích cực với tăng trưởng GDP
trong 3 quý đàu năm đạt 7%, cao nhất trong 9 năm.
Không chỉ WB và
ADB, nhiều tổ chức cũng lạc quan với triển vọng kinh tế Việt Nam. Viện Kế
toán Công chứng Anh và xứ Wales (ICAEW) dự báo Việt Nam đạt 7% trong 2019 và
6,6% trong năm 2020.
Fitch Solutions
giữ nguyên dự báo tăng trưởng GDP thực tế của Việt Nam năm 2019 ở mức 6,5% và
2020 là 6,8%.
Điều chỉnh để phát triển bền
vững
Mặc dù triển
vọng sáng sủa, nền kinh tế Việt Nam đối mặt với rủi ro tăng trưởng bền vững
dài hạn và cả ngắn hạn.
Theo WB, Việt
Nam vẫn phải đối mặt với những tác động từ bên ngoài, với minh chứng là tăng
trưởng xuất khẩu giảm từ 21% xuống còn 8% từ năm 2017 đến năm 2019. Tăng
trưởng xuất khẩu còn giảm rõ rệt hơn nếu nhìn vào các thị trường xuất khẩu
ngoài Mỹ, chỉ tăng được 3,6% trong 11 tháng đầu năm 2019.
Dòng vốn FDI
vào các cơ sở sản xuất kinh doanh mới cũng tăng chậm lại 30% so với hai năm
trước đó, kể cả sau khi đã tính đến sự tăng trưởng trong đầu tư qua kênh
mua bán sát nhập (M&A).
Xét những rủi
ro bên ngoài nêu trên, đồng thời để mang đến động lực tăng trưởng bổ sung
cho nền kinh tế, báo cáo khuyến nghị cần ưu tiên phát triển khu vực tư nhân
vững mạnh và năng động. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp đang hoạt động ở thị
trường trong nước vẫn đang phải đối mặt với những trở ngại lớn, hạn chế sự
phát triển.
Nhiều doanh
nghiệp trong nước vẫn đang phải đối mặt với trở ngại lớn, năng lực cạnh tranh
hạn chế trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu, phân bổ nguồn lực chưa đồng đều,
hạn chế sự phát triển.
Thị trường vốn
vẫn chưa bắt kịp các nước trong khu vực, xét cả về quy mô tương đối (tỷ lệ so
với GDP) lẫn quy mô tuyệt đối và chất lượng thể hiện ở mức độ công khai, hiệu
quả. Hơn thế, mạng lưới NĐT vốn dài hạn (như quỹ bảo hiểm, hưu trí, phòng
hộ…) còn mỏng. Sự đa dạng của lựa chọn đầu tư cũng hạn chế ở một số ngành như
cơ sở hạ tầng, nhà ở...
Theo ông
Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia tại Việt Nam, việc xử lý những hạn chế về
huy động tài chính cho doanh nghiệp cần nhận được sự quan tâm cao nhất của
các nhà hoạch định chính sách nếu Việt Nam muốn tiếp tục quỹ đạo tăng
trưởng nhanh và bao trùm hướng tới trở thành quốc gia thu nhập cao trong
những thập kỷ tới.
Báo cáo của WB
cho rằng các thị trường vốn cần được vận hành tốt, làm nền tảng cho sự thịnh
vượng của Việt Nam trong tương lai. Theo kinh nghiệm của nhiều quốc gia trên
thế giới, bao gồm cả ở khu vực Đông Á, thị trường cổ phiếu và trái phiếu hoạt
động tốt có thể giúp huy động vốn cho sản xuất kinh doanh trong nước, bổ sung
cho nguồn vốn vay từ hệ thống ngân hàng và đa dạng hóa các nguồn huy động
vốn. Điều này cũng góp phần nâng cao khả năng chống chịu của toàn bộ hệ thống
tài chính nhờ đảm bảo thanh khoản sâu hơn và đa dạng hóa được rủi ro.
Còn chuyên gia
kinh tế trưởng WB Jacques Morisset cho rằng đã đến lúc Việt Nam cần thay đổi
ngành nông nghiệp, đa dạng hóa ngành này, đồng thời tận dụng FDI và kết nối
tốt hơn với đầu cuối của xuất khẩu.
Ông Alaweed
Altabani, chuyên gia trưởng về tài chính của WB khuyến nghị, Việt Nam cần
nâng tầm trong chuỗi cung ứng, tăng hàm lượng giá trị gia tăng và nâng cao
khả năng cạnh tranh trong lĩnh vực dịch vụ, trong đó có tài chính, bảo hiểm,
ngân hàng.
Trên thế giới,
cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang tạo ra sự thay đổi mang tính cấu trúc
trong phân bổ sản xuất từ Trung Quốc. Việt Nam đang có lợi thế nhờ một loạt
các hiệp định thương mại, trong đó có FTA với Liên minh châu Âu (EU) vào cuối
tháng 6. Đây là lực đẩy cho kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, sự tái sắp xếp chuỗi
cung ứng này cần có thời gian và các ảnh hưởng tích cực chủ yếu bộc lộ trong
tăng trưởng GDP năm 2020.
Dòng vốn FDI
theo ông Ousmane Dione cần hướng vào chế biến chế tạo nhưng đồng thời cần
phải có chiến lược để vực dậy khu vực kinh tế trong nước và có thể bắt đầu
nghĩ tới việc các doanh nghiệp hướng ra thế giới giống như doanh nghiệp Trung
Quốc đã từng làm.
Trước đó, ông
Ousmane Dione, từng cho rằng, việc xác định chiến lược rất quan trọng bởi nó
sẽ giúp định hình con đường phát triển của Việt Nam trong những thập kỷ tới.
Việt Nam đã có nhiều thành tựu kinh tế nổi bật, nhưng hành trình trở thành
một nền kinh tế có thu nhập cao chỉ mới bắt đầu.
(Theo VietNamNet) H. Tú
|
Thứ Tư, 18 tháng 12, 2019
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét