'Vỡ' đường dây tiền ảo ngàn tỷ: Ai
là 'cha đẻ'?
Cập nhật lúc 21:02
Liên quan đến vụ việc 32.000 người tố bị Công ty Cổ phần Modern
Tech (trụ sở đặt tại lầu 9 tòa nhà Vietcomreal, số 68 Nguyễn Huệ, Q.1) lừa
đảo tiền ảo đa cấp 15.000 tỷ đồng, sau nhiều ngày im lặng, các “ông trùm”
đường dây này đã lên tiếng, đùn đẩy cho nhau.
Ông Diệp Khắc Cường khẳng định mình không liên quan đến iFan.
“Người bí ẩn” lộ diện
Mới đây, ông Hồ Xuân Văn, Tổng giám đốc
Công ty CP Modern Tech đã trần tình, mình cũng chỉ là nạn nhân trong vụ việc
này. Ông Văn cho biết từ tháng 9/2017, ông và nhiều người được ông Diệp Khắc
Cường, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP đầu tư và phát triển mạng
lưới Hữu Nghị (FNC) mời đến nhà để giới thiệu về dự án iFan của Singapore và
mong muốn mọi người tham gia. Biết Văn rành về kỹ thuật tiền ảo, ông Cường đã
mời Văn đi giảng tại hội thảo ở TPHCM và Vũng Tàu, liên quan đến kỹ thuật,
công nghệ tiền ảo.
Theo ông Văn, cuối tháng 10/2017, ông
cùng một số người thành lập Modern Tech chuyên về công nghệ. Sau đó, giám đốc
iFan của Singapore gợi ý muốn Modern Tech làm đối tác xây dựng app để iFan
phát triển nhanh ở thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, trong quá trình hợp tác,
những người sáng lập Modern Tech thấy dự án của iFan không như cam kết, thậm
chí bản chất dự án của iFan là huy động vốn trả lãi quá cao nên đã ngưng hợp
tác. Sau vụ hợp tác không thành này, Modern Tech cũng chấm dứt hoạt động.
Tổng giám đốc Modern Tech khẳng định
mình không liên quan gì đến iFan, do đó không thể chi phối mạng lưới để lừa
32.000 người với số tiền trên 15.000 tỷ đồng. “Việc Modern Tech bị “đổ vạ” là
do một số người đầu tư thua lỗ không biết kêu ai, khi đầu tư mọi giao dịch
đều thực hiện trên mạng. Một phần nữa, những người sáng lập Modern Tech từng
đi giảng tại các hội nghị tiền ảo do ông Diệp Khắc Cường mời khiến nhiều
người hiểu nhầm công ty có liên quan iFan” – ông Văn nói.
Trước đó, ngày 11/4, ông Diệp Khắc
Cường tổ chức một cuộc gặp gỡ báo chí ở Q.10 và khẳng định “mình chỉ là công
cụ của iFan”. Theo ông Cường, từ giữa tháng 9/2017, một nhóm người, trong đó
đứng đầu là Vũ Hữu Lợi (một trong những lãnh đạo của iFan), tiếp cận ông đặt
vấn đề về việc hợp tác, phát triển mạng lưới tiền ảo. Phía ông Cường muốn tạo
một ứng dụng thư viện số (app) để cung cấp cho người hâm mộ nền tảng giải
trí, bán nội dung giải trí, các dịch vụ liên quan đến nghệ sĩ, ca sĩ… Nếu ứng
dụng được triển khai, tiền ảo iFan do phía Lợi cung cấp sẽ được dùng làm
phương tiện thanh toán.
Chiều ngày 13/4, trả lời PV báo Tiền Phong qua điện thoại liên quan
đến việc nhiều người “tố” ông Diệp Khắc Cường – Chủ tịch HĐQT FNC mới là “cha
đẻ” của iFan. Ông Cường cho biết: “Cơ quan chức năng đang vào cuộc điều tra,
ai là chủ thì để cơ quan chức năng thẩm định. Đây là doanh nghiệp, đã là
doanh nghiệp thì phải có giấy phép, có chủ sở hữu. Do đó, khi cơ quan điều
tra vào cuộc, ai là chủ của Modern Tech, ai là chủ của iFan, lúc đó sẽ rõ”.
Chân dung các “thủ
lĩnh” bị tố lừa đảo
Theo tìm hiểu, Modern Tech bị tố cáo
lừa 15.0000 tỷ đồng qua huy động vốn bằng tiền ảo iFan và Pincoin có 8 cổ
đông sáng lập với vốn điều lệ ban đầu 100 tỷ đồng, mỗi người sở hữu khoảng
12-15% vốn.
Người nắm cổ phần lớn nhất là Vũ Hữu
Lợi (sinh năm 1979) với tỷ lệ 15%, tương đương 15 tỷ đồng. Theo một số nhà
đầu tư, ông Lợi đóng vai trò kêu gọi chính trong các sự kiện giới thiệu đầu
tư. Ông Lợi còn được giới thiệu là “vua đa cấp”, triệu phú đôla và là nhân sự
cao cấp của Công ty TNHH Thương mại Vision Việt Nam.
Hồ Xuân Văn (SN 1988) sở hữu 12% cổ
phần, là người đại diện pháp luật và Tổng giám đốc của Modern Tech. Văn hiện
sống trong một khu đô thị cao cấp tại Q.2. Trước khi thành lập Modern Tech,
Văn từng xuất hiện trong vai trò thủ lĩnh của đồng tiền ảo Bitkingdom, thu
hút 200.000 người tham gia vào cuối năm 2016 Văn khẳng định đây không phải mô
hình kinh doanh đa cấp mà là một phương thức kết nối cộng đồng để “giúp nhau
thoát nghèo”.
Sáu cổ đông còn lại của Modern Tech đều
sở hữu tỷ lệ 12%, gồm: Hồ Phú Ty, Lưu Trọng Tuấn, Lương Huỳnh Quốc Huy,
Nguyễn Trung Hiếu, Nguyễn Đức Trọng và Bùi Thị Ngọc Mỹ. Trong đó, Ngọc Mỹ
(sinh năm 1988), từng là lãnh đạo Công ty TNHH Học viện Trident Crypto. Doanh
nghiệp này thành lập đầu năm 2017, từng liên quan đến việc giả mạo văn bản Bộ
Kế hoạch và Đầu tư cấp phép kinh doanh tiền điện tử Onecoin.
Dù không nằm trong danh sách cổ đông
góp vốn thành lập, Lê Ngọc Tuấn (biệt danh Tuấn “scam”) được một số nhà đầu
tư nhận định là người giúp sức trực tiếp cho Modern Tech. Tuấn thường xuất
hiện trong các sự kiện quảng bá iFan với phong cách như bản sao của mô hình
bán hàng đa cấp.
Đại tá Nguyễn Sỹ Quang, Trưởng phòng Tham mưu kiêm người
phát ngôn Công an TPHCM cho biết, hiện các đơn vị Công an TPHCM đang vào cuộc
xác minh việc công ty CP Modern Tech bị tố cáo lừa đảo chiếm đoạt hơn 15.000
tỷ đồng tiền ảo iFan. “Hiện tại chưa xác định đây có phải là lừa đảo hay
không. Thực tế, tiền ảo không được Nhà nước Việt Nam xem là tài sản và cho
lưu thông. Và hiện tại chúng tôi cũng chưa nhận được tố cáo từ nhà đầu tư
nào” - người phát ngôn Công an TPHCM nói.
(Theo Tiền Phong) UYÊN PHƯƠNG
|
Thứ Bảy, 14 tháng 4, 2018
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét