Thứ Năm, 12 tháng 12, 2019

Liên kết hay “mafia Giáo dục?”
Cập nhật lúc 11:16   

Sự “đi đêm” giữa doanh nghiệp công ích và cơ quan quản lý nhà nước trong biên soạn sách giáo khoa nếu không được chấn chỉnh chắc chắn sẽ gây ra nhiều hệ luỵ.

Vụ việc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam trả thù lao hàng tháng (từ năm 2015) cho một số lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh trong việc phối hợp chỉ đạo biên soạn “Bộ sách giáo khoa miền Nam” khiến dư luận dậy sóng về vụ hợp tác mà một số bài báo gọi là “đi đêm” này.

Cuối năm 2014 Quốc hội ban hành Nghị quyết số 88/2014/QH13 “Về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông”.

Ngay trong năm 2015 Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã ban hành Quyết định 778/QĐ-NXBGDVN về việc “Chi thù lao Ban chỉ đạo biên soạn bộ “Sách giáo khoa miền Nam” thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh.

Đến năm 2018 Nhà xuất bản này lại ban hành tiếp Quyết số 04/QĐ-NXBGDVN “Về việc thành lập Ban chỉ đạo và mức chi thù lao Ban chỉ đạo tổ chức biên soạn Bộ sách giáo khoa miền Nam”.

Câu hỏi đầu tiên cần phải đặt ra với lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh và Ban lãnh đạo Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam về ý đồ đặt tên bộ sách giáo khoa mà họ cùng nhau biên soạn là “Bộ sách giáo khoa miền Nam”?

Thậm chí quyết định 04/QĐ-NXBGDVN ban hành năm 2018 vẫn giữ nguyên tên gọi này trước khi đổi thành “Chân trời sáng tạo”!


Bộ sách giáo khoa Chân trời sáng tạo được giới thiệu tại thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh minh hoạ: Hanoimoi.com.vn)

Cần phải nói ngay Thành phố Hồ Chí Minh không phải là miền Nam và Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam không phải là Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Vậy “Miền Nam” mà hai đơn vị nêu trên muốn sách giáo khoa của mình “phủ sóng” là gồm những tỉnh, thành phố nào?

Được biết Nhà xuất bản Giáo dục tại Hà Nội có nhiệm vụ “Xuất bản in, phát hành sách giáo khoa và các loại sách khác phục vụ cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo của 29 tỉnh miền Bắc từ Hà Giang đến Hà Tĩnh”.

Nhà xuất bản Giáo dục Đà Nẵng tại phục vụ cho các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên

Nhà xuất bản Giáo dục tại Cần Thơ phục vụ cho 10 tỉnh, thành phố: thành phố Cần Thơ, An Giang, Bạc Liêu, Cà Mau, Đồng Tháp, Hậu Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh, Vĩnh Long.

Phần còn lại do Nhà xuất bản Giáo dục tại Thành phố Hồ Chí Minh quản lý.

Phải chăng khu vực mà Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam và Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh gọi là “Miền Nam” sẽ gồm 34 tỉnh thành trừ 29 tỉnh miền Bắc?

Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam là “Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên”, đây là doanh nghiệp công ích kinh doanh theo luật doanh nghiệp. Việc doanh nghiệp chi tiền cho đối tác để hợp tác làm ăn là bình thường nếu hoạt động này phù hợp với quy định hiện hành.

Ngược lại, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh là cơ quan quản lý nhà nước lĩnh vực giáo dục và vì thế sở này không thể tự cho mình quyền biên soạn sách giáo khoa cho “Miền Nam” nếu không được sự cho phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Liệu có phải đây là sự lộng quyền, xem thường kỷ cương phép nước?

Câu hỏi này được đặt ra bởi Quyết định 778/QĐ-NXBGDVN viện dẫn “Hợp đồng nguyên tắc” ký ngày 25/09/2015 giữa Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh và Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, theo đó hai bên sẽ “Tổ chức biên soạn, xuất bản bộ sách giáo khoa mới sau năm 2015”.

Phải đến ngày 27/12/2018 Bộ Giáo dục và Đào tạo mới công bố “Chương trình giáo dục phổ thông mới”, trong đó quy định “Hệ thống môn học của chương trình mới” với các cấp Tiểu học, Trung học cơ sở, Trung học phổ thông.

Vậy dựa vào bộ tiêu chí nào mà những người lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh và Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam khẳng định ngay từ năm 2015, rằng sẽ “xuất bản bộ sách giáo khoa mới sau năm 2015”?

Câu hỏi này chỉ có hai cách lý giải:

Thứ nhất, hai đơn vị nêu trên đã có khả năng tiên tri, rằng “Chương trình giáo dục phổ thông mới” (công bố ba năm sau) sẽ trùng khớp với nội dung chương trình sách giáo khoa mà họ bắt tay biên soạn từ 2015?

Thứ hai, những người tham gia vụ liên kết này đủ tự tin, rằng những gì họ bắt tay làm sau khi Nghị quyết số 88/2014/QH13 ra đời sẽ được cụ thể hóa bằng các văn bản quy phạm pháp luật mà Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ công bố!

Nếu điều thứ hai này là đúng thì đây không phải thuộc kiểu “vận động hành lang” như cách hiểu của phương Tây mà là một biểu hiện của tham nhũng chính sách. Nói cách khác, đó là một kiểu mafia giáo dục.

Xin nói đôi chút về Dự thảo Thông tư “Hướng dẫn việc lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông” (Dự thảo) của Bộ Giáo dục và Đào tạo, không khó để thấy nhiều vấn đề cần phải bàn luận trong bản dự thảo này.

Thứ nhất, quy định tại điều 10 trong Thông tư: “Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo sở giáo dục và đào tạo, ủy ban nhân dân cấp huyện tổ chức hướng dẫn, giám sát, kiểm tra các cơ sở giáo dục phổ thông lựa chọn sách giáo khoa theo quy định tại Thông tư này”. (nguyên văn các từ “sở giáo dục và đào tạo, ủy ban nhân dân” viết thường, “Thông tư” viết hoa).

Như vậy đơn vị lựa chọn sách giáo khoa là các cơ sở giáo dục phổ thông.

Một khi Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh đã giao cho Sở Giáo dục và Đào tạo, ủy ban nhân dân cấp huyện “tổ chức hướng dẫn, giám sát, kiểm tra các cơ sở giáo dục phổ thông lựa chọn sách giáo khoa” thì câu hỏi đặt ra là cấp huyện và các cơ sở giáo dục phổ thông có dám không thực hiện chỉ đạo của cơ quan quản lý giáo dục cấp trên là Sở Giáo dục và Đào tạo?

Liệu có ngây thơ khi cho rằng những người đã nhận tiền của nhà xuất bản vẫn đủ vô tư để không “lồng ghép” lợi ích của bên chi tiền vào chỉ đạo các đơn vị dưới quyền lựa chọn sách của nhà xuất bản này?

Thứ hai, lựa chọn sách giáo khoa là công việc chuyên môn, đòi hỏi phải am hiểu nội dung, chương trình, phải có kinh nghiệm giảng dạy, vậy quy định “đại diện Ban đại diện cha mẹ học sinh trường” tham gia Hội đồng tuyển chọn sách giáo khoa nhằm mục đích gì?

Với các trường ở vùng sâu, vùng xa, nơi bà con dân tộc ít người chiếm đa số, việc đưa đại diện cha mẹ học sinh vào rõ ràng làm khó cho họ và cũng không cần thiết.

Thứ ba, “Cơ sở giáo dục phổ thông phải hướng dẫn giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh sử dụng sách giáo khoa có bản quyền theo quy định của pháp luật”.

Trong Thông tư của Bộ Giáo dục và Đào tạo mà viết cơ sở giáo dục phổ thông phải hướng dẫn cả giáo viên, học sinh lẫn “cha mẹ học sinh sử dụng sách giáo khoa có bản quyền” thì thật là khó hiểu, chẳng lẽ Bộ Giáo dục cho rằng cha mẹ học sinh “sử dụng” sách giáo khoa để học tại cơ sở giáo dục?

Mục C, khoản 1 điều 32, Luật Giáo dục 2019 (có hiệu lực từ 01/07/2020) quy định:

“Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định việc lựa chọn sách giáo khoa sử dụng ổn định trong cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo”.

Đến 01/07/2020 chỉ còn bảy tháng, những chuyên viên chắp bút Dự thảo của Bộ Giáo dục và Đào tạo có biết Luật Giáo dục hay không, nếu biết thì vì sao vẫn đưa vào Dự thảo một quy định trái luật? Phải chăng họ đã chuẩn bị tư thế để bảy tháng nữa còn có việc để làm?


Xin không bàn tiếp về chính tả, văn phạm và một số vấn đề khác trong một văn bản quy phạm pháp luật, khi cơ quan ban hành lại là Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Trở lại câu chuyện Nhà xuất bản Giáo dục chi tiền cho một số lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh, theo quy định tại Thông tư số: 51/2019/TT-BTC “Hướng dẫn xây dựng dự toán, thanh quyết toán kinh phí biên soạn, thẩm định tài liệu giáo dục của địa phương thực hiện chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông” do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành thì nguồn kinh phí thực hiện được quy định như sau:

“Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng kế hoạch và lập dự toán kinh phí biên soạn, thẩm định tài liệu giáo dục của địa phương theo nguồn ngân sách (ngân sách địa phương, ngân sách lồng ghép trong các chương trình đề án và các nguồn kinh phí khác), gửi Sở Tài chính xem xét, tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh theo quy định của Luật ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn hiện hành”.

Vậy khi xây dựng kế hoạch và lập dự toán kinh phí biên soạn, thẩm định tài liệu, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh có trừ đi khoản tiền mà Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã chi cho những người tham gia?

Liên quan đến điều này, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng:

"Việc nhà xuất bản bồi dưỡng thù lao cho lãnh đạo, chuyên viên của sở vì chúng tôi đã tổ chức các hoạt động tập huấn định hướng về chuyên môn để đội ngũ viết sách viết đúng định hướng của Bộ Giáo dục và Đào tạo là phát triển năng lực, phẩm chất người học".

Cần phải thấy rằng “các hoạt động tập huấn định hướng về chuyên môn” là nhiệm vụ của Sở Giáo dục và Đào tạo, không phải hoạt động “làm thêm” để cùng lúc nhận lương và tiền của đơn vị kinh doanh.

Sự “đi đêm” giữa doanh nghiệp công ích và cơ quan quản lý nhà nước trong biên soạn sách giáo khoa nếu không được chấn chỉnh chắc chắn sẽ biến thị trường sách giáo khoa thành “sân sau” của quan chức đương quyền, thiệt hại không chỉ là học sinh, mà là nền giáo dục nước nhà.

Bộ Giáo dục và Đào tạo với tư cách là cơ quan chủ quản của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, cấp trên của Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh, có lẽ hơi khó để các vị lãnh đạo bộ này thực sự nghiêm khắc trong xử lý vụ việc.

Thiết nghĩ cần phải có sự vào cuộc của các cơ quan phòng chống tham nhũng cấp cao để vụ việc không bị “chìm xuồng”.
(Theo GDVN) Xuân Dương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét