Chủ
đầu tư đã hưởng lợi, giờ lại "kêu" có khoảng trống pháp luật với
condotel?
Cập nhật lúc 09:53
Theo
ông Lê Hoàng Châu, chủ đầu tư dự án condotel "kêu" đang có khoảng
trống pháp luật về các loại hình bất động sản "lai" do xuất phát từ
lợi ích.
Trong thời gian qua, có nhiều chủ đầu tư dự án
bất động sản nghỉ dưỡng cho rằng đang có khoảng trống pháp luật về các loại
hình bất động sản "lai". Trong đó, có sản phẩm căn hộ du lịch, nhà
phố du lịch, biệt thự du lịch trong các dự án khu du lịch nghỉ dưỡng
(condotel).
Tuy nhiên, Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh
(HoREA) cho rằng, không có khoảng trống pháp luật về các loại hình bất động
sản “lai”, trong đó có condotel.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội đã ký công văn bày tỏ
quan điểm của hiệp hội gửi đến Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ
Tư pháp...
Theo Hiệp hội, căn cứ Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Xây
dựng, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Du lịch, Bộ Luật Dân sự, về cơ bản
đã có thể điều chỉnh hoạt động đầu tư, xây dựng, kinh doanh các loại hình bất
động sản "lai".
Tuy nhiên, vẫn cần phải tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện hệ
thống pháp luật về vấn đề này, nhằm phát triển du lịch trở thành ngành kinh
tế mũi nhọn và để các dự án condotel phát triển minh bạch, bền vững, bảo vệ
lợi ích chính đáng của nhà đầu tư thứ cấp.
Vậy, vì sao các chủ đầu tư dự án condotel "kêu"
là đang có khoảng trống pháp luật về các loại hình bất động sản lai?!
Theo ông Lê Hoàng Châu, trước hết, là xuất phát từ lợi ích
của các chủ đầu tư dự án.
Trong các năm qua, các chủ đầu tư dự án condotel đã đạt
được lợi nhuận rất lớn.
Do giá bán căn hộ condotel tương đương giá bán căn hộ cao
cấp, trong lúc giá thành thấp và nghĩa vụ của doanh nghiệp nộp tiền sử dụng
đất, tiền thuê đất dự án vào ngân sách nhà nước chưa tương xứng.
Như Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa đã nhận định "Thu
ngân sách từ tiền sử dụng đất đối với dự án du lịch, nghỉ dưỡng quá thấp, vì
thu tiền sử dụng đất theo mục đích đất sản xuất kinh doanh".
Kế đến là mục đích của các chủ đầu tư muốn bán nhanh, chốt
lời nhanh dự án condotel, nên các chủ đầu tư thường thực hiện phương thức bán
căn hộ condotel với cam kết lợi nhuận phổ biến từ 8-12%/năm trong 8-12 năm, với
thủ thuật tăng giá bán cao hơn rất nhiều so với giá gốc.
Theo Hiệp hội, chủ đầu tư đã lấy tiền trước của khách hàng
rồi trả lại dần cho khách hàng theo cam kết lợi nhuận, kiểu "lấy mỡ nó
rán nó".
Cùng với đó, để tăng thêm tính hấp dẫn khi bán hàng, chủ
đầu tư dự án condotel cam kết người mua condotel sẽ được cấp "sổ đỏ ổn
định lâu dài, không hình thành đơn vị ở"(?!).
Trong khi đó, Luật Đất đai hiện hành không có quy định cấp
"sổ đỏ" ổn định lâu dài mà chỉ quy định cấp "sổ đỏ" có
thời hạn cho người mua condotel.
Nhưng, trên thực tế các năm qua, đã có vài địa phương
"xé rào", cấp "sổ đỏ ổn định lâu dài, không hình thành đơn vị
ở" cho người mua căn hộ condotel.
“Việc làm của các địa phương này là trái với quy định của
pháp luật đất đai hiện hành”, Hiệp hội nhận định.
Theo Hiệp hội, sự khác biệt giữa căn hộ condotel với phòng
khách sạn và căn hộ chung cư là vấn đề quyền sở hữu và quản lý, kinh doanh.
Về quyền sở hữu, căn hộ condotel thuộc sở hữu riêng của
các nhà đầu tư thứ cấp bên cạnh phần thuộc sở hữu của chủ đầu tư khu du lịch,
nghỉ dưỡng (sở hữu chung theo phần).
Về mặt quản lý, kinh doanh condotel, phương thức phổ biến
là chủ sở hữu căn hộ condotel ủy quyền cho chủ đầu tư khu du lịch nghỉ dưỡng
thực hiện, ít có trường hợp chủ sở hữu căn hộ condotel trực tiếp khai thác
kinh doanh.
Sau một thời gian phát triển quá nóng, hiện nay, thị
trường condotel đang chững lại và đối diện với nhiều thách thức, khó khăn.
Trước hết là về hiệu quả kinh doanh, tính thanh khoản, thực hiện cam kết đảm
bảo lợi nhuận và cấp "sổ đỏ" cho khách hàng.
Hiệp hội cũng chỉ rõ, việc mua bán, cho thuê, thuê mua,
tặng, cho, đổi, thế chấp condotel; góp vốn bằng condotel đã được quy định tại
Luật Kinh doanh bất động sản, Bộ Luật Dân sự...
Riêng, điều kiện bán condotel hình thành trong tương lai
đã được quy định tại Điều 55 Luật Kinh doanh bất động sản.
Hiện nay, tại Điều 56 Luật Kinh doanh bất động sản chỉ quy
định bảo lãnh trong bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai, mà
chưa có quy định phải thực hiện bảo lãnh nghĩa vụ tài chính của chủ đầu tư dự
án condotel hình thành trong tương lai với khách hàng.
Đối với cá nhân nước ngoài chỉ được mua nhà ở sau khi đã
nhập cảnh hợp pháp vào Việt Nam, tại các dự án nhà ở thương mại ngoài khu vực
bảo vệ quốc phòng, an ninh theo quy định của Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất
động sản, nên hiện nay, cá nhân nước ngoài chưa được mua căn hộ condotel.
Về lâu dài, theo Hiệp hội, để phát triển du lịch trở thành
ngành kinh tế mũi nhọn, rất cần thiết sửa đổi Luật Đất đai theo hướng cho
phép thực hiện chế độ sử dụng đất ổn định lâu dài đối với "đất du
lịch".
Đất du lịch chỉ được sử dụng nhằm mục đích phục vụ du lịch
mà thôi.
Như vậy, ngoài hình thức thuê đất có thời hạn, chủ đầu tư
các dự án khu du lịch nghỉ dưỡng còn có thể lựa chọn hình thức sử dụng
"đất du lịch" ổn định lâu dài, và sẽ phải có nghĩa vụ nộp tiền sử
dụng đất phù hợp giá thị trường vào ngân sách nhà nước, tương tự như chính
sách thu tiền sử dụng đất ở.
Trên cơ sở đó, người mua căn hộ condotel sẽ được cấp Giấy
chứng nhận quyền sở hữu và quyền sử dụng đất ổn định lâu dài.
Đồng thời, cần bổ sung quy định thực hiện bảo lãnh ngân
hàng khi bán condotel hình thành trong tương lai để bảo vệ nhà đầu tư thứ
cấp.
Bên cạnh đó, cần xem xét cho phép cá nhân nước ngoài được
mua căn hộ condotel tại các dự án ngoài khu vực bảo vệ quốc phòng, an ninh,
nhằm tăng thêm tính thanh khoản và bổ sung thêm nguồn vốn đầu tư phát triển ngành
du lịch.
“Trước mắt, các cơ quan có thẩm quyền cần hướng dẫn cấp
ngay "sổ đỏ" có thời hạn cho người mua căn hộ condotel để đảm bảo
quyền lợi khách hàng.
Cơ quan chức năng cần có biện pháp yêu cầu chủ đầu tư dự
án condotel thực hiện nghĩa vụ đảm bảo lợi nhuận cho nhà đầu tư thứ cấp như
đã cam kết trong hợp đồng”, ông Lê Hoàng Châu nhấn mạnh.
(Theo
GDVN) Đỗ Thơm
|
Thứ Tư, 15 tháng 8, 2018
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét