NXB Giáo dục chi thù lao cho lãnh đạo
Sở GD-ĐT TP.HCM: Lý do chi - nhận không thuyết phục
Cập nhật lúc 09:59
Giải thích của NXB Giáo dục Việt Nam về việc chi thù
lao hằng tháng cho lãnh đạo, cán bộ Sở GD-ĐT TP.HCM vấp phải phản ứng của dư
luận vì lý do chi không thuyết phục.
Khách
tham quan, tìm hiểu về SGK lớp 1 mới của NXB Giáo dục Việt Nam.
Bá Hải
Đáng lo ngại
hơn là việc này ảnh hưởng nghiêm trọng đến niềm tin của xã hội và giáo viên
về việc vận hành nhiều bộ sách giáo khoa trong thời gian tới.
Hàng trăm ý
kiến bình luận về việc NXB Giáo dục Việt Nam trả lương cho lãnh đạo, cán bộ
của Sở GD-ĐT TP.HCM đều cho rằng giải thích của đại diện NXB là không thuyết
phục và hầu hết đều không tin vào việc Sở GD-ĐT TP.HCM sẽ chọn sách giáo khoa
(SGK) một cách công bằng khách quan, khi nhận thù lao để “chỉ đạo, tập hợp
đội ngũ” tham gia vào việc biên soạn một bộ sách như vậy.
Trả thù lao theo nghĩa nào ?
Trả lời PV Thanh Niên về việc Bộ
GD-ĐT khẳng định trong tất cả hồ sơ mà Bộ tiếp nhận đề xuất thẩm định SGK lớp
1 không có sách nào là của Sở GD-ĐT TP.HCM chủ trì biên soạn, hay đứng tên
tác giả, vậy có thể hiểu việc trả thù lao cho “ban chỉ đạo tổ chức biên soạn
bộ SGK miền Nam” theo nghĩa nào, ông Nguyễn Văn Tùng, Phó tổng biên tập NXB
Giáo dục Việt Nam cho rằng Ban Chỉ đạo biên soạn bộ SGK Chân trời sáng tạo
được thành lập để hỗ trợ công tác chuyên môn, tổ chức đội ngũ tác giả, chuyên
gia tư vấn cho NXB Giáo dục Việt Nam trong quá trình làm sách mới. Sách do
NXB Giáo dục Việt Nam giữ bản quyền và đăng ký thẩm định với Hội đồng quốc
gia thẩm định SGK mới. NXB Giáo dục Việt Nam cũng chịu trách nhiệm về việc
xuất bản, in và phát hành các cuốn SGK do NXB Giáo dục Việt Nam đăng ký thẩm
định và được phê duyệt sử dụng chính thức từ năm học 2020 - 2021.
Tìm hiểu của
PV Thanh Niên cho thấy, theo quy định của Bộ GD-ĐT tại Thông tư 33 thì các tổ
chức, cá nhân biên soạn sách phải trình bản thảo lên Hội đồng thẩm định thông
qua một NXB. Điều đó không có nghĩa là Sở GD-ĐT TP.HCM không phải là một đơn
vị phối hợp làm bộ SGK này (như đã thể hiện trong Quyết định chi thù lao của
NXB). Như vậy, nếu không phải đơn vị phối hợp làm SGK thì các cán bộ Sở GD-ĐT
TP.HCM nhận thù lao về việc gì?
Trước lo
ngại về việc NXB trả thù lao cho lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM sẽ ảnh hưởng trực
tiếp đến quyết định chọn SGK của các nhà trường tại TP này, NXB Giáo dục Việt
Nam cho rằng theo dự thảo Thông tư quy định chọn SGK mà Bộ GD-ĐT mới công bố
thì việc chọn giao cho các cơ sở giáo dục. Tuy giao quyền chọn cho các trường
nhưng trong thông tư vẫn quy định rõ trách nhiệm, quyền hạn của Sở GD-ĐT và
UBND cấp tỉnh. Trong đó nêu rõ: “Giám đốc sở GD-ĐT hướng dẫn cụ thể tiêu chí
để lựa chọn phù hợp với địa phương”. Các trường cũng không dễ được thực hiện
quyền chọn SGK một cách độc lập. Từ năm học 2021 - 2022, theo luật Giáo dục,
quyền quyết định lại giao về UBND cấp tỉnh với vai trò tham mưu là Sở GD-ĐT.
Lãnh đạo sở,
lãnh đạo tất cả các phòng ban và chuyên viên chỉ đạo tất cả các môn học, cấp
học đã nhận hàng tỉ đồng tiền thù lao, làm sao chọn SGK một cách công bằng,
khách quan được?
Nhiều bộ SGK chỉ thành công khi việc lựa chọn minh
bạch
Một số giáo
viên ở các tỉnh phía bắc chủ động liên hệ với PV Thanh Niên để bày tỏ lo ngại
về việc sắp tới liệu việc lựa chọn SGK có thực sự khách quan và giao quyền
cho giáo viên và nhà trường, hay họ lại phải nghe theo “chỉ đạo” từ trên để
bỏ phiếu chọn SGK nào. “Liệu chỉ có phải duy nhất Sở GD-ĐT TP.HCM nhận thù
lao kiểu như vậy hay không?”, một giáo viên bày tỏ nghi ngại.
Nhà giáo
Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường phổ thông Marie Curie Hà Nội, bày tỏ
mong muốn hướng dẫn chọn phải khả thi và thực sự giao quyền chọn cho giáo
viên của các nhà trường, vì đó là những cuốn sách phù hợp với điều kiện dạy
và học của trường đó chứ không phải chịu tác động của bất cứ điều gì khác.
GS Nguyễn
Minh Thuyết, Tổng chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông 2018, cho rằng từ
trước tới nay chỉ có NXB Giáo dục VN làm SGK, nên lần này với sự tham gia của
2 NXB khác là ĐH Sư phạm Hà Nội và ĐH Sư phạm TP.HCM làm SGK đã giúp cho chủ
trương xã hội hóa biên soạn sách theo Nghị quyết 88 của Quốc hội và luật Giáo
dục 2019 đi vào đời sống. Tuy nhiên, việc biên soạn và phê duyệt SGK chỉ thực
hiện được khoảng 30% chủ trương này, phần lớn còn lại phụ thuộc vào việc lựa
chọn, vận hành nhiều SGK trong suốt cả quá trình thực hiện chương trình và
SGK mới có chuyên nghiệp, minh bạch và khách quan hay không. GS Thuyết đề nghị
trong Thông tư hướng dẫn chọn SGK mà Bộ đang lấy ý kiến, ngoài trách nhiệm
của người chọn, cần bổ sung quy định trách nhiệm của các NXB có SGK bán trên
thị trường; cần phải đảm bảo cung cấp đủ SGK, tập huấn người sử dụng và cam
kết cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh. GS Thuyết cho rằng, ngay trường chọn SGK
cũng phải thành lập các ban chuyên môn. Các ban này mới là lựa chọn có tính
quyết định, còn ban giám hiệu chỉ là khâu hợp pháp hóa cuối cùng của quá
trình chọn sách. Còn nếu chỉ giao cho “ông” hiệu trưởng thì rất khó tránh
tình trạng “chạy chọt”, vì quyền lực tập trung vào 1 người hoặc một nhóm
người.
Về nguyên
tắc lựa chọn SGK, trả lời báo chí sau khi Bộ GD-ĐT công bố danh sách SGK được
phê duyệt, ông Phạm Tất Thắng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục -
Thanh niên - Thiếu niên - Nhi đồng của Quốc hội, cho rằng các địa phương phải
thực hiện đúng thông tư hướng dẫn chọn SGK và cơ quan quản lý nhà nước phải
có trách nhiệm giám sát quá trình tổ chức chọn sách, tập huấn sử dụng sách...
Những vấn đề tiêu cực, nếu có bằng chứng rõ ràng, sẽ phải xử lý theo quy định
của pháp luật.
Sở GD-ĐT TP.HCM không trả lời về vấn đề thù lao
Chiều 5.12,
trao đổi với PV Thanh Niên, ông Nguyễn Thành Trung, Chánh văn phòng Sở GD-ĐT
TP.HCM, nói rằng quyết định về việc chi trả thù lao của NXB Giáo dục Việt Nam
thì để NXB Giáo dục Việt Nam trả lời, Sở không trả lời về vấn đề này.
Trong khi đó
Sở gửi một thông báo nói về việc Sở GD-ĐT đã cử đội ngũ chuyên viên, giáo
viên cùng tham gia với NXB Giáo dục Việt Nam để biên soạn bộ SGK Chân trời
sáng tạo...
Bích
Thanh
Bộ GD-ĐT yêu cầu báo cáo
Nhiều ý kiến
mong muốn lãnh đạo Bộ GD-ĐT cần lên tiếng rõ ràng về việc NXB Giáo dục Việt
Nam chi và Sở GD-ĐT TP.HCM nhận thù lao hàng tỉ đồng từ năm 2015 đến nay như
vậy, bởi cả 2 đều là đơn vị do Bộ quản lý. Đặc biệt, đây là thời điểm Bộ đang
lấy ý kiến góp ý của xã hội về Thông tư quy định lựa chọn SGK để thực hiện
cho năm học tới, ý kiến của Bộ GD-ĐT sẽ rất quan trọng trong việc chấn chỉnh
và lấy niềm tin về việc sẽ có sự minh bạch, công bằng trong chọn SGK thời
gian tới.
Tuy nhiên,
đến cuối ngày hôm qua (5.12), đại diện Bộ GD-ĐT cho PV Thanh Niên biết đã yêu
cầu NXB Giáo dục Việt Nam và Sở GD-ĐT TP.HCM báo cáo, sau đó mới có ý kiến
trả lời chính thức.
Ý kiến
Việc chọn sách sẽ không khách quan
Việc lãnh
đạo Sở GD-ĐT nhận thù lao không vi phạm quy định gì vì đó là việc anh làm
thêm. Chỉ có điều mức thù lao hằng tháng 5 - 6 triệu đồng được coi là cao.
Thời tôi còn làm kiêm nhiệm các ban chỉ đạo, thù lao thấp lắm. Trung bình mỗi
cuộc họp chỉ được 100.000 - 200.000 đồng. Ở đây dư luận có quyền đặt câu hỏi,
anh là giám đốc sở GD-ĐT vừa nằm trong ban soạn thảo SGK vừa là thành viên
thẩm định, chỉ đạo việc chọn bộ sách sẽ không khách quan. Lẽ ra thành viên
soạn thảo này nên cơ cấu những chuyên gia hay giáo viên có kinh nghiệm thay
vì lãnh đạo sở còn đương chức. Với khối lượng công việc rất nhiều của một
giám đốc sở sẽ không có nhiều thời gian, tâm huyết góp ý cho bộ sách mà còn
tạo ra dư luận không tốt.
Một cựu lãnh
đạo Sở Nội vụ TP.HCM
Không tránh khỏi nghi ngờ về sự không trong sáng
Trong hoạt
động công vụ mà nhận tiền như vậy là chuyện khá bất ngờ. Ở đây cũng cần làm
rõ NXB Giáo dục Việt Nam chi tiền như vậy có ý đồ gì không. Về phía người
nhận tiền, dư luận không tránh khỏi nghi ngờ về sự trong sáng, công tâm,
khách quan trong việc đưa ra quyết định liên quan đến những khoản tiền đã
được nhận.
Tiến
sĩ Diệp Văn Sơn
(chuyên
gia cải cách hành chính, nguyên Phó vụ trưởng, Bộ Nội vụ)
Trung
Hiếu (ghi)
(Theo Thanh Niên) Tuệ Nguyễn
|
Thứ Sáu, 6 tháng 12, 2019
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét