Thứ Ba, 13 tháng 11, 2018

Cứ "thỏa thuận" được với phụ huynh là thoải mái thu tiền, Bộ chỉ đạo vô nghĩa?

 Cập nhật lúc 10:48   


 "Thỏa thuận" phụ thu của Trường Trung học cơ sở Thanh Xuân trái thông tư của Bộ, chỉ đạo của Sở, nghị quyết Hội đồng nhân dân thành phố, quyết định của Ủy ban.

Báo An ninh Thủ đô ngày 12/11/2018 dẫn lời ông Phạm Gia Hữu - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Thanh Xuân, cho biết:
Cuối giờ chiều 12-11, Phòng yêu cầu Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Thanh Xuân họp với cha mẹ học sinh để làm rõ về thỏa thuận thu hơn 8 triệu đồng, từ tháng 8 tới tháng 11-2018.
Nhà trường phải giải thích cho cha mẹ học sinh về việc thu theo thỏa thuận thực hiện các chương trình tăng cường nâng cao, từ đó đưa ra các biện pháp giải quyết hợp lý. [1]
Nhà trường có làm khó cha mẹ học sinh?
Báo Tuổi Trẻ ngày 12/11 dẫn lời một phụ huynh có con học lớp 7 Trường Trung học cơ sở Thanh Xuân, cho biết:
"Chưa khẳng định được giáo dục chất lượng cao nhưng học phí lại thu cao gấp nhiều lần mức quy định chung với trường công lập. 
Thời điểm trường thông báo mức học phí lại vào giữa học kỳ 1 khiến phụ huynh không có lựa chọn nào khác. 
Trong khi theo quy định về công khai, minh bạch, trường phải thông báo mức học phí, lộ trình tăng học phí cho phụ huynh biết vào thời gian chuẩn bị tuyển sinh".

 
Trường Trung học cơ sở Thanh Xuân được ngân sách đầu tư xây dựng cơ sở vật chất khang trang, hiện đại, ảnh: thcsthanhxuan.edu.vn

Nhiều phụ huynh khác cũng phản ảnh với Báo Tuổi Trẻ rằng trường cố tình đẩy phụ huynh vào tình thế khó khi chờ đến tháng 11 mới thông báo truy thu học phí.
Bởi vì thời điểm này, học sinh đã vào học ổn định nên không thể ngay lập tức xin chuyển trường.
Trong khi đó, không phải người nào cũng có điều kiện để đóng mức học phí cao như vậy, nhất là lại phải đóng kéo hai loại học phí. [2]
Mặt trái của 2 từ "đồng thuận", "tự nguyện"
Với những gì một số vị cha mẹ học sinh Trường Trung học cơ sở Thanh Xuân phản ánh như trên với Báo Tuổi Trẻ, thì dường như trong "thỏa thuận" thu phụ phí / học phí / kinh phí này, dù nói là tự nguyện, nhưng nhà trường vẫn nắm đằng chuôi, còn "đằng lưỡi" thì nhường cha mẹ học sinh.
Theo bà Hiệu trưởng Ngô Thị Diệp Lan, cam kết của 100% phụ huynh là căn cứ để trường làm tờ trình cho Ủy ban nhân dân quận Thanh Xuân "thống nhất" với các khoản thu mà trường đề xuất.
Khi sự việc vỡ lở, dư luận mới thấy con số 100% "đồng thuận" này quả thực còn nhiều uẩn khúc. Không phải cha mẹ học sinh cứ ký vào văn bản "đồng thuận" hay "tự nguyện", là phản ánh đúng nguyện vọng của họ.
Cần phải tìm hiểu xem, sự "đồng thuận" hay "tự nguyện" của cha mẹ học sinh có được đặt trong bối cảnh đặc biệt nào, khiến họ phải miễn cưỡng.
Đây cũng là bài học trong quản lý nhà nước đối với việc các trường / cơ sở giáo dục / cơ quan quản lý giáo dục tìm kiếm "sự đồng thuận" của cha mẹ học sinh với các khoản thu, các chương trình thí điểm trong nhà trường phổ thông.
Cho nên, cuộc họp khẩn chiều 12/11/2018 giữa Trường Trung học cơ sở Thanh Xuân liệu có đảm bảo được quyền lợi chính đáng của học sinh và gia đình các em?
Hơn nữa, cho dù nhà trường có tiếp tục "thỏa thuận" được với cha mẹ học sinh về các khoản thu phụ phí / học phí / kinh phí để học chương trình nâng cao, tăng cường, kỹ năng sống...này, thì "thỏa thuận" ấy dựa trên cơ sở pháp lý nào?
Thông tư của Bộ Giáo dục và Đào tạo, chỉ đạo của Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cũng bị phớt lờ
Báo Tuổi Trẻ dẫn lời các phụ huynh cho biết, khi họ tìm hiểu thông tin để chọn trường cho con thì không được Trường Trung học cơ sở Thanh Xuân thông báo rõ về lộ trình học phí. 
Ở thời điểm nhà trường tuyển sinh, trong các văn bản thông báo mà trường niêm yết công khai cũng không có nội dung nào về học phí.
Giải đáp thắc mắc này của Tuổi Trẻ, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Thanh Xuân Ngô Thị Diệp Lan được dẫn lời, cho biết:
Đề án (xây dựng Trường Trung học cơ sở Thanh Xuân thành trường chất lượng cao) đăng công khai trên trang web của quận, nên trường không thông báo trong thông tin tuyển sinh. [2]
 
Bà Ngô Thị Diệp Lan, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Thanh Xuân trong buổi họp phụ huynh ngày 28/9/2018, ảnh: thcsthanhxuan.edu.vn.

Như vậy, phải chăng bà Ngô Thị Diệp Lan đã bỏ qua Thông tư số 36/2017/TT-BGDĐT ngày 28/12/2017 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về quy chế thực hiện công khai đối với cơ sở giáo dục và đào tạo thuộc hệ thống giáo dục quốc dân?
Điều 8 Thông tư số 36/2017/TT-BGDĐT nói trên quy định:
Vào tháng Sáu hàng năm, các trường phổ thông công lập phải công khai tài chính (bao gồm mức thu học phí và các khoản thu khác theo từng năm học và dự kiến cho cả cấp học), cập nhật vào đầu năm học hoặc khi có thay đổi nội dung liên quan.
Một đề án chưa được phê duyệt không thể xem như bản công khai theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong Thông tư số 36/2017/TT-BGDĐT.
Hơn nữa, ngày 26/7/2018 Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội có văn bản số 3120/SGDĐT-KHTC về việc hướng dẫn tăng cường công tác quản lý thu chi năm học 2018-2019.
Tiến sĩ Chử Xuân Dũng đã chỉ đạo rất rõ.
Trường Trung học cơ sở Thanh Xuân chưa được Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội công nhận là trường chất lượng cao, nên đối với các khoản thu khác phải tuân thủ Quyết định số 51/2013/QĐ-UBND ngày 22/11/2013 của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội. [3]
Quyết định số 51/2013/QĐ-UBND nói trên quy định các khoản thu, chi khác trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập Thủ đô bao gồm:
Thu chi phục vụ bán trú; Thu, chi học 2 buổi / ngày; Thu, chi học phẩm; Thu, chi nước uống học sinh; Thu Bảo hiểm y tế học sinh; Thu, chi dạy thêm, học thêm trong nhà trường;
Thu chi viện trợ, quà biếu, tặng, cho; Thu, chi tài trợ; Các khoản thu về quần áo đồng phục, quần áo thể dục thể thao, phù hiệu.
Trong danh mục các khoản thu, chi khác nói trên, không có bất cứ khoản thu nào có tên "kinh phí học chương trình nâng cao, tăng cường, kĩ năng sống..." như giải thích của bà Ngô Thị Diệp Lan với báo chí.
Quận Thanh Xuân có "bật đèn xanh" để nhà trường thu phụ phí sai quy định?
Quận Thanh Xuân "thống nhất về các khoản thu năm học 2018-2019 (ngoài các khoản thu đã được chấp thuận theo công văn số 1661/UBND-GDĐT ngày 2/10/2018 của Ủy ban nhân dân quận Thanh Xuân) của Trường Trung học cơ sở Thanh Xuân, là dựa vào cơ sở pháp lý nào?
Công văn số 1922/UBND-GDĐT của Ủy ban nhân dân quận Thanh Xuân ngày 6/11/2018 do Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Lê Mai Trang ký, gửi Trường Trung học cơ sở Thanh Xuân, cho biết:
Ủy ban nhân dân quận Thanh Xuân "thống nhất các khoản thu" mà Trường Trung học cơ sở Thanh Xuân đề xuất, là thực hiện theo Nghị quyết số 15/2013/NQ-HĐND ngày 17/7/2013, Nghị quyết số 14/2016/NQ-HĐND ngày 6/12/2016 của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội;
Có điều, ngay Chương I, Điều 1 (Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng) của Nghị quyết số 15/2013/NQ-HĐND nói trên, đã quy định rõ:
"Nghị quyết này quy định cơ chế thu, chi, quản lý thu, chi và các tài sản khác đối với các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập chất lượng cao trên địa bàn Thủ đô được Ủy ban nhân dân Thành phố quyết định công nhận theo tiêu chí do Ủy ban nhân dân Thành phố ban hành."
Nói cách khác, Trường Trung học cơ sở Thanh Xuân chưa được Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội công nhận là trường công lập chất lượng cao, thì không thể viện dẫn Nghị quyết số 15/2013/NQ-HĐND để bao biện cho việc lạm thu.
Và sự "thống nhất" giữa Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Thanh Xuân, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Thanh Xuân, Trưởng phòng Tài chính - kế toán quận Thanh Xuân với Ủy ban nhân dân quận Thanh Xuân thể hiện qua công văn 1922/UBND-GDĐT ngày 6/11/2018 rõ ràng đang trái với các văn bản sau:
Thông tư số 36/2017/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo, công văn số 3120/SGDĐT-KHTC ngày 26/7/2018 của Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội;
Quyết định số 51/2013/QĐ-UBND ngày 22/11/2013 của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội;
Nghị quyết số 15/2013/NQ-HĐND ngày 17/7/2013 và Nghị quyết số 14/2016/NQ-HĐND ngày 6/12/2016 của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội.
Các dịch vụ có thu phí trong trường công lập nếu không được quản lý và kiểm soát bởi nhà nước như các văn bản nói trên, sẽ là mảnh đất màu mỡ để ai đó trục lợi từ chính đầu tư của ngân sách lẫn túi tiền cha mẹ học sinh.
Báo Hà Nội Mới ngày 12/11/2018 cho biết, trước ý kiến phản ánh của phụ huynh, Ủy ban nhân dân quận Thanh Xuân đã yêu cầu Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Thanh Xuân:
Tổ chức việc thu khoa học hơn, không thu gộp, thu dồn nhiều tháng, nhiều khoản; đồng thời nghiêm túc rút kinh nghiệm vì chưa thực hiện tốt công tác tuyên truyền khiến phụ huynh chưa hiểu rõ về các khoản thu. 
Trong trường hợp phụ huynh học sinh có nhu cầu cho con chuyển trường, Trường Trung học cơ sở Thanh Xuân có trách nhiệm tạo điều kiện giải quyết theo quy định. [4]
Như vậy phải chăng Ủy ban nhân dân quận Thanh Xuân vẫn chưa thấy hết được bản chất của vấn đề, tiếp tục bảo vệ các khoản thu trái quy định của Trường Trung học cơ sở Thanh Xuân và đẩy rủi ro về phía cha mẹ học sinh?
Nguồn:
[1]https://anninhthudo.vn/chinh-tri-xa-hoi/truong-thcs-thanh-xuan-hop-khan-voi-phu-huynh-ve-khoan-thu-chat-luong-cao-hon-8-trieu-dong/789749.antd
[2]https://tuoitre.vn/ha-noi-phu-huynh-keu-troi-vi-bi-truy-thu-hai-loai-hoc-phi-20181112115543399.htm
[3]http://phonggiaoducnamtuliem.edu.vn/upload/28452/20180905/CV_3120_Tang_cuong_QL_thu_chi_2018-07-27.pdf
[4]http://www.hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Giao-duc/918352/cac-khoan-thu-tai-truong-thcs-thanh-xuan-quan-thanh-xuan-khong-phai-la-hoc-phi-truong-chat-luong-cao
(Theo GDVN) Hồng Thủy

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét