Thứ Hai, 6 tháng 8, 2018

Đường dây lừa đảo, ép làm “nô lệ” trên tàu cá

Cập nhật lúc 10:14    

Từ cuộc đào thoát khỏi tàu cá ở khu vực biển Kiên Giang của Phạm Đức Anh, xác tín và đối chiếu tư liệu từ cơ quan chức năng, đã hé lộ ra một đường dây chuyên lừa người đi biển, từ TPHCM tới các vùng biển miền Tây.

Lao động P.Đ.A còn thất thần sau cuộc đào thoát khỏi tàu cá. Ảnh: NN
Lao động P.Đ.A còn thất thần sau cuộc đào thoát khỏi tàu cá. Ảnh: NN

Nắm bắt được sự khan hiếm lao động nghề biển của chủ tàu, các đối tượng này dụ dẫn những thanh niên khỏe mạnh, thất nghiệp để đưa xuống tàu cá. Khi đã lênh đênh trên biển, người lao động mới “té ngửa” khi phát hiện bị những kẻ “đầu nậu người” ăn chặn công sức lao động, biến họ thành làm không công trên con tàu gỗ mong manh giữa biển sóng.
Bị lừa và bỏ trốn
Biết bị lừa nhưng tàu đã ra biển, Phạm Đức Anh chấp nhận quần quật làm ngư phủ cho tàu cá. 42 ngày, con tàu vào bờ nhưng thuyền trưởng tỏ ý không cho về. Được 1 ngư phủ thương tình dúi cho 28.000 đồng và chỉ cách bỏ trốn, Anh cùng 1 người bạn đã lén nhảy khỏi tàu, bám phà vào bờ chạy thoát…
Ngư dân Phạm Đức Anh kể, khi xuống bến xe miền Tây, theo quảng cáo trên tờ rơi, Đào Đức Anh được 1 xe ôm giới thiệu đi làm nghề biển với lương rất hấp dẫn: Nếu 1 tháng tàu vào bờ thì lương 12 triệu. Nếu từ 35 - 40 ngày mới cặp bến thì lương không dưới 20 triệu, lại không lo tiền ăn uống.
Thông qua 1 đối tượng tên Nhu, Đức Anh và 1 bạn được phân lên tàu “đực” mang số hiệu 78. Khi tàu ra biển, lân la hỏi chuyện, Đào Đức Anh mới “té ngửa” khi 1 ngư phủ hỏi việc người nhà có được ứng trước 10 triệu không. Khi nhìn thấy cái lắc đầu của Anh, người này thở dài “lại bị lừa rồi”.
42 ngày Phạm Đức Anh lênh đênh giữa biển khơi mịt mù với công việc chạy móc cào, lựa phơi mực và nấu nướng cho cả tàu. “Lúc dụ em đi biển, ông Nhu nói ngày làm 5 tiếng thôi. Nhưng lên tàu làm quần quật từ sáng tới tối, cả 10-12 tiếng” - Anh kể.
Ngày 11.7, đôi tàu vào bờ biển Rạch Gốc, nhưng đậu cách xa bờ, phải đi phà mới vào được. Phạm Đức Anh quyết định bỏ trốn.
Thương 2 bạn trẻ bị gạt mất tiền lương, 1 ngư phủ trên tàu cá số hiệu 78 đã bí mật dúi cho Phạm Đức Anh 28.000 đồng và chỉ cách trốn, sau đó đến đồn biên phòng Rạch Gốc - Kiên Giang để tố cáo.

Lao động P.Đ.A còn thất thần sau cuộc đào thoát khỏi tàu cá. Ảnh: NN 
Quảng cáo tuyển lao động cho tàu cá. mức lương hấp dẫn Ảnh: NN 
Nhập vai ngư phủ
Từ thông tin trên, chúng tôi lần xuống bến xe miền Tây TPHCM. Trên góc tường của bến xe, chúng tôi phát hiện tờ quảng cáo khổ A4 in đậm nội dung: “Nghiệp đoàn nghề cá cần tuyền nam nữ phụ ghe tàu, lựa hải sản, bao ăn ở, làm 5h/ngày, thu nhập 12-20 triệu/tháng. Liên hệ số điện thoại....”.
Trong vai kẻ cá độ bóng đá nợ nần muốn trốn, tôi gọi điện và đầu dây bên kia, người đàn ông có phần “cứng tuổi” xưng Nhu cho hay, chỉ có đi biển là hết lo bị chủ nợ lùng, khỏi cần biết bơi, cứ xuống dưới đó có người lo. Đi biển nếu tròn 1 tháng thì lương 12 triệu. Nếu tàu đi quá 1 tháng, từ 35 - 40 ngày mới vào bờ thì lương không dưới 20 triệu. Hết chuyến, muốn thì vào bờ, không đi tiếp.
Lén bám theo Anh (lúc này trong vai người đi kiếm việc), chúng tôi xác định ở khu vực bến xe miền Tây có 2 người xe ôm nữa cũng làm nhiệm vụ xem, dẫn mối chở cho Nhu để y đưa xuống cho các “đầu nậu người” cung cấp cho các tàu đánh bắt cá trên biển.
Xác tín của chúng tôi từ Phòng Phòng chống ma túy và tội phạm thuộc Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Kiên Giang, có nhân vật tên Nhu cùng một số xe ôm ở TPHCM bị nhiều lao động đi biển tố cáo là lừa lấy tiền người đi biển. Cơ quan chức năng còn xác định, Nhu có mối liên kết với nhiều môi giới lao động khác ở Kiên Giang. Khi “con mồi” cắn câu, chúng đưa xuống cho các đầu nậu chuyên cung cấp ngư phủ cho các tàu cá tại Kiên Giang để lấy tiền môi giới và lừa cả tiền lương người lao động cũng như chủ tàu cá. Tuy nhiên, cơ quan chức năng chỉ mới làm việc được với chủ tàu cá, chưa điều tra được các đối tượng ở TPHCM.
Hé lộ đường dây
Cùng thời điểm chúng tôi đang lần theo manh mối Nhu và nhóm xe ôm ở TPHCM, tại Kiên Giang, BĐBP tỉnh này đã giải cứu thành công 12 ngư phủ bị ép buộc làm nghề biển, trên 2 tàu cá khác. Đối chiếu lời khai cũng như điều tra ban đầu do BĐBP Kiên Giang cung cấp, chúng tôi phát hiện, Nhu và nhóm người trong đường dây không chỉ lừa gạt Phạm Đức Anh. Bọn chúng chuyên “săn người” cung cấp cho nhiều tàu cá, biến họ thành lao động không công trên biển, lại lừa được cả chủ tàu.
Tin từ BĐBP Kiên Giang cho hay, hiện 11/12 ngư phủ vừa được đưa về nhà. Trước đó, tối 27.7, BĐBP Kiên Giang đã phải áp giải 2 tàu cá mang số hiệu KG 92674 TS và KG 91843 TS của tỉnh Kiên Giang vào bờ để giải thoát 12 ngư phủ trên. Theo cơ quan chức năng, các ngư phủ có dấu hiệu bị lừa đảo ép buộc làm nghề biển, không được nhận lương, thậm chí còn bị đánh đập.
Theo thông tin Lao Động có được, đường dây này, 1 đầu do Nhu cùng nhóm xe ôm ở TPHCM có nhiệm vụ “săn người” dụ “con mồi” rồi đưa xuống Kiên Giang, Cà Mau cho 3 đối tượng khác tên là Chín, Nhứt, Đen (lời khai của các nạn nhân và cơ quan chức năng đang điều tra), tiếp tục nhiệm vụ cung cấp cho các chủ tàu cá cần người.
Tại Kiên Giang, nhóm Chín, Nhứt, Đen nắm rất kỹ và chính xác số lượng tàu cá trên địa bàn, cần bao nhiêu lao động cho mỗi chuyến đi biển. Trước khi vào con nước, tàu chuẩn bị ra khơi, bọn chúng gặp chủ tàu hoặc thuyền trưởng (được chủ tàu thuê) đặt vấn đề cung cấp lao động đi biển. Nếu đi theo tháng thì giá 13 triệu, bao gồm 12 triệu tiền cho người nhà ngư phủ ứng trước nhưng do chúng trực tiếp đưa và 1 triệu tiền công. Nếu đi 3 tháng thì giá từ 18 - 20 triệu đồng/người.
Nếu chủ tàu không chấp nhận, thì chỉ cần thiếu 1-2 ngư phủ, tàu không đảm bảo việc khai thác, phải bỏ cả chuyến biển. Khi phải thông qua “cò ngư phủ”, để chuẩn bị đầy đủ cho 1 chuyến biển, chủ tàu cá phải tốn từ 900 triệu đến gần 1 tỉ đồng cho các chi phí bao gồm cả tiền ứng trước cho các ngư phủ, tiền công “săn người”.
Báo cáo của BĐBP Kiên Giang về việc giải cứu 12 nạn nhân làm việc trên tàu cá KG 92674 TS và KG 91843 TS thể hiện, chủ tàu cũng như người quản lý, thuyền trưởng đã thuê người đi biển nhưng không có hợp đồng lao động. Thuyền viên làm việc trên tàu KG 92674 TS không đúng tên trong sổ danh bạ thuyền viên, vi phạm quy định trong hoạt động thủy sản.
Với cách thức lên tàu đi biển như trên, tội phạm chỉ cần qua môi giới dễ dàng chạy lên tàu ra biển để trốn. Cái nguy hiểm hơn, như nỗi lo của Phạm Đức Anh khi chân đã chạm bờ “Đúng là giả sử em có bị làm sao trên biển thì ở đất liền không ai biết, rồi lại chỉ nói là… mất tích thôi!”.
Một nỗi phập phồng khác: Trong 12 nạn nhân vừa được giải cứu, theo BĐBP Kiên Giang, có một số ngư phủ khai, khi làm việc trên tàu, do không quen nên bị say sóng, mệt mỏi không thể làm việc được, họ đã bị thuyền trưởng chửi, đánh.
Có 2 trường hợp xin về nhưng thuyền trưởng không cho về. Khai với cơ quan chức năng, người thuyền trưởng này lấy lý do vì phải trả chi phí quá lớn (900 triệu đồng) chuẩn bị cho 1 chuyến đi biển, bao gồm cả cho “đầu nậu người”. Những người này mới làm được khoảng 10 ngày, tàu mà thiếu 1-2 người thì phải hủy chuyến, nên… không cho về (?).
Tất nhiên đó mới là lời khai ban đầu. Bởi chưa tìm được 4 đối tượng trong đường dây là Chín, Nhứt, Nhu, Đen nên cơ quan chức năng chưa thể kiểm chứng lời khai của các bên. Nhưng qua những tình tiết trên cho thấy, sẽ có rất nhiều chuyện đáng lo xảy ra trên biển mà “chỉ có thuyền và biển” mới biết, nên khó lòng cho cơ quan chức năng trong bờ đối chứng. 
Theo báo cáo BĐBP Kiên Giang, ở vụ giải cứu 12 ngư phủ vừa qua, hiện cơ quan chức năng đang tiếp tục điều tra làm rõ có không hành vi xâm hại sức khỏe của người khác (đánh người) của thuyền trưởng; điều tra làm rõ xem có hay không hành vị phạm tội cưỡng bức lao động ngoài ý muốn.
Cơ quan chức năng cũng đang khẩn trương điều tra xác minh các đối tượng liên quan đến hoạt động môi giới là: Chín, Nhứt, Nhu, Đen và những người có liên quan khác để xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
(Theo Lao Động) PHÓNG SỰ ĐIỀU TRA CỦA NGÔ NGUYÊN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét