Chống tham nhũng – cuộc chiến không khoan nhượng
Cập nhật lúc 09:15
Đấu tranh chống
tham nhũng, cuộc chiến của niềm tin, vì niềm tin-một trang mới đầy hy vọng…
Nhiều năm qua, tham nhũng và cuộc đấu tranh chống tham nhũng luôn là chủ đề nóng bỏng, thu hút sự
quan tâm của toàn xã hội. Nhưng đã có một điều khác biệt. Nếu như trước kia
đó thường là những bức xúc lo lắng về tình trạng xuống cấp của đạo đức xã hội
và quan trường, là sự xót xa về những khoản tiền khổng lồ từ những vụ việc
tham nhũng, lãng phí, về sự bất lực trước quốc nạn hoành hành, thì giờ đây
chúng ta được nghe nhiều hơn là những vụ việc bị phát hiện phanh phui, những
nhóm lợi ích bị đưa ra ánh sáng. Và nhất là nhiều quan chức với chức vụ ngày
càng cao bị xử lý, nghiêm trị trước công lý, trước nhân dân.
Đó chính là kết quả của cuộc đấu tranh bền bỉ, kiên trung của
toàn Đảng toàn quân, toàn dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Luật
Phòng, chống tham nhũng ra đời và sau đó là lời hiệu triệu của Trung ương về
cuộc đấu tranh chống tham nhũng và lãng phí với Nghị quyết Trung ương 4 khóa
X đã qua hơn 10 năm thực hiện. Những kết quả, cả thành công và thất bại, đã
cho chúng ta nhiều bài học sâu sắc để tiếp tục tiến lên trong cuộc chiến cam
go chống nạn tham nhũng.
Gắn chặt với xây dựng, chỉnh
đốn Đảng
Sự thành công đó bắt nguồn từ quyết tâm chính trị cao độ của
Đảng. Trong điều kiện Đảng cầm quyền, Đảng lãnh đạo Nhà nước và xã hội như
Hiến định, thì việc xác định Đảng tiên phong trong cuộc đấu tranh chống lại
tham nhũng, một “căn bệnh bẩm sinh” của quyền lực là điều tất yếu. Và cũng
chính vì lẽ đó mà cuộc đấu tranh này gắn bó chặt chẽ và đặt trong mối quan hệ
biện chứng với vấn đề xây dựng chỉnh đốn Đảng. Muốn chống lại sự tha hóa của
quyền lực, muốn “ngăn chặn và từng bước đẩy lùi tệ tham nhũng, lãng phí” thì
trước hết Đảng phải thực sự trong sạch, vững mạnh, có sức chiến đấu mạnh mẽ,
phải có đội ngũ cán bộ đảng viên liêm chính, tận tụy và kiên trung.
Nghị quyết Trung ương 4 về xây dựng chỉnh đốn Đảng, đấu tranh với
suy thoái chính trị, tư tưởng, đạo đức lối sống, những biểu hiện tự diễn
biến, tự chuyển hóa được quán triệt và triển khai mạnh mẽ tới mọi ngành, mọi
cấp, mọi cán bộ đảng viên, thực sự đã trở thành cuộc vận động lớn. Điều này
vừa giải quyết những vấn đề cấp bách, vừa có ý nghĩa chính trị lâu dài nhằm
nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, điều kiện tiên quyết
bảo đảm cho sự thắng lợi của Cách mạng Việt Nam trong mọi giai đoạn lịch sử.
Sự lãnh đạo của Đảng không chỉ dừng lại ở những quan điểm chủ
trương cơ bản được xác định trong Nghị quyết Trung ương 3 (khóa x), mà còn
thể hiện qua sự chỉ đạo kiên quyết mạnh mẽ, sát sao để đề cao trách nhiệm của
mọi tổ chức đảng và đảng viên, mọi cơ quan nhà nước trước yêu cầu của tình
hình.
Một loạt các văn bản của Đảng đã được ban hành: Chỉ thị 33 về
tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc kê khai và kiểm soát việc kê
khai tài sản; Chỉ thị 50 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác
phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng; Kết luận số 10 và sau đó là Kết
luận số 21 về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (Khóa X); Quyết
định số 85 về kiểm tra, giám sát việc kê khai tài sản của cán bộ thuộc diện
Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý; Quy định 01 về trách nhiệm và thẩm quyền
của Ủy ban kiểm tra trong công tác phòng, chống tham nhũng….
Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã thường xuyên
đưa ra những quyết sách kịp thời, đúng đắn; tổ chức các đoàn kiểm tra, giám
sát đến các bộ ngành địa phương để đánh giá, chỉ ra những ưu nhược điểm của
công tác phòng, chống tham nhũng, đề cao trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo của
các cấp ủy Đảng trong công tác này. Đặc biệt, Ban chỉ đạo đã chỉ đạo quyết
liệt, thúc đẩy nhanh chóng đưa các vụ việc, vụ án tham nhũng hoặc có liên
quan đến tham nhũng có tính chất nghiêm trọng xét xử công khai trước tòa, tạo
sức lan tỏa mạnh mẽ và mang lại niềm tin cho nhân dân vào các cơ quan Đảng và
Nhà nước.
Cuộc chiến vì niềm tin
Các chủ trương, nghị quyết, chỉ thị của Đảng đã được kịp thời thể
chế hóa với sự sửa đổi Luật phòng, chống tham nhũng và các văn bản pháp luật
liên quan, được cụ thể hóa bằng các chương trình kế hoạch hành động của tất
cả các cơ quan Nhà nước từ Trung ương đến địa phương và được sự ủng hộ mạnh
mẽ của người dân và xã hội. Có lẽ không cần phải nhắc lại những con số, những
vụ việc, vụ án tham nhũng được xử lý thể hiện kết quả của cuộc đấu tranh
chống tham nhũng trong thời gian qua.
Thái độ nghiêm khắc của Đảng và Nhà nước đối với những kẻ đã trót
nhúng chàm vẫn thể hiện tính nhân văn sâu sắc với mục đích “trị bệnh, cứu
người”, “trị một người để cứu muôn người”. Biện pháp mạnh mẽ, thái độ kiên
quyết không có vùng cấm, phá tan những boong ke tưởng chừng vững chắc nhất
của các nhóm lợi ích là lời cảnh tỉnh cho những kẻ tha hóa biến chất, đã làm
cho những người còn chút lương tâm phải “đỏ mặt” vì những việc làm trái lương
tâm, đạo đức, làm cho những kẻ mù quáng, tham lam phải “sợ hãi” mà dừng bàn
tay tội lỗi.
Cùng với đó là cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo
đức, phong cách lối sống của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong đội ngũ cán bộ, đảng
viên, những chiến dịch truyền thông đến mọi tầng lớp nhân dân để nâng cao
nhận thức, phát huy vai trò của người dân và xã hội cùng đồng thuận với Đảng,
cùng chung sức với các cơ quan Nhà nước trong nỗ lực chung ngăn chặn và đẩy
lùi quốc nạn tham nhũng.
Tất cả những điều đó sẽ tạo dựng một nền tảng vững chắc từ chỗ
“không dám” tham nhũng, đến “không thể tham nhũng” và “không muốn tham nhũng”
trong một xã hội tương lai. “Lấy pháp trị gần, lấy đức trị xa”, chủ động tích
cực phòng ngừa kết hợp với phát hiện và kiên quyết xử lý trong đó phòng ngừa
là cơ bản, lâu dài. Đó luôn là quan điểm chỉ đạo của cuộc đấu tranh cam go,
phức tạp chống lại căn bệnh của lòng tham và quyền lực tha hóa mà mỗi người
chúng ta đều có một phần trách nhiệm. Điều quan trọng hơn cả, những thành
công đó đã khẳng định niềm tin vững chắc vào sự lãnh đạo của Đảng
Tuy nhiên, những kết quả đó dù rất đáng phấn khởi cũng chỉ là
bước đầu,. Trước mắt chúng ta còn vô vàn khó khăn đòi hỏi sự quyết tâm và nỗ
lực không ngừng của toàn Đảng, toàn dân. Cuộc đấu tranh với tham nhũng và
những căn bệnh quyền lực khác không bao giờ được chủ quan, dừng lại. Muốn cây
đời mãi mãi xanh tươi cho hoa thơm quả ngọt, không trở thành “củi khô, củi
tươi” phải xót xa chặt bỏ thì phải biết thường xuyên chăm bón, bắt sâu nhổ
cỏ. Đấu tranh chống tham nhũng, cuộc chiến của niềm tin, vì niềm tin đã sang
một trang mới đầy hy vọng…
(Theo VietNamNet)
TS Đinh Văn Minh, Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa
học thanh tra
|
Thứ Hai, 25 tháng 6, 2018
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét