Thứ Ba, 31 tháng 12, 2019

“Chây ỳ” bàn giao phí bảo trì, một chủ đầu tư bị phạt 125 triệu đồng

Cập nhật lúc 10:09   

 

Với hành vi "chây ỳ" bàn giao phí bảo trì phần sở hữu chung tại chung cư Trương Đình Hội, Công ty CP Lê Minh MC bị UBND TP.HCM xử phạt hành chính 125 triệu đồng. 

Ngày 30/12, thông tin từ UBND TP.HCM cho biết, cơ quan này vừa ra Quyết định số 5180/QĐ-XPVPHC về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng nhà và công sở đối với Công ty CP Lê Minh M.C (Công ty Lê Minh M.C), chủ đầu tư chung cư Trương Đình Hội, phường 16, quận 8. 
 
Công ty Lê Minh M.C đã có hành vi vi phạm bàn giao không đầy đủ kinh phí bảo trì phần sở hữu chung tại chung cư Trương Đình Hội. Cụ thể, vào tháng 5/2019 Công ty Lê Minh M.C báo cáo tổng kinh phí bảo trì của chung cư này là 4,129 tỷ đồng, tổng tiền đã chi cho ban quản trị chung cư gần 1,2 tỷ đồng. 
 
Tuy nhiên, theo báo cáo của Ban quản trị chung cư Trương Đình Hội vào tháng 7/2019, tổng kinh phí bảo trì của chung cư là 4,242 tỷ đồng. Chủ đầu tư này đã bàn giao và chuyển cho ban quản trị số tiền gần 1,2 tỷ đồng. 



“Chây ỳ” bàn giao phí bảo trì, chủ đầu tư chung cư Trương Đình Hội bị xử phạt. 

Với hành vi không bàn giao đầy đủ phí bảo trì cho ban quản trị chung cư, Công ty Lê Minh M.C bị xử phạt hành chính số tiền 125 triệu đồng. UBND TP.HCM buộc chủ đầu tư bàn giao toàn bộ phí bảo trì còn thiếu cho ban quản trị. Trường hợp Công ty Lê Minh M.C không tự giác chấp hành sẽ bị cưỡng chế thi hành. 
 
“Tổ chức vi phạm phải nghiêm chỉnh chấp hành quyết định xử phạt này, nếu không chấp hành sẽ bị cưỡng chế thi hành bằng hình thức khấu trừ lương/thu nhập/tài khoản, kê biên tài sản theo quy định…”, quyết định xử phạt của UBND TP.HCM nêu rõ. 
 
Công ty Lê Minh M.C có trụ sở chính tại số 24, đường số 24, phường 11, quận 6. Doanh nghiệp này được thành lập từ tháng 1/2008, người đại diện theo pháp luật là ông Nguyễn Thiện Nhân. 
 
Liên quan đến việc bàn giao phí bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư, lãnh đạo Sở Xây dựng TP.HCM từng đánh giá việc cưỡng chế các chủ đầu tư rất khó khăn. Nguyên nhân do các chủ đầu tư nhà chung cư không hợp tác, không còn tiền trong tài khoản ngân hàng hoặc có trường hợp doanh nghiệp ngưng hoạt động, bỏ trốn.
 
Trong năm 2018, Sở Xây dựng TP.HCM nhận được phản ánh của 31 ban quản trị chung cư liên quan đến việc chủ đầu tư không bàn giao, bàn giao không đầy đủ phí bảo trì phần sở hữu chung. Sở đã tham mưu cho UBND Thành phố ban hành quyết định xử phạt đối với 6 chủ đầu tư có hành vi vi phạm trong việc bàn giao phí bảo trì phần sở hữu chung, gồm: Chung cư New Town (quận Thủ Đức), New Sài Gòn (huyện Nhà Bè), Hưng Ngân (quận 12), Hoàng Anh River View (quận 2), Trung Đông Plaza (quận Tân Phú), Phú Hoàng Anh (huyện Nhà Bè).
 
Sở Xây dựng kiến nghị điều chỉnh quy định pháp luật về nội dung cưỡng chế chủ đầu tư giao phí bảo trì 2% phần sở hữu chung nhà chung cư cho ban quản trị theo hướng các bên có thể khởi kiện ra toà theo luật dân sự.


(Theo VietNamNet) Phương Anh Linh

Phạt 125 triệu chẳng khác nào kiến đốt inox! Hơn 4 tỷ đồng gửi tiết kiệm mức 7%/năm đã có hơn 280 triệu, nộp xong còn lãi chán!
Thương Giang

Nhiều biệt thự biến mất... trên giấy: Vì sao loại bỏ nhiều căn biệt thự?

Cập nhật lúc 09:08      


TP HCM hiện còn hơn 1.000 căn biệt thự chưa được thẩm định, đánh giá khiến chủ nhà và cơ quan quản lý gặp nhiều khó khăn.

Chiều 30/12, lãnh đạo UBND quận 1 và quận 3 (TP HCM) đã có phản hồi liên quan đến bài viết "Nhiều biệt thự biến mất... trên giấy!" đăng Báo Người Lao Động số ra ngày 30/12/2019.
Nhận thiếu sót
Trao đổi với phóng viên, ông Lưu Trung Hòa, Phó Chủ tịch UBND quận 1, thừa nhận quận có sai sót trong quá trình phân loại các biệt thự cũ xây dựng trước năm 1975. "Hiện quận đang cho thu hồi lại văn bản gửi Viện Nghiên cứu phát triển (NCPT) TP về hiện trạng các biệt thự cũ xây dựng trước năm 1975 và sẽ tiến hành rà soát thật kỹ vấn đề này" - ông Hòa thông tin.

Biệt thự số 143-145 Nam Kỳ Khởi Nghĩa còn có địa chỉ là số 14 Võ Văn Tần, quận 3, TP HCM Ảnh: LÊ PHONG

Tại quận 3, trong báo cáo kiểm kê gửi Viện NCPT TP của UBND quận hồi tháng 10/2019 có liệt kê hàng loạt căn biệt thự cũ xây dựng trước năm 1975, trong đó nhiều căn được báo cáo "không tồn tại địa chỉ" hoặc "không tồn tại" nhưng Hội đồng Phân loại biệt thự (HĐPLBT) TP kiểm tra thì phát hiện chúng vẫn tồn tại (Báo Người Lao Động đã phản ánh). Về vấn đề này, ông Trần Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND quận 3, khẳng định: "Trong danh sách 127 biệt thự mà Viện NCPT TP gửi quận 3 để kiểm đếm, phân loại, quận đã phân loại 1 trường hợp, 21 trường hợp thuộc nhóm 2, 86 trường hợp thuộc nhóm 3 và 19 trường hợp loại bỏ khỏi danh sách do nhà đã xây mới, không có địa chỉ theo danh sách, hiện trạng là nhà phố… Về 3 biệt thự số 143-145 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phường 6; số 204D Điện Biên Phủ, phường 7 và số 1 Bà Huyện Thanh Quan, phường 6 thật ra không mất đi mà chỉ… khác về mặt địa chỉ. Nhà số 1 Bà Huyện Thanh Quan thật ra là số 208 Nguyễn Thị Minh Khai; căn biệt thự 143-145 Nam Kỳ Khởi Nghĩa thuộc hệ thống khách sạn Victory - số 14 Võ Văn Tần".
Ông Bình nói thêm để phân loại đánh giá biệt thự thì tiêu chí nguyên bản và sự trọn vẹn của một thửa đất quyết định đến tính khả thi trong việc giữ gìn biệt thự. Hơn nữa, việc phân loại, công tác giữ gìn biệt thự cũng gặp nhiều khó khăn bởi tính khả thi trong giữ gìn biệt thự phụ thuộc rất nhiều vào hình thức sở hữu.
Khó phân loại và xếp loại
Giải đáp thắc mắc về việc hơn 560 căn biệt thự cũ trên địa bàn TP bị loại bỏ trong thời gian qua, đại diện Sở Quy hoạch - Kiến trúc (QH-KT) TP HCM cho biết nguyên nhân vì giấy tờ và thực tế khác nhau. Khái niệm "biệt thự" mà Bộ Xây dựng đưa ra nêu rõ: Căn nhà có quy mô dưới 4 tầng, khuôn viên sân trước, sân sau và lối đi đủ rộng. Đối chiếu với danh sách 1.400 căn biệt thự được liệt kê thì rất nhiều căn hiện nay đã biến dạng.
"Từ giấy tờ bước ra thực tế rất khác xa. Nếu xếp loại biệt thự chỉ vì "nguồn gốc đất là biệt thự" thì dễ bị khiếu kiện, khiếu nại" - đại diện Sở QH-KT TP nói và cho rằng lý do các quận - huyện loại bỏ nhiều căn biệt thự theo danh sách Sở Xây dựng TP và Viện NCPT TP đưa ra do căn cứ hiện trạng thực tế.
Một chuyên viên Phòng Quản lý đô thị quận 1, TP HCM thừa nhận việc kiểm kê, đánh giá biệt thự hiện mang tính cảm tính. Đơn cử trường hợp căn biệt thự số 68 Sương Nguyệt Anh (quận 1) ban đầu được phân loại nhóm 2 (bảo tồn một phần) nhưng hiện trạng là căn nhà bê-tông xây dựng trước năm 1975 trên nền đất quy hoạch là biệt thự. Từ đó, chủ nhà làm đơn khiếu nại đến UBND TP, chính những thành viên HĐPLBT TP đã phải trả lại quyền lợi đúng với kiến trúc đang tồn tại ở công trình này.
"Chúng tôi cũng đau đầu khi phân loại và xếp loại một số căn biệt thự. Chẳng hạn số 132-134 Sương Nguyệt Anh hiện chỉ là căn nhà bê-tông 2 tầng xây dựng hàng chục năm. Về kiến trúc không đặc biệt nhưng đang bị xếp nhóm 2. Nhiều chủ nhà đang tập hợp hồ sơ khiếu nại tập thể. Vì vậy, nếu công tác thẩm định không bảo đảm thì sẽ phát sinh nhiều chuyện" - chuyên viên Phòng Quản lý đô thị quận 1 phân trần.
Kiến trúc sư Trần Vĩnh Nam nhìn nhận để tránh sai sót và khiếu nại sau này, cần đánh giá lại tổng thể bức tranh hiện trạng trước kia và hiện nay; loại bỏ những căn biệt thự bị chia cắt, có dấu hiệu sụp đổ, tập trung sắp xếp lại các căn biệt thự nhóm 1, nhóm 2. "Việc đánh giá tập trung từng nhóm có thể rút ngắn thời gian, hạn chế công việc cần kiểm kê, tránh việc xuống cấp nhưng cũng không xâm hại quyền lợi người dân" - kiến trúc sư Trần Vĩnh Nam nói.
Mới đây, Viện NCPT TP đã trình UBND TP HCM giải pháp bảo đảm quyền lợi của người dân sở hữu biệt thự cổ, đó là áp dụng cơ chế "chuyển quyền phát triển bất động sản". Nghĩa là chủ sở hữu có quyền bán hoặc chuyển nhượng cho một đối tác khác có khả năng tiếp nhận.
Còn bất cập và chậm trễ
Liên quan đến vấn đề phân loại biệt thự cũ, mới đây, HĐND TP HCM đã có đánh giá về việc bảo tồn di sản và cảnh quan kiến trúc đô thị trên địa bàn TP.
Theo đó, việc bảo tồn cảnh quan kiến trúc đô thị có giá trị di sản của TP chủ yếu vẫn dựa vào khung pháp lý như Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch đô thị, Luật Di sản văn hóa và các văn bản liên quan. Song quá trình áp dụng thực tế còn nhiều bất cập và chậm trễ dẫn đến sự biến mất của nhiều giá trị vốn có và làm thay đổi cảnh quan kiến trúc. Thêm vào đó là nhu cầu xây nhà cao tầng ở các khu đất "vàng" trên địa bàn Quận 1 và 3.
Trong khi đó, sự phối hợp giữa các cơ quan liên quan còn chậm, chưa đồng bộ, kéo dài nhiều năm gây trở ngại, bức xúc cho người dân. Công tác thẩm định, kiểm kê, phân loại biệt thự chậm làm ảnh hưởng đến việc cải tạo, sửa chữa, xây dựng lại biệt thự cũ - nhu cầu chính đáng của chủ sở hữu; ảnh hưởng việc quản lý của địa phương và sự phát triển chung của TP, đặc biệt là phát triển du lịch.
Bên cạnh đó, công tác phân loại biệt thự cũ của HĐPLBT TP còn gặp khó khăn do thiếu kinh phí, không có hồ sơ lưu trữ, khó nhận diện các biệt thự đã bị biến dạng...
Do đó, HĐND TP đề nghị UBND TP đánh giá hiệu quả triển khai thực hiện Quyết định số 33/2018 về ban hành tiêu chí đánh giá, phân loại biệt thự cũ trên địa bàn TP; đẩy nhanh tiến độ rà soát, thống kê, phân loại biệt thự nhằm xác định, giữ gìn các biệt thự cũ cần bảo tồn (thuộc nhóm 1, nhóm 2); đồng thời tạo điều kiện cho chủ sở hữu các biệt thự cũ nhóm 3 có thể tháo dỡ xây dựng mới.
(Theo Người lao động) Lê Phong - Phan Anh

Mở rộng điều tra vụ án Nhật Cường: Khuất tất gói thầu 43 tỷ đồng

Cập nhật lúc 08:44    
 Việc ông Nguyễn Văn Tứ - Chánh Văn phòng Thành ủy Hà Nội vừa bị khởi tố, bắt tạm giam được xác định liên quan vi phạm tại thời điểm ông này làm Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư(KH&ĐT) Hà Nội từ năm 2016. Lãnh đạo Sở KH&ĐT Hà Nội thời điểm ấy đã phê duyệt gói thầu “Số hóa tài liệu hồ sơ đăng ký doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2016”, với giá trị gần 43 tỷ đồng.


Hệ thống tuyển sinh đầu cấp do Nhật Cường Software xây dựng

Bị đột ngột yêu cầu dừng mở thầu

Cụ thể, từ 15/4/2016, Sở KH&ĐT Hà Nội đã triển khai thông báo mời thầu gói thầu “Số hóa tài liệu hồ sơ đăng ký doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2016”. Thời gian phát hành hồ sơ mời thầu từ 9h ngày 21/4/2016 đến trước 10h ngày 16/5/2016. Hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước. Đến trước thời điểm đóng thầu đã có 6 nhà thầu mua hồ sơ dự thầu và có 4 nhà thầu đến nộp hồ sơ dự thầu, đủ điều kiện để mở thầu theo quy định.

Tuy nhiên, Báo cáo Sở KH&ĐT Hà Nội nêu: “Sở đã dự kiến tổ chức mở thầu và xét thầu sau đó theo quy định, tuy nhiên cùng lúc đó nhận được ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND thành phố về việc tạm dừng đối với gói thầu trên, Sở đã thông báo tới các nhà thầu về việc tạm dừng triển khai lựa chọn nhà thầu gói thầu Số hóa tài liệu hồ sơ đăng ký doanh nghiệp trên địa bàn thành phố năm 2016”.

Sau đó, Sở KH&ĐT Hà Nội đề nghị UBND thành phố xem xét, cho phép tiếp tục triển khai thực hiện đối với gói thầu số hóa tài liệu năm 2016 để đảm bảo thời gian thực hiện.

Ngày 14/6/2016, UBND thành phố Hà Nội có văn bản phúc đáp chấp thuận đề xuất của Sở KH&ĐT về việc tiếp tục triển khai lựa chọn nhà thầu cho gói thầu nêu trên.

Tuy nhiên, trong thời gian chờ mời thầu trở lại, Công ty TNHH giải pháp phần mềm Nhật Cường (còn gọi Nhật Cường Software do ông Bùi Quang Huy- hiện đang bị truy nã quốc tế, làm chủ-PV) đã đề nghị Sở KH&ĐT thực hiện thí điểm số hóa hồ sơ đăng ký doanh nghiệp. Công việc thí điểm chính là nội dung gói thầu đã bị tạm dừng trước đó dù Sở KH&ĐT đã thông báo mời thầu, có nhà thầu nộp hồ sơ.

Tháng 8/2016, Sở KH&ĐT có văn bản đề xuất Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho phép Nhật Cường Software thực hiện thí điểm số hóa hồ sơ đăng ký doanh nghiệp của Sở theo giải pháp kỹ thuật công nghệ doanh nghiệp đề xuất và thực hiện miễn phí. Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đã đồng ý với đề xuất trên.

Ngày 20/9/2016, Nhật Cường Software có báo cáo kết quả số hóa giai đoạn 1. Theo đó, công ty này mới hoàn thành được việc scan văn bản, chưa hoàn thành xây dựng công cụ đồng bộ tự động để cập nhật số hồ sơ sau khi được scan lên Hệ thống thông tin đăng ký kinh doanh quốc gia theo quy định.

Cuối năm 2016, Sở KH&ĐT Hà Nội tiếp tục mở lại gói thầu nhưng bổ sung thêm “yêu cầu về giải pháp, tiêu chuẩn kỹ thuật số hóa tài liệu đã được thực hiện thí điểm thời gian qua”. Việc bổ sung thêm điều kiện “kinh nghiệm” trong lần mở thầu này giúp doanh nghiệp Nhật Cường thắng thầu.

Theo hợp đồng kinh tế về “Gói thầu: Số hóa tài liệu hồ sơ đăng ký doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội” của Sở KH&ĐT năm 2016 được ký ngày 26/12/2016 giữa 3 bên là Sở KHĐT Hà Nội ; Công ty TNHH và dịch vụ kỹ thuật Nhật Cường (doanh nghiệp này cũng của Bùi Quang Huy-PV); Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Đông Kinh. Giá trị hợp đồng là gần 43 tỷ đồng bao gồm toàn bộ chi phí vận hành, vận chuyển, hỗ trợ, chuyển giao các loại thuế, phí, lệ phí theo quy định của Nhà nước.

Thời gian thực hiện hợp đồng là 265 ngày. Tuy nhiên Sở KH&ĐT đã nhiều lần gia hạn, liên danh Công ty TNHH và dịch vụ kỹ thuật Nhật Cường - Công ty Đầu tư và Phát triển Đông Kinh được “ưu ái” kéo dài thời gian thực hiện gói thầu gấp đôi so với hợp đồng.

UBND Hà Nội cung cấp gì cho cơ quan điều tra

Không chỉ có gói thầu kể trên, doanh nghiệp phần mềm non trẻ mới hoạt động chính thức từ 2016 của Bùi Quang Huy còn trúng thầu nhiều dự án lớn về công nghệ của Hà Nội.

Tương tự, Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Đông Kinh cũng trúng hàng loạt gói thầu số hóa dịch vụ công của nhiều bộ, ngành.

Trước đó, UBND thành phố Hà Nội đã có văn bản gửi Cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) về việc cung cấp tài liệu phục vụ công tác điều tra vụ án liên quan Nhật Cường Software và Công ty TNHH và dịch vụ kỹ thuật Nhật Cường.

Theo đó, trên cơ sở kết quả triển khai đạt yêu cầu đặt hàng của thành phố, phiên bản phần mềm năm 2016 đã được Sở TT&TT ký kết hợp đồng số 68/2016/NHATCUONG-STTTT.

Trong đó, các nội dung đã thực hiện gồm: Cổng dịch vụ công trực tuyến; Dịch vụ công trực tuyến mức độ 3: 7 nhóm dịch vụ công khai sinh, khai tử; Phần mềm ngành giáo dục: Tuyển sinh trực tuyến đầu cấp, sổ liên lạc điện tử có kết nối, khai thác dữ liệu từ cơ sở dữ liệu dân cư của Công an thành phố Hà Nội.

Ngày 28/12, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố bị can, bắt tạm giam, thực hiện khám xét nơi ở và nơi làm việc với ông Nguyễn Văn Tứ, Chánh Văn phòng Thành ủy Hà Nội, nguyên Giám đốc Sở KH&ĐT Hà Nội và Phạm Thị Thu Hường, Chánh Văn phòng Sở KH&ĐT Hà Nội. Cả hai bị can cùng bị điều tra về tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, theo khoản 3 điều 222 Bộ luật Hình sự năm 2015.
(Theo Tiền Phong) Trần Hoàng

Lộ clip nhạy cảm: Chớ dại mà 'xin cái link'

Cập nhật lúc 08:36    


Những ngày gần đây, dư luận xôn xao vụ việc nữ ca sĩ H. bị phát tán clip riêng tư trên mạng. Xung quanh những sự việc tương tự, pháp luật sẽ điều chỉnh ra sao?




Với trường hợp của ca sĩ H., các hình ảnh được phát tán này là những hình ảnh rất riêng tư của ca sĩ trong phòng riêng. Sau khi clip được đăng tải và được chia sẻ, bàn tán trên mạng, ca sĩ đó đã có biểu hiện suy sụp tinh thần và cho rằng các hình ảnh ấy bị hack từ chính camera an ninh trong nhà cô.
Người trong hay ngoài cuộc đều phạm pháp
Dư luận đang ồn ào theo nhiều hướng giả thuyết khác nhau về nguồn cơn việc clip này được tung ra. Cơ quan chức năng sẽ tìm ra ai là người phát tán clip, nhưng dù người phát tán clip đó là ai thì họ cũng đang vi phạm pháp luật Việt Nam vì "phát tán những hình ảnh đồi trụy trên mạng".
Luật sư Giang Hồng Thanh (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng: "Nếu những đoạn video đó bị thu thập và đăng tải mà không có sự đồng ý của ca sĩ, người đăng tải có dấu hiệu vi phạm hai tội danh được quy định trong Bộ luật hình sự (BLHS), đó là tội "làm nhục người khác" và tội "xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác". Theo đó, điều 155 BLHS quy định tội làm nhục người khác có thể bị xử phạt đến 3 năm tù.
Còn luật sư Nguyễn Đức Chánh (Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng người có hành vi xâm nhập vào hệ thống camera an ninh của nhà nữ ca sĩ để lấy cắp dữ liệu camera có dấu hiệu vi phạm tội "xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác" theo điều 289 BLHS 2015.
Theo đó, người nào cố ý vượt qua cảnh báo, mã truy cập, tường lửa, sử dụng quyền quản trị của người khác hoặc bằng phương thức khác xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác có thể bị phạt đến 5 năm tù.
Luật sư Giang Hồng Thanh nói rằng nếu bị xem xét hai tội danh này thì người cố tình xâm nhập, phát tán clip có thể phải đối mặt với mức án đến 8 năm tù.
Chia sẻ clip nhạy cảm, coi chừng bị tội
Thông thường khi trên mạng xã hội lan truyền một đoạn clip riêng tư hoặc một tấm ảnh của người nổi tiếng (hoặc không nổi tiếng), cộng đồng mạng sẽ chia sẻ, gửi cho nhau xem và đưa ra những lời bình luận nhắm về phía người bị lộ lọt những hình ảnh, clip đó.
Những người "hăng hái" chia sẻ, bình phẩm còn có nhiều lời xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm của nạn nhân. Thậm chí không ngại hỏi nhau: Xin cái link!
Người dùng mạng xã hội không đăng link đó lên trang cá nhân của mình, nhưng lại ngấm ngầm gửi riêng cho nhau hoặc đăng ở phần bình luận. Do đó, người dùng khác dễ dàng tìm kiếm và phát tán các clip này cho cộng đồng mạng xã hội.
Nếu không được gỡ xuống, các clip này sẽ lan truyền nhanh tùy thuộc vào mức độ nổi tiếng của nạn nhân. Trong trường hợp này, nếu nạn nhân cảm thấy xấu hổ, xúc phạm đến mức "không muốn sống nữa" thì người dùng mạng xã hội đang tham gia vào việc phát tán các clip có tính chất "làm nhục người khác", cũng vi phạm pháp luật và có thể bị xử phạt hành chính.
Cụ thể việc xử phạt này quy định ở điều 66 nghị định số 174/2013/NĐ-CP ngày 13-11-2013, người vi phạm sẽ bị xử phạt đến 20 triệu đồng cho hành vi vi phạm quy định về lưu trữ, cho thuê, truyền đưa, cung cấp, truy nhập, thu thập, xử lý, trao đổi và sử dụng thông tin.
Tự phát tán: coi chừng lãnh 3 năm tù
Theo luật sư Nguyễn Đức Chánh, nếu clip chính do "nạn nhân" tự tung ra thì "nạn nhân" cũng không tránh khỏi hành vi vi phạm pháp luật.
Cụ thể, hành vi của người phát tán clip có hình ảnh "nhạy cảm" có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy", theo điều 326 BLHS 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) với mức phạt đến 3 năm tù.
Điều luật này quy định: Người nào làm ra, sao chép, lưu hành, vận chuyển, mua bán, tàng trữ nhằm phổ biến sách, báo, tranh, ảnh, phim, nhạc hoặc những vật phẩm khác có nội dung khiêu dâm, đồi trụy hoặc hành vi khác truyền bá vật phẩm đồi trụy thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 10 - 100 triệu đồng; phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 0 tháng đến 3 năm.
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5 - 30 triệu đồng, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 - 5 năm.
(Theo Tuổi trẻ) HOÀNG ĐIỆP
 Thưởng hiện vật, ai vui, ai buồn?
Cập nhật lúc 08:12   
Từ khi con người phát minh ra đồng tiền thay thế hình thức vật đổi vật, vật đổi hàng hay hàng đổi hàng, đồng tiền đã trở nên phổ biến trong các quan hệ, giao dịch giá trị.
Đồng tiền đã và đang được hầu hết các quốc gia sử dụng trả lương, thưởng cho người lao động (NLĐ) dù nó có thể được biểu hiện bằng các hình thức mới (như tiền kĩ thuật số).

Ảnh minh họa

Theo Điều 103 Bộ luật Lao động năm 2012 thì tiền thưởng là khoản tiền mà người sử dụng lao động thưởng cho NLĐ căn cứ vào kết quả sản xuất kinh doanh hằng năm và mức độ hoàn thành công việc của NLĐ.
Tuy nhiên, trong Bộ Luật lao động mới thông qua năm 2019, Điều 104 quy định về “thưởng” thay vì chữ “tiền thưởng” có ý nghĩa như một “bước ngoặt”. Cụ thể, thưởng là số tiền hoặc tài sản hoặc bằng các hình thức khác mà người sử dụng lao động thưởng cho NLĐ căn cứ vào kết quả sản xuất, kinh doanh, mức độ hoàn thành công việc trong năm.
Không biết có quốc gia nào trên thế giới luật pháp quy định doanh nghiệp (DN) được trả thưởng hằng năm bằng hiện vật (tài sản và các hình thức khác)? Và hình thức mới này có gì văn minh, tiện lợi hơn đồng tiền? Sự “mở” của luật pháp đã cho phép DN vận dụng rất nhiều hình thức thưởng có lợi cho mình nhưng bất lợi cho NLĐ. Thưởng bằng tài sản bằng xe, nhà, vàng bạc… đã có nhưng chỉ là hi hữu. Việc thưởng bằng hiện vật “của nhà làm ra” từng gây nên chuyển “dở khóc dở cười”. Có người từng nêu giả thuyết nếu một công ty sản xuất phân bón do hàng hóa tồn kho, ế ẩm cuối năm đành trả thưởng bằng hiện vật phân bón thì NLĐ sẽ sử dụng phần thưởng ấy thế nào, nhất là dịp năm hết tết đến?
Có câu “một trăm tiền công không bằng một đồng tiền thưởng”. NLĐ được nhận đồng tiền thưởng không chỉ vui vì giá trị phần thưởng mà còn coi đó như một sự ghi nhận của chủ sử dụng lao động với công lao, đóng góp của mình cho DN. Luật pháp không bắt buộc DN phải thưởng cuối năm mà đây như sự tri ân của DN, động viên NLĐ tiếp tục nỗ lực đồng hành để DN phát triển. Doanh nghiệp làm tốt điều này sẽ phát huy được năng lực, trí tuệ và nỗ lực của NLĐ, đó là nền tảng tạo nên lợi nhuận cho DN đồng thời tiếp tục thu hút lực lượng lao động có chất lượng cao.
Tuy nhiên không phải DN nào cũng nhận thức được vấn đề này. Có không ít DN chỉ coi thưởng cuối năm như một nghĩa vụ phải làm, lo lợi nhuận giảm sút vì chi phí khen thưởng. Có DN làm ăn khấm khá nhưng không muốn tăng trần mức lương chung mà “gom lại”, cuối năm dùng nguồn đó trích thưởng để lấy tiếng. Với những DN dạng này thì điều luật mới đã thực sự giúp họ dễ dàng có những cách thưởng “đối phó” với NLĐ. Và chuyện thưởng tết bằng phân bón, giấy vệ sinh… là hoàn toàn có thể!


Ảnh minh họa
Đến năm 2021 Điều 104 của Bộ Luật lao động 2019 mới có hiệu lực song nó đã nhận được những ý kiến trái chiều và sự lo ngại của NLĐ. Ai vui, ai buồn khi thưởng bằng hiện vật xem ra đã rõ, dù pháp luật chưa đi vào cuộc sống!/.
(Theo Báo Người cao tuổi) Đinh Hoàng

Thứ Hai, 30 tháng 12, 2019

Oái oăm chuyện ông Ngô Văn Tuấn ở Thanh Hóa

Cập nhật lúc 16:02                                  

Ông Ngô Văn Tuấn từng bị cách chức vì những sai phạm khi còn làm Giám đốc Sở Xây dựng Thanh Hóa, trong đó có việc “nâng đỡ không trong sáng” bà Trần Vũ Quỳnh Anh.




Ông Ngô Văn Tuấn (phải), cựu phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa

Mấy hôm nay, dư luận ở Thanh Hóa lại được một phen xôn xao khi ông Ngô Văn Tuấn, cựu Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, hiện là Tổ trưởng Tổ giúp việc của Ban Chỉ đạo quy hoạch xây dựng phát triển đô thị - nhà ở (thuộc UBND tỉnh Thanh Hóa) lại gửi đơn xin chuyển công tác.
Khác với lần trước, lần này ông Tuấn đề đạt nguyện vọng được chuyển sang làm Phó ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng - công nghiệp (thuộc UBND tỉnh Thanh Hóa) - vị trí tương đương với phó giám đốc sở. Điều đó cho thấy, không những ông Tuấn muốn chuyển công tác mà ông còn xin được… thăng chức. Còn nhớ, tháng 1.2018, ông Ngô Văn Tuấn bị Thủ tướng ký quyết định cách chức Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa vì những sai phạm mà ông này mắc phải khi còn làm Giám đốc Sở Xây dựng Thanh Hóa, trong đó có việc “nâng đỡ không trong sáng” bà Trần Vũ Quỳnh Anh hết sức tai tiếng.
Sau khi bị kỷ luật, ông Tuấn được sắp xếp làm Tổ trưởng Tổ giúp việc của Ban Chỉ đạo quy hoạch xây dựng phát triển đô thị - nhà ở.
Đến tháng 3.2019, ông Tuấn xin quay lại Sở Xây dựng Thanh Hóa công tác. Ngay sau khi ông Tuấn hết thời hạn kỷ luật (1 năm), ở Sở Xây dựng Thanh Hóa đã có những động thái “lạ” khi ông Trần Xuân Hoàn, Chánh văn phòng sở (tương đương trưởng phòng) tự nguyện làm đơn xin xuống làm Phó thanh tra Sở (tương đương phó phòng).
Tiếp đó ông Đào Vũ Việt, Giám đốc Sở Xây dựng Thanh Hóa ra văn bản xin được tiếp nhận ông Tuấn về Sở và bổ nhiệm ông làm Chánh văn phòng Sở Xây dựng vào ngày 29/3 - “chiếc ghế” mà ông Hoàn vừa tự nguyện xin thôi ngồi.
Khi dư luận đang đến hồi gay cấn, thì đùng một cái chiều 2.4, ông Tuấn gửi đơn lên Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa xin quay trở lại Ban Chỉ đạo quy hoạch và xây dựng phát triển đô thị và nhà ở, vì “ảnh hưởng của dư luận quá lớn”.
Vài giờ đồng hồ sau, ông Đào Vũ Việt, Giám đốc Sở Xây dựng Thanh Hóa phải ra quyết định hủy bỏ quyết định bổ nhiệm ông Tuấn mà ông vừa ký...
Diễn tiến vụ việc liên quan đến ông Tuấn cho đến thời điểm hiện tại cho thấy, câu chuyện như “một sự cười cợt” vào công tác cán bộ của tỉnh Thanh Hóa.

(Theo Thanh Niên) Ái Châu

Tổng bí thư, Chủ tịch nước dự hội nghị Chính phủ với địa phương

Cập nhật lúc 09:29 

 

Sáng nay 30-12, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương khai mạc, chỉ còn chưa đầy 2 ngày trước khi kết thúc năm bứt phá 2019.



Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Thường trực Ban bí thư Trần Quốc Vượng cùng lãnh đạo nhiều cơ quan Trung ương tham dự hội nghị - Ảnh: VGP

Tổ chức thường niên vào dịp cuối năm, Hội nghị Chính phủ với địa phương sẽ đánh giá, tổng kết lại 1 năm đã qua và quan trọng hơn, đề ra nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để hoàn thành các mục tiêu phát triển mà Quốc hội giao.
Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Thường trực Ban bí thư Trần Quốc Vượng cùng lãnh đạo nhiều cơ quan Trung ương tham dự hội nghị

Những năm gần đây, Tổng bí thư, Chủ tịch nước đến dự hội nghị, phát biểu chỉ đạo, định hướng phấn đấu cho cả bộ máy. Tại Hội nghị năm 2018, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã nhấn mạnh tinh thần chung của năm 2019 là phải quyết liệt hơn, sáng tạo hơn, đạt được kết quả tổng thể cao hơn năm 2018. 


Ảnh: VGP


Toàn cảnh hội nghị - Ảnh: VGP
Đạt 12/12 chỉ tiêu, không ngủ quên trên vòng nguyệt quế
Mở đầu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng sự tham dự của Tổng bí thư, Chủ tịch nước và có bài phát biểu chỉ đạo là sự khích lệ to lớn để đạt được những kết quả thắng lợi của đất nước trong thời kỳ tới. Thủ tướng cũng gửi lời cảm ơn tới sự quan tâm tham dự của các lãnh đạo Đảng, Nhà nước tại hội nghị quan trọng này.
Báo cáo về tình hình năm 2019, Thủ tướng cho rằng thành quả có được thể hiện ý chí và quyết tâm mới: Đó là những lo ngại về quy mô kinh tế khó có thể tăng trưởng nhanh nhưng thực tế đã đạt được mức tăng trưởng 7,02%, cho thấy "quy mô càng lớn tăng trưởng càng khó khăn nhưng không phải là không đạt được.
Phân tích thêm, Thủ tướng nói năm 2019 không chỉ đạt tăng trưởng nhanh hàng đầu khu vực và thế giới mà còn giữ được nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định, trong bối cảnh thị trường tài chính toàn cầu biến động thì cán cân ngân sách thặng dư, nợ công giảm và quy mô xuất nhập khẩu hơn 517 tỉ USD, thặng dư gần 10 tỉ USD với bốn năm liên tiếp….
Cùng với đó, chất lượng tăng trưởng cải thiện rõ nét đó là năng suất lao động với đóng góp của yếu với các nhân tố tổng hợp tăng, tốc độ tăng năng suất lao động trên 6,2%, cao hơn nhiều nước trong khu vực, chỉ số phát triển bền vững tăng 3 bậc.
Với thông điệp không đánh đổi môi trường để tăng trưởng, Thủ tướng nhấn mạnh nhiều địa phương cũng đã lồng ghép trụ cột tăng trưởng với phát triển toàn diện, bền vững.
Cùng với sự phát triển của các thành phố đầu tàu giữ vai trò động lực, nhiều địa phương khác cũng thể hiện vai trò quan trọng trong phát triển đất nước. Chương trình xây dựng nông thôn mới đạt nhiều kết quả có ý nghĩa, thay đổi bộ mặt nông thôn và tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh, diện mạo đô thị hiện đại, tính cạnh tranh nâng lên.
"Có thể nói 2019 là năm đáng nhớ khi là năm thứ hai liên tiếp đạt 12 chỉ tiêu, hầu hết các lĩnh vực đều được tăng cường, đáp ứng tốt nghuyện vọng và niềm tin của nhân dân. Thành quả được ghi nhận bởi các tổ chức quốc tế hàng đầu với dự báo triển vọng của Việt Nam trong năm 2020, góp phần nâng cao uy tín Việt Nam trên trường quốc tế" - Thủ tướng gửi lời cảm ơn tới từng người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã, cán bộ công chức, viên chức đã nỗ lực cố gắng trong năm qua.
Trong năm 2020 phải tạo việc làm cho hơn 1,1 triệu người, đến năm 2025 là 5 triệu người là thách thức lớn cho Chính phủ và địa phương, Thủ tướng cho rằng đóng góp lớn cho tăng trưởng hằng năm sẽ là khu vực lao động tăng thêm này. Do đó, Thủ tướng nhấn mạnh cần trao cơ hội việc làm tăng thêm, thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo để tạo giá trị gia tăng và tăng trưởng của đất nước.
Là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, với quan điểm nhất quán "không để ai bị bỏ lại phía sau", Thủ tướng cho rằng cần tiếp tục duy trì tăng trưởng cao trong 2 tập niên tới để đưa Việt Nam thành nước có thu nhập cao. Do đó, yêu cầu đặt ra là "không ngủ quên trên vòng nguyệt quế" như Tổng bí thư đã nêu.
Tăng thêm cơ hội việc làm, thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo
Trong bối cảnh tình hình mới khi Việt Nam là nước chủ tịch ASEAN và là năm kỷ niệm nhiều sự kiện quan trọng đất nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu cần làm việc với tinh thần trách nhiệm cao nhất trước Đảng và nhân dân. Theo đó, những thảo luận cần tập trung đi thẳng vào vấn đề của từng địa phương, từng ngành, các vấn đề có tính liên ngành, liên vùng, nhân rộng các mô hình hay để tạo được sự chuyển biến rõ nét trong năm 2020.
Đồng thời các bộ trưởng, trưởng ngành cần giải trình và làm rõ thêm các vấn đề mà địa phương nêu, gắn với xác định trọng tâm trong chỉ đạo điều hành, tập trung 9 nhóm vấn đề: Trước hết là tiếp nối và phát huy cao hơn nữa các thành tích, thành quả đạt được, đạt mục tiêu cao, thành tích ấn tượng và toàn diện hơn nữa.
Hai là tháo gỡ rào cản môi trường kinh doanh, sửa đổi ngay bất cập cơ chế chính sách pháp luật như chỉ số tiếp cận kinh doanh, thương mại biên giới, bảo vệ nhà đầu tư, nộp thuế… Nếu vướng mắc pháp luật phải chỉ ra điều nào, khoản nào, không được nói chung chung.
Ba là khơi thông hơn đột phá chiến lược, thể chế, hạ tầng, thúc đẩy sáng tạo và khởi nghiệp, phát huy tinh thần dám nghĩ dám làm, kiểm soát nhũng nhiễu, chi phí không chính thức, tham nhũng vặt…
Bốn là cần chỉ ra động lực mới cho tăng trưởng ở từng địa phương, từng ngành, tận dụng hiệu quả Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, tìm kiếm động lực tăng trưởng mới như kinh tế ban đêm…
Năm là quy mô kinh tế Việt Nam tăng 4 lần và dự báo tăng thêm, nên làm thế nào tạo nền tảng phát triển, đổi mới sáng tạo tiếp tục thăng hạng cao hơn.
Sáu là tạo đột phá gì cho phân cấp phân quyền, phân việc địa phương để thúc đẩy hành động sáng tạo.
Bảy là làm thế nào thực hiện chủ trương tốt của đảng phát triển văn hóa, đảm bảo công bằng xã hội, cân bằng với phát triển kinh tế, nhân rộng mô hình hiệu quả, không để ai bị bỏ lại phía sau.
Tám là tăng cường nguồn lực an ninh quốc phòng tương xứng với nguồn lực đất nước, hạn chế thiên tai hạn hán.
Chín là đề xuất giải pháp chăm lo đời sống cán bộ các cấp, tinh giản biên chế, chi thường xuyên tiết kiệm, thực hiện có hiệu quả chỉ thị 35 về chọn người có đức có tài.
Năm cũ sắp qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các địa phương cần chăm lo đời sống và tết cho người dân, đặc biệt là người vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc.
Thủ tướng nhấn mạnh dân tộc ta là con cháu Lạc Hồng, nên cùng thảo luận trả lời câu hỏi đưa kinh tế xã hội Việt Nam bay cao hơn, xứng đáng với truyền thống.
(Theo Tuổi trẻ) NGỌC AN

Phạm Quỳnh Anh chia sẻ tình trạng hiện tại của Văn Mai Hương

Cập nhật lúc 09:16      
Giọng ca 'Xiêu lòng' vừa tiết lộ đoạn tin nhắn giữa cô và Văn Mai Hương. Hiện tại, tinh thần của nữ ca sĩ sinh năm 1994 đã ổn định trở lại sau vụ lộ clip nhạy cảm.

 Tối 28/12, trên trang cá nhân, ca sĩ Phạm Quỳnh Anh chia sẻ đoạn tin nhắn giữa cô và Văn Mai Hương. Giọng ca sinh năm 1984 dành những lời động viên, an ủi tới đàn em sau vụ việc bị phát tán video nhạy cảm tại nhà riêng, Văn Mai Hương tỏ ra xúc động.

Nữ ca sĩ cho biết hiện tình trạng của cô đã ổn định trở lại sau cú sốc vừa qua. "Em đỡ hơn rồi, tại hồi sáng em sốc, giờ ổn định rồi. Em cảm ơn chị. Thấy mọi người thương, em cũng xúc động lắm", Văn Mai Hương chia sẻ. 




Đoạn tin nhắn giữa Phạm Quỳnh Anh và Văn Mai Hương sau sự việc lộ clip nhạy cảm.

Đoạn tin nhắn giữa Phạm Quỳnh Anh và Văn Mai Hương khiến các fan phần nào bớt lo lắng cho tình hình của nữ ca sĩ.

Trước đó, hôm 28/12, mạng xã hội xôn xao thông tin Văn Mai Hương bị lộ hình ảnh thay trang phục tại nhà riêng. Theo đó, 5 video được cho là trích xuất từ camera ở nhà riêng của nữ ca sĩ bị tung lên mạng.

Theo thông tin hiển thị, những đoạn video này được ghi vào năm 2015, tức đã 4 năm trôi qua. Nhiều người thắc mắc không hiểu vì sao những hình ảnh đó lại bị tung ra ở thời điểm này.

Sau sự việc, giọng ca Hà thành tỏ ra buồn bã, mệt mỏi, thậm chí nghĩ tới cái chết. Một người bạn đăng ảnh chụp màn hình tin nhắn với nữ ca sĩ. Trong tin nhắn cô viết: “Bảo ơi em chỉ muốn chết thôi”.

 

Ca sĩ Văn Mai Hương buồn bã, mệt mỏi sau vụ việc bị phát tán video nhạy cảm tại nhà riêng.

Ở tin nhắn gửi một người bạn khác, Văn Mai Hương viết: “Sáng giờ em cũng buồn lắm nhưng giờ đỡ rồi. Mọi người cũng sang nhà em vì sợ em tự tử”.

Nhiều nghệ sĩ Việt như Trấn Thành, Dương Triệu Vũ, Jun Phạm, Á hậu Phương Nga… lên tiếng bảo vệ đồng nghiệp. Họ kêu gọi cộng đồng tôn trọng quyền riêng tư của mỗi cá nhân.

"Đề nghị pháp luật trừng phạt thật nặng những kẻ xấu, ác ý và vô ý thức đã làm tổn hại tinh thần cô bé một cách nặng nề như vậy. Thật buồn khi thấy có quá nhiều người hả hê giễu cợt về điều này mà không nghĩ là những điều bạn làm có thể sẽ đẩy người ta đến chỗ chết".

"Cầu cho em bình an và người hại em sớm chịu trừng phạt của pháp luật. Khi không làm được gì để giúp thì hãy giúp người ta bằng cách đừng làm gì trong riêng trường hợp này", ông xã Hari Won bày tỏ.

Theo Zing
.vn