Thứ Ba, 6 tháng 11, 2018

Từ tranh cãi Sữa học đường nhìn lại cuộc "đảo chính" mang tên sữa tiệt trùng

 Cập nhật lúc 16:12 


Chương trình Sữa học đường trên phạm vi cả nước sẽ tiêu thụ một lượng lớn sản phẩm sữa trong thời gian dài, sẽ có cạnh tranh giữa các nhóm lợi ích.

Ngày 26/10/2018, Báo Nhân Dân đăng bài phỏng vấn ông Trần Quang Vinh, nguyên Phó giám đốc Văn phòng Ban điều phối Đề án 641 về chương trình Sữa học đường. Ông Trần Quang Vinh được Báo Nhân Dân dẫn lời, cho biết:
"Khi triển khai Chương trình Sữa học đường trên phạm vi cả nước sẽ tiêu thụ một lượng lớn sản phẩm sữa trong khoảng thời gian dài, cho nên theo suy nghĩ cá nhân tôi chắc chắn sẽ có sự cạnh tranh lợi ích giữa các công ty sữa. 
Từ đó, có thể phát sinh nhiều hệ lụy nhằm móc nối, tranh giành quyền thực hiện chương trình. 
Vì thế, các cơ quan quản lý không nên để xảy ra tình trạng độc quyền cung cấp sản phẩm sữa cho một công ty nào, nên chú ý kiểm tra khâu sản xuất, chất lượng sản phẩm, thời hạn sử dụng, giá thành sản phẩm... 
Ngoài vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước, các nhà trường có vai trò rất quan trọng trong việc triển khai thực hiện nghiêm túc chương trình này." [1]
Nguy cơ móc nối, tranh giành độc quyền cung cấp sữa học đường
Chúng tôi thiết nghĩ lo lắng của ông Trần Quang Vinh là hoàn toàn có cơ sở, nguy cơ "móc nối, tranh giành" giữa các doanh nghiệp trong việc trở thành nhà cung cấp độc quyền Sữa học đường cho mỗi tỉnh / thành phố là có thật.
 
Hình minh họa, nguồn: Báo Nhân Dân.

Biểu hiện thứ nhất của nguy cơ này nằm ở những tranh cãi về sản phẩm sữa học đường phải là "sữa tươi" hay "các loại sữa dạng lỏng", bao gồm sữa tươi, sữa bột pha lại, sữa có nguồn gốc thực vật...
Biểu hiện thứ hai của nguy cơ này chính là những tranh cãi về việc có cần bổ sung "vi chất tăng chiều cao, phát triển trí tuệ" vào các sản phẩm sữa học đường hay không?
Quyền lợi của trẻ em / người tiêu dùng và nông dân chăn nuôi bò sữa đang được cả hai phía viện dẫn để bảo vệ quan điểm của mình;
Tuy nhiên, các bên đều mới "nhân danh" lợi ích người tiêu dùng, còn trên thực tế họ vẫn đứng trên lợi ích của doanh nghiệp cung cấp các sản phẩm sữa.
Hiệp hội Sữa Việt Nam cho rằng, cần đa dạng hóa các sản phẩm sữa cung cấp cho Chương trình Sữa học đường, bởi việc ban hành tiêu chuẩn duy nhất cho sữa tươi sẽ hạn chế sự lựa chọn (của người tiêu dùng) các loại sản phẩm sữa khác đảm bảo được mục tiêu Chương trình Sữa học đường đề ra.
Tuy nhiên, các loại sữa dạng lỏng khác rất đa dạng và có sự khác biệt rất lớn về giá cả nguyên liệu đầu vào so với sữa tươi, nhưng vì "nhập nhèm" tên gọi chung là "sữa tiệt trùng", đã khiến người tiêu dùng phải trả nhiều tiền hơn cho các sản phẩm sữa dạng lỏng pha lại từ sữa bột. [2]
Báo Dân Trí ngày 31/10/2018 tính toán, hiện nay, giá sữa bột gầy (là loại sữa sau khi phun sấy khô đã tách hết chất béo và mất một số vi chất dinh dưỡng do gia nhiệt) chỉ khoảng 1.700 USD/tấn. 
Sau khi nhập khẩu về, các loại sữa bột này được bổ sung thêm dầu thực vật, đường, hương vị và đóng gói. Tính chi phí trên 1 ly sữa bột pha lại chỉ hơn 2.000 đồng. [3]
Trên thực tế, giá bình quân 1 hộp "sưa tiệt trùng" trên thị trường hiện nay có giá khoảng 7 ngàn đồng;
Cho nên, nếu đa dạng hóa các sản phẩm cho chương trình Sữa học đường mà không minh bạch hóa tên gọi, định giá đúng sản phẩm, thì cả người tiêu dùng lẫn ngân sách đều bị thiệt hại.
Tại sao Hiệp hội Sữa Việt Nam muốn đa dạng hóa sản phẩm cung cấp cho Chương trình Sữa học đường, nhưng lại né tránh / phản đối minh bạch hóa tên gọi các loại sữa dạng lỏng? [4] [5]
Cuộc "đảo chính" tên gọi các loại sữa dạng lỏng
Tâm thư ngày 1/11/2018 của bà Thái Hương - Chủ tịch Công ty Cổ phần sữa TH trên Báo Trí Thức Trẻ, cho biết:
"Loại sữa dạng lỏng pha lại từ sữa bột chỉ là để đánh vào lòng tin của người tiêu dùng rằng đó cũng là một dạng sữa tươi vì sữa tươi tốt hơn sữa bột. 
Chính vì thế, đã có sự nhập nhèm khái niệm mấy chục năm qua dưới tên gọi là “sữa tiệt trùng” trong khi tiệt trùng chỉ là biện pháp công nghệ. 
Bộ Y tế đã từng ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 5-1:2017/BYT đối với các sản phẩm sữa dạng lỏng, phân biệt 4 nhóm sữa dạng lỏng là:
+  Sữa tươi (sữa tươi nguyên chất thanh trùng/tiệt trùng, sữa tươi nguyên chất tách béo thanh trùng/tiệt trùng, sữa tươi thanh trùng/tiệt trùng, sữa tươi tách béo thanh trùng/tiệt trùng).
+  Sữa hoàn nguyên thanh trùng/tiệt trùng.
+  Sữa hỗn hợp thanh trùng/tiệt trùng.
+  Sữa cô đặc và sữa đặc có đường (sữa cô đặc, sữa đặt có đường, sữa tách béo cô đặc bổ sung chất béo thực vật, sữa tách béo đặc có đường bổ sung chất béo thực vật)". [6]
 
Nhân danh vì trẻ em, vì người tiêu dùng để bán sữa vào trường học sẽ làm hỏng ý nghĩa, mục tiêu tốt đẹp của chương trình Sữa học đường. Ảnh minh họa: VTV.vn.

Tiêu chuẩn trên được quy định tại Thông tư 03/2017/TT-BYT được Bộ Y tế ban hành ngày 22/3/2017 do Thứ trưởng Trương Quốc Cường ký.
Trước đó ngày 11/3/2017 Báo Trí Thức Trẻ dẫn lời Thứ trưởng Trương Quốc Cường cho biết, không chấp nhận vì lợi cho doanh nghiệp mà để tên sữa nhập nhèm.
Ông Cường cho hay, dù mới đảm nhận cương vị Thứ trưởng phụ trách mảng An toàn thực phẩm (trước đó là Thứ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long), nhưng ông đã biết và đọc kỹ đề xuất này.
Ông cũng đã nghiên cứu kỹ bản kiến nghị của Hiệp hội Sữa Việt Nam, đại diện cho một số doanh nghiệp sữa đề nghị giữ nguyên khái niệm sữa như hiện nay với lý do ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh. Thứ trưởng Trương Quốc Cường bày tỏ quan điểm:
"Ngành sữa may mắn có các doanh nghiệp lớn tạo ra cạnh tranh giảm giá thành cho người tiêu dùng, giờ nhà nhà đều có thể uống được sữa. 
Thứ hai, nông dân cũng nhờ các doanh nghiệp sữa này có việc làm, tăng thu nhập nhờ việc thu gom sữa của các doanh nghiệp.
Đến một ngày nào đó, chúng ta bán cổ phần các doanh nghiệp sữa của Nhà nước, không chi phối nữa.
Lúc đó, các đại gia chi phối có còn mua sữa của bà con hay không hay mua sữa của Thái Lan hay tập trung mua sữa bột nhập khẩu? 
Các đại gia ngành sữa cũng có thể liên kết, sáp nhập không mua sữa của nông dân nữa. Lúc đó không có lợi cho ngành sữa và cả bà con nông dân". [7]
Trong bài "Sữa tiệt trùng hết thời nhập nhèm"đăng ngày 29/08/2017, Báo Nhân Dân dẫn lời bà Thái Hương cho biết:
"Từ năm 2010 đến nay, chúng tôi liên tục gửi văn bản lên Văn phòng Chính phủ, Bộ Công an, Bộ Y tế, Bộ Công thương về tên gọi sữa tiệt trùng khiến người ta nhầm lẫn. Phải hành động ngay để bảo vệ người tiêu dùng. 
Tiệt trùng chỉ là biện pháp công nghệ nhưng sử dụng để đặt tên gọi cho sữa bột pha lại khiến người tiêu dùng nhầm là sữa tươi. 
Từ sữa tiệt trùng đã bị lạm dụng khá nhiều vì nắm bắt tâm lý người tiêu dùng thích sữa tươi nên ghi sữa tiệt trùng họ tưởng là sữa tươi. Đã đến lúc chúng ta phải trả lại cái tên đúng bản chất sữa trong quy chuẩn mới. 
Ban hành quy chuẩn mới, ta thấy ngay được cái lợi thứ nhất cho người tiêu dùng, cái lợi thứ hai là kích thích sản xuất trong nước nhờ minh bạch thị trường, các doanh nghiệp sữa được cạnh tranh bình đẳng hơn." [8]
Nhưng niềm vui ngắn chẳng tày gang, tròn 6 tháng sau, ngày 11/9/2017, cũng chính Thứ trưởng Trương Quốc Cường ký Thông tư 36/2017/TT-BYT bãi bỏ toàn bộ Thông tư số 03/2017/TT-BYT.
Lý do của việc hủy bỏ này là: một số doanh nghiệp, Hiệp hội Sữa đã có ý kiến không đồng tình;
Họ cho rằng, các quy chuẩn quốc gia về sữa dạng lỏng tại Thông tư này chưa thỏa đáng, chưa đúng với tinh thần mà các Doanh nghiệp đã góp ý, do vậy Bộ Y tế đã quyết định bãi bỏ quy chuẩn sữa dạng lỏng. 
Được biết hiện nay, trên thị trường Việt Nam có 3 loại sữa chính bị hiểu nhầm là "sữa tươi", bao gồm sữa tươi 100%, sữa tươi pha với sữa bột và sữa bột pha hoàn toàn. 
Ở các nước trên thế giới, loại thứ 2 và thứ 3 được gọi là sữa hoàn nguyên, nhưng ở Việt Nam hiện nay vẫn bị hiểu nhầm do chỉ ghi chung chung là "sữa tiệt trùng" và có rất ít người dùng để ý việc phân biệt giữa sữa thanh trùng và sữa tiệt trùng. [9]
Quy chuẩn của Bộ Y tế vừa ban hành rất có lợi cho người tiêu dùng và minh bạch, lành mạnh hóa thị trường sữa mà còn bị bãi bỏ toàn bộ do áp lực từ các doanh nghiệp, thì những lo ngại xung quanh việc triển khai chương trình Sữa học đường vốn có mục tiêu rất nhân văn, là có cơ sở.
Nguồn:
[1]http://www.nhandan.com.vn/hangthang/doisongxahoi/item/38048602-cai-thien-tam-voc-nguoi-viet-khong-chi-co-sua-hoc-duong.html
[2]https://dantri.com.vn/kinh-doanh/tinh-minh-bach-va-tinh-hai-mat-cua-chuyen-nong-dan-do-sua-1424129631.htm
[3]https://dantri.com.vn/kinh-doanh/nong-chuyen-sua-hoc-duong-co-can-them-sua-dang-long-khac-20181031160201548.htm
[4]http://soha.vn/thu-truong-bo-y-te-truong-quoc-cuong-khong-chap-nhan-vi-loi-cho-doanh-nghiep-ma-de-ten-sua-nhap-nhem-20170310145331453.htm
[5]http://baodatviet.vn/kinh-te/chu-tich-hiep-hoi-sua-muon-khai-niem-sua-nhap-nhem-3305118/
[6]http://ttvn.vn/doi-song/sua-hoc-duong-82018111104513724.htm
[7]http://soha.vn/thu-truong-bo-y-te-truong-quoc-cuong-khong-chap-nhan-vi-loi-cho-doanh-nghiep-ma-de-ten-sua-nhap-nhem-20170310145331453.htm
[8]http://www.nhandan.com.vn/hangthang/chinh-tri/item/33930702-sua-tiet-trung-het-thoi-nhap-nhem.html
[9]http://moh.gov.vn/news/Pages/DiemTinYTeTuCacBaoCaoV2.aspx?ItemID=701
(theo gdvn) HỒNG THỦY

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét