Hệ quả vốn vay Trung Quốc gây bức xúc
vì chưa có quan chức nào làm sai bị xử lý
Cập nhật lúc 14:57
"Vấn đề nằm ở phía chúng ta sử dụng vốn vay làm sao hiệu quả
nhất! Khi ta để xảy ra tình trạng yếu kém, tham nhũng và lợi ích nhóm thì
dường như Trung Quốc lại là cái cớ để chúng ta đổ vạ", chuyên gia kinh
tế Bùi Trinh nhận xét.
Đây là khẳng
định của chuyên gia kinh tế Bùi Trinh với Dân Trí xung quanh cuộc trao đổi về
vấn đề được dư luận, cử tri quan tâm: Vay vốn Trung Quốc buộc phải phụ thuộc
và sử dụng nhà thầu Trung Quốc dù năng lực yếu kém.
Vừa qua cử tri Đà Nẵng có kiến nghị Quốc
hội về việc dùng vốn Trung quốc phải sử dụng nhà thầu nước này yếu kém, Bộ Kế
hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) có giải trình vay vốn Trung Quốc chúng ta phải
chấp nhận nhà thầu Trung Quốc. Với góc nhìn chuyên gia, TS Bùi Trinh, chuyên
gia kinh tế đã phân tích ấn đề trên ở khía cạnh khách quan.
Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông sử dụng vốn vay
và nhà thầu Trung Quốc là điển hình của đội vốn, delay tiến độ
Thưa TS Bùi Trinh, nhiều cử tri, người
dân khá bức xúc trước các dự án Trung Quốc tại Việt Nam đổ vỡ, gánh nặng cho
ngân sách như một số dự án trong 12 dự án thu lỗ nghìn tỷ của Bộ Công Thương.
Đặc biệt là dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông. Theo quan điểm của
ông, Việt Nam có cần thiết phải sử dụng vốn Trung Quốc, đặc biệt là vốn vay
ODA khi rất nhiều dự án đội vốn, chậm tiến độ khiến Việt Nam lỡ các kế hoạch
phát triển?
- Việt Nam là một nước đang phát triển,
nên việc cần vốn để xây dựng hạ tầng, do chi thường xuyên để nuôi bộ máy quá
lớn (trên dưới 70%) và trả nợ (lãi và gốc) nên muốn phát triển hạ tầng cơ sở
nhu cầu về vốn là lớn.
Hơn nữa, Việt Nam tăng trưởng nhanh,
GDP bình quân đầu người theo Bộ KHĐT năm 2018 có thể đạt 2.540 USD, mặc dù
GDP bình quân đầu người chẳng có liên quan gì nhiều đến thu nhập bình quân
đầu người, nhưng khi đi vay phải chi phí về vốn nhiều hơn.
Trong câu chuyện này người dân cảm thấy
khó và “dễ hiểu” khi người có thẩm quyền (chủ đầu tư) thích lựa chọn vốn ODA
từ Trung Quốc.
Vay nợ về nguyên tắc là người dân Việt
Nam sẽ phải trả thông qua thuế trong tương lai, nhưng quyết định lại là người
“có thẩm quyền”. Đi vay để người khác phải trả, để lại gánh nặng một cách khó
hiểu, không kiểm soát được là một điều phi lý!
Theo cách lý giải của Bộ KH&ĐT đến
cử tri: Họ yêu cầu các chủ đầu tư phải nâng cao năng lực, đạo đức và trách
nhiệm khi thực thi nhiệm vụ để bảo đảm tuân thủ đúng quy định của pháp luật
về đấu thầu nghe giống một câu khẩu hiệu suông.
Ông đánh giá như thế nào về Luật Đấu
thầu của Việt Nam hiện nay khi cơ chế bỏ thầu giá rẻ thường chiến thắng các
nhà thầu có công nghệ, chất lượng và hiệu quả? Cần thay đổi chính sách và cơ
chế gì để Việt Nam không gánh chịu tác động xấu của nhà thầu Trung Quốc?
- Dù Luật thế nào nhưng cuối cùng vẫn
do con người, Luật có thế nào thì cái “người có thẩm quyền” vẫn có thể lách
luật, vấn đề không phải Luật Đấu thầu thế nào mà vấn đề là cơ chế bao trùm.
Ví dụ vai ai, vay để làm gì cần để Quốc
hội thông qua; vì sử dụng vốn vay không hiệu quả thì đối tượng phải chịu ảnh
hưởng nặng nề nhất là người dân.
Theo kiến nghị của cử tri, nhiều dự án
do Trung Quốc trúng thầu nhưng chậm tiến độ, đội vốn và chất lượng kém nhưng
trách nhiệm của cơ quan quản lý chưa rõ. Theo ông, chúng ta cần có cơ chế và
xử lý người đứng đầu để xảy ra nhà thầu nước ngoài chậm, yếu kém, đội vốn và
đặc biệt là có trường hợp bán thầu hay không?
- Khi những điều này xảy ra đối tượng
phải gánh chịu chính là người dân. Nên xử lý người có thẩm quyền gây nên
chuyện này là rất đương nhiên.
Nước ta là một bộ máy được sắp xếp nhân
sự từ trên xuống dưới nhưng những việc làm ảnh hưởng đến dân lớn như thế này
mà “người có thẩm quyền” vẫn ung dung, ngang nhiên tồn tại một cách đầy quyền
uy mà hầu như không bị truy cứu
Trong bối cảnh tiền trong dân đang rất
lớn, xã hội hóa đầu tư cơ sở hạ tầng được nhiều nước làm tốt song hiện Việt
Nam chính sách phát triển PPP còn chậm trễ, bất cập và nảy sinh nhiều tồn tại
khiến sức hút của PPP đang giảm. Theo ông, chúng ta cần đột phá gì về cơ chế
để hút nhà đầu tư trong và ngoài nước vào kết cấu hạ tầng?
- Có người nói Việt Nam có tiền trong
dân lớn tôi đã có bài nói lại về chuyên này trên TBKTSG. Theo số liệu của cơ
quan Thống kê, thu nhập từ sản xuất bình quân cả nền kinh tế chỉ bằng hơn 90%
tiêu dùng cuối cùng, về mặt bình quân chung thì Việt Nam làm chưa đủ chi tiêu
thường xuyên.
Tuy nhiên, những doanh nghiệp ở Việt
Nam không phải không có nhưng những “đoạn trường” để có được dự án mà doanh
nhân Tạ Quyết Thắng đã đề cập là một thực tế làm nản lòng doanh nghiệp.
Vấn đề “người có thẩm quyền” ở mọi khía
cạnh càng nổi cộm, những người có thẩm quyền này kéo lùi sự phát triển của
đất nước. Tại sao không ai xử lý những “người có thẩm quyền” này? Hay vì là
có thẩm quyền thì không ai xử lý được?
Quảng Ninh là trường hợp điển hình từ
chối vay vốn Trung Quốc hơn 300 triệu USD làm đường cao tốc để chuyển sang
hình thức xã hội hóa. Việc chuyển vay vốn Trung Quốc đã giúp Quảng Ninh huy
động được nhiều DN tốt hơn. Theo ông, điều này là bài học gì cho Chính phủ,
bộ ngành đang phụ thuộc vốn vay?
- Đây là một bài học thú vị! Trường hợp
này cần tôn vinh những người có thẩm quyền ở Quang Ninh. Mong rằng những
người có thẩm quyền ở mọi nơi trên đất nước đều như thế, đặt quyền lợi của
Nhân dân và Đất nước lên trên quyền lợi cá nhân
Chính sách "Nhất đới, nhất
lộ", "Một vành đai, một con đường" của Trung Quốc đã và đang
chuyển nợ và rủi ro sang một loạt các nước Tây Á, như Srilanka. Mới đây rất
nhiều nước trong đó có Campuchia đã khước từ vốn vay Trung Quốc vì quá nhiều
điều kiện bất hợp lý về bẫy nợ, an ninh quốc phòng và phá vỡ kế hoạch phát
triển quốc gia. Ông có bình luận gì về xu hướng này và Việt Nam nên làm gì?
- Theo tôi không nên đặt vấn đề vốn
Trung Quốc hay nước nào, họ có tiền mình muốn vay, và nếu những điều kiện mà
thấy là bất lợi thì không vay nữa và đi tìm đối tác khác.
Vấn đề nằm ở phía chúng ta sử dụng vốn
vay làm sao hiệu quả nhất! Khi ta yếu kém, tham nhũng và lợi ích nhóm thì
dường như Trung Quốc là cái để chúng ta đổ vạ.
Muốn người khác yêu hơn mình là đặc
tính của con người! Việt Nam cơ bản tự làm yếu mình khi để cơ hội cho tham
nhũng chính sách và cơ hội để nhà thầu nước ngoài có quyền delay dự án lâu
hơn, xa hơn mà không xử lý triệt để.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
(Theo Dân Trí) Nguyễn Tuyền thực hiện
|
Thứ Sáu, 23 tháng 11, 2018
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét