Chuyên gia: Trung Quốc biến Hải Nam thành đặc khu vượt
trội, ta sẽ cạnh tranh thế nào?
Cập nhật lúc 10:20
TS Lưu
Bích Hồ cho rằng về sức cạnh tranh, những đặc khu như Vân Đồn nước ta sẽ
không thể cạnh tranh tốt được với một đặc khu lớn, một khu kinh tế thương mại
mậu dịch tự do ở đẳng cấp cao như ở Hải Nam.
Trả lời phỏng vấn PV VTC News, TS Lưu Bích Hồ, nguyên Viện
trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận xét, trong khi
Trung Quốc đã tiến những bước rất dài, hiện Việt Nam mới tính đến chuyện phát
triển mô hình đặc khu kinh tế là đã muộn. Về sức cạnh tranh, những đặc khu
như Vân Đồn nước ta sẽ không thể cạnh tranh tốt được với một đặc khu lớn, một
khu kinh tế thương mại mậu dịch tự do ở đẳng cấp cao như ở Hải Nam.
- Mới đây,
Trung Quốc quyết định xây dựng đảo Hải Nam thành một đặc khu kinh tế cởi mở
nhất thế giới. Điều này có ảnh hưởng gì đến các đặc khu kinh tế của chúng ta
không, thưa ông?
Chúng ta nghĩ về các đặc khu kinh tế phải nhìn rộng ra bối cảnh
quốc tế, gần nhất là Trung Quốc họ làm đặc khu ở đảo Hải Nam. Họ làm đặc khu
Hải Nam 30 năm nay rồi.
Nay họ muốn xây dựng một khu mậu dịch tự do thí điểm vượt trội
lên trên tất cả các mức độ của việc tự do hóa, rồi tiếp theo năm 2025 rồi năm
2035 thành khu mậu dịch tự do đứng đầu thế giới.
Đây sẽ điểm vượt lên trên cả Hồng Kông và Singapore, sẽ là đặc
khu thế hệ mới, đẳng cấp mới mà Trung Quốc sẽ là nước đi đầu.
Trung
Quốc tập trung xây dựng đặc khu Hải Nam với cơ chế ưu đãi và làm những lĩnh vực
được cho là mới nhất trên thế giới hiện nay mà không phải là tài nguyên, không
phải là đất đai, không phải là vốn.
TS Lưu Bích Hồ
Tôi cũng xin lưu ý là khi xây dựng đặc khu Hải Nam, Trung Quốc
cũng bỏ tất cả các ngành mà lâu nay các đặc khu vẫn hay dựa vào đó là một
bước đột phát. Ví dụ như ngành công nghiệp chế biến, các ngành sản xuất công
nghiệp, kể cả công nghiệp nặng lẫn công nghiệp nhẹ, kể cả nông nghiệp... nay
họ không làm nữa.
Trung Quốc tập
trung xây dựng đặc khu Hải Nam với cơ chế ưu đãi và làm những lĩnh vực được
cho là mới nhất trên thế giới hiện nay mà không phải là tài nguyên, không
phải là đất đai, không phải là vốn.
Cái mà Trung Quốc cần là thông qua nguồn lực con người, giao lưu
con người để làm sao tạo ra một sức bật mới, để làm sao gắn liền với khoa học
công nghệ, gắn liền với đổi mới sáng tạo.
Do đó, họ lấy đặc điểm đảo Hải Nam, căn cứ vào đó để xây dựng
thành đảo du lịch hàng đầu thế giới về công nghệ, họ ưu tiên công nghệ cao.
Họ làm nông nghiệp nhưng làm nông nghiệp công nghệ cao.
Đảo Hải Nam liền kề với chúng ta, cách chúng ta đường chim bay
chỉ khoảng có 20 phút theo đường biển. Họ có nhiều ưu điểm hơn ta, chúng ta
chưa thể được như họ.
Trung Quốc không coi ưu đãi về đất đai, thuế má là số một. Đây là
điều chúng ta phải cân nhắc, liệu có thể cạnh tranh được với họ hay không?
Hay bao nhiêu thứ hút hết về đó? Chúng ta có lợi được không? Được cái gì?
Giải quyết đời sống nhân dân ra sao? Rồi vấn đề hành chính ra sao?
Tóm lại, chúng ta làm đặc khu kinh tế chậm, lợi ích cũng chưa rõ
ràng nên làm vào thời điểm này là rất không thích hợp.
Nếu so sánh với thế giới sẽ thấy rằng đặc khu của ta đã lỗi thời.
Về sức cạnh tranh, những đặc khu như Vân Đồn nước ta sẽ không thể cạnh tranh
tốt được với một đặc khu lớn, một khu kinh tế thương mại mậu dịch tự do ở
đẳng cấp cao như ở Hải Nam.
- Dự thảo Luật
Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc đã được
đưa ra Quốc hội và đang nhận được nhiều ý kiến tranh luận về thời hạn cho nhà
đầu tư thuê đất lên đến 99 năm, thưa ông?
Vấn đề đất đai không chỉ "nóng" khi chưa có đặc khu mà
"nóng" cả khi chưa có đặc khu. Chúng ta dễ dãi hơn đối với nước
ngoài, đây là điều tôi nghĩ không cần thiết. Tôi nghĩ cách quản lý đất đai
của ta đã cũ. Cũ ở thời hạn cho thuê, cũ ở cả cách quản lý.
Còn vấn đề an ninh – quốc phòng, chúng ta ở cạnh một nước bạn lớn
với dân số đông như vậy, chúng ta phải xem đây là vấn đề đặc biệt quan trọng.
Tôi vẫn nhắc lại là tỉnh Quảng Ninh nên cân nhắc trước khi triển
khai dự án và chuyển nhượng đất ở khu Vân Đồn.
Vừa rồi lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh công bố doanh thu từ đầu tư, từ
đất đai đạt được hàng trăm nghìn tỷ đồng. Như vậy, dứt khoát là đã có
"cái gì đó” ở đằng sau rồi. Nó không phải là "vấn đề lành
mạnh" đất đai ở Vân Đồn.
Chúng ta phải luôn luôn nhớ rằng, vấn đề xử lý đất đai ngày càng
quan trọng. 1 hecta đất bây giờ so với 1 hecta đất sau 10 – 20 năm là hoàn
toàn khác hẳn, vì khi đó thay đổi hết rồi. Phải thấy giá trị đất đai là ở chỗ
ấy, nên nếu kéo dài thời hạn cho thuê đất đai lên đến 99 năm thì phải mấy
vòng đời, đó là điều không cần thiết.
- Dù luật vẫn
chưa được thông qua nhưng tình hình chuyển nhượng đất đai ở các địa phương
nằm trong quy hoạch để xây dựng đặc khu kinh tế hiện rất phức tạp. Điều này
sẽ tác động thế nào trong bối cảnh các tập đoàn kinh tế nước ngoài đang muốn
đầu tư, thưa ông?
Đây là vấn đề
rất quan trọng. Tôi đã nghe Quốc hội thảo luận rất nhiều về vấn đề này như là
nên cho thời gian 70 năm hay 99 năm, rồi quy hoạch thế nào, luật đầu tư thế
nào, luật đất đai thế nào... đã có những quy định cụ thể.
Theo tôi, trước hết phải làm theo đúng quy hoạch. Đừng có phá vỡ
quy hoạch. Tất cả những giao dịch đất đai ở Vân Đồn hay một số nơi khác đang
có cơn sốt về đất đai, đầu cơ đất đai dứt khoát phải chấm dứt. Phải có quy
hoạch thì mới làm. Các tỉnh phải nắm thật chắc việc này.
Khi Quốc hội thông qua luật chính thức rồi phải tăng cường quản
lý, phải làm thật chặt.
Còn những vấn đề khác như giao dịch đất đai hay người nước ngoài
vào, chúng ta phải làm đúng luật của chúng ta. Ngoài ra, luật đầu tư cũng quy
định rất rõ ràng, người nước ngoài được phép thuê đất bao nhiêu năm, sử dụng
ra sao... chúng ta phải làm rất chặt chẽ.
Vấn đề đất đai không chỉ đơn thuần ảnh hưởng về mặt kinh tế mà
còn ảnh hưởng về mặt xã hội và một chừng mực nào đó, nó còn ảnh hưởng đến an
ninh – quốc phòng nên chúng ta dứt khoát phải quản lý thật tốt vấn đề này.
- Thưa ông, vừa
qua Quốc hội đã bàn rất nhiều đến dự thảo Luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc
biệt (gọi tắt là đặc khu kinh tế), trong đó đặc khu được ưu đãi rất nhiều các
cơ chế vượt trội, vậy phải kiểm soát thế nào để những cơ chế này thực sự đi
vào thực chất và có hiệu quả?
Trước hết, phải nói rằng cơ chế vượt trội dành cho các đặc khu
kinh tế cũng như về mặt hành chính có nhiều cái hơn so với các ưu đãi ở những
nơi khác đã có.
Nhưng nếu so với thế giới, tôi cho rằng mô hình này của chúng ta
cũng đã là một mô hình cũ. Hiện nay, người ta đã tiến đến xây dựng những mô
hình với những đẳng cấp cao hơn rất nhiều.
Do đó, việc này không có gì ghê gớm cả. Đặc biệt là về thuế,
không có tác dụng gì nhiều, thậm chí là có tác dụng không tốt.
Về mặt hành chính, đặc khu của ta vẫn duy trì UBND, HĐND, trong
khi nhiều nước trên thế giới họ không làm mô hình này nữa mà người ta lập các
trưởng đặc khu có quyền tự chủ rất cao.
Một góc đảo Phú Quốc. Ảnh: C.T.
Ở ta cũng quy
định cho chủ tịch UBND đặc khu quyền hạn rất lớn nhưng vẫn phải được HĐND phê
chuẩn khi có những quyết định quan trọng. Như vậy, theo tôi quyền hạn cũng chưa
phải là cao nhưng phù hợp với thể chế chính trị của Việt Nam.
Dù có những đặc khu vượt trội đi chăng nữa thì chúng ta vẫn phải
kiểm soát và hoàn toàn có thể kiểm soát được. Vừa qua, Quốc hội thảo luận
không nhiều về ưu đãi thuế mà thảo luận nhiều hơn về việc phải làm sao kiểm
soát được các đặc khu.
Chẳng hạn như bây giờ chúng ta đã có quy hoạch thì dứt khoát phải
làm theo đúng quy hoạch, không thể phá vỡ để làm gì thì làm được.
Kiểm soát về quy hoạch hết sức quan trọng, còn kiểm soát về đầu
tư, còn các quy định khác nữa...Nên tôi thấy rằng, việc kiểm soát không đáng
lo ngại bằng năng lực kiểm soát của chính những người quản lý đặc khu.
Hiện nay chúng ta không chuẩn bị được nhân sự có năng lực, phẩm
chất thật tốt thì khó mà có thể đảm nhiệm được những vị trí này.
(Theo VTC) LƯU THỦY thực hiện
|
Thứ Hai, 4 tháng 6, 2018
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét