Phương pháp “Mông nẩy” trong chăn nuôi
… dự án
Cập nhật lúc 09:49
Vấn đề ở chỗ không phải bất kỳ ai cũng đủ cao tay để phù phép
khiến cho dự án trở thành “mông nẩy”, phải kết hợp đủ ba yếu tố: “Anh ừ, chị
hử, bác gật gù”.
Tại vùng giáp ranh Hà Nội - Hưng Yên,
người bán dạo rao: “Bánh mì Hưng Yên đặc ruột thơm ngon đây”.
Những người bán
bánh mì kẹp nhân chỉ chọn bánh mì nhỏ, không chọn bánh to nhưng các lò bánh
tư nhân vẫn làm bánh mì rỗng ruột và loại bánh này vẫn đầy các quầy hàng.
Nguyên nhân là
vì hôm nay có không ít người Việt vẫn mang tâm lý thấy to là thích, thấy rẻ
là ham.
Người ta ham
của rẻ, kể cả của ôi dù biết là nó rỗng ruột, nó … bốc mùi.
Vậy tại sao
người bán bánh kẹp nhân chọn “bánh mì đặc ruột”?
Bởi bánh mì kẹp
nhân mà chọn bánh to thì tốn nhân, chẳng lẽ chỉ cho tí nhân vào giữa còn hai
đầu không có gì, cho ít nhân người ta chê làm điêu, cái lý của dân buôn là
thế.
Tại một huyện
ngoại thành Hà Nội giáp tỉnh Bắc Ninh, có một nhóm người chuyên thu mua những
con bò gầy giơ xương không còn khả năng kéo xe hay sinh sản với giá bèo, bò
bị buộc trong chuồng chừng hơn một tháng, cho ăn thức ăn trộn bột tăng trọng.
Chẳng biết loại
bột đó có nguồn gốc xuất xứ thế nào, chỉ biết cánh lò mổ tít mắt vì trông
mông con bò “nẩy nẩy là”…
Người mua loại
thịt này về xào, chỉ nửa cân thịt mà có đến một bát con nước trong chảo.
Tham bánh mì
to, tham mông bò nẩy, dân … gian thế mà vẫn bị “ăn quả lừa”, có ai để ý đến
con cái mình sau này sẽ thế nào.
Có người chép
miệng, trẻ con bây giờ 12, 13 tuổi phổng phao như người lớn, chẳng qua là
trong thịt lợn, thịt bò vẫn còn đầy dư lượng bột tăng trọng!
Vậy lỗi là của
ai, của người bán hàng gian giảo hay của người tham cái … mông nẩy?
Câu chuyện dân
dã này liệu có gì liên quan đến đường lối, chính sách và cái lý của dân có
giống cái lý của chủ trang trại “chăn nuôi” … dự án?
Xin thưa giống
nhau như hai giọt nước.
Khi lập dự án
thì phải … còm, để được chấp nhận, khi được chấp nhận rồi thì mới lập mưu
tính kế sang giai đoạn kế tiếp, ấy là làm cho dự án trở nên “mông nẩy”.
Cách làm nẩy
“mông dự án” là sử dụng loại bột tăng trọng mà giới thạo nghề nói lái là
“thực phẩm chức năng” mang tên “Cơ chế”.
Vì “chăn nuôi
dự án” là ngành kinh tế mang lại siêu lợi nhuận nên có thể tìm thấy công nghệ
chăn nuôi này ở mọi cấp, từ phường xã lên tỉnh, lên bộ.
Và không thể
phủ nhận phương pháp “Mông nẩy” luôn được các chuyên gia “chăn nuôi dự án” áp
dụng triệt để.
Vậy ở mức cao
hơn, cái lý của chuyên gia “dự án” giống cái lý của ai?
Có người bảo
giống lão hàng xóm!
Thế lão hàng
xóm ấy là thằng nào?
Người ta cười
hề hề bảo, bác biết tỏng còn cứ nỡm.
Bí mật nghề nghiệp của các “Thợ dự án”
nằm ở chỗ ban đầu chỉ xin ngân sách một … dúm tiền, cỡ vài ba chục tỷ, tiếp
theo là phù phép trộn “Thực phẩm chức năng cơ chế” với chất xúc tác “Đối tác công tư PPP” (Public
Private Partner) khiến dự án “nẩy” thành nghìn tỷ, chục nghìn tỷ đồng!
Vấn đề ở chỗ
không phải bất kỳ ai cũng đủ cao tay để phù phép khiến cho dự án trở thành
“mông nẩy”, phải kết hợp đủ ba yếu tố: “Anh ừ, chị hử, bác gật gù”.
“Anh” ở đây là
bề trên trực tiếp ký duyệt, “Chị” là người tay hòm chìa khóa, “Bác” là bác
trưởng được giao “quyền huynh thế phụ”.
“Anh ừ” rồi thì
phải lo “chị hử”, tính chị là thế, kỹ tính nhưng thương đàn em ra phết, “hử”
đi “hử” lại vài lần rồi cũng phải liếc xem ý tứ “bác trưởng” thế nào, bác
“gật gù” là yên chí “vừng ơi mở cửa ra”!
Bên cạnh phương
pháp “mông nẩy” còn một phương pháp hữu hiệu khác là “Phương pháp cháo rìu”.
Nếu ai chưa
biết “Cháo rìu” là thế nào thì hỏi lão Google ấy, Bọ không có thời gian trả
lời nhé, nhé.
Nói chuyện trên
vai dưới rốn có người bảo chỉ được cái … bốc phét, chẳng có tí thực tế nào,
thế nên đành phải tìm tí “thực tế” để khỏi mang tiếng “Thày bói xem … mông”!
Một vị Bí thư Tỉnh ủy vừa cho truyền
thông biết đại để thế này, tổng mức đầu tư cho dự án cấp địa phương phụ
thuộc vào việc xếp hạng dự án nhóm A, B hoặc C.
Chủ đầu tư phải
xem khả năng của mình ở nhóm nào để được đưa vào danh mục, khi triển khai từ
yêu cầu thực tế nên phát sinh ra cái mới, lúc đó báo cáo các cấp có thẩm
quyền, vì thế mới dẫn đến đội vốn, đây là lỗi hỗn hợp, bắt đầu từ cơ chế…
Thế là rõ,
chẳng có duy nhất đối tượng nào phải chịu lỗi, đây là “lỗi hỗn hợp”?
“Hỗn hợp” nghĩa
là thế nào? Là sự hòa quyện giữa người và tiền, giữa quân xanh và quân đỏ,
giữa ta và không phải ta, giữa xin và cho,…
Tóm lại đó là
một thứ “tạp pí lù” núp dưới danh nghĩa cơ chế!
Thế cũng rõ là
người ta làm dự án như trò đùa của trẻ con, làm cốt yếu để được duyệt cái đã,
tiêu chí 3K - Khoa học, Kinh tế, Khả thi - chả là cái đinh gỉ gì, sai đâu sửa
đấy, thiếu thì xin thêm, thừa cũng xin thêm, của giời ơi tội gì không xin!
Cứ thấy người
ta xin là cho, chắc chắn đó không phải nhà tư bản, bọn ấy keo lõ đít (xin lỗi
giữ nguyên văn vì đó là câu dân dã) mà chỉ có thể là kẻ ngờ nghệch giữ hộ
tiền ông chủ, tiền không phải mồ hôi nước mắt của mình giữ làm gì, có cho đi
thì mới được nhận lại, lý đời là thế!
Nó cho cái rìu
vào nồi nấu, nó húp tí nước rồi suýt xoa giá có thêm tí muối thì tốt, cho nó
tí muối, nó nếm rồi lại suýt xoa giá có thêm tí mì chính thì tuyệt, cho nó tí
mì chính, nó lại suýt xoa tiếp, thế thì cho nó thêm cái gì?
Muốn biết phải
cho thêm cái gì gì nữa thì phải hỏi lão hàng xóm.
Tuyến đường cắt
trên cao chạy từ Cát Linh tới Hà Đông dài 13,05 km.
Dự án được khởi
công vào tháng 10/2011, dự kiến hoàn thành tháng 6/2015, với tổng mức đầu tư
ban đầu hơn 552 triệu USD (tương đương 8.770 tỉ đồng) đến nay, đã tăng lên
891,92 triệu USD (tương đương 18.792 tỉ đồng) và chậm tiến độ 3 năm. [1]
Nghe nói chỉ
khoản vay thêm 250 triệu USD mỗi năm phải trả nợ khoảng 650 tỷ đồng chưa tính
khoản vay ban đầu 419 triệu USD.
Như báo Laodong.com.vn thống kê: “các dự án Quy hoạch điện VI
như: Hải Phòng 1, 2; Cẩm Phả 1, 2; Quảng Ninh 1, 2; Mạo Khê; Vĩnh Tân 2;
Duyên Hải 1… đều bị chậm tiến độ từ 1-3 năm.
Nhà máy Gang thép Thái Nguyên đầu tư dự kiến 3.800 tỉ đồng tăng
lên 8.100 tỉ đồng nhưng giờ vẫn "đắp chiếu".
Tất cả đều là
vốn vay, càng kéo dài tiến độ thì nợ ngày càng lớn.
Lãi chồng lãi,
đến một lúc nào đó thì thay vì phát huy được tác dụng phát triển kinh tế, dự
án trở thành của nợ đối với người dân”. [2]
“Thành của nợ
đối với người dân” thì dân phải gánh chứ chả nhẽ dân nhờ đày tớ gánh hộ?
Bảo người lập dự án hay người duyệt dự
án yếu kiến thức kinh tế là nói bừa, hãy nhìn vào biệt phủ của họ, nhìn vào
những rừng cao su hàng trăm hecta họ sở hữu, nhìn con cái họ đang nhởn nhơ
bên Tây để biết họ làm ăn kinh tế thế nào.
Chẳng thế mà có
ông Phó Bộ khoe hai con đang ở Tây giờ không muốn về nước vì nhà nước không
có cơ chế thu hút người … chuồn.
Lại có ông
Trưởng tỉnh bảo thời buổi làm ăn khó khăn nên ông khuyên con trai quay về con
đường nhà nước.
Thế có phải
“Nhà nước” là chỗ béo bở, là thùng “thực phẩm chức năng” cứ động vào tí chút
là tự nhiên … “mông nẩy”?
Cổ nhân bảo
“chim khôn chọn cành mà đậu”, cái cành “Nhà nước” nay vô khối “chim khôn”,
thế nên nó cong, nó vẹo, nó oằn mình chịu đựng.
Nếu có bị làm
sao thì lũ “chim khôn” bay vù sang cây khác, đó chắc chắn không phải cái cây
bên cạnh, đó phải là cái cây xanh tốt cách nơi chúng vừa đậu có khi cả đại
dương.
Câu nói “Chỉ có
dã thú mới thản nhiên liếm láp bộ lông bên cạnh đồng loại đang chết dần vì
đói” tưởng là chân lý hóa ra không phải.
Ngày nay đầy
rẫy loại “không phải dã thú” thản nhiên “liếm lông”, thản nhiên “nâng đỡ
trong tối” các “thú cưng” trong khi đồng loại lo ăn từng bữa nhưng vẫn phải
còng lưng trả món nợ mà người đời gọi là “thuế ngu” không phải do mình gây ra.
Có người ví von
chỉ có Việt Nam mình là có loại “bột nở” khiến dự án từ đầu chuột biến thành
đuôi voi.
Có người lại
bảo chỉ ở Việt Nam mới có chuyện con voi chui lọt lỗ kim, có người bảo khối
kẻ giờ đang “theo voi hít bã mía”,…
Con voi hiền
lành là thế sao cứ lôi nó vào chuyện thị phi, nhất là chuyện thị phi của loài
đẳng cấp cao hơn nó?
Tốt xấu gì cũng
đổ lên đầu mà voi chẳng thể cãi lại, chỉ biết âm thầm chịu đựng.
Voi có bốn chân
như bốn cột đình, to là thế, khỏe là thế mà chẳng thể làm gì được cái lũ bé
con chỉ có hai chân, thế có phải là quy luật tự nhiên?
Nhân chuyện
“đầu chuột - đuôi voi”, trộm nghĩ đuôi voi bé tí không có tác dụng xua côn
trùng như đuôi ngựa, thế nhưng nó lại nằm ở vị trí rất cao và cũng rất gần
cái chỗ mà nhiều người rất hay nhầm lẫn là … “đáy lòng”.
Không biết
những ai đó đầy tài năng, mưu mẹo thực hiện nguyên tắc “mông nẩy” có biết khi
đạt đến đẳng cấp “đuôi voi” thì cũng đồng nghĩa với việc ở gần “đáy lòng” lắm
lắm.
Tài liệu tham khảo:
[1]https://nld.com.vn/thoi-su/duong-sat-cat-linh-ha-dong-vo-tien-do-no-chong-no-20180123214226944.htm
[2]https://nld.com.vn/thoi-su/duong-sat-cat-linh-ha-dong-vo-tien-do-no-chong-no-20180123214226944.htm
(Theo GDVN) Xuân Dương
|
Thứ Hai, 4 tháng 6, 2018
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét