Thứ Sáu, 3 tháng 8, 2018

Mục đích ông Putin khôi phục cấp Chính ủy trong quân đội

Cập nhật lúc 15:44                  

Học thuyết quân sự mới tạo sức ép rất lớn với quân đội, nhất là binh sĩ trẻ. Điều này rất khó nếu không có bộ phận chuyên trách triển khai...

Tổng thống Putin quyết định khôi phục cấp chính uỷ trong quân đội Nga
Reuters đưa tin, ngày 30/7 Tổng thống Putin đã ký sắc lệnh thành lập Ban Chính uỷ trong Quân đội Nga và bổ nhiệm Thượng tướng Andrei Kartapolov làm Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nga kiêm Chính ủy quân đội Nga.
Nhiệm vụ của Ban Chính uỷ - ghi trong sắc lệnh - là cổ vũ tinh thần yêu nước và lòng trung thành với Tổ quốc của hơn một triệu quân nhân Nga, trong bối cảnh đối trọng Nga-phương Tây ngày một căng thẳng.
Bên cạnh đó, theo nguồn tin của nhật báo Kommersant, Thượng tướng Kartapolov cũng được giao quản lý hoạt động của Yunarmiya, một tổ chức thanh niên quân đội yêu nước có sự tài trợ của Bộ Quốc phòng Nga.


Tổng thống Putin khôi khục cấp chính uỷ trong quân đội Nga là cần thiết trong tình hình hiện nay
Theo Reuters, vào năm 1918, chính quyền Xô Viết đã lập Ban Chính ủy trong quân đội Liên Xô, với nhiệm vụ bảo đảm Hồng quân trung thành với Đảng Cộng sản Liên Xô, vì vậy sắc lệnh mới này của Tổng thống Putin đã gợi nhớ thời Liên Xô.
Tuy nhiên, chuyên gia quân sự Nga Vladimir Scherbakov đã đặt ra thắc mắc liên quan đến việc Tổng thống Putin - với vai trò Tổng tư lệnh quân đội Nga - quyết định phục hồi cấp chính ủy trong quân đội Nga:
“Vào thời Liên Xô, Ban Chính uỷ trong quân đội phục vụ quyền lợi của Đảng Cộng sản Liên Xô. Nay chưa rõ Ban Chính ủy được phục hồi sẽ phục vụ lợi ích cho tổ chức chính trị nào", Nezavisimaya Gazeta tường thuật.
Những người khác thì thắc mắc liệu phục hồi cấp chính ủy trong quân đội Nga có phải là sự khởi đầu của việc phục hồi công tác giáo dục lý tưởng ở môi trường quân đội hay không?
Phó Tổng biên tập Kommersant Dmitry Drize thì nhận định việc Tổng thống Putin khôi phục cấp chính uỷ trong quân đội Nga thực ra là muốn khôi phục mô hình quân đội Liên Xô, bởi “những điều này là sự dần quay trở về thời Liên Xô”.
Ông Alexander Kanshin, chuyên gia thuộc tổ chức dân sự chuyên phân tích về chính sách quân sự của Nga, thì cho rằng việc khôi phục cấp uỷ trong quân đội là nhằm đáp ứng với tình hình mới của đất nước Nga.
“Trong điều kiện thông tin toàn cầu hóa, cùng đối đầu tâm lý với phương Tây, vai trò của chính trị và tinh thần đoàn kết trong quân đội Nga và xã hội ngày càng phát triển mạnh”, ông Kanshin thể hiện quan điểm.


Thượng tướng Andrei Kartapolov, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng kiêm Chính ủy quân đội Nga.
Rõ ràng, có rất nhiều góc nhìn về quyết định khôi phục cấp chính uỷ trong quân đội Nga của Tổng thống Putin. Vậy ý nghĩa thực sự của việc này là gì, một sự bổ sung chức năng cho quân đội Nga hay một quân đội Liên Xô đang được tái sinh?
Mục đích của Tổng thống Putin là gì?
Có thể nhận định rằng, việc thành lập cấp chính uỷ trong quân đội Liên Xô là chính trị hoá quân đội. Dù là Ban chính trị, Cục chính trị hay cán bộ chính trị viên, thì nhiệm vụ của cấp chính uỷ luôn là nhiệm vụ chính trị.
Công việc của cấp chính uỷ luôn là quán triệt tư tưởng, động viên tinh thần, ổn định tâm lý cho cán bộ chỉ huy và binh sĩ trước, trong và sau khi làm nhiệm vụ, dù là trong thời chiến hay thời bình.
Đây là mô hình quân đội của các nhà nước theo chế độ chính trị đơn đảng. Nay Nga theo chế độ chính trị đa đảng thì mô hình quân đội cũng thay đổi - đó là phi chính trị hoá quân đội - nên cấp chính uỷ không được xác lập.
Vì vậy, khi Tổng thống Putin khôi phục cấp uỷ đã có nhiều thắc mắc. Dù theo sắc lệnh, nhiệm vụ của cấp chính uỷ là cổ vũ tinh thần yêu nước, lòng trung thành với Tổ quốc của quân đội, song dường như đó không phải là mục đích của nhà lãnh đạo.
Theo giới phân tích, việc khôi phục cấp chính uỷ trong quân đội là nhằm phục vụ cho việc triển khai Học thuyết quân sự mới của Nga, được xây dựng từ khi Tổng thống Putin lên nắm quyền, sau khi quân đội Nga phải nhận "sự kiện buồn" tại Kosovo.
Nước Nga là thực thể kế thừa Liên Xô, trong đó có quân đội. Quân đội Nga thay đổi mô hình từ chính trị hoá sang phi chính trị để phù hợp với chế độ chính trị mới, song nước Nga của Yeltsin lại không xây dựng Học thuyết quân sự mới tương xứng.
Đó được xem là nguyên nhân chính khiến Moscow lúng túng với tình hình tại Kosovo và phải chịu sự thất thế trước NATO. Có thể thấy "sự kiện buồn" tại Kosovo là thất bại duy nhất của quân đội Nga - tính cả quân đội Liên Xô trước kia - trước NATO.


Tổng thống Putin giới thiệu các kỹ thuật quân sự hiện đại trong Học thuyết quân sự mới của Nga
Khi được trao quyền lực, Tổng thống Putin đã bắt tay ngay vào việc cải tổ quân đội, trong đó quan trọng nhất là phải xây dựng một Học thuyết quân sự mới cho nước Nga, nhằm tránh lặp lại "sự kiện buồn Kosovo".
Học thuyết quân sự mới của Nga được hoàn thiện dần qua các sự kiện mà quân đội Nga tham gia - can thiệp hay hành động - như Chiến tranh Nga-Gruzia hay cuộc nội chiến Syria, cũng như các cuộc tập trận riêng rẽ hay tập trận chung, phối hợp.
Theo giới chuyên gia quân sự, Học thuyết quân sự mới của Nga được xem là chính thức thành hình sau cuộc tập chung giữa quân đội Nga và quân đội Belarus hồi tháng 9/2017 - Zapad-2017.
Khi đọc Thông điệp Liên bang năm 2018, Tổng thống Putin đã chính thức công bố Học thuyết quân sự mới của Nga, từ chiến thuật đến chiến lược và đặc biệt là kỹ thuật quân sự hiện đại của quân đội Nga, khiến Mỹ-phương Tây rất bất ngờ.
Học thuyết quân sự mới của Nga được cho là sẽ hoàn chỉnh khi chương trình hiện đại hoá cho quân đội Nga của Tổng thống Putin được hoàn tất, mà theo kế hoạch là vào năm 2025.
Hơn 1/4 thế kỷ quân đội Nga mới có một học thuyết quân sự mới, nên điều này là rất mới mẻ với cả cấp chỉ huy lẫn binh sĩ. Do vậy, cần phải có một bộ phận chuyên trách thực hiện nhiệm vụ triển khai Học thuyết mới này.
Và việc khôi phục ban chính uỷ là nhằm hiện thực hoá điều ấy. Đây là một ý tưởng hay của Tổng thống Putin, vì có thể lồng ghép việc triển khai Học thuyết quân sự mới cùng với việc cổ vũ tinh thần yêu nước và lòng trung thành với Tổ quốc cho quân đội.
Có ý kiến đặt vấn đề: Thành lập bộ phận chuyên trách thực hiện triển khai Học thuyết quân sự mới liệu có cần thiết, bởi Mỹ và các nước phương Tây đâu cần điều này, mà quân đội của họ vẫn tổ chức tốt, phù hợp với Học thuyết quân sự của họ.


Zapad-2017
Giới phân tích cho rằng, quân đội Mỹ và quân đội các nước phương Tây từng bộc lộ nhiều khiếm khuyết khi thiếu một bộ phận chuyên trách như cấp chính uỷ, mà thể hiện ra là hiện tượng sang chấn tâm lý của cựu binh, thậm chí cả binh sĩ đang tại ngũ.
Lịch sử nước Mỹ thời hậu chiến tranh Việt Nam đã từng chứng kiến hội chứng cựu binh Mỹ tham chiến tại Việt Nam tự tử hàng loạt hay bất ổn về tinh thần, tâm lý trong thời gian dài. Điều này bộ phận phụ trách tâm lý chiến không giải quyết được.
Hiện nay chủ nghĩa khủng bố đang trỗi dậy mà sức mạnh của chúng nằm ở tinh thần - chủ thuyết - chứ không phải vũ khí, nên thiếu bộ phận chuyên trách thực hiện nhiệm vụ chính trị cũng là một lý do khiến Mỹ-phương Tây chống khủng bố kém hiệu quả.
Còn với nước Nga, khi Học thuyết quân sự mới được xây dựng và hoàn thiện sẽ tạo ra sức ép rất lớn với quân đội, nhất là các binh sĩ trẻ tuổi. Điều này sẽ rất nguy hiểm nếu không có bộ phận chuyên trách triển khai học thuyết một cách hợp lý.
Vì vậy, khôi phục cấp chính uỷ là cần thiết và phù hợp với tình hình của quân đội Nga hiện nay, song đó hoàn toàn không phải là việc khôi phục "một quân đội Liên Xô mới" trong thời đại Putin.
(Theo Đất Việt) Ngọc Việt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét