Thứ Sáu, 9 tháng 11, 2018

Bàn thêm về kinh tế chia sẻ
Cập nhật lúc 09:00   
    
Trên Báo Người cao tuổi ra ngày 27/12/2017 tác giả đã có bài viết tựa đề “Kinh tế chia sẻ, sẻ chia kinh tế” bàn về loại hình kinh doanh của hãng Uber, Grab tại Việt Nam.


Gần đây cụm từ kinh tế chia sẻ được nhiều người nhắc tới khi nói về vụ hãng taxi Vinasun kiện Grab, với ý mặc định Grab là loại hình kinh tế chia sẻ. Đây là sự nhầm lẫn về loại hình kinh doanh trên nền tảng công nghệ. Cách gọi như vậy được hãng Grab đồng tình vì dường như họ không phản đối về cách định danh này. Có khi hiểu đó như một doanh nghiệp xã hội phi lợi nhuận họ càng mừng!?
Thực chất mô hình kinh tế chia sẻ phải nói đến sự kết nối xe đi chung của một số nhóm người trong những năm trước đây. Anh H có chiếc xe ô tô dùng đi làm hằng ngày từ A đến B. Anh C cũng thường đi từ A đến B. Hai người kết nối hiệp đồng cùng đi chung một xe nhằm tiết giảm chi phí. Họ có thể thay nhau luân phiên xe đi chung hoặc một người không có xe góp tiền mua nhiên liệu… Đây là bản chất của kinh tế chia sẻ và loại hình này không kinh doanh bởi nó phi lợi nhuận, không bị ràng buộc các điều kiện của pháp nhân kinh doanh.

Mô hình xe đi chung là kinh tế chia sẻ.

Ban đầu nhiều người có quan niệm hãng Uber, Grab cũng là loại hình kinh tế chia sẻ vì thấy giá cả khá “dễ chịu”, rẻ hơn taxi truyền thống lại tiện và nhanh. Lái xe cho taxi công nghệ (TXCN) ban đầu thu nhập cũng khá hơn taxi khác. Hai yếu tố trên khiến cả lái xe và khách hàng nhanh chóng bị hút về phía TXCN.
Như tác giả bài này từng phân tích về bản chất và cách thức kinh doanh của TXCN. Các hãng xe này luôn khẳng định họ không kinh doanh vận tải mà chỉ kết nối người đi xe với người có xe để hưởng phí dịch vụ kết nối. Lái xe phải tự gia nhập hợp tác xã (HTX) để việc kinh doanh phù hợp Luật HTX. Tuy nhiên, hãng TXCN không chỉ kết nối thông tin, họ trực tiếp điều hành đội ngũ lái xe, quy định mức giá cước từng thời điểm, thu tiền và trực tiếp trả tiền công cho lái xe. Các nghĩa vụ như đóng bảo hiểm, thuế… đều được “né” sự quản lí chưa theo kịp của luật pháp và phó thác cho HTX. Nhưng HTX của loại hình này chỉ như một “nhà trọ công nhân”. Tại “nhà trọ” đó chủ nhà không quản lí kinh tế, bảo đảm các nghĩa vụ kinh doanh khác cho khách trọ. Tóm lại, HTX chỉ là nơi “đánh trống ghi tên”, “hữu danh vô thực”!

Grab có nhiều lợi thế cạnh tranh vì môi trường chưa bình đẳng.

Vừa qua dự thảo thay thế Nghị định 86 về kinh doanh vận tải bằng ô tô đã có những thay đổi, đưa vào một số ràng buộc về nghĩa vụ, điều kiện hoạt động TXCN nhằm bảo đảm bình đẳng trong môi trường kinh doanh. Nhưng việc quy định gắn mào TXCN lại bị một vài người cho là “bước lùi trong quản lí mô hình kinh doanh mới”! Không hiểu việc gắn chiếc mào “taxi” lên trên nóc xe sẽ cản trở thế nào tới sự kết nối thông tin - một thế mạnh “cốt tử” của loại hình này? Chỉ biết rằng, khi chiếc xe kinh doanh vận tải được nhận diện sẽ giúp cơ quan chức năng quản lí chặt chẽ, công bằng. Khi đó không còn chuyện tuyến phố cấm taxi nhưng xe TXCN lại được tự do!
Một loại hình kinh doanh không bảo đảm đầy đủ chế độ, chính sách với người lao động, với khách hàng, đóng thuế thấp hơn loại hình kinh doanh tương tự không thể gọi là kinh tế chia sẻ đúng nghĩa./. 
(Theo blog Dongquanho.blogspot.com) Đinh Hoàng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét