Thứ Tư, 11 tháng 4, 2018

Tàu điện ngầm Sài Gòn: Đội vốn 22 nghìn tỷ, vay thêm 600 triệu USD

Cập nhật lúc 16:36  

Dự án xây dựng tuyến tàu điện ngầm số 2 TP.HCM, tuyến Bến Thành - Tham Lương dài 9,2km vốn tăng thêm hơn 22,6 nghìn tỷ đồng. Trước đó, Dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1 TP.HCM tuyến Bến Thành - Suối Tiên cũng tăng vốn thêm 30 nghìn tỷ đồng.

5 năm tăng thêm 22,6 nghìn tỷ
Tổng mức đầu tư của dự án tàu điện ngầm số 2 được UBND TP.HCM phê duyệt năm 2010 là khoảng 26,1 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, từ năm 2015 UBND TP.HCM đã phải xin điều chỉnh tổng mức đầu tư. Đến nay, dự án đã được UBND TP.HCM trình điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư lên hơn 48,7 nghìn tỷ đồng.
Như vậy, Dự án xây dựng tuyến tàu điện ngầm số 2 TP.HCM dài 9,2km này đã tăng thêm hơn 22,6 nghìn tỷ đồng.
Theo Bộ Giao thông Vận tải, lý do khiến vốn đầu tư dự án này tăng mạnh là trong quá trình thực hiện dự án, một số hạng mục phải sửa đổi, bổ sung dẫn đến phải điều chỉnh thiết kế cơ sở nhằm phát huy hiệu quả đầu tư dự án; việc thay đổi, tối ưu hóa thiết kế cơ sở gồm 25 nội dung, trong đó tập trung vào một số vấn đề chính.

 tàu điện ngầm,đường sắt đô thị,metro sài gòn,Bộ Giao thông vận tải,TP.HCM
Trước tuyến tàu điện ngầm số 2, TP.HCM đang làm tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên
Cụ thể, điều chỉnh thiết kế các nhà ga ngầm nhằm giảm thiểu diện tích giải phóng mặt bằng đất nhà dân ngoài lộ giới quy hoạch, tận dụng tối đa đất công để bố trí các công trình nhà ga, đồng thời tăng tính an toàn trong vận hành, khai thác tuyến đường sắt đô thị; điều chỉnh một số thông số kỹ thuật, kết cấu của một số hạng mục bằng cách áp dụng công nghệ tiên tiến trong thiết kế và thi công để nâng cao hiệu quả và an toàn của dự án,...
“Với các nội dung điều chỉnh thiết kế cơ sở nêu trên và những thay đổi về chính sách tiền lương, trượt giá xây dựng, cơ cấu và lãi suất các khoản vay của các nhà tài trợ,... dẫn đến phải điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án”, Bộ Giao thông Vận tải giải thích.
Theo Bộ Giao thông Vận tải, thiết kế cơ sở được phê duyệt của dự án do đơn vị tư vấn trong nước là Công ty TRICC-JSC thực hiện năm 2010. Trong quá trình triển khai dự án, năm 2012, chủ đầu tư đã tuyển chọn tư vấn quốc tế là Liên danh tư vấn IC - đứng đầu là tư vấn Đức - thực hiện bước thiết kế tiếp theo (thiết kế FEED). Đây là cơ sở để tổ chức lựa chọn các nhà thầu thi công và cung cấp thiết bị của dự án.
Đáng chú ý, theo Bộ Giao thông Vận tải, trong quá trình tư vấn, IC phát hiện “nhiều nội dung thiếu sót” và “chưa phù hợp”, dẫn đến phải điều chỉnh thiết kế cơ sở.
Các nội dung điều chỉnh là tăng kích thước chiều dài nhà ga, tăng độ dày kết cấu; bổ sung kết cấu nhà ga ngầm kết nối với dự án đường sắt đô thị khác,...
Bộ Giao thông Vận tải cho rằng tổng mức đầu tư dự kiến điều chỉnh này được cập nhật trên cơ sở ý kiến của các bộ và kết quả thẩm tra độc lập của liên danh công ty TNHH MacDonald Singapore - Công ty TNHH Giao thông vận tải.
Tăng vay thêm hơn 600 triệu USD
Theo báo cáo của UBND TP.HCM, dự án này đã có trong kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2016-2020 và đang triển khai thực hiện hiên theo Nghị định 131 năm 2015 thì UBND TP là cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt điều chỉnh dự án.
 tàu điện ngầm,đường sắt đô thị,metro sài gòn,Bộ Giao thông vận tải,TP.HCM
Phối cảnh đường hầm metro
Tuy nhiên, điều này lại chưa nhận được sự đồng thuận của Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng. Theo đó các bộ này yêu cầu cần báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương điều chỉnh dự án.
Bộ Giao thông Vận tải lại bày tỏ “thống nhất với quan điểm của UBND TP.HCM”. Tuy nhiên, do còn nhiều ý kiến băn khoăn về việc điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án nên Bộ này đề nghị Thủ tướng giao Bộ KH-ĐT chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng báo cáo của Chính phủ để trình Quốc hội xem xét, có ý kiến về việc điều chỉnh tổng mức đầu tư của dự án.
Trên cơ sở ý kiến của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đề nghị UBND TP.HCM rà soát, thẩm định trước khi phê duyệt điều chỉnh dự án theo quy định hiện hành.
Bộ Giao thông Vận tải cũng tiết lộ nguồn vốn bổ sung cho việc tăng thêm lấy từ việc vay ngân hàng nước ngoài. Theo đó, ngân hàng ADB xác nhận khoản vay bổ sung 500 triệu USD trong năm 2018, ngân hàng KfW xác nhận khoản tài trợ 200 triệu Euro và phương án vay bổ sung, ngân hàng EIB bổ sung vốn hủy của Hiệp định hạn mức tín dụng của chương trình biến đổi khí hậu cho dự án là 50 triệu Euro.
Nguồn vốn ODA trước khi điều chỉnh là từ mức hơn 1 tỷ USD của năm 2010 tăng lên trên 1,6 tỷ USD sau khi điều chỉnh (tăng thêm 619 triệu USD, tăng 59%).
Tính đến nay, dự án đã tuyển chọn được các Tư vấn chính để triển khai công tác quản lý dự án, thiết kế làm rõ thiết kế cơ sở và lập hồ sơ mời thầu các gói thầu chính; hoàn thành phê duyệt thiết kế cơ sở điều chỉnh; đã triển khai thi công và cơ bản hoàn thành gói thầu xây lắp đầu tiên, gói thầu CP1 tòa nhà văn phòng và các công trình phụ trợ tại depot Tham Lương (tòa nhà trung tâm vận hành của tuyến tàu điện ngầm số 2 sau này);... đã bắt đầu triển khai việc chi trả bồi thường và tiếp nhận mặt bằng trên địa bàn 6 quận bị ảnh hưởng bởi dự án.
Lũy kế giải ngân từ đầu dự án đến nay là 820 tỷ đồng. Hiện trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 đã bố trí 600 tỷ đồng để tiếp tục thực hiện dự án.
(Theo Vietnamnet) Lương Bằng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét