Nhiều biệt thự biến mất... trên giấy: Vì sao
loại bỏ nhiều căn biệt thự?
Cập nhật lúc 09:08
TP HCM hiện còn hơn 1.000
căn biệt thự chưa được thẩm định, đánh giá khiến chủ nhà và cơ quan quản lý gặp
nhiều khó khăn.
Chiều 30/12,
lãnh đạo UBND quận 1 và quận 3 (TP HCM) đã có phản hồi liên quan đến bài viết
"Nhiều biệt
thự biến mất... trên
giấy!" đăng Báo Người Lao Động số ra ngày 30/12/2019.
Nhận thiếu sót
Trao đổi với phóng viên, ông Lưu Trung
Hòa, Phó Chủ tịch UBND quận 1, thừa nhận quận có sai sót trong quá trình phân
loại các biệt thự cũ xây dựng trước năm 1975. "Hiện quận đang cho thu
hồi lại văn bản gửi Viện Nghiên cứu phát triển (NCPT) TP về hiện trạng các
biệt thự cũ xây dựng trước năm 1975 và sẽ tiến hành rà soát thật kỹ vấn đề
này" - ông Hòa thông tin.
Biệt
thự số 143-145 Nam Kỳ Khởi Nghĩa còn có địa chỉ là số 14 Võ Văn Tần, quận 3,
TP HCM Ảnh: LÊ PHONG
Tại quận 3, trong báo cáo kiểm kê gửi
Viện NCPT TP của UBND quận hồi tháng 10/2019 có liệt kê hàng loạt căn biệt
thự cũ xây dựng trước năm 1975, trong đó nhiều căn được báo cáo "không
tồn tại địa chỉ" hoặc "không tồn tại" nhưng Hội đồng Phân loại
biệt thự (HĐPLBT) TP kiểm tra thì phát hiện chúng vẫn tồn tại (Báo Người Lao
Động đã phản ánh). Về vấn đề này, ông Trần Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND quận
3, khẳng định: "Trong danh sách 127 biệt thự mà Viện NCPT TP gửi quận 3
để kiểm đếm, phân loại, quận đã phân loại 1 trường hợp, 21 trường hợp thuộc
nhóm 2, 86 trường hợp thuộc nhóm 3 và 19 trường hợp loại bỏ khỏi danh sách do
nhà đã xây mới, không có địa chỉ theo danh sách, hiện trạng là nhà phố… Về 3
biệt thự số 143-145 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phường 6; số 204D Điện Biên Phủ,
phường 7 và số 1 Bà Huyện Thanh Quan, phường 6 thật ra không mất đi mà chỉ…
khác về mặt địa chỉ. Nhà số 1 Bà Huyện Thanh Quan thật ra là số 208 Nguyễn
Thị Minh Khai; căn biệt thự 143-145 Nam Kỳ Khởi Nghĩa thuộc hệ thống khách
sạn Victory - số 14 Võ Văn Tần".
Ông Bình nói thêm để phân loại đánh giá
biệt thự thì tiêu chí nguyên bản và sự trọn vẹn của một thửa đất quyết định
đến tính khả thi trong việc giữ gìn biệt thự. Hơn nữa, việc phân loại, công
tác giữ gìn biệt thự cũng gặp nhiều khó khăn bởi tính khả thi trong giữ gìn
biệt thự phụ thuộc rất nhiều vào hình thức sở hữu.
Khó phân loại và xếp loại
Giải đáp thắc mắc về việc hơn 560 căn
biệt thự cũ trên địa bàn TP bị loại bỏ trong thời gian qua, đại diện Sở Quy
hoạch - Kiến trúc (QH-KT) TP HCM cho biết nguyên nhân vì giấy tờ và thực tế
khác nhau. Khái niệm "biệt thự" mà Bộ Xây dựng đưa ra nêu rõ: Căn
nhà có quy mô dưới 4 tầng, khuôn viên sân trước, sân sau và lối đi đủ rộng.
Đối chiếu với danh sách 1.400 căn biệt thự được liệt kê thì rất nhiều căn
hiện nay đã biến dạng.
"Từ giấy tờ bước ra thực tế rất
khác xa. Nếu xếp loại biệt thự chỉ vì "nguồn gốc đất là biệt thự"
thì dễ bị khiếu kiện, khiếu nại" - đại diện Sở QH-KT TP nói và cho rằng
lý do các quận - huyện loại bỏ nhiều căn biệt thự theo danh sách Sở Xây dựng
TP và Viện NCPT TP đưa ra do căn cứ hiện trạng thực tế.
Một chuyên viên Phòng Quản lý đô thị
quận 1, TP HCM thừa nhận việc kiểm kê, đánh giá biệt thự hiện mang tính cảm
tính. Đơn cử trường hợp căn biệt thự số 68 Sương Nguyệt Anh (quận 1) ban đầu
được phân loại nhóm 2 (bảo tồn một phần) nhưng hiện trạng là căn nhà bê-tông
xây dựng trước năm 1975 trên nền đất quy hoạch là biệt thự. Từ đó, chủ nhà
làm đơn khiếu nại đến UBND TP, chính những thành viên HĐPLBT TP đã phải trả
lại quyền lợi đúng với kiến trúc đang tồn tại ở công trình này.
"Chúng tôi cũng đau đầu khi phân
loại và xếp loại một số căn biệt thự. Chẳng hạn số 132-134 Sương Nguyệt Anh
hiện chỉ là căn nhà bê-tông 2 tầng xây dựng hàng chục năm. Về kiến trúc không
đặc biệt nhưng đang bị xếp nhóm 2. Nhiều chủ nhà đang tập hợp hồ sơ khiếu nại
tập thể. Vì vậy, nếu công tác thẩm định không bảo đảm thì sẽ phát sinh nhiều
chuyện" - chuyên viên Phòng Quản lý đô thị quận 1 phân trần.
Kiến trúc sư Trần Vĩnh Nam nhìn nhận để
tránh sai sót và khiếu nại sau này, cần đánh giá lại tổng thể bức tranh hiện
trạng trước kia và hiện nay; loại bỏ những căn biệt thự bị chia cắt, có dấu
hiệu sụp đổ, tập trung sắp xếp lại các căn biệt thự nhóm 1, nhóm 2.
"Việc đánh giá tập trung từng nhóm có thể rút ngắn thời gian, hạn chế
công việc cần kiểm kê, tránh việc xuống cấp nhưng cũng không xâm hại quyền
lợi người dân" - kiến trúc sư Trần Vĩnh Nam nói.
Mới đây, Viện NCPT TP đã trình UBND TP
HCM giải pháp bảo đảm quyền lợi của người dân sở hữu biệt thự cổ, đó là áp
dụng cơ chế "chuyển quyền phát triển bất động sản". Nghĩa là chủ sở
hữu có quyền bán hoặc chuyển nhượng cho một đối tác khác có khả năng tiếp
nhận.
Còn
bất cập và chậm trễ
Liên quan đến vấn đề phân loại biệt
thự cũ, mới đây, HĐND TP HCM đã có đánh giá về việc bảo tồn di sản và cảnh
quan kiến trúc đô thị trên địa bàn TP.
Theo đó, việc bảo tồn cảnh quan kiến
trúc đô thị có giá trị di sản của TP chủ yếu vẫn dựa vào khung pháp lý như
Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch đô thị, Luật Di sản văn hóa và các văn bản liên
quan. Song quá trình áp dụng thực tế còn nhiều bất cập và chậm trễ dẫn đến sự
biến mất của nhiều giá trị vốn có và làm thay đổi cảnh quan kiến trúc. Thêm
vào đó là nhu cầu xây nhà cao tầng ở các khu đất "vàng" trên địa
bàn Quận 1 và 3.
Trong khi đó, sự phối hợp giữa các
cơ quan liên quan còn chậm, chưa đồng bộ, kéo dài nhiều năm gây trở ngại, bức
xúc cho người dân. Công tác thẩm định, kiểm kê, phân loại biệt thự chậm làm
ảnh hưởng đến việc cải tạo, sửa chữa, xây dựng lại biệt thự cũ - nhu cầu
chính đáng của chủ sở hữu; ảnh hưởng việc quản lý của địa phương và sự phát
triển chung của TP, đặc biệt là phát triển du lịch.
Bên cạnh đó, công tác phân loại biệt
thự cũ của HĐPLBT TP còn gặp khó khăn do thiếu kinh phí, không có hồ sơ lưu
trữ, khó nhận diện các biệt thự đã bị biến dạng...
Do đó, HĐND
TP đề nghị UBND TP đánh giá hiệu quả triển khai thực hiện Quyết định số
33/2018 về ban hành tiêu chí đánh giá, phân loại biệt thự cũ trên địa bàn TP;
đẩy nhanh tiến độ rà soát, thống kê, phân loại biệt thự nhằm xác định, giữ
gìn các biệt thự cũ cần bảo tồn (thuộc nhóm 1, nhóm 2); đồng thời tạo điều
kiện cho chủ sở hữu các biệt thự cũ nhóm 3 có thể tháo dỡ xây dựng mới.
|
Thứ Ba, 31 tháng 12, 2019
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét