Luật thuế tài sản: Vì sao dư luận lên cơn sốt nóng?
Cập nhật lúc 10:06
Trong bối cảnh ngân sách hụt thu, bội chi cao, bộ máy nhà nước phình
to, đùng một cái lại đặt thêm thứ thuế mới, hỏi sao dư luận không nổi sóng?
LTS:- Vừa công bố, Luật thuế Tài sản đã gây
"bão" dư luận. Lý giải nguyên nhân sâu xa, TS Lê Hồng Sơn - nguyên
Cục trưởng Cục kiểm tra văn bản, Bộ Tư pháp đã có bài viết về vấn đề này. Báo
Đất Việt xin đăng tải nguyên văn bài viết thể hiện quan điểm của ông.
Thủ tướng Chính phủ đã khẳng định, đề xuất thuế tài sản mà Bộ Tài
chính đang đưa ra lấy ý kiến chưa phải là kết luận cuối cùng. Thủ tướng cho rằng,
sẽ phải tiếp tục lắng nghe thêm. Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng, đề xuất về
thuế tài sản mới chỉ là nội dung đưa ra lấy ý kiến chứ chưa "chốt".
Quốc hội mới là cơ quan có quyền quyết định cuối cùng. Theo tôi, đó là phản
ứng nhanh nhạy kịp thời.
Ở đây tôi muốn phân tích vấn đề từ góc nhìn khác để xem xét về
tính hợp hiến, hợp pháp cũng như tính hợp lý của ý tưởng "Đánh
Thuế Tài sản nhà trên 700 triệu đồng" mà dư luận đang xôn xao trong
những ngày gần đây.
Trước hết, từ góc nhìn tính hợp pháp, tôi thấy ý tưởng "Đánh
Thuế Tài sản nhà trên 700 triệu đồng" là một sắc thuế, thứ thuế mới.
Theo quy định tại Khoản 4, Điều 70, của Hiến pháp thì Quốc hội có quyền
"quy định, sửa đổi hoặc bãi bỏ các thứ thuế".
Như vậy, chỉ có Quốc hội mới có quyền quyết định. Mặt khác cũng
theo quy định tại Khoản 1, Điều 32 của Hiến pháp thì công dân "có quyền
sở hữu về nhà ở". Tóm lại đây là một quyền hiến định và cũng là một
nghĩa vụ thuế theo hiến định. Không thể tùy tiện để đặt ra một cách dễ dàng.
Mặt khác, nhìn vào hệ thống các sắc thuế, thứ thuế mà Nhà nước ta
đã đặt ra ngay từ thời kỳ đầu thành lập cho tới nay, thì có thể nói, đây là một
hệ thống thuế khá toàn diện, đầy đủ và hoàn thiện. Muốn đưa một sắc thuế, thứ
thuế mới trong điều kiện hiện nay, phải có một quá trình phân tích, đánh giá
thật đầy đủ để không chồng chéo, không rơi vào tình trạng thuế chồng thuế
cũng như không rơi vào tình trạng đặt ra đủ thứ nghĩa vụ, trách nhiệm tạo ra
gánh nặng đè trên vai người dân, người có trách nhiệm đóng góp.
Nhà nước đã đặt ra nhiều loại thuế như: thuế sử dụng đất ở; thuế
thu nhập cá nhân; thuế VAT (cho các loại vật liệu xây dựng, trên hợp đồng thi
công...). Rồi lại còn bao nhiêu phí, lệ phí khác thì mới xây được một
cái nhà để bảo đảm quyền hiến định là quyền có nhà ở. Tôi nói vậy để thấy một
thực tế rằng, trong hệ thống thuế hiện nay, muốn đặt ra một thứ thuế mới cần phải
có sự căn chỉnh, xem xét, sắp xếp nhiều thứ thuế khác có liên quan, chứ
không phải đùng một cái thích nghĩ ra thứ thuế nào cũng được để đặt gánh
nặng, nghĩa vụ tài chính lên vai người dân.
Trong thông tin mà công luận được tiếp nhận vừa qua, tôi không
thấy có những điều chỉnh một số sắc thuế hiện hành có liên quan cho phù hợp
khi xuất hiện thứ thuế mới. Đây là việc mà cơ quan chủ trì chuẩn bị là Bộ Tài
chính phải nghiên cứu thấu đáo và trả lời cho công luận.
Về nguyên tắc, thuế tài sản cũng là thứ thuế mà thông lệ quốc tế đã áp
dụng ở nhiều nước lâu nay, chứ không phải là một thứ thuế gì mới. Đây là thứ thuế
được thu theo nguyên tắc lũy tiến, người giàu phải chịu thuế nhiều hơn người
nghèo.
Tuy nhiên, ở những nước đó, một khi có định ra thứ thuế tài sản
thì những thứ thuế khác, những nghĩa vụ tài chính khác, người ta đều có tính
toán, căn chỉnh trong tổng thể một cách hài hòa, cân đối chứ không phải cứ
nghiên cứu, đề xuất theo kiểu "thầy bói xem voi", học hỏi, cóp nhặt
một cách máy móc, thiếu một cái nhìn tổng thể, toàn diện, hài hòa.
Ở một góc tiếp cận khác, đòi hỏi người tham mưu ra thứ thuế này
cũng phải tính toán sao cho hợp lý, không tạo nên sự bức xúc dư luận. Thời
gian vừa qua, nếu chỉ nhìn ở góc độ người thực hiện nghĩa vụ tài chính, nghĩa
vụ đóng thuế và các nghĩa vụ đóng góp khác, Nhà nước (đặc biệt những người có
thẩm quyền xem xét quyết định), cũng phải thấy rằng, chỉ trong một số năm gần
đây, nghĩa vụ tài chính, nghĩa vụ đóng góp của người dân đang bị tăng lên khá
nhiều, vượt khả năng thu nhập.
Xin điểm qua như, trong lĩnh vực y tế, giáo dục và một số lĩnh
vực khác, trách nhiệm đóng góp của người dân đang rất được chú ý để nâng lên.
Ví dụ, lĩnh vực y tế, một loạt bệnh viện, đặc biệt là bệnh viện hạng đặc
biệt, bệnh viện hạng 1 thuộc Bộ Y tế và bệnh viện thuộc các bộ ngành đều điều
chỉnh tăng giá dịch vụ y tế.
Ước tính tổng chi phí khi khám chữa bệnh với người tự chi trả
tăng trung bình khoảng 10%. Đây là một tỷ lệ tăng khá lớn trong điều kiện thu
nhập của người dân còn thấp, đặc biệt là nông dân ở nông thôn, đồng bào vùng
sâu, vùng xa, dân tộc thiểu số.
Đa số người dân tại các chung cư thành phố đời sống rất khó khăn.
Theo tôi, việc tăng viện phí như thời gian vừa qua, dù chưa đạt
mức cân đối với giá thực tế của viện phí phải trả, nhưng đã tạo một tâm lý,
một nhận thức rằng: vào viện phải trả tiền ở mức cao, nhiều khi vượt khả năng
kinh tế của gia đình. Tâm lý này là một phần không nhỏ, tạo lên áp lực và sự
phản ứng của người dân, người nhà bệnh nhân tại một số nơi khi những thầy
thuốc chưa có những thái độ hợp lý, tích cực đối với người bệnh, là những
người đang bị áp lực tâm lý về bệnh tật cũng như áp lực về tài chính ngân
sách đè nặng.
Đây cũng là một lý do, một nguyên nhân của hiện tượng người nhà
hành hung thầy thuốc trong một số trường hợp, khi mà tiền viện phí thì cao
còn thái độ phục vụ của người thầy thuốc chưa phù hợp, còn thiếu trách nhiệm,
thiếu nhiệt tình, còn có thái độ "kẻ cả ban ơn".
Một ví dụ khác trong lĩnh vực giáo dục. Cũng theo quan điểm tăng
học phí, tăng trách nhiệm đóng góp của người học và gia đình người học đã tạo
ra một sức ép, một áp lực đối với một bộ phận không nhỏ người học và gia đình
của họ. Và đây cũng là một phần lý do, nguyên nhân của hiện tượng phụ huynh
bức xúc quá mức, có những xử lý vượt giới hạn, thậm chí tới mức nguy hiểm,
phạm pháp khi giáo viên có hành vi ứng xử phản giáo dục, phản văn hóa đối với
người học.
Không chỉ ở hai lĩnh vực tôi vừa nêu, mà còn ở một loạt lĩnh vực
khác, khi mà chúng ta chuyển cơ chế, chưa tính toán được đầy đủ mức độ đóng
góp, cũng như lộ trình hợp lý đã tạo ra một áp lực khá lớn cho xã hội, cho
người dân, cho người có nghĩa vụ phải đóng góp. Theo tôi, đây là vấn đề rất
lớn ở tầm vĩ mô mà Nhà nước cần phải xem xét, tính toán rất cẩn trọng, không
thể nóng vội, cực đoan tạo ra nhiều áp lực cho xã hội, cho người dân.
Quay trở lại Thuế tài sản, cũng nhìn từ góc độ áp đặt nghĩa vụ
đóng góp cho người đóng thuế, tôi lại thấy một biểu hiện rất đáng chú ý đó
là, trong thời gian gần đây, do hội nhập quốc tế và một số lý do khách quan
và chủ quan khác, mức thu vào ngân sách nhà nước đang bị sụt giảm. Ngân sách nhà
nước đang bị đặt trước tình trạng mất cân đối thu - chi. Nợ công đang ở mức
khá cao.
Ngược lại, bộ máy Nhà nước thì lại đang phình ra ở mức độ đáng lo
về tổ chức bộ máy và số lượng cán bộ công chức hưởng lương và các chế độ
chính sách khác từ ngân sách nhà nước. Thực tế này đã được phản ánh ở khá
nhiều thông tin, tài liệu khác nhau, tôi không cần phải phân tích sâu ở đây.
Việc đề xuất tăng mức thuế cũng như tăng loại thuế cũng là một áp
lực và lời giải dễ dàng nhất của người nắm tay hòm chìa khóa ngân sách Nhà
nước, đó là đưa ra phương án tăng thu, tăng mức thuế và sắc thuế.
Nếu nhìn về phía tinh gọn, tinh giảm bộ máy Nhà nước cũng như cán
bộ, công chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước, tôi thấy chủ trương và quyết
tâm đã được nói tới rất nhiều lần và khá lâu, khá nhiều năm trước đây nhưng thực
hiện lại chưa có kết quả. Tinh gọn cũng chưa được mà tinh giảm thì có thể nói
là không.
Hiện nay đang thực hiện chủ trương cắt giảm theo lộ trình nhưng
cũng còn khá lâu nữa thì mới đạt được yêu cầu theo nguyện vọng của người dân
và xã hội.
Số lượng những "công chức cắp ô", hiện tượng tham
nhũng, tiêu cực đang là một thực tế khá nặng nề, hiệu quả xử lý cũng mới
ở bước đầu.
Dù đã đạt được một số kết quả, tuy nhiên, người dân và xã hội
chưa thể hài lòng. Trong bối cảnh mà tôi vừa nêu, thì đùng một cái, lại có ý
tưởng đặt thêm thứ thuế mới để tăng thu cho ngân sách. Làm sao mà dư luận không
nổi sóng? Các chuyên gia đang có nhiều phản biện ở nhiều góc nhìn khác nhau
cũng là một điều dễ hiểu.
Các bậc tiền nhân đã dạy "bảy lần đo một lần cắt" khi
xử lý một việc quan trọng.
Luật ban hành văn bản QPPL đã đưa ra một quy trình khá chặt chẽ,
có nhiều khâu đoạn. Tôi đặc biệt lưu ý đến khâu đề xuất chính sách và đánh
giá tác động của chính sách đã được ấn định tại luật ban hành văn bản QPPL. Tôi
không hiểu khâu nghiên cứu, trao đổi thảo luận, đề xuất chính sách ở Bộ Tài
chính được chuẩn bị như thế nào mà đã vội vàng công bố ra công luận về các
phương án đánh thuế đối với nhà ở.
Cách làm hợp lý hơn cả một khi đưa ra một chính sách mới, đặc
biệt là một chính sách quan trọng như đặt ra một thứ thuế mới là thuế tài sản
đối với nhà ở, cơ quan chủ trì phải có trách nhiệm tạo ra một hệ thống thông tin,
số liệu, phương án và đặc biệt là việc giải trình đánh giá tác động của những
thông tin, phương án đó (đánh giá tác động chính sách mới).
Thông tin cũng phải từng bước, tạo nhận thức dư luận cũng phải
từng bước hợp lý thì mới không gây ra "cú sốc" như vừa rồi.
Vấn đề rất không đơn giản khi đưa ra một chính sách thuế mới, gắn
với đó là đưa ra một dự án luật thuế mới. Rất nhiều khâu đoạn, rất nhiều hoạt
động, rất nhiều phương án cần phải được xem xét, thảo luận trong tổng thể thì
mới bảo đảm tính hợp lý của nó, không tạo ra phản ứng thái quá, "lợi bất
cập hại" từ dư luận.
(Theo Đất Việt)
TS Lê Hồng Sơn - nguyên Cục trưởng Cục KTVB (Bộ Tư
pháp)
|
Thứ Năm, 19 tháng 4, 2018
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét