Thứ Ba, 7 tháng 8, 2018

1.000 DN nộp thuế nhiều nhất: Tôn vinh tràn lan, phồn thịnh ảo?
Cập nhật lúc 09:01              

Trong 1.000 doanh nghiệp (DN) nộp thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) lớn nhất năm 2017 vừa được vinh danh có mặt hàng loạt DN xổ số kiến thiết, DN vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI); trong khi số DN tư nhân sản xuất trong nước vẫn khiêm tốn.

Lãnh đạo VCCI và Tổng cục Thuế trao kỷ niệm chương và hoa cho các DN trong bảng xếp hạng 1.000 DN nộp thuế TNDN nhiều nhất năm 2017. Ảnh: Tuấn Nguyễn. 
Lãnh đạo VCCI và Tổng cục Thuế trao kỷ niệm chương và hoa cho các DN trong bảng xếp hạng 1.000 DN nộp thuế TNDN nhiều nhất năm 2017. Ảnh: Tuấn Nguyễn.

Doanh nghiệp bán tài nguyên, xổ số “được mùa”
Ông Bùi Văn Nam, Tổng Cục trưởng Tổng cục thuế (Bộ Tài chính) cho biết, bảng xếp hạng 1.000 DN nộp thuế TNDN nhiều nhất được xây dựng dựa trên mức độ đóng góp thực tế của DN vào ngân sách đối với sắc thuế TNDN. Con số này đồng thời gián tiếp phản ánh hiệu quả sản xuất kinh doanh của DN trong một năm. Tổng số thuế TNDN của các DN trong bảng xếp hạng (BXH) nộp ngân sách đạt 110.027 tỷ đồng, chiếm 62,5% trên tổng số thuế TNDN của cả nước năm 2017.
Trong số 1.000 DN này có tới 22 DN xổ số kiến thiết (như Vĩnh Long, Ðồng Tháp, Long An, Tiền Giang, Tây Ninh, Bạc Liêu, An Giang, Sóc Trăng, Cà Mau, Trà Vinh, Bình Thuận…). Theo luật sư Trương Thanh Ðức (Cty Luật Basio), những DN nộp thuế lớn rất xứng đáng được tôn vinh nhưng nhìn vào danh sách có rất nhiều điều đáng lo ngại. Ðơn cử, việc có tới 22 DN kinh doanh xổ số kiến thiết nằm trong top nộp thuế nhiều nhất thì không thể chấp nhận được.
“Bản chất của xổ số là đánh bạc. Hơn nữa, đây là hình thức đánh bạc nhà nước. Với mục tiêu vui chơi có thưởng, đầu tư xây dựng nhưng thử hỏi xem những tỉnh có công ty xổ số trên ít có DN nào làm ăn “nên hồn”, toàn thấy các “ông xổ số” đứng đầu”, ông Ðức nói.
Ông Ðức cũng cho rằng, khi Trung tâm tín dụng CIC được xếp ở vị trí thứ 98, Công ty mua bán nợ (Bộ Tài chính) vị trí 229, Trung tâm lưu ký chứng khoán xếp vị trí 331 thì... “chết” cộng đồng DN. Bởi những doanh nghiệp này là đơn vị sự nghiệp, sinh ra để hỗ trợ DN, kinh doanh lấy thu bù chi, không vì mục đích lợi nhuận.
“Trung tâm tín dụng CIC mục đích là để phòng ngừa rủi ro tín dụng cho nền kinh tế, giảm chi phí vốn cho ngân hàng và người đi vay, chứ tính toán lời lãi gì ở đây? Rủi ro thấp, chỉ được phép lãi chút ít, chứ không đầu tư, kinh doanh nhiều mà ăn dày thế này thì gay quá”, ông Ðức băn khoăn.

 1.000 DN nộp thuế nhiều nhất: Tôn vinh tràn lan, phồn thịnh ảo? - ảnh 1
1.000 DN nộp thuế nhiều nhất: Tôn vinh tràn lan, phồn thịnh ảo? - ảnh 2
Top 100 DN nộp thuế nhiều nhất

Các chuyên gia cũng chỉ ra “hạt sạn” trong danh sách tôn vinh DN nộp thuế lớn nhất. Doanh nghiệp bán lẻ Nguyễn Kim, vừa qua bị truy thu cả trăm tỷ đồng tiền thuế vẫn lọt danh sách DN được tôn vinh. Hay nhiều DN FDI từng bị điều tra vì nghi án trốn thuế, 20 năm đầu tư kinh doanh ở Việt Nam nhưng liên tục báo lỗ như Coca-Cola vẫn có trong danh sách.
“Bảng danh sách tôn vinh DN lớn trong nền kinh tế Việt Nam có nhiều DN bán tài nguyên và trung gian như bất động sản, xổ số kiến thiết, thuốc lá… Nếu cứ tôn vinh như vậy, sẽ khiến thuế đang phồn vinh giả tạo”, vị chuyên gia này cảnh báo.
Phụ thuộc vào khối DN FDI
Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Bùi Văn Nam cho rằng, thuế TNDN là loại thuế trực thu, chiếm tỷ trọng lớn trong tổng thu ngân sách, là công cụ quan trọng của nhà nước trong việc điều tiết vĩ mô nền kinh tế và thực hiện chức năng tái phân phối để đảm bảo công bằng xã hội. Ðây cũng là sắc thuế mà thông qua nó đánh giá hiệu quả sản xuất kinh doanh của DN, bởi chỉ có những đơn vị làm ăn có lợi nhuận mới phải nộp thuế TNDN.
Ông Nam cho biết, tiêu chí để lựa chọn các DN dựa vào danh sách tôn vinh là tổng số thuế TNDN được tính cho một DN có ngày nộp thuế từ 1/1/2017 đến ngày 31/12/2017. Số thuế TNDN nộp trong năm 2017 bao gồm cả số còn phải nộp của các năm trước; số phát sinh năm 2016, trong đó số thuế tạm nộp có thể lớn hơn số thuế phải nộp theo quyết toán.
Chuyên gia kinh tế Lê Ðăng Doanh cho rằng, con số DN FDI chiếm 40,4% trong 1.000 DN nộp thuế TNDN nhiều nhất là bằng chứng cho thấy nền kinh tế Việt Nam đang bị phụ thuộc nhiều vào khối DN nước ngoài. “Chúng ta cần khuyến khích DN của người Việt Nam phát triển hơn nữa. Bởi lợi nhuận của DN trong nước sẽ ở lại Việt Nam, còn DN FDI có thể rút khỏi nền kinh tế Việt Nam bất cứ khi nào”, ông Doanh khuyến nghị.
Một quốc gia muốn kinh tế hùng mạnh, hàng hóa dịch vụ dồi dào phải có đông đảo các DN lớn mạnh, sản xuất ra của cải vật chất, dịch vụ cao cấp... Bảng danh sách DN lớn được tôn vinh vì nộp thuế nhiều có không ít DN bán tài nguyên và trung gian như bất động sản, xổ số kiến thiết, thuốc lá…
(Theo Tiền Phong) TUẤN NGUYỄN - QUỲNH NGA

Người bỏ ra 1 tỷ mang về lợi nhuận 1 triệu/năm so với người bỏ ra 100 triệu cũng mang về lợi nhuận1triệu/năm, ai đáng khen hơn? Con số lớn không phải bao giờ cũng phản ánh đúng bản chất là to! DN hao phí nhiều tài nguyên mà mang lại tiền thuế chỉ bằng DN không tốn tài nguyên thì họ đáng bị phạt chứ sao lại vinh danh? Kiểu vinh danh này cần xem lại, tốt nhất là nên bỏ.
Thương Giang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét