Thứ Sáu, 9 tháng 11, 2018

Cổ phần hóa thất thoát hàng nghìn tỷ: Khe hở lớn nhất!

Cập nhật lúc 15:20                                 

 Số tiền thất thoát từ cổ phần hóa DNNN khó ai xác minh được và thậm chí nó còn lớn hơn rất nhiều con số hàng nghìn tỷ.

Thất thoát bao nhiêu?
Tại diễn đàn Thúc đẩy quá trình đổi mới và nâng cao hiệu quả DNNN, ông Nguyễn Trần Minh Trí, Viện Kinh tế và Chính trị thế giới nhận định, hàng nghìn tỷ đồng đã và đang bị thất thoát và thất thu ngân sách nhà nước từ nguồn đất, mặt bằng kinh doanh, tài sản công do chưa tính, hoặc không tính đúng, tính đủ giá trị quyền sử dụng đất, quyền thuê đất và các giá trị, lợi thế kinh doanh vô hình khác; tình trạng “trốn thầu” hoặc lỏng lẻo, hình thức trong triển khai đấu thầu và chuyển đổi mục đích sử dụng quỹ đất mà DNNN nắm giữ khi cổ phần hóa.
Cũng tham dự diễn đàn trên và bày tỏ quan điểm với Đất Việt sau đó, PGS.TS Nguyễn Văn Nam, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại (Bộ Công thương) cho rằng con số thất thoát từ cổ phần hóa có thể là hàng ngàn tỷ đồng, 10 ngàn tỷ đồng, 100 ngàn tỷ đồng hay nhiều hơn thế nữa nhưng không ai xác minh được.
Nguyên nhân là vì vốn liếng, tài sản giao cho DNNN không rõ ràng, minh bạch và rất khó tính toán. 
Phân tích cụ thể, PGS.TS Nguyễn Văn Nam cho biết, vấn đề thất thoát khi cổ phần hóa DNNN ai cũng biết và sự thất thoát ấy diễn ra ở nhiều phương diện. Có khi đó là vốn ngân sách cấp cho doanh nghiệp, doanh nghiệp khai làm việc nọ việc kia nhưng thực tế lại không làm hoặc dành tiền làm việc khác.
Có khi đó là đất đai, mặt bằng mà Nhà nước giao cho doanh nghiệp, nhưng thực tế cần ít thì doanh nghiệp vẫn xin nhiều, phần đưa vào kinh doanh, trốn thuế, phần chuyển nhượng để chia chác nhau.
Cũng có khi tài sản dưới dạng máy móc, trang thiết bị được điều chuyển cho doanh nghiệp nhưng doanh nghiệp khai giá cả không đúng, không có cơ quan định giá...
"Như vậy, tài sản, vốn liếng tài sản Nhà nước cấp cho doanh nghiệp ở rất nhiều dạng, phương diện khác nhau mà lại thiếu minh bạch, rõ ràng.
Trước đây, cả một thời gian dài ở Việt Nam có tình trạng không phân định rõ giữa tài sản của doanh nghiệp với Nhà nước, người ta coi DNNN cũng là của Nhà nước, của nhà nước khi chuyển từ đơn vị nọ sang đơn vị kia thì không cần phải chi li. Bây giờ bảo tính toán cho đúng, cho đủ những tài sản, vốn liếng ấy thì e rằng không tính được", vị chuyên gia bày tỏ.
Cho rằng con số thất thoát không xác minh được, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại ngờ rằng con số ấy còn lớn hơn nhiều con số hàng ngàn tỷ đồng mà vị chuyên gia ở Viện Kinh tế và Chính trị thế giới đưa ra.


Thất thoát trong cổ phần hóa DNNN là có thật nhưng con số chính xác thì không ai đo đếm được. Ảnh minh họa

Ông dẫn chứng, năm 2016, Kiểm toán Nhà nước xác định giá trị của 7 doanh nghiệp, đã làm tăng vốn nhà nước lên trên 20.800 tỷ đồng.
Sang năm 2017, Kiểm toán Nhà nước tiếp tục làm tại 6 doanh nghiệp và cũng làm tăng vốn nhà nước lên trên 8.900 tỷ đồng. Tính ra bình quân mỗi doanh nghiệp làm thất thoát trên 1 nghìn tỷ đồng, nếu không kiểm toán lại.
Dẫu vậy, nhìn vào những con số do chính mình trích lại của Kiểm toán Nhà nước, PGS.TS Nguyễn Văn Nam thậm chí còn cho rằng đó cũng chưa hẳn là con số cuối cùng, bởi như đã nói, suốt mấy chục năm vốn liếng Nhà nước giao cho doanh nghiệp dưới nhiều dạng khác nhau, khó có thể đo đếm, tính toán chính xác được.
Chính vì cổ phần hóa DNNN phức tạp ở điểm này, theo ông Nam, khi cổ phần hóa chỉ nên đánh giá lại toàn bộ tài sản của doanh nghiệp hiện có là gì, các khoản nợ ra sao để xem thực sự còn bao nhiêu tài sản của Nhà nước mà doanh nghiệp được giao quản lý. Việc thống kê, tính toán ấy phải được tính đúng, tính đủ theo giá thị trường.
Khe hở gây thất thoát lớn nhất
Một yếu tố quan trọng để xác định giá trị DNNN khi cổ phần hóa, theo vị chuyên gia, là giá trị đất đai - khe hở gây thất thoát lớn nhất.
Theo đó, đất đai Nhà nước giao cho doanh nghiệp có nhiều dạng, có diện tích cấp cho doanh nghiệp làm mặt bằng xây nhà máy, có diện tích cho thuê trong một thời hạn nhất định để doanh nghiệp sản xuất kinh doanh; có diện tích lại cho mượn... Bởi nhiều dạng, nhiều nguồn mà luật lệ quản lý không rõ ràng dẫn đến tình trạng nhập nhèm khi chuyển giao đất cho doanh nghiệp sử dụng, quản lý.
"Đây chính là điểm mà cổ phần hóa DNNN vướng nhiều nhất trong thời gian qua. Vì không nắm rõ nguồn gốc đất đai cấp cho doanh nghiệp nên có tình trạng tiếng là cho doanh nghiệp mượn đất nhưng suốt mấy chục năm doanh nghiệp sử dụng đất đó không ai hỏi tới, thậm chí từ cho mượn đã trở thành đất của doanh nghiệp.
Rồi nói là cho doanh nghiệp thuê đất nhưng có doanh nghiệp thuê trả tiền một lần sau đó họ cứ việc sử dụng, có doanh nghiệp lại trả tiền thuê hàng năm, hai hình thức đó đã khác hẳn nhau...
Việc chuyển giao đất có khi lại tùy từng địa phương, từng bộ ngành, thậm chí tùy từng doanh nghiệp, doanh nghiệp quan hệ tốt thì xin bao nhiêu được giao bấy nhiêu, giao cũng không nói rõ cấp quyền sở hữu hẳn hoi hay sở hữu tạm thời, cấp hay cho thuê, cho thuê hay cho mượn....
Hệ quả là, nhiều doanh nghiệp được giao quản lý sử dụng hàng loạt địa điểm “đất vàng” có giá trị lên tới hàng ngàn tỷ đồng, nhưng giá trị doanh nghiệp lại bèo bọt.
Cổ phần hóa mà không định giá giá trị sử dụng đất hoặc lợi thế từ đất đang sử dụng và ưu tiên sử dụng chắc chắn sẽ không khách quan, làm thất thoát tài sản nhà nước", PGS.TS Nguyễn Văn Nam chỉ rõ.
Từ những phân tích ở trên, ông nhấn mạnh, trước khi cổ phần hóa phải tập trung làm rõ các vấn đề: đất giao cho doanh nghiệp là đất gì, đất thuộc quyền sở hữu của doanh nghiệp hay đất sử dụng có thời hạn, đã hết hạn hay chưa, là đất thuê, cho mượn, hay đất chiếm dụng...
Sau khi làm rõ phải có phương án xử lý từng dạng cụ thể và  Nhà nước phải quy định rõ chỗ này.
"Tôi biết tổng giám đốc một tổng công ty xuất nhập khẩu có đất toàn ở mặt phố. Trước đó hàng chục năm, đất ấy được cấp cho tổng công ty đó hoặc cho thuê, giấy tờ gốc có khi không còn.
Vị tổng giám đốc đó nói họ không cần kinh doanh, chỉ cần đem tất cả mặt bằng ấy cho thuê cũng thừa tiền nộp ngân sách. Những trường hợp như vậy không hiếm và họ cũng không muốn cổ phần hóa vì kéo dài được ngày nào họ sống nhàn nhã ngày ấy", ông Nam chia sẻ.
Vấn đề quan trọng là phải minh bạch tài sản, vốn liếng hiện có của doanh nghiệp. Sự minh bạch ấy, theo vị chuyên gia, là rất quan trọng, là bước tiền cổ phần hóa, phải xác minh, thẩm tra rõ ràng, tránh tư túi, chia chác trong đó.
(Theo Đất Việt) Thành Luân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét