Xin xây sân bay Sa Pa và “Hội chứng sân bay” tại
Việt Nam
Cập nhật lúc 10:41
Cần nghiên cứu cẩn trọng để đánh giá sự cần
thiết và tính hiệu quả của CHK Sapa mà tỉnh Lào Cai đề xuất xây dựng, tránh
lãng phí và "Hội chứng sân bay".
Liên quan đến việc tỉnh Lào Cai đề xuất xây dựng Cảng hàng
không (CHK) Sa Pa với tổng mức đầu tư gần 5.800 tỷ đồng, ông Võ Huy Cường,
Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam (HKVN) cho rằng cần nghiên cứu cẩn
trọng để đánh giá sự cần thiết và tính hiệu quả của dự án này.
Theo ông Cường, CHK Sa Pa cần có sự
đánh giá nghiên cứu cụ thể về tác động của các loại hình vận tải khác, định
hướng phát triển kinh tế và đặc biệt là du lịch đầu tư thương mại của địa
phương.
Cần một hội
đồng thẩm định
Giải thích rõ hơn, Phó Cục trưởng Cục
HKVN phân tích, tại Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) số lượng sân bay không
nhiều như nước ta, hiệu quả khai thác không nhiều, bởi vì hệ thống đường bộ
cao tốc, đường sắt cao tốc của họ quá thuận lợi, nên tất cả các hãng hàng
không của 2 nước này hiện nay đang tăng cường khai thác các chuyến bay quốc
tế đến Việt Nam. Những sân bay hiện hữu của nước này đang ở trong điều kiện
rất khó khăn về mặt phục vụ chuyến bay quốc tế đến các nước khác.
“Nguyện vọng xây dựng CHK, sân bay là
chính đáng vì tỉnh nào cũng mong muốn nhưng cơ hội, khả năng thực tiễn phát
huy được hiệu quả cơ sở hạ tầng phải đánh giá cẩn trọng. Do đó, cơ quan chức
năng phải nghiên cứu cụ thể tiềm năng, đánh giá một cách khả thi trong và
ngoài nước để quyết định đầu tư bất kể nguồn lực đầu tư là ngân sách Nhà nước
hay xã hội hóa,” ông Cường nhấn mạnh.
Cần phải nói rằng, đề xuất xây CHK của
tỉnh Lào Cai không phải là điều mới và bất ngờ bởi thời gian vừa qua, một số
chuyên gia giao thông bày tỏ quan điểm, Việt Nam được nhận định là mắc phải
“hội chứng lạm phát sân bay” khi nhiều tỉnh, thành đều mong muốn có được một
sân bay, cảng hàng không.
Phản bác dư luận nói đến Việt Nam có
“hội chứng về sân bay”, ông Cường cho rằng, đây có lẽ là nói theo phong trào
bởi các cơ sở hạ tầng hàng không nước ta đều đang khai thác ở mức cao nhất và
nhu cầu mở rộng, nâng cấp là hiện hữu như Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Đà Nẵng, Cam
Ranh, Phú Quốc…
Theo ông Cường, sắp tới, nước ta sẽ có
thêm sân bay Vân Đồn và đây là minh chứng xem xét hiện hữu hiệu quả kinh tế
dựa trên yếu tố nhà đầu tư có sự tìm hiểu, phân tích đánh giá thị trường, sự
phát triển kinh tế địa phương, kết nối vùng miền trong và ngoài nước…
Xét hiệu quả
kinh tế sân bay mang lại
Theo một chuyên gia giao thông, để
thuyết phục đầu tư, xây dựng CHK, Nhà nước hay nhà đầu tư sẽ phải giải đáp
được hàng loạt câu hỏi như dự kiến khai thác nguồn khách ở đâu? khả năng tăng
trưởng khách cũng như phát triển kinh tế địa phương? kết nối với những địa
phương nào? ảnh hưởng của các loại hình đường bộ, đường sắt…
“Xã hội hóa hạ tầng hàng không chỉ thực
hiện được đối với các cảng hàng không, các nhà ga hành khách có tỷ suất sinh
lời cao, còn các cảng hàng không địa phương thì khó có thể làm được bởi nhà
đầu tư không nhìn thấy khả năng thu hồi vốn khi lượng khách ít, khả năng tăng
trưởng hạn chế,” vị chuyên gia này nhìn nhận.
Ở góc độ kinh tế, chuyên gia kinh tế Lê
Đăng Doanh cho biết, ông rất ngạc nhiên trước đề xuất này của UBND tỉnh Lào Cai.
Ông băn khoăn liệu đề xuất này đã được điều tra về nhu cầu thị trường hay
chưa, bởi hiện Việt Nam đã có khá nhiều sân bay, trong đó nhiều sân bay cũng
chưa sử dụng hết, có cả những sân bay được xây dựng trước năm 1975.
Ông Doanh cho rằng, phải tính toán kỹ
về nhu cầu hành khách. Dự kiến luồng khách du lịch đến Sa Pa từ Hà Nội, Đà
Nẵng, TP HCM hay từ nước ngoài vào? Liệu có sử dụng sân bay này một cách có
hiệu quả được hay không?
"Hiện nay, đã có đường cao tốc Nội
Bài - Lào Cai, di chuyển bằng ô tô giữa Hà Nội và Lào Cai nhanh và rẻ, hành
khách còn có thể ngắm phong cảnh dọc đường. Còn chặng bay sẽ thế nào? Tôi đề
nghị cần đưa ra một hội đồng để thẩm định. Nói thật là tôi rất phân
vân", chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh nhìn nhận.
Về phía Bộ GTVT, Thứ trưởng Lê Đình Thọ
cho rằng, để quyết định có đầu tư xây dựng dự án hay không và làm thế nào thì
cần phải xem xét, nghiên cứu rất kỹ lưỡng, không thể vội vàng đưa ra kết
luận./.
Trước đó,
UBND tỉnh Lào Cai đề xuất, sẽ xây dựng Cảng hàng không Sa Pa tại xã Cam Cọn,
huyện Bảo Yên với quy mô sân bay dân dụng cấp 4C, với tổng vốn đầu tư gần
5.800 tỷ đồng.
Dự kiến, dự
án sẽ được phân kỳ đầu tư theo 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 (đến năm 2020) sẽ đầu
tư 4.750 tỷ đồng (bao gồm chi phí giải phóng mặt bằng cho cả dự án) xây dựng
quy mô sân bay cấp 4C công suất 560.000 hành khách/năm và 600 tấn hàng/năm
với 2 vị trí đỗ tàu bay, có thể khai thác các loại tàu A320, A321 và tương
đương. Tiếp đó, giai đoạn 2 (đến năm 2030) sẽ đầu tư thêm 1.033 tỷ đồng nâng
cấp để đạt công suất 1.585.000 hành khách/năm và 2.880 tấn hàng hóa/năm.
Tỉnh Lào Cai
đề xuất phương án đầu tư theo hình thức xã hội hoá. Trong đó, giai đoạn 1,
Lào Cai sẽ kêu gọi đầu tư kết hợp hỗ trợ từ ngân sách địa phương phần khu bay
(bao gồm cả hạng mục san lấp mặt bằng, giải phóng mặt bằng và tái định cư)
với tổng kinh phí khoảng hơn 2.800 tỷ đồng.
Tổng công ty
Quản lý bay Việt Nam nghiên cứu đầu tư hạng mục quản lý bay với tổng kinh phí
khoảng 160 tỷ đồng. Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam nghiên cứu đầu tư
khu hàng không dân dụng với tổng kinh phí hơn 1.700 tỷ đồng. Riêng giai đoạn
2 sẽ triển khai khi có nguồn lực và nhu cầu.
(Theo VOV.VN) Phi Long
|
Thứ Tư, 8 tháng 8, 2018
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét