Vụ án ông
Đinh la Thăng: Mất 800 tỉ, PVN được bồi thường 1.073 tỉ
Cập
nhật
lúc 09:35
Hai bản án (đều chưa có hiệu
lực) xét xử 2 vụ án của ông Đinh La Thăng và các đồng phạm đã tuyên, buộc ông
Thăng phải bồi thường tổng số tiền là 630 tỉ đồng.
Bị cáo Đinh La Thăng cùng các đồng phạm trong vụ án
nghe tòa tuyên án - Ảnh: TTXVN
Cụ thể, ông Đinh La Thăng phải bồi thường 600 tỉ đồng trong vụ
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) góp vốn vào Ngân hàng Đại Dương (OceanBank), và 30
tỉ đồng trong vụ xây dựng Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2.
Số tiền tuyên buộc phải bồi thường này
còn nhiều vấn đề pháp lý phải bàn.
Mất 800 tỉ, PVN sẽ được nhận 1.073 tỉ đồng?
Trong vụ án cố ý làm trái quy định của
Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng đối với việc góp vốn 800
tỉ đồng vào OceanBank, bản án của TAND TP Hà Nội tuyên buộc các bị cáo phải
hoàn trả đủ số tiền 800 tỉ đồng đã gây ra thiệt hại từ hành vi cố ý làm trái
của 7 bị cáo.
800 tỉ này được xác định là số tiền mà
PVN góp vốn vào OceanBank từ chủ trương của PVN cuối năm 2008.
Đồng thời, bản án này cũng tuyên buộc
ông Ninh Văn Quỳnh phải hoàn trả 20 tỉ đồng đã nhận từ ông Nguyễn Xuân Sơn
cho ông Nguyễn Xuân Sơn.
Đây là tiền được xác định ông Quỳnh
nhận từ việc lạm dụng chức vụ quyền hạn là kế toán trưởng của PVN để nhận của
ông Nguyễn Xuân Sơn (từ khi ông Sơn là tổng giám đốc OceanBank và sau này là
phó tổng giám đốc của PVN).
Cạnh đó, bản án trước đó của TAND TP Hà
Nội xét xử Hà Văn Thắm và đồng phạm tuyên ông Nguyễn Xuân Sơn hoàn trả 49 tỉ
đồng (nằm trong số tiền chiếm đoạt của OceanBank, PVN góp vốn 20% nên PVN có
quyền lợi trong số tiền này).
Nhưng vì ông Sơn chưa thi hành được
phần trách nhiệm dân sự này nên toàn bộ số tiền mà Ninh Văn Quỳnh đã khắc
phục hậu quả (toàn bộ 20 tỉ) tiếp tục được giữ để đảm bảo thi hành án cho
Nguyễn Xuân Sơn.
Ngoài ra tại phiên tòa, các bị cáo,
nhân chứng và chính PVN cũng cho biết trong quá trình góp vốn tại OceanBank,
mặc dù TAND TP Hà Nội khẳng định OceanBank làm ăn thua lỗ, lãi là lãi ảo, báo
cáo tài chính là không đúng nhưng PVN đã nhận "tiền tươi thóc thật"
là 224 tỉ đồng tiền cổ tức kể từ khi góp vốn. Đây là số tiền đã nằm trong sổ
sách kế toán của PVN.
Như vậy, dù được xác định mất 800 tỉ,
nhưng trên sổ sách cho thấy PVN đã được nhận 224 tỉ tiền cổ tức, tòa tuyên
Nguyễn Xuân Sơn buộc phải hoàn trả 49 tỉ đồng và các bị cáo phải hoàn trả 800
tỉ. Tổng cộng số tiền mà PVN sẽ được nhận (cả thực tế và trên bản án) là
1.073 tỉ đồng.
Trách nhiệm dân sự như thế nào?
Trong quá trình khởi tố, điều tra, truy
tố vụ án, các cơ quan tiến hành tố tụng đã không kê biên bất kỳ tài sản nào
của ông Đinh La Thăng và các đồng phạm liên quan đến 800 tỉ đồng.
Hiện nay, tổng số tiền ông Thăng và các
đồng phạm phải bồi thường toàn bộ số tiền được xác định đã bị thất thoát là
800 tỉ đồng (trong đó riêng ông Thăng 600 tỉ đồng), 6 bị cáo khác liên đới
bồi thường 200 tỉ đồng.
Ngoài 600 tỉ đồng vụ này, ông Thăng còn
phải bồi thường 30 tỉ đồng ở vụ án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, các đồng
phạm khác của ông Thăng phải bồi thường 89 tỉ đồng.
Cũng như vụ 800 tỉ đồng, vụ Nhà máy
nhiệt điện Thái Bình 2, cơ quan điều tra cũng không kê biên tài sản của bị
cáo nào liên quan đến số tiền 119 tỉ đồng đã thất thoát.
Theo một cán bộ Cục Thi hành án dân sự
TP.HCM, nếu án có hiệu lực pháp luật, việc thi hành bản án này không phụ
thuộc vào tội danh, đây là phần trách nhiệm dân sự tuyên buộc đối với bị án.
Do vậy, khi bản án có hiệu lực pháp
luật thì cơ quan thi hành án dân sự sẽ tiến hành thực hiện việc thi hành bản
án này.
Các quy định chung cho thấy nếu trong
quá trình điều tra, truy tố, xét xử bản án hình sự mà các cơ quan tiến hành
tố tụng đã kê biên tài sản thì việc thi hành sẽ dễ dàng hơn, nhưng nếu các cơ
quan tiến hành tố tụng chưa kê biên, phong tỏa tài sản thì việc thi hành án
có khó hơn.
Cụ thể, chấp hành viên ra quyết định
thi hành án, nếu bị án hoặc gia đình bị án tự nguyện thi hành án thì cũng dễ,
nếu người phải thi hành án không tự nguyện thi hành thì chấp hành viên phải
tìm tài sản kê biên, đấu giá, thi hành.
Khi tìm tài sản thì cũng phải tính đến
những tài sản nào là tài sản riêng, tài sản nào là tài sản chung để xác định
trách nhiệm và khả năng của người thi hành án.
"Việc xác định tài sản thi hành án
mất thời gian nếu không nhận được sự hợp tác và tự nguyện của người phải thi
hành án. Trường hợp không thi hành án được bởi không có tài sản thi hành thì
cơ quan thi hành án sẽ có báo cáo cụ thể từng trường hợp", vị này cho
biết.
Cụ thể, đối với trường hợp của ông Đinh
La Thăng và các đồng phạm, nếu cơ quan thi hành án xác định được những người
này có tài sản để thi hành thì kê biên, nếu là tài sản chung thì xác định
phần tài sản của những người này để thi hành.
Đồng thời, cán bộ cơ quan thi hành án
dân sự cũng cho biết việc thi hành đầy đủ trách nhiệm dân sự có liên quan đến
việc giảm án, đặc xá của người phải thi hành án.
Do đó, khi đi thi hành bản án hình sự
các trại cải tạo sẽ đánh giá thi đua của người thi hành án bằng các mức: tốt,
khá, trung bình... Việc đánh giá thi đua phụ thuộc vào việc đã thực hiện
trách nhiệm dân sự hay chưa.
Phạm nhân có thể bồi thường trong thời gian
thi hành bản án
Ông Vũ Hồng Kiên, cán bộ trại giam Thủ Đức (Bình Thuận), cho biết
quy định về việc đánh giá phạm nhân hiện được thực hiện theo thông tư 06-2018
của Bộ Công an (có hiệu lực từ ngày 29-3-2018)
quy định về việc đánh giá xếp loại phạm nhân trong quá trình thi hành án.
Theo đó, một trong những tiêu
chuẩn để phạm nhân được xếp hạnh kiểm tốt, khá là: nhận thức được việc làm
của mình là sai, ăn năn hối cải và tích cực khắc phục hậu quả do hành vi phạm
tội của mình gây ra và phải thực hiện xong trách nhiệm dân sự (có xác nhận
của địa phương hoặc cơ quan có thẩm quyền)...
"Phạm nhân đang cải tạo
nhưng gia đình ở ngoài khắc phục hậu quả rồi gửi giấy xác nhận vào trại giam
thì sẽ được xem xét xếp thi đua loại tốt" - ông Kiên nói.
Ngoài ra, quá
trình thi hành bản án hình sự, người thi hành án cũng có thể chia mức trách
nhiệm dân sự phải thực hiện theo số năm phải cải tạo.
Ví dụ bản án
tuyên buộc phạm nhân phải cải tạo 10 năm kèm theo bồi thường thiệt hại 100
triệu đồng, nếu phạm nhân không có tiền để khắc phục hậu quả 1 lần thì có thể
chia cho 10 năm thi hành án, mỗi năm 10 triệu, từ đó chia tiếp số tiền theo
mỗi quý, mỗi tháng.
Tuy nhiên,
ngoài việc thực hiện trách nhiệm dân sự thì phạm nhân cũng được giảm án trong
trường hợp có thành tích đặc biệt xuất sắc.
Đồng thời, ông
Kiên cho biết hiện nay điều 66 Bộ luật hình sự 2015 cũng quy định về các
trường hợp được tha tù trước thời hạn với nhiều điều kiện, trong đó cũng buộc
phải thực hiện xong phần trách nhiệm dân sự.
Trong một số
trường hợp đặc biệt, người phải thi hành án sẽ được tha tù trước thời hạn nếu
chấp hành được 1/3 thời gian (đối với tù có thời hạn) và 12 năm (đối với
người chịu án chung thân).
Như vậy, với mức án tù có thời hạn tối đa 30 năm thì người phải
thi hành án phải chấp hành ít nhất 10 năm tù.
(Theo Tuổi Trẻ)
HOÀNG ĐIỆP
|
Thứ Hai, 2 tháng 4, 2018
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét