“Trăm phương ngàn
kế” độc chiếm Biển Đông
Cập nhật lúc 08:45
Những hành vi sai trái của Trung Quốc đã biến
Biển Đông trở thành một trong những điểm nóng trong khu vực châu Á - Thái
Bình Dương.
Những năm gần
đây Biển
Đông liên
tục nóng lên bởi những hành động cải tạo đảo đá phi pháp và hoạt động quân sự
hóa các thực thể được bồi đắp trái phép ở vùng biển này. Những hành động sai
trái đó đã biến Biển Đông trở thành một trong những điểm nóng, tâm điểm cạnh
tranh chiến lược trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Tham vọng phi lý
Trong quá khứ,
vấn đề Biển Đông vốn dĩ chỉ là các tranh chấp giữa những nước ven Biển Đông
đối với việc sở hữu các đảo, bãi đá ngầm, bãi bồi và phân chia vùng biển,
trong đó vấn đề cốt lõi là tranh chấp chủ quyền và tranh giành tài nguyên.
Tuy nhiên, trong những năm trở lại đây, căng thẳng đã nâng lên một nấc thang
mới khi Trung Quốc bất chấp luật pháp quốc tế để cải tạo các rạn san hô ở
Biển Đông thành các đảo nhân tạo và vũ trang chúng thành tiền đồn hòng hiện
thực hóa mưu đồ độc chiếm tuyến đường vận tải biển huyết mạch của thế giới.
Trung Quốc
trước đó đã đơn phương công bố yêu sách “đường 9 đoạn” (đường lưỡi bò), đòi
chủ quyền tới khoảng 80% diện tích Biển Đông. Thực tế là nhiều vùng biển mà
Trung Quốc đòi chủ quyền ở Biển Đông nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế,
thềm lục địa của các nước ven Biển Đông được công nhận theo Công ước Liên Hợp
Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982).
Tham vọng chủ
quyền phi lý của Trung Quốc còn được thể hiện qua cái gọi là lập luận “Tứ Sa”
(gồm quần đảo Pratas, quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa và bãi ngầm
Macclesfield mà Trung Quốc đặt bằng 4 cái tên lần lượt là Đông Sa, Tây Sa,
Nam Sa và Trung Sa).
Theo đánh giá
của giới phân tích, lập luận Tứ Sa của Trung Quốc cũng dựa trên việc diễn
giải tùy tiện luật pháp quốc tế nhằm thực hiện mục tiêu kiểm soát toàn bộ các
cấu trúc và vùng biển ở Biển Đông. Đây cũng là chiến thuật Trung Quốc sử dụng
nhằm tạo ra cảm giác họ tuân thủ UNCLOS 1982 nhưng thực chất là tìm cách hợp
pháp hóa yêu sách phi pháp đường lưỡi bò, yêu sách đã bị Tòa trọng tài Quốc
tế phản bác trong phán quyết hồi tháng 7/2016 về vụ kiện giữa Philippines và
Trung Quốc.
Bất chấp sự
phản đối của các nước, Trung Quốc vẫn triển khai các hoạt động trên mọi lĩnh
vực để hiện thực hóa yêu sách chủ quyền phi lý mà họ tự vẽ ra. Trong lĩnh vực
pháp lý, Bắc Kinh ráo riết xây dựng nội luật về biển, ban hành nhiều văn bản
với quy định đi ngược lại pháp luật quốc tế và vi phạm lợi ích hợp pháp của
các quốc gia khác có liên quan.
Trong lĩnh vực
quân sự, Trung Quốc không ngừng tăng chi tiêu cho quốc phòng, đẩy mạnh hiện
đại hoá hải quân, phát triển lực lượng chấp pháp và dân quân biển để phục vụ
cho chiến thuật “vùng xám” [hoạt động gây căng thẳng nhưng dưới mức chiến
tranh, không tạo cớ cho xung đột xảy ra để các nước khác không có cớ can
thiệp bằng sức mạnh chính quy. Với chiến thuật này, các nước có thể dùng
lực lượng quân sự làm nền tảng cho các lực lượng dân sự hoạt động. Ngoài ra,
còn kết hợp với một số chiến thuật khác như chiến tranh tâm lý, pháp lý,
tuyên truyền... qua đó tạo ra một vùng từ không tranh chấp thành tranh chấp –
PV].
Trong lĩnh vực
chính trị - ngoại giao, Trung Quốc vẫn thúc đẩy kênh đàm phán song phương,
đối thoại ASEAN-Trung Quốc về COC, thúc đẩy khai thác chung, sáng kiến con
đường tơ lụa trên biển...
Gây hấn với láng
giềng
Trên thực địa,
Trung Quốc từng tạo mối đe dọa nghiêm trọng với chủ quyền các bên liên quan
cũng như tự do hàng hải, hàng không và hòa bình, an ninh, ổn định ở Biển Đông
khi đưa giàn khoan Hải Dương 981 xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục
địa của Việt Nam hồi tháng 5/2014. Mới đây, trong khoảng thời gian từ tháng
7-10/2019, Trung Quốc lại có hành động sai trái khi đưa nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế,
thềm lục địa của Việt Nam ở khu vực bãi Tư Chính.
Không chỉ gây
sự với Việt Nam, Trung Quốc cũng tìm mọi cách để cản trở hoạt động thăm dò
năng lượng của các quốc gia khác cũng có yêu sách chủ quyền ở Biển Đông thông
qua các hoạt động gây hấn leo thang.
Trong khoảng
thời gian từ ngày 10-27/5/2019, tàu hải cảnh Haijing 35111 của Trung Quốc đã
tiến hành tuần tra xung quanh cụm bãi cạn Luconia ở Biển Đông, nơi có lô dầu
khí SK 308 mà công ty Sarawak Shell có trụ ở ở Kuala Lumpur, Malaysia đã được
cấp phép thăm dò.
Khi Malaysia
điều hai tàu tiếp tế đến phục vụ giàn khoan vào ngày 21/5, tàu hải cảnh Trung
Quốc đã chạy quanh khiêu khích và tiếp cận hai tàu này trong phạm vi 80m.
"Với các hành vi áp sát và khiêu khích này, nguy cơ va chạm bất ngờ có
thể dẫn đến xung đột là rất rõ ràng", Tổ chức Sáng kiến ninh bạch hàng
hải châu Á (AMTI) đánh giá.
Malaysia khẳng
định cụm bãi cạn Luconia nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của mình, nhưng
Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền và từ năm 2013 thường xuyên duy trì
sự hiện diện quanh bãi cạn này.
Đối với trường
hợp của Philippines, ngay cả khi quan hệ giữa Manila và Bắc Kinh đã được cải
thiện dưới thời ông Duterte thì Philippines hoàn toàn có thể rơi vào tình
huống tương tự như Malaysia và Việt Nam nếu nước này tiến hành hoạt động thăm
dò ở khu vực Bãi Cỏ Rong. Đó là còn chưa kể đến vụ việc Trung Quốc chiếm
quyền kiểm soát bãi cạn Scaborough từ Philippines hồi năm 2012, tàu cá
Philippines bị tàu Trung Quốc đâm chìm…
“Gần đây nhất,
chúng ta được chứng kiến cách ứng xử ‘kẻ mạnh là kẻ đúng’ với các nước
Malaysia, Philippines và Việt Nam khi các hoạt động khai thác dầu khí đã diễn
ra từ rất lâu quanh khu vực Bãi Tư Chính nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của
Việt Nam bị quấy rối. Kết hợp với hoạt động tôn tạo và quân sự hóa các tiền
đồn có tranh chấp ở Biển Đông, các nỗ lực đơn phương của Trung Quốc nhằm
khẳng định yêu sách hàng hải bất hợp pháp đang đe dọa khả năng tiếp cận các
nguồn tài nguyên thiên nhiên quan trọng của các nước khác, làm suy yếu sự ổn
định của thị trường năng lượng khu vực và gia tăng rủi ro xung đột”, Bộ
trưởng Quốc phòng Mỹ Esper trong một tuyên bố hồi tháng 11/2019 nêu rõ.
“Chúng ta nói
về Trung Quốc, nói về điều mà họ mô tả là ‘sự phát triển hòa bình’ nhưng sau
đó chúng ta thấy các đảo nhân tạo mọc lên ở nơi mà trước đó chẳng có gì cả.
Chúng ta thấy sự xuất hiện của đường băng trên những hòn đảo đó. Chúng ta
cũng thấy các tên lửa hành trình chống hạm và các cơ sở quân sự khác, điều
này hoàn toàn không giống như lời lẽ mà họ tuyên bố về sự phát triển hòa
bình”, Đô đốc Karl L. Schultz, Tư lệnh Tuần duyên Mỹ nói trong một cuộc họp
báo hồi tháng 10/2019.
Trợ lý Ngoại
trưởng Mỹ David Stilwell, phụ trách Vụ Đông Á và Các vấn đề Thái Bình Dương,
trong phiên điều trần trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ hồi tháng
9/2019 nhấn mạnh: “Hành vi của Bắc Kinh đang mâu thuẫn với tuyên bố công khai
của nước này về sự trỗi dậy hòa bình”.
Theo ông
Stilwell, việc Bắc Kinh theo đuổi một tầm nhìn khác, cứng rắn ở khu vực Ấn Độ
Dương -Thái Bình Dương là nhằm thay đổi trật tự khu vực có lợi cho mình và
đưa Trung Quốc vào một cuộc đua chiến lược với tất cả các bên vốn luôn muốn
giữ gìn tự do và trật tự mở của các quốc gia có chủ quyền trong khu vực.
Những hành vi
sai trái của Trung Quốc ở Biển Đông đã và đang làm gia tăng nguy cơ đối đầu,
va chạm trên biển; tác động tiêu cực đến môi trường an ninh trong khu vực.
Môi trường an ninh có thể được phục hồi ngay khi các bên có hành động xuống
thang, đạt được sự đồng thuận nào đó nhưng hậu quả từ việc môi trường sinh
thái ở Biển Đông bị hủy hoại để thực hiện tham vọng phi lý là cực kỳ nghiêm
trọng khi mất rất nhiều năm mới có thể hồi phục được phần nào, thậm chí là
không thể phục hồi./.
Hùng Cường, Trần Khánh/VOV.VN
|
Thứ Hai, 23 tháng 12, 2019
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét