Dự
án Khu dân cư Phước Kiển (Nhà Bè) có dấu hiệu vi phạm pháp luật
Cập nhật lúc 15:37
Chuyển nhượng
khu đất có giá trị lớn không thông qua Ban thường vụ thành ủy, không đấu giá quyền
sử dụng đất là có dấu hiệu vi phạm pháp luật.
Liên quan tới thương vụ công ty TNHH MTV Đầu tư và xây dựng Tân
Thuận đã ký chuyển nhượng phần diện tích đất đền bù tại khu dân cư Phước Kiển
(xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, TP.HCM) cho công ty Quốc Cường Gia Lai hơn 30
ha với giá 1tr290 nghìn /m2, cuối tuần qua, Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM yêu
cầu hủy hợp đồng, không đồng ý bán chỉ định diện tích đất tại khu dân cư
Phước Kiển (huyện Nhà Bè) cho công ty Quốc Cường Gia Lai.
Lý do là việc ký này, không báo cáo cho tập thể Thường trực và
tập thể Ban Thường vụ Thành ủy theo Qui chế quản lý tài sản của Thành ủy. Vì
vậy, Ban Thường vụ Thành ủy yêu cầu Công ty TNHH MTV Đầu tư và xây dựng Tân Thuận
đàm phán với đối tác hủy hợp đồng; không đồng ý việc bán chỉ định. Đồng thời,
Thường vụ Thành ủy chỉ đạo xem xét giải quyết việc thực hiện chuyển nhượng
đúng qui định pháp luật.
Từ vụ việc này, dư luận băn khoăn việc chuyển nhượng đất công
thiếu minh bạch và không đúng với qui định pháp luật khiến thất thoát ngân
sách nhà nước hàng ngàn tỷ đồng. Nhiều câu hỏi được đặt ra vào lúc này là ai quyết
định hợp đồng mua bán đất công với giá bèo này? Một khu đất lớn như vậy mà
lại không đấu giá theo quy định lại dấm dúi sang nhượng với giá quá rẻ như
vậy có động cơ gì? Và trách nhiệm quản lý với những người có liên quan ra sao
trong vụ việc này? Về vấn đề này, phóng viên VOV phỏng vấn Luật sư Nguyễn Văn
Đức, thuộc Đoàn Luật sư TPHCM.
PV:Thưa luật sư Nguyễn Văn Đức, mặc dù Thành ủy thành phố Hồ
Chí Minh đã yêu cầu hủy hợp đồng chuyển nhượng hơn 30 héc ta đất tại khu dân
cư Phước Kiển của công ty TNHH MTV Đầu tư và xây dựng Tân Thuận cho công ty
Quốc Cường Gia Lai, nhưng dư luận vẫn băn khoăn, tại sao một khu đất lớn như thế
lại không đấu giá theo quy định mà dấm dúi sang nhượng với giá quá rẻ. Theo
ông, điều này có dấu hiệu vi phạm pháp luật?
Luật sư Nguyễn Văn Đức: Theo quy định của điều 118 Luật Đất
đai 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành về đấu giá quyền sử dụng đất, tôi
thấy rằng trường hợp khu đất 32,4ha mà Công ty Tân Thuận chuyển nhượng cho
Công ty Quốc Cường Gia Lai thuộc trường hợp phải đấu giá quyền sử dụng đất.
Mặt khác, Công ty Tân Thuận là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước,
trực thuộc Thành ủy nên tài sản của doanh nghiệp nhà nước là tài sản công. Vì
vậy, khu đất này của công ty Tân Thuận là tài sản công, thuộc sở hữu của thành
ủy TP.HCM. Việc chuyển nhượng với một khu đất có giá trị lớn phải thông qua
Thành ủy, mà cơ quan thường trực là Ban Thường vụ Thành ủy. Việc không thông
qua Ban Thường vụ thành ủy, không đấu giá quyền sử dụng đất là một trong các
yếu tố có dấu hiệu vi phạm pháp luật.
PV: Nếu không bị tuýt còi thì việc chuyển nhượng này sẽ gây
thất thoát tài sản của nhà nước ra sao, thưa ông?
Luật sư Nguyễn Văn Đức: Việc Ban Thường vụ Thành ủy yêu cầu
xem xét lại việc chuyển nhượng là quyết định cần thiết để làm rõ bản chất của
giao dịch này có gây thiệt hại cho tài sản nhà nước hay không, nếu có
thì thiệt hại bao nhiêu. Dư luận cho rằng khu đất này có giá hơn 2.400 tỷ
đồng. Tuy nhiên, thông tin này chưa được kiểm chứng. Theo bà Nguyễn Thị Như
Loan, Chủ tịch Quốc Cường Gia Lai, cho rằng khu đất này bà mua với giá lên
đến hơn 600 tỷ đồng chứ không phải 419 tỷ như thông tin ban đầu. Giá thị
trường hiện nay thì chưa được xác định mỗi mét vuông bao nhiêu. Việc giao
dịch này là có gây thiệt hại, nhưng để xác định giao dịch này gây thất thoát
cho ngân sách bao nhiêu thì cần phải được tiến hành định giá bởi cơ quan có thẩm
quyền về định giá tài sản.
Hiện nay, Ủy ban kiểm tra thành ủy TP.HCM đang vào cuộc để xác
minh, làm rõ. Tôi nghĩ rằng trong quá trình Ủy ban kiểm tra xác minh, việc
thất thoát tài sản liên quan đến giao dịch này sẽ được làm rõ và xử lý theo
quy định pháp luật.
PV: Có một chi tiết đáng chú ý là chỉ trong 7 ngày, Công ty
Tân Thuận đã chuyển nhượng khu đất công sản ở Phước Kiển cho công ty Quốc
Cường Gia Lai. Vậy, theo quy định của pháp luật, với thời gian ngắn như vậy,
đã đủ để thực hiện các thủ tục mua bán khu đất, thưa ông?
Luật sư Nguyễn Văn Đức: Hiện nay, pháp luật không quy định
khi giao dịch một tài sản là bất động sản, nhất là bất động sản có giá trị
lớn thì phải tiến hành trong thời gian bao lâu. Tuy nhiên, về nguyên tắc, đối
với tài sản là bất động sản, nhất là tài sản này là tài sản công, trước khi
giao dịch phải được cơ quan có thẩm quyền (như Sở Tài nguyên môi trường, Sở
Tài chính…) định giá. Cơ quan đo đạc tiến hành đo đạc, xác định mốc giới khu
đất, hoàn thành bản vẽ, kiểm tra nội nghiệp… Sau đó, phải trình xin ý kiến của
cơ quan chủ quản là Thành ủy…Trên cơ sở được sự chấp thuận của cơ quan có
thẩm quyền, mới được tiến hành giao dịch. Với hàng loạt thủ tục như vậy, việc
thực hiện xong giao dịch giữa Công ty Tân Thuận và Quốc Cường Gia Lai trong
thời gian 7 ngày là quá nhanh. Còn việc vì sao lại tiến hành nhanh như vậy
thì chỉ có người trong cuộc mới biết.
PV: Trong phản hồi với báo chí về vấn đề này, ông Nguyễn
Quốc Cường, Phó tổng giám đốc Quốc Cường Gia Lai cho rằng hợp đồng mua đất
của Công ty Tân Thuận là giao dịch dân sự thông thường, thuận mua vừa bán.
Ông Cường cho rằng đơn giá mà mà công ty đã đàm phán thành công và ký kết hợp
đồng với Công ty Tân Thuận là hoàn toàn phù hợp với giá thị trường thời điểm
đó với các đặc điểm khu đất. Lập luận này của Quốc Cường Gia Lai liệu có thể
chấp nhận, thưa ông?
Luật sư Nguyễn Văn Đức:Như tôi đã nói ở trên, giao dịch
chuyển nhượng quyền sử dụng khu đất 32,4 ha giữa Công ty Tân Thuận và Quốc
Cường Gia Lai có dấu hiệu vi phạm pháp luật nên Ban Thường vụ Thành ủy mới
chỉ đạo tạm dừng và làm thủ tục hủy giao dịch. Việc Công ty Quốc Cường Gia
Lai cho rằng họ mua đúng giá thị trường tại thời điểm giao dịch, giao dịch
này hợp pháp là quan điểm của họ. Còn việc xác định giao dịch đó có vi
phạm pháp luật, giá mua đó có phù hợp hay không thì phải chờ định giá và kết
luận của cơ quan có thẩm quyền.
Khi có kết luận của cơ quan có thẩm quyền xác định ai đúng, ai
sai, việc xử lý như thế nào sẽ rõ. Riêng quan điểm cá nhân tôi, tôi thấy rằng
mức giá mỗi mét vuông chỉ 1,29 triệu đồng thì thấp hơn giá giao dịch ngoài thị
trường. Bởi lẽ, đất Cần Giờ năm 2017, có thời điểm lên đến 5-7 triệu đồng/m2
đất nông nghiệp, không có lý gì đất Nhà Bè, kế bên khu Phú Mỹ Hưng lại có giá
thấp hơn đất Cần Giờ.
PV: Rõ ràng, điều mà ai cũng nhìn thấy là, nếu so sánh với
giá đất thị trường, công ty Quốc Cường Gia Lai được mua lại với giá quá ưu
ái, giá đất thấp rất nhiều lần so với thực tế thị trường, vì vậy đáng ra, nhà
nước thu về với con số hàng ngàn tỷ đồng chứ không phải là 419 tỷ đồng. Do
công ty Tân Thuận thuộc Văn phòng thành ủy thành phố Hồ Chí Minh nên việc
thành ủy không biết là quá vô lý. Vậy ở đây đặt ra trách nhiệm quản lý trong
vụ việc này ra sao, thưa ông?
Luật sư Nguyễn Văn Đức: Theo quy định của Luật Doanh nghiệp,
Chủ tịch Hội đồng thành viên và các thành viên của Hội đồng thành viên được
chủ sở hữu (ở đây là Thành ủy cử làm người đại diện chủ sở hữu quản lý doanh
nghiệp). Do vậy, trách nhiệm của các thành viên này, mà đứng đầu là Chủ tịch
Hội đồng thành viên phải bảo vệ tài sản của nhà nước; thực hiện đầy đủ các
quy định của chủ sở hữu trong việc quản lý, sử dụng tài sản công. Đối với
những giao dịch lớn, những giao dịch phải tuân thủ Quy chế quản lý tài sản
của Thành ủy thì đại diện chủ sở hữu tại doanh nghiệp nhà nước phải báo cáo và
chỉ được tiến hành giao dịch khi có sự đồng ý của Thành ủy. Do vậy, trước hết
Chủ tịch Hội đồng thành viên công ty Tân Thuận và các thành viên phải chịu
trách nhiệm trước pháp luật, trước chủ sở hữu về giao dịch này. Quá trình
kiểm tra, nếu phát hiện có cá nhân nào vi phạm thì cần phải xử lý nghiêm
minh, theo quy định pháp luật.
Xin cảm ơn luật sư!
)
|
Thứ Hai, 23 tháng 4, 2018
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét