Sự
lạ kì nhìn từ một tấm bản đồ
Cập nhật lúc 10:12
Theo thói quen cứ năm hết tết đến tôi lại lục soạn, sắp
xếp lại tủ sách cũ, cũng là kiểm kê xem trong năm đã mua được cuốn nào đáng
đọc. Tình cờ một cuốn sách in bản đồ các nước trên thế giới rơi ra trong đó
có kẹp một mảnh báo được tôi cắt ra từ trang báo in Biển Đông có đường đứt
đoạn cùng nét gạch chéo màu đỏ mà nay ta quen gọi: Đường lưỡi bò.
Như một sự gợi ý, tôi lật mở xem bản đồ của từng quốc gia,
vùng lãnh thổ trên thế giới và như mới nhận ra: Gần 200 quốc gia trong đó hơn
một trăm nước có biển song chẳng nước nào ghi đường nét thể hiện biên giới
trên biển, ngoại trừ tấm bản đồ “khác người” tôi cắt ra từ một trang báo.
Bản đồ lưỡi bò của Trung Quốc không được thế giới thừa nhận
Ta đã biết, mọi quốc gia ven biển đều có chủ quyền của
mình, được xác định trên cơ sở công ước của Liên Hợp Quốc năm 1982 về Luật
Biển - UNCLOS (viết tắt tiếng Anh: United Nations Convention on Law of the
Sea). Hầu hết các nước đang thực thi công ước này và không xảy ra tranh chấp.
Đó cũng là nền tảng để thế giới có được hòa bình trên 4 đại dương bao la mấy
chục năm qua.
Lẽ thường ở đời, cái người ta không có đôi khi khiến họ
muốn thể hiện ra bằng cách này hay cách khác để mọi người nghĩ rằng họ có. Giả
dụ, ai đó khi ra trước đám đông lại viết lên mặt mình cụm từ “Tôi là Người tốt”
thì mọi người sẽ nghĩ sao? Theo tôi, sẽ có người cho rằng kẻ đó thần kinh
không bình thường. Có người nghi ngờ. Còn đa số sẽ suy luận theo chiều ngược
lại và cho rằng “người tốt chẳng ai làm thế”! Cái tốt cần được thể hiện qua
cách hành xử với người khác, với cộng đồng theo chuẩn mực đạo đức, luật pháp
và sự văn minh.
Theo nguyên tắc chung và luật pháp quốc tế, chủ quyền biển
đảo phải được thể hiện bằng lịch sử khai thác, chiếm hữu một cách hòa bình
trên thực địa. Theo đó, nhiều quần đảo trong đó có 2 quần đảo Hoàng Sa và
Trường Sa trên Biển Đông đã được cha ông ta khai thác và quản lí trên thực
địa một cách hòa bình, có trách nhiệm từ mấy trăm năm trước. Không ít tư liệu
lịch sử, bản đồ tại các nước đang lưu giữ có thể chứng minh điều này.
Người ta có thể ra rả tuyên truyền cho người dân nước
mình, cho thế giới rằng chuyện chủ quyền là thế này, thế kia… nhưng rồi có
những thực tiễn không thể giải thích khác. Trung Quốc đang chiếm hữu một số
quần đảo, thực thể trên Biển Đông nhưng rồi chính người dân nước họ cũng sẽ
biết rằng vào tháng 1 năm 1974 hải quân Trung Quốc đã dùng vũ lực đánh chiếm
quần đảo Hoàng Sa đang được quân đội Việt Nam cộng hòa quản lí khiến 75 binh
sĩ đối phương tử trận. Và 31 năm trước, ngày 14/3/1988, hải quân Trung Quốc
tiếp tục gây hấn, giết hại dã man 64 chiến sĩ Quân đội Nhân dân Việt Nam để
chiếm đảo Gạc Ma và một số đảo tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Thế đấy! Họ
không có lịch sử khai thác, quản lí chủ quyền một cách hệ thống và hòa bình.
Những thứ ngày nay thế giới đang thấy là những thành quả của sự chiếm hữu
bằng vũ lực mà thế giới có chung cách gọi bằng hai từ xâm lược!
Đã bước sang thế kỉ XXI song gần đây tư tưởng dân tộc cực
đoan lại đang nhen nhóm, trỗi dậy.
Đầu thế kỉ trước nhân loại từng chứng kiến chủ nghĩa dân
tộc cực đoan nổi lên đã biến đổi một số quốc gia tư bản “sinh sau đẻ muộn”
trở thành nhà nước phát xít. Cùng với tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế
thế giới, những mâu thuẫn dân tộc thêm sâu sắc dẫn tới việc một số nước phát
xít gây chiến tranh để phân chia lại thế giới. Trang đen tối nhất của lịch sử
nhân loại có nguyên nhân từ chủ nghĩa dân tộc cực đoan. Các nước như Đức,
Italia, Nhật Bản ngày nay sẽ chẳng tự hào về cha ông mình với cuộc chiến
tranh thảm khốc giữa thế kỉ XX. Mấy chục triệu người vô tội bỏ mạng nhưng
cuối cùng họ đâu có vẽ lại được bản đồ?
Thủ tướng Đức Angela Merkel và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cùng xem tấm bản đồ Trung Quốc cổ
Vào ngày 28/3/2014, nhân chuyến thăm châu Âu của lãnh đạo
Trung Quốc, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã tặng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận
Bình một tấm bản đồ cổ sau tiệc chiêu đãi. Tấm bản đồ có tên China Proper
(Trung Quốc đích thực), được nhà bản đồ học người Pháp Jean-Baptiste
Bourguignon d’Anville vẽ, dựa trên các cuộc khảo sát địa lí do các nhà truyền
giáo Dòng Tên thực hiện, một nhà xuất bản ở Đức ấn hành năm 1735. Tấm bản đồ
cho thấy lãnh thổ Trung Quốc từ cổ đại chỉ tới Hải Nam. Hầu hết giới truyền
thông khi đó cho rằng đây là một “thông điệp” của thủ tướng Đức đối với chính
sách về lãnh thổ của Trung Quốc hiện nay.
Tôn trọng lịch sử, tôn trọng luật pháp quốc tế trong quan
hệ ngoại giao chính là tiêu chí của nền văn minh nhân loại. Đó cũng chính là
nền tảng cho một thế giới hòa bình cho hôm nay và mai sau./.
(Theo Đặc san Báo Người cao tuổi) Hoàng Đình Khải
|
Thứ Tư, 11 tháng 12, 2019
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét