Dự thảo Luật Quản lý thuế muốn “đẩy”
Kiểm toán Nhà nước ra ngoài
Cập nhật lúc 10:53
Tranh luận của 2 vị lãnh đạo đứng đầu Kiểm toán Nhà nước và Bộ
Tài chính làm nóng phiên thảo luận về dự thảo Luật Quản lý thuế. Kiểm toán
Nhà nước lo ngại dự thảo Luật Quản lý thuế “đẩy” Kiểm toán Nhà nước ra ngoài,
song Bộ Tài chính cho rằng làm vậy là để “chặt chẽ về cơ sở pháp lý” khi ra
quyết định truy thu thuế.
Liên
quan đến Nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của Kiểm toán Nhà nước, tại
điều 21 dự thảo Luật Quản lý thuế Bộ
Tài chính có khoản quy định: "Nếu kiến nghị của cơ quan Kiểm toán Nhà
nước có liên quan đến việc thực hiện nghĩa vụ thuế của người nộp thuế thì cơ
quan quản lý thuế thực hiện việc kiểm tra, thanh tra thuế”.
Sau đó, một số điều khoản khác quy
định, nếu sau khi thanh tra, “quyết định xử lý của cơ quan quản lý thuế có sự
khác biệt với kiến nghị của cơ quan kiểm toán, kết luận của cơ quan thanh tra
nhà nước thì thực hiện theo quyết định xử lý của cơ quan quản lý thuế, đồng
thời cơ quan quản lý thuế báo cáo Bộ trưởng Bộ Tài chính để báo cáo Thủ tướng
Chính phủ xem xét, quyết định”.
Quy định này khác hẳn với hiện hành,
khi mà kết luận của Kiểm toán Nhà nước là độc lập và yêu cầu bắt buộc thực
hiện, cơ quan thuế không cần tiến hành kiểm tra, thanh tra lại.
Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng -
khi bảo vệ điều này trước Quốc hội - cho rằng đó là để khi cơ quan thuế ra
quyết định truy thu thì “phải có cơ sở pháp lý”, “đảm bảo quyền lợi người nộp
thuế”, “tránh khiếu kiện kéo dài”.
Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc
tranh luận lại: “Bộ trưởng có nói kiểm toán thực hiện nhưng đối chiếu sai nên
các đối tượng nộp thuế kiện, liên lụy đến cơ quan thuế. Tôi làm Tổng Kiểm
toán gần 3 năm và chưa có trường hợp nào từ kết luận của Kiểm toán Nhà nước
để liên luỵ đến cơ quan thuế”.
Về cơ bản, trong quá trình kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước
đã có đóng góp hữu ích, giúp thu ngân sách nhiều. Nhưng hệ thống pháp luật
thuế còn có sự chưa đồng nhất giữa áp dụng cách hiểu, áp dụng pháp luật. Do
đó, quan điểm xử lý của cơ quan thuế, Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước
có thể khác nhau nên dẫn đến sự phối hợp chưa đồng nhất.
Theo
tìm hiểu của PV. VietNamNet, khi góp ý cho nội dung này hồi tháng 9 năm nay, Kiểm toán Nhà nước cũng
đã có văn bản gửi Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ,... để phản đối.
Kiểm toán Nhà nước đề nghị bỏ quy
định này vì “không phù hợp với quy định của Hiến pháp và Luật Kiểm toán
Nhà nước năm 2015”.
Khoản 1, điều 118 Hiến pháp năm 2013
nêu: Kiểm toán Nhà nước là cơ quan do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập
và chỉ tuân theo pháp luật, thực hiện kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài
chính, tài sản công”.
Luật Kiểm toán Nhà nước năm 2015 quy
định cơ quan quản lý thuế là đơn vị được kiểm toán. Giá trị pháp lý của báo
cáo kiểm toán sau khi phát hành và công khai có tính bắt buộc phải thực hiện
đối với đơn vị được kiểm toán về sai phạm trong việc quản lý, sử dụng tài
chính công, tài sản công.
“Như vậy, nếu quy định như khoản 2 điều
này là không phù hợp với vai trò Hiến định độc lập, hoạt động độc lập và chỉ
tuân theo pháp luật của Kiểm toán Nhà nước, trái với quy định về giá trị pháp
lý của báo cáo Kiểm toán Nhà nước”, Kiểm toán Nhà nước nêu rõ.
Trên diễn đàn Quốc hội, Tổng kiểm toán
nhà nước Hồ Đức Phớc tiếp tục bảo vệ quan điểm của cơ quan kiểm toán tại văn
bản trên.
(Theo VietNamNet) Lương Bằng
|
Thứ Bảy, 17 tháng 11, 2018
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét