Hà Nội xin
làm đường sắt theo BT: Bán rẻ, mua đắt?
Cập nhật lúc 10:31
Xin làm đường sắt theo hình
thức BT, PPP dễ có nguy cơ "bán rẻ, mua đắt", trục lợi.
GS.TS Đặng Đình
Đào, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển - Trường Đại
học Kinh tế Quốc dân lo ngại, có nguy cơ "bán rẻ, mua đắt" tại các
dự án thực hiện đầu tư theo hình thức BT, PPP.
Bán rẻ, mua đắt
Đề cập tới vấn
đề trên, vị GS cho biết có liên quan tới đề xuất xin cơ chế đặc thù để làm
đường sắt đô thị của Hà Nội mới được trình lên Chính phủ xin ý kiến.
Theo đó, Hà Nội
sẽ xin làm 3 tuyến đường sắt đô thị gồm tuyến số 2 đoạn Trần Hưng Đạo -
Thượng Đình, tuyến số 5 Văn Cao - Hòa Lạc - Ba Vì và tuyến số 3 đoạn Ga Hà
Nội - Hoàng Mai theo hình thức PPP và BT.
Trong đó, Hà
Nội đề xuất xin thực hiện hai dự án tuyến số 5 (Văn Cao - Hòa Lạc - Ba Vì),
có tổng đầu tư là 66.865 tỷ đồng và tuyến số 2 (Trần Hưng Đạo - Thượng Đình),
tổng đầu tư là 27.813 tỷ đồng theo hình thức BT. Điều này khiến GS Đặng Đình
Đào thấy lo ngại.
Trước hết nói
về hình thức đầu tư BT, vị GS đánh giá đây là một hình thức hợp đồng quan
trọng trong phát triển hạ tầng, tuy nhiên các dự án BT hiện nay đang cho thấy
nhiều sai phạm tồn tại làm thất thoát tài sản của Nhà nước.
Đáng chú ý,
trong tờ trình, Hà Nội cũng có đề cập xin nhiều giải pháp mang tính đặc thù
như được giữ lại nguồn thu từ cổ phần hóa; bán nhà, trụ sở, đất, phát hành
trái phiếu... cùng nhiều cơ chế khác.
"Tôi muốn
làm rõ, những cơ chế đặc thù như xin được bán đất, bán nhà, bán trụ sở của Hà
Nội sẽ thực hiện theo hình thức nào? Quy đổi ngang giá cho chủ đầu tư để lấy
dự án hay sẽ bán theo hình thức đấu giá công khai sau đó sẽ sử dụng theo quy
hoạch? Nếu đấu giá thì đấu giá thế nào, liệu có tình trạng quân xanh, quân
đỏ, đi đêm với chủ đầu tư hay không?", GS Đặng Đình Đào băn khoăn.
Theo vị GS, nếu
không rõ ràng ngay từ đầu rất có thể sẽ khiến nhà nước chịu thiệt đơn, thiệt
kép, khi bán thì rẻ, mà mua lại thì với giá quá đắt.
"Việc này
dư luận và giới chuyên môn đã nói rất nhiều rồi. Hình thức BT rất dễ bị bóp
méo, biến tướng do thiếu công khai minh bạch vì những khoản sinh lời vô cùng
lớn từ việc sở hữu "đất vàng" hoặc đất diện tích lớn tại các địa
phương. Từ những mảnh đất này mà các chủ đầu tư có thể kiếm lợi lớn gấp nhiều
lần số tiền đã bỏ ra làm dự án.
Trong khi đó,
nhà nước hoàn toàn có thể thu được số tiền lớn từ việc bán đấu giá các dự án
đất công, lấy tiền đầu tư phát triển. Người dân cũng không phải còng lưng
chịu các mức phí cao để hoàn vốn cho nhà đầu tư.
Vì thế, mới nói
chủ đầu tư mua dự án với giá rẻ còn khi bán lại cho nhà nước quản lý thì với
giá quá đắt", GS Đào cảnh báo.
Vị GS nhấn
mạnh, đầu tư theo hình thức BT thời gian qua chính là biến tướng của dạng
“đổi đất lấy hạ tầng”. Tại Hà Nội, TP.HCM và nhiều địa phương khác đã bị
Thanh tra Chính phủ chỉ rõ những sai phạm trong quá trình thực hiện dự án
theo hình thức BT này khiến nhà nước thua thiệt, còn chủ đầu tư hưởng lợi.
"Đáng nói,
sự thua thiệt của nhà nước không ai khác chính là người dân phải gánh, vì
thế, tôi cho rằng Hà Nội không nên thực hiện đầu tư theo cơ chế BT "đổi
đất lấy hạ tầng" theo kiểu hàng đổi hàng mà thực hiện đổi tiền mặt lấy
hạ tầng - nghĩa là bán đấu giá độc lập quyền sử dụng đất rồi lấy tiền thanh
toán hợp đồng BT theo tiến độ", GS Đào nói rõ.
Dễ làm trò
đẩy vốn lên
Đối với dự án
tuyến số 3 (Ga Hà Nội - Hoàng Mai), tổng đầu tư khoảng 38.656 tỷ đồng sẽ được
đầu tư theo hình thức PPP (hợp tác công - tư) và do Hà Nội làm chủ đầu
tư. Dự án này cũng khiến GS Đặng Đình Đào thấy lo ngại.
Ông cho biết, xây dựng một tuyến đường
sắt phải tiêu tốn rất nhiều tiền, có thể hàng trăm triệu USD, cũng có khi lên
đến cả tỷ USD.
Nhưng bất cập lớn hiện nay là ở khâu
quản lý. Do năng lực, trình độ yếu kém, lại thêm những vấn đề tiêu cực trong
khâu giám sát, thẩm tra do đó, rất khó xác định được tổng vốn đầu tư đề xuất
có phải là con số sát thực tế không? Chất lượng của dự án có tương xứng với
tổng vốn đầu tư hay không? Rất khó để xác định.
"Nếu doanh
nghiệp và chính quyền địa phương cùng thỏa thuận với nhau thì giá trị xây
dựng một tuyến đường đó là một lỗ hổng to lớn, có thể bị đội lên gấp nhiều
lần.
Rồi khi thực
hiện dự án, liệu có câu chuyện chủ đầu tư móc ngoặc với các đơn vị quản lý,
cố tình tìm cách kéo dài thời gian, xin tăng vốn dự án hay không? Đây chính
là kẽ hở, tạo cơ hội cho những nhóm lợi ích xâu xé, trục lợi.
Chưa nói tới
công tác giải phóng mặt bằng tại các dự án vẫn luôn diễn ra
rất phức tạp, dễ nhập nhèm, thất thoát. Đây cũng là nguyên nhân
khiến cho nhiều dự án bị đội vốn, chậm tiến độ.
Trong khi, có
những dự án nhà nước phải đổ vào hàng nghìn tỷ giải phóng mặt bằng
nhưng tiến độ thì "rùa bò".
Chúng ta đã có
những con đường cao tốc đắt nhất hành tinh, giờ lại thêm cả đường sắt đắt
nhất thế giới là không ổn", GS Đặng Đình Đào chỉ rõ.
(Theo Đất Việt) Hoài An
|
Thứ Sáu, 13 tháng 4, 2018
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét