Thứ Năm, 28 tháng 6, 2018

Xin chi trăm tỷ làm lễ kỷ niệm: Những cái nhất đáng buồn của Thanh Hóa


Cập nhật lúc 15:21                  

 Dư luận sửng sốt trước mức độ “chơi sang” của Thanh Hóa khi Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch đề nghị chi 104 tỷ kỷ niệm 990 năm Danh xưng Thanh Hóa. Đáng nói hơn, Thanh Hóa vẫn là tỉnh có nhiều cái nhất về... độ nghèo.

Đó là một trong 2 tỉnh nhiều huyện nghèo nhất, nhận tiền hỗ trợ từ ngân sách Trung ương nhiều nhất, và cũng là một trong các địa phương thường xuyên phải nhận gạo cứu đói cho dân nhất.
Trong tổng số 56 huyện nghèo trong Danh sách huyện nghèo giai đoạn 2018-2020 được Thủ tướng phê duyệt tháng 3/2018 thì Thanh Hóa cũng còn 6 huyện nghèo thuộc diện đặc biệt khó khăn, đang được hỗ trợ áp dụng các cơ chế chính sách theo quy định tại Nghị quyết 30a năm 2008. Đó là Thường Xuân, Lang Chánh, Bá Thước, Quan Sơn, Mường Lát, Quan Hóa.
Cùng với Hà Giang, Thanh Hóa là địa phương có nhiều huyện nghèo nhất nước (6 huyện).

 Xin chi trăm tỷ làm lễ kỷ niệm: Những cái nhất đáng buồn của Thanh Hóa
Thanh Hóa vẫn còn nhiều người nghèo, nhiều lần phải nhận gạo cứu đói

Thanh Hóa cũng là địa phương thường xuyên nhận gạo cứu đói. Đầu 2018, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã giao Bộ Tài chính xuất cấp hơn 300 tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia cho tỉnh Thanh Hóa. Đây là địa phương chịu thiệt hại nặng nề từ cơn bão số 12 năm 2017.
Đến tháng 5/2018 Phó Thủ tướng tiếp tục chỉ đạo Bộ Tài chính xuất cấp không thu tiền từ nguồn dự trữ quốc gia 387,45 tấn gạo cho tỉnh Thanh để hỗ trợ nhân dân trong thời gian giáp hạt năm 2018.
Vào tháng 1/2017, Thanh Hóa cũng nhận 650 tấn gạo cứu đói dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu. Vào tháng 12/2017, nhận 328,7 tấn gạo để hỗ trợ cứu đói cho nhân dân bị ảnh hưởng của mưa lũ.
Thanh Hóa cũng chính là một trong số 50 tỉnh phải nhận trợ cấp từ ngân sách Trung ương. Đáng chú ý, Thanh Hóa ở vị trí số 1 về số tiền nhận trợ cấp từ ngân sách Trung ương. Báo cáo quyết toán ngân sách 2016 của Chính phủ cho thấy, năm 2016 Thanh Hóa nhận bổ sung từ ngân sách Trung ương để chi tiêu với tổng số tiền lên đến hơn 14.000 tỷ đồng.
Năm 2018, Thanh Hóa đặt ra mục tiêu thu ngân sách là gần 30.000 tỷ đồng. Trong đó, số thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp địa bàn chỉ là hơn 10,9 nghìn tỷ, chiếm 43% tổng thu cân đối ngân sách địa phương. Còn thu bổ sung cân đối từ ngân sách Trung ương vẫn lên tới hơn 14,4 nghìn tỷ đồng, chiếm 57% tổng thu cân đối ngân sách địa phương.
Tổng chi ngân sách của Thanh Hóa dự tính năm 2018 cũng lên tới 29,4 nghìn tỷ đồng. Trong đó, chi thường xuyên chiếm tới hơn 20 nghìn tỷ đồng.
Trước đó, ngày 12/6, ông Phạm Duy Phương, Giám đốc Sở VHTT&DL Thanh Hóa ký công văn gửi Sở Tài chính khái toán tổng số kinh phí tổ chức các hoạt động tiến tới kỷ niệm 990 năm Danh xưng Thanh Hóa là 104.722.000.000 đồng.
Trong số đó, có hơn 22 tỷ đồng được huy động từ nguồn xã hội hóa, còn lại hơn 82 tỷ đồng do ngân sách nhà nước cấp.
Khái toán kinh phí của Sở VH&TTDL có những khoản chi như: Tổ chức kỷ niệm 600 năm Khởi nghĩa Lam Sơn, 590 năm vua Lê Thái Tổ đăng quang, tưởng niệm 585 năm ngày mất của Anh hùng dân tộc Lê Lợi và Lễ hội Lam Kinh năm 2018 chi 8 tỷ đồng (5 tỷ đồng từ ngân sách).
Tổ chức cuộc thi sáng tác ca khúc về Thanh Hóa, in nhân bản đĩa CD, DVD các ca khúc viết về Thanh Hóa chi 4,5 tỷ đồng, tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư vào tỉnh chi hơn 23 tỷ đồng (hơn 17 tỷ đồng từ ngân sách tỉnh)...
(Theo VietNamNet) Hà Duy

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét