Thứ Tư, 27 tháng 6, 2018

Những thương vụ “ma quỷ” trên Sân vận động Chi Lăng: Số phận nào cho tang vật đại án ?

Cập nhật lúc 14:16                 

Sau hàng loạt những thương vụ mua bán tinh vi và trái pháp luật, số phận Sân vận động Chi Lăng hiện vẫn là câu hỏi còn bỏ ngỏ...

Các vận động viên đang phải tập luyện nhờ trên sân xuống cấp nghiêm trọng 
 /// Ảnh: Nguyễn Tú
Các vận động viên đang phải tập luyện nhờ trên sân xuống cấp nghiêm trọng
ẢNH: NGUYỄN TÚ
Sân bỏ hoang, vận động viên ăn nhờ ở đậu
Trong quá trình điều tra, truy tố đại án Phạm Công Danh và Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh, các cơ quan tố tụng đã kê biên nhiều tài sản để đảm bảo cho việc thi hành án. Theo ủy thác của Cục Thi hành án dân sự TP.HCM, Cục Thi hành án dân sự Đà Nẵng đã xác định Phạm Công Danh và Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh phải bồi thường Ngân hàng Xây dựng VN tổng số tiền hơn 3.600 tỉ đồng cùng mức lãi suất theo thỏa thuận tại các hợp đồng tín dụng. Tài sản đảm bảo cho việc thi hành án này chính là 10 lô đất được xẻ thịt từ Sân vận động Chi Lăng để cấp sổ đỏ cho các công ty con của Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh.
Ông Nguyễn Trọng Thao, Phó giám đốc Sở VH-TT TP.Đà Nẵng, cho hay từ khi bán sân vận động năm 2010 và chờ xây dựng cơ sở luyện tập mới, nhiều bộ môn thể thao vẫn tập luyện tại Sân vận động Chi Lăng. Hiện nay, có khoảng 150 vận động viên điền kinh, võ thuật, bi da, các môn cờ, dance sport, thể hình... đang ăn nhờ ở đậu tại đây. Tuy nhiên, cơ sở vật chất xuống cấp dần, ảnh hưởng đến vấn đề luyện tập của vận động viên nhưng ngành thể thao lại không được nâng cấp, sửa chữa vì là tài sản của Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh, ngành chỉ được tạm sử dụng.
“Như bộ môn điền kinh, đây là sân chạy tiêu chuẩn phủ nhựa tổng hợp, nhưng quá lâu rồi không thể duy tu, bảo dưỡng nên nhiều vị trí bị sụt lún”, ông Thao nói. Phó giám đốc sở cũng bày tỏ sự tiếc nuối khi ngành thể thao phải giã từ Sân vận động Chi Lăng, biểu tượng của ngành với vị trí vàng nằm ngay trung tâm TP, không chỉ thuận lợi cho việc tập luyện, thi đấu của vận động viên mà còn quảng bá hình ảnh thể thao TP.
“Từ cuối thập niên 80, nền bóng đá Quảng Nam - Đà Nẵng phát triển rất mạnh, qua thập niên 90 Sân vận động Chi Lăng được gọi là chảo lửa, thánh địa bởi thành tích đáng nể của đội bóng, là nơi chứng kiến thành tích cao nhất của bóng đá Quảng Nam - Đà Nẵng trong các năm 1992 - 1993”, ông Thao trăn trở.
Không dễ thu hồi !
Trong các cuộc họp HĐND TP.Đà Nẵng, nhiều đại biểu từng nêu nguyện vọng của nhân dân TP là mong muốn thu hồi sân vận động. Năm 2017, các đại biểu đặt thẳng vấn đề có thu hồi Sân vận động Chi Lăng được không? Thời điểm đó, ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó chủ tịch UBND TP, cho hay UBND TP đã có văn bản đề nghị không phát mãi 10 lô đất mà cho áp dụng quy định thu hồi dự án do sau 12 - 24 tháng mà không thực hiện thì thu hồi dự án theo luật chứ không chờ kết luận điều tra. Tuy nhiên, hiện vụ việc vẫn đang trong quá trình điều tra và số phận Sân vận động Chi Lăng vẫn bị bỏ trống, cơ sở hạ tầng xuống cấp.
Chiều 26.6, trả lời câu hỏi của PV Thanh Niên về quan điểm cũng như tiến trình TP thu hồi dự án Sân vận động Chi Lăng như nguyện vọng của người dân cũng như chủ trương đã được đề cập trong các cuộc họp trước đây nếu nhà đầu tư không thực hiện theo đúng quy hoạch, ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng, cho biết “chưa có thông tin gì cụ thể, nếu có thông tin liên quan sẽ trao đổi sớm”. Trong khi đó, ông Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử TP.Đà Nẵng, cho biết hội đã đề nghị TP bằng cách nào đó mua lại Chi Lăng để vẫn giữ đúng công năng sân vận động, nhằm lường trước bài học kinh nghiệm của những di tích, thực thể văn hóa lịch sử khác chỉ còn bia tưởng niệm thì rất ít ý nghĩa.
Để làm rõ thêm tính pháp lý cũng như tiến trình thi hành án đối với các lô đất, PV Thanh Niênđã nhiều lần liên lạc với lãnh đạo Cục Thi hành án dân sự Đà Nẵng nhưng đều bị trì hoãn. Tuy nhiên, với những gì đã diễn ra, việc thi hành án khối tài sản của Phạm Công Danh và Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh tại Sân vận động Chi Lăng sẽ không dễ dàng bởi nhiều lý do. Thứ nhất, các lô đất có giá trị rất lớn và nếu phát mại phải thực hiện qua hình thức đấu giá và mục đích sử dụng đất có điều kiện. Bởi theo quy hoạch của TP, Sân vận động Chi Lăng sẽ là một khu phức hợp thương mại dịch vụ cao tầng, không thể xé lẻ, phá vỡ quy hoạch để sử dụng thành những dự án khác. Theo tài liệu PV Thanh Niên có được, năm 2017, UBND TP.Đà Nẵng đã phê duyệt quy hoạch tổng thể điểm nhấn kiến trúc xung quanh Sân vận động Chi Lăng. Theo đó, sân vận động trên diện tích 5,5 ha dự kiến sẽ xây dựng khoảng 8 khối cao ốc cao trên 33 tầng, sẽ là 1 trong số 21 điểm nhấn kiến trúc của TP.
Chưa hết, 10 “sổ đỏ” mà UBND TP.Đà Nẵng đã cấp cho các công ty con của Phạm Công Danh là trái với luật đất đai. Bởi các cơ quan chức năng đã xác định, đất Sân vận động Chi Lăng là sử dụng cho mục đích dự án thương mại có thời hạn nhưng TP đã cấp và giao đất với thời hạn lâu dài. Nếu thực hiện đúng quy định pháp luật, cũng như đã thực hiện đối với nhiều dự án trước đây mà Thanh tra Chính phủ đã vào cuộc, thì UBND TP.Đà Nẵng sẽ phải tiến hành thu hồi lại các “sổ đỏ” đã cấp và thay thế bằng một hình thức giao đất khác. Điều này sẽ còn gây ra nhiều hệ lụy pháp lý phức tạp khác và cũng lý giải được vì sao bản án đối với Phạm Công Danh đã có hiệu lực nhưng đến nay vẫn chưa thể thi hành án về dân sự.

(Theo Thanh Niên) Hoàng Sơn-Thái Sơn-Nguyễn Tú

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét