Kê khai tài sản quan chức: Không thể cứ mãi hình thức
Cập
nhật lúc 10:30
Các chuyên gia quốc tế nhìn nhận công cuộc chống
tham nhũng tại Việt Nam khó có thể đi xa nếu những lỗ hổng về kiểm soát tài
sản quan chức, cán bộ không được khắc phục triệt để.
Đối tượng cán
bộ quan chức kê khai tài sản quá dàn trải; cơ quan chức năng hầu như không
thể xác minh các bản kê khai; thông tin tài sản không được công khai để người
dân giám sát - đó là những bất cập từ nhiều năm nay trong quy định về kê khai
tài sản quan chức tại Việt Nam.
Trao đổi với Zing.vn, các chuyên gia quốc tế nhấn mạnh những lỗ
hổng này cần phải được khắc phục triệt để trong dự án Luật Phòng chống tham
nhũng (sửa đổi) đang được Quốc hội bàn thảo.
“Thật trớ trêu là
nhiều khi công luận chỉ biết được khối tài sản đáng ngờ của một quan chức nhờ
vào một vụ mất trộm tại cơ quan hay nhà riêng của người đó. Hoặc khi một cán
bộ bị phát hiện có biệt phủ bất minh thì lại giải thích nguồn gốc của khối
tài sản đó có được là từ bán chổi hay nuôi gà, heo”, giáo sư Zachary Abuza
(Học viện Chiến tranh Mỹ) bình luận.
'Bản kê khai nằm yên cho bụi bám'
Đã
từ vài năm nay, cứ đến hạn lại lên, theo báo cáo của Thanh tra Chính phủ,
trong số hơn 1 triệu người kê khai tài sản, số lượng bị phát hiện vi phạm hay
không trung thực chỉ đếm trên đầu một bàn tay.
Bà Đỗ Thanh Huyền, chuyên gia phân tích chính sách về cải cách
hành chính và chống tham nhũng của Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc
(UNDP) tại Việt Nam, cho rằng độ phủ sóng của Nghị định 78 về kê khai tài sản
còn quá lớn. Những kết quả trên chỉ cho thấy tính hình thức của quy định hiện
hành.
“Để nâng cao hiệu quả của việc kê khai tài sản trong thời gian
tới, nên tập trung vào đội ngũ cán bộ cao cấp, cụ thể từ cấp cục trưởng, vụ
trưởng trở lên để làm điểm”, bà Huyền nhận định.
Ngay từ 2016, bà Sarah Dix, khi còn là chuyên gia UNDP Việt
Nam, đã nhìn nhận: “Chừng nào độ phủ các quan chức phải kê khai tài sản còn
quá rộng như hiện nay, hàng triệu bản kê khai sẽ chỉ nằm yên cho bụi bám theo
từng năm”.
Trong bối cảnh Việt
Nam, các chuyên gia cho rằng đã tới lúc cần hình sự hoá hành vi làm giàu bất
chính. Minh họa: Phượng Nguyễn.
Trong
một báo cáo về kê khai tài sản quan chức, Ngân hàng Thế Giới chỉ rõ: Quy định
đối tượng cán bộ, quan chức kê khai tài sản đại trà hay quá rộng thường không
thực tế và không cần thiết, cũng như rất ít hệ thống chọn cách này.
“Những hệ thống công khai thu nhập tài sản quy định toàn bộ hay
một tỷ lệ rất lớn công chức phải kê khai thu nhập thường thu thập lượng thông
tin khổng lồ và nhiều khi là rất chi tiết, gây khó khăn và tốn kém thời gian
cho công đoạn xử lý và giám sát”, báo cáo viết.
Ngoài
ra, theo báo cáo, một hệ thống kê khai tài sản có phạm vi đối tượng quá rộng
sẽ dễ có nguy cơ phát đi một thông điệp rằng chính quyền đang áp dụng biện
pháp tổng thể về phòng chống tham nhũng và nâng cao các giá trị đạo đức trong
bộ máy Nhà nước, nhưng trên thực tế lại thể hiện như một hệ thống vận hành
không hiệu quả.
Các chuyên gia khuyến nghị có thể chỉ quy định công khai tài
chính đối với những đối tượng nắm giữ những vị trí có nguy cơ tham nhũng như
thông qua giao thầu, cấp đất, xây dựng chính sách hay dự thảo văn bản pháp
luật.
Một cách làm khác là
chọn những công chức nắm những vị trí ở một cấp bậc nhất định, dựa trên giả
định rằng các công chức cấp cao có thể có nhiều quyền tự quyết và thẩm quyền
hơn để tham nhũng.
Kê khai thời điểm nào?
Trên cơ sở kê khai tập trung, thời điểm kê
khai là vấn đề mấu chốt tiếp theo. Theo các chuyên gia, một phương thức tương
đối phổ biến là kê khai ở thời điểm bắt đầu và kết thúc nhiệm kỳ, cũng như
hàng năm đối với toàn bộ các công chức. Tuy nhiên, quy trình kê khai và xác
minh chỉ thực sự hiệu quả nếu số lượng cán bộ, quan chức không quá dàn trải.
Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới, ở
Mỹ hàng năm có khoảng 25.000 tờ khai công bố và 250.000 tờ khai được giữ bí
mật. Trong đó, quy định mọi tờ khai phải được kiểm tra và mọi đối tượng phải
được hướng dẫn về những xung đột lợi ích có thể nảy sinh trong vòng 60 ngày
kể từ ngày nộp và có một lực lượng nhân lực và công nghệ hùng hậu để xử lý
yêu cầu này cũng như một khối lượng lớn thông tin được kê khai.
Ông Nguyễn Xuân Anh, nguyên Bí thư thành ủy Đà Nẵng, đã sử dụng ôtô
do doanh nghiệp biếu, tặng và sử dụng 2 nhà ở của doanh nghiệp, gây dư luận
xấu trong xã hội. Ảnh: B.C.
Argentina
cũng áp dụng hệ thống kê khai tập trung, tự động bảo đảm kê khai hàng năm và
xác minh nội dung kê khai theo mục tiêu cho khoảng 33.000 tờ khai mỗi năm.
Thủ tục kê khai định kỳ cũng cần được đơn giản hoá tới mức tối
đa. Theo đó, Indonesia sử dụng 2 mẫu tờ khai, trong đó một tờ khai sử dụng
cho lúc bắt đầu nhậm chức và một tờ khai để cập nhật thông tin trong thời
gian đương chức và khi rời vị trí.
Ở Liên minh châu Âu, đa số các nước quy định lịch kê khai cụ thể,
tuy về chi tiết có khác nhau. Chẳng hạn, người làm trong lĩnh vực lập pháp ở
Ba Lan phải nộp tờ khai tài sản trong vòng 30 ngày sau khi nhậm chức và sau
đó là mỗi năm một lần. Ở Đức quy định mỗi công chức phải kê khai ở thời điểm
đầu của nhiệm kỳ 4 năm, nhưng cũng quy định công chức phải báo cáo nếu có thu
nhập bổ sung, thù lao hay quà biếu trong thời gian này.
Trong bối cảnh Việt Nam, các chuyên gia cho rằng đã tới lúc cần
hình sự hoá hành vi làm giàu bất chính. Công ước Liên hợp quốc về Phòng chống
Tham nhũng (UNCAC) coi xử lý hành vi làm giàu bất chính là một trong những
biện pháp ngăn ngừa và truy tố hành vi tham nhũng, tăng cường hợp tác quốc tế
và tạo điều kiện để thu hồi tài sản thất thoát. Một số nơi đã áp dụng quy
định chính thức về khởi tố hình sự đối với tội này như một công cụ chống tham
nhũng hữu hiệu.
“Tội làm giàu bất
chính bị xem là hình thành khi có khác biệt giữa tài sản thực của cá nhân và
thu nhập hợp pháp của người đó. Chỉ riêng sự khác biệt này cũng đủ để làm căn
cứ tiến hành điều tra hình sự, trong đó quy định bị cáo phải chứng minh rằng
tài sản, của cải của mình có được bằng con đường hợp pháp”, bà Đỗ Thanh Huyền
nói.
'Để luật pháp, chứ
không phải đạo chích phát hiện tài sản bất minh'
Quy định về kê
khai tài sản được các chuyên gia đánh giá sẽ vẫn bị coi là hình thức nếu các
bản kê khai tài sản chưa được công khai để người dân giám sát.
Giáo sư Dennis McCornac (ĐH Loyola Maryland, Mỹ), khẳng định:
“Minh bạch tài sản quan chức đối với người dân là yêu cầu mấu chốt trong công
cuộc chống tham nhũng. Điều này càng trở nên bức thiết hơn trong bối cảnh
Luật Tiếp cận thông tin đã được thông qua tại Việt Nam. Vấn đề cần giải quyết
ở đây là công khai và cùng lúc bảo đảm quyền riêng tư”.
Hệ thống ở Argentina chỉ cho phép truy cập phụ lục công bố về
thông tin kê khai tài sản. Còn phần phụ lục cá nhân, trong đó có những thông
tin nhạy cảm, cá nhân (như tên ngân hàng hay tổ chức tài chính mở tài khoản,
số tài khoản, thông tin về địa điểm bất động sản, bản sao tờ khai thuế) sẽ
được niêm phong, trừ khi có lệnh của tòa án phải công bố.
Tháng 10/2017, Thanh tra Chính phủ
chỉ ra nhiều vi phạm trong kê khai tài sản của ông Phạm Sỹ Quý, Giám đốc Sở
Tài nguyên và Môi trường Yên Bái. Ảnh: Bảo Lâm.
Một
số nước và vùng lãnh thổ lại chọn cách chỉ công khai nội dung kê khai của một
số đối tượng công chức cao cấp. Mô hình này thường tập trung vào những quan
chức dân bầu và những vị trí chính trị được bổ nhiệm.
Lý do là chính những công chức này đã tự chọn cách cho phép công
chúng giám sát mình nhiều hơn, do tính chất của vị trí công tác của họ và vì
thế, việc công bố nội dung kê khai của họ là một phần hợp lý trong quá trình
giám sát công khai.
Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới, Hong
Kong, Mông Cổ hay Kyrgyzstan đã áp dụng mô hình phân cấp truy cập công khai,
trong đó cho phép công chúng truy cập tùy theo cấp bậc của đối tượng kê khai.
Công chức có vị trí càng cao thì nội dung kê khai càng dễ bị quy định phải
công khai.
Ở Hong Kong, tờ khai của các công chức Cấp I (những vị trí do
trung ương bổ nhiệm, gồm 24 vị trí chủ chốt trong chính phủ) được công khai
trước công chúng, trong khi tờ khai của công chức Cấp II được giữ bí mật. Tuy
nhiên, tờ khai tài sản Cấp I lại không được đăng trên Internet mà thay vào
đó, những bên có quan tâm phải yêu cầu bản sao và trực tiếp đến lấy.
“Chính phủ nào cũng luôn phấn đấu cải thiện tối đa tính minh bạch
của mình để tạo dựng lòng tin đối với người dân. Luật pháp dù có được chỉnh
sửa, hoàn thiện nhưng nếu thiếu ý chí chính trị để thực thi chúng thì cũng
bằng thừa. Phải để luật pháp, chứ không phải những vụ đạo chích hy hữu phát
hiện và trừng trị tài sản bất minh của quan chức”, giáo sư Abuza đúc kết.
(Theo Zing.vn) An Điền
|
Thứ Tư, 13 tháng 6, 2018
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét