Thứ Năm, 8 tháng 11, 2018

Vì sao quy trình chặt chẽ vẫn có tiến sĩ giấy?

Cập nhật lúc 15:21                                  

Quy trình bảo vệ tiến sĩ rất chặt chẽ nhưng vẫn có những lò ấp tiến sĩ, tiến sĩ là vì còn có những quy định chạy theo hình thức.

10 năm không bảo vệ được tiến sĩ
Trao đổi với Đất Việt, GS-TSKH Trần Duy Quý hiện là Viện trưởng Viện Nghiên cứu hợp tác khoa học kỹ thuật châu Á - Thái Bình Dương liệt kê các bước thực hiện bảo vệ luận án tiến sĩ tại Việt Nam để chứng minh quy trình rất chặt chẽ, đúng tiêu chuẩn chung của thế giới và khu vực.


Đào tạo tiến sĩ phải tránh căn bệnh hình thức. Ảnh minh họa

Theo đó, bước 1 là thi tuyển đầu vào. Bước 2 là bảo vệ và duyệt đề cương. Bước 3, bảo vệ bộ môn, trong bảo vệ bộ môn có một lần bảo vệ thử và một lần bảo vệ chính thức.
Vị GS cho biết, xét về quy trình Việt Nam không thiếu, không yếu nhưng do quan niệm và cách hiểu về học hàm tiến sĩ giữa Việt Nam và các nước khác nhau nên các tiêu chuẩn, tiêu chí xét tuyển cũng có nhiều điểm không tương đồng, có những quy định quá ngặt nghèo nhưng lại có những quy định quá xuê xoa.
Ví dụ, Việt Nam yêu cầu về trình độ ngoại ngữ trước đây chỉ cần nộp chứng chỉ. Yêu cầu này được cho là mang nặng tính hình thức, dễ nảy sinh tiêu cực. Trong khi, quy định của thế giới là phải đọc thông, viết thạo, có thể đọc hiểu, dịch tài liệu bằng tiếng nước ngoài.
Ngoài ra, yêu cầu tiêu chuẩn đối với tiến sĩ ở các nước là buộc phải có công bố nghiên cứu khoa học tầm cỡ quốc tế, ở Việt Nam không có quy định này, nói thẳng ra là không có mấy tiến sĩ Việt Nam có được nghiên cứu được công bố trên thế giới.
"Vì thế nói rằng quy định của Việt Nam ngặt nghèo nhất thế giới thì không đúng, nhưng nếu nói thế giới làm tiến sĩ dễ hơn Việt Nam cũng là sai. Tôi biết có những nghiên cứu sinh của Việt Nam sang nước ngoài làm tiến sĩ mà 10 năm không qua", GS-TSKH Trần Duy Quý nói.
Quy trình kín nhưng vẫn "hở"
Nói thêm về các bước thực hiện bảo vệ tiến sĩ, GS-TSKH Trần Duy Quý cho hay, đầu tiên là bước tuyển chọn đầu vào. Những nghiên cứu sinh (NCS) được tuyển chọn phải là người đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn ban đầu như trình độ thạc sĩ, tư chất đạo đức... có trình độ ngoại ngữ tiêu chuẩn bằng B2 trở lên.
Sau khi lọt qua vòng 1, NCS phải báo cáo đề cương chuẩn bị thực hiện bảo vệ, đề cương phải bảo đảm phù hợp với thực tế, điều kiện của Việt Nam. Sau đó sẽ được phân công từ 1-2 giảng viên hướng dẫn.
Thời gian thực hiện đề tài nghiên cứu kéo dài từ 3-4 năm. Trong suốt thời gian đó, NCS phải thực hiện đủ 3 chuyên đề chuyên môn bao gồm 1 chuyên đề tổng quan, 1 chuyên đề báo cáo về công việc của NCS và 1 chuyên đề chuyên sâu về lĩnh vực nghiên cứu.
Sau khi thực hiện bảo vệ song 3 chuyên đề trên, NCS bắt đầu viết luận án và bảo vệ ở cấp bộ môn.
Sau khi nhận được góp ý, chỉnh sửa từ những người hướng dẫn và hội đồng môn, NCS mới chuyển sang bảo vệ cấp cơ sở. Qua được hội đồng cấp cơ sở, luận án của NCS sẽ được gửi cho Hội đồng phản biện kín phản biện.
"Sự khác biệt giữa Hội đồng phản biện kín ở Việt Nam và các nước là tiếng nói của Hội đồng kín là tiếng nói quyết định còn ở Việt Nam, Hội đồng kín vẫn làm việc theo hình thức "hở", tức là có thể qua, có thể không qua.
Ví dụ, nếu Hội đồng kín của nước ngoài đã bác lại luận án của NCS thì coi như bác lại toàn bộ ý kiến nhận xét, đánh giá hay ho, tốt đẹp của Hội đồng các cấp trước đó. Như vậy, dù thầy trò có khen nhau bằng mấy nếu Hội đồng kín đánh giá không đạt thì luận án vẫn bị trả về, NCS phải làm lại từ đầu.
Trong khi ở Việt Nam, nói là Hội đồng kín nhưng vẫn có hiện tượng làm việc theo cơ chế "hở", vẫn có hiện tượng nhận xét qua loa, hoặc bí mật trả lại luận án cho NCS sinh sửa, rồi cho bảo vệ bằng được... Vì thế, mới có tình trạng NCS cắt dán, coppy luận án của nhau, cứ đoạn nào hay là lấy nhưng vẫn không bị phát hiện ra. 
Tình trạng trên đã đủ để lý giải lý do vì sao, Việt Nam có 24.000 tiến sĩ nhưng có tới phân nửa tiến sĩ giấy là vì thế", GS.TSKH Trần Duy Quý nói.


Theo vị GS, tính trung bình một NCS thực hiện song các bước này phải mất từ 2-4 năm. Nếu bảo vệ ở nước ngoài, một NCS phải bỏ ra các khoản chi phí chính thức khoảng hơn 2 tỷ, còn bảo vệ trong nước thì khoảng hơn 1 tỷ đồng. Thế nhưng, nghịch lý là những NCS sau khi bảo vệ xong trở về nước làm việc, nếu làm trong các cơ quan quản lý hành chính và kể cả đứng giảng dạy, mức lương cũng rất khiêm tốn, chỉ vài triệu, tới chục triệu/tháng.
Với mức chi phí này nếu chỉ nhìn vào lương cơ bản được hưởng thì ai cũng phải đặt câu hỏi NCS lấy tiền đâu mà làm tiến sĩ hoặc làm song tiến sĩ thì đến bao giờ mới trả hết nợ?
GS Trần Duy Quý cho rằng, trong số những người làm tiến sĩ, có một số người làm khoa học, họ thật sự say mê nghiên cứu vì thế, họ làm tiến sĩ là để chứng minh khả năng nghiên cứu độc lập của một NCS.
Tuy nhiên, cũng có những người chỉ làm công tác quản lý cũng chạy theo làm tiến sĩ, PGS, lý do ở đây không phải vì phục vụ khoa học mà vì chạy theo bằng cấp, chạy theo chức vị, vì thế, bảo vệ tiến sĩ có tốn kém họ cũng sẵn sàng làm.
"Như trong gia đình tôi, tôi là GS nhưng con trai tôi lại không theo đuổi các học hàm này. Con trai tôi bảo, làm GS như bố cũng suốt ngày đi lội ruộng, trồng lúa mà lương chỉ đủ ăn. Vì thế, con tôi lựa chọn làm tự do, không chạy theo bằng cấp", vị GS kể.
Khó tránh tâm lý tự ti
Nói thêm về quy trình, GS.TSKH Trần Duy Quý cho rằng, với sự thay đổi tới đây chắc chắn công tác đào tạo tiến sĩ sẽ được xiết chặt, những người được đào tạo tiến sĩ trong giai đoạn từ năm 2021 trở đi sẽ có chất lượng hơn hẳn so với những người được đào tạo trước đó.
Vị GS lo ngại, với những áp lực về trình độ, chuyên môn, những người chạy theo bằng cấp, làm tiến sĩ để lấy danh có thể sẽ thu lại, tìm cách chạy vào các cơ quan quản lý nhà nước bởi, với trình độ hạn chế những người này không thể đọ sức được với những tiến sĩ làm khoa học thực sự.
"Khó tránh khỏi tâm lý thiếu tự tin khi cùng là tiến sĩ, đứng ngang hàng với nhau nhưng một người được xã hội ghi nhận còn một người chỉ biết đến trên lý thuyết, qua hồ sơ, thủ tục", GS Trần Duy Quý thẳng thắn.
Trong tương lai, để hạn chế tình trạng chạy theo bằng cấp, chạy theo số lượng, GS Trần Duy Quý cho rằng cần đặt ra một số các tiêu chuẩn cụ thể.
Trước hết, ông cho rằng phải thực hiện nghiêm túc các quy định, trình tự, các tiêu chí, tiêu chuẩn yêu cầu đối với một NCS làm tiến sĩ.
Thứ hai, đặt giới hạn độ tuổi nhất định. Không thể để một người 60 - 70 tuổi mới bắt đầu làm tiến sĩ được. Ở nước ngoài, quy định từ tuổi 45 trở lên, không được làm luận án PGS nữa. Cần tập trung vào độ tuổi trẻ, có đủ thời gian, năng lực để cống hiến chứ không phải làm vì cái danh.
Thứ ba, yêu cầu trình độ ngoại ngữ nâng lên, phải có trình độ đọc, hiểu, không chỉ nộp chứng chỉ là xong.
Thứ tư, là các quy định về công bố khoa học... đặc biệt, các công trình nghiên cứu phải có đánh giá thực tiễn, không thể là nghiên cứu xuông.
Vị GS kỳ vọng, với những quy định mới sẽ lựa chọn được những tiến sĩ giỏi thật sự, hạn chế được hiện tượng tiến sĩ giấy có bằng, có danh mà không làm được việc.
(Theo Đất Việt) Hoài An

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét