Thứ Năm, 12 tháng 4, 2018

Dự án của Dona.Coop đẩy hàng ngàn dân vào cảnh điêu tàn: Sống bị triệt sinh kế, chết bị tai tiếng “tự tử trại giam”

Cập nhật lúc 08:47                 

Bao oan trái đã ập xuống đầu những nông dân xã Long Hưng, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai kể từ khi xuất hiện dự án “Khu đô thị sinh thái kinh tế mở Long Hưng” (do Liên hiệp HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Đồng Nai – Dona.Coop, làm chủ đầu tư). 

Dự án của Dona.Coop đẩy hàng ngàn dân vào cảnh điêu tàn: Sống bị triệt sinh kế, chết bị tai tiếng “tự tử trại giam”

Án tù đã mang, có người đã chết oan khuất, sinh kế không còn, nhưng nhiều nông dân vẫn quyết bám trụ với nhà cửa vườn tược ruộng đồng. “Cuộc chiến” mới lại nổ ra, những nông dân yếu thế một lần nữa uất nghẹn chứng kiến những “mưu ma chước quỷ” hòng cắt nguồn sinh kế của họ.
Rời khỏi QL51 đông nghẹt người xe, nhiều người xa quê vài năm nay tìm về Long Hưng cho hay đã không còn nhận ra quê cũ. Làng quê năm xưa nay đã bị “xóa sổ” gần hết. Con đường Hương lộ 2 mới xẻ đôi xã thành hai phần riêng biệt. Phía bên trái con đường là những bãi đất trống mênh mông. Trên những bãi đất ấy lồi lõm nhấp nhô dấu vết san lấp, lác đác đây đó những ngôi mộ bị đập phá nham nhở, những đống gạch vụn tàn tích các cuộc cưỡng chế. Làng quê trù phú ngày nào giờ không một bóng cây. 
Trên vùng đất bị san lấp mênh mông, nay chỉ có vài dãy nhà tái định cư xây theo kiểu mọi căn trong dãy đều theo một mẫu duy nhất buồn tẻ. Hình ảnh gây ấn tượng nhất là những tấm biển quảng cáo “Kỳ quan vùng sông nước”, là dòng chữ quảng cáo “Long Hưng City” khổng lồ dựng ở lối vào, là công trình có lẽ rộng hàng ngàn m2 “Dona.Coop - Liên hiệp HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Đồng Nai - Trung tâm giao dịch đầu tư và chuyển nhượng bất động sản” án ngữ nơi ngã tư đường.
Trưa nắng chang chang vắng bóng người, không một tiếng gà gáy, chỉ đôi khi không gian xao động bởi tiếng những đoàn xe chở vật liệu chạy rầm rầm vụt qua bụi mù mịt. Bật bản đồ vệ tinh lên xem, hình ảnh xã Long Hưng nay hiện lên như một vết thương lở loét bên sông Đồng Nai.
Phía bên phải con đường, sát bên sông Đồng Nai, vẫn còn một mảng xanh cây cối, lác đác mái nhà. Đó là vùng “xôi đậu”. Tất cả các hộ dân Long Hưng đều bị dự án Dona.Coop lấy đất, nhưng trong vùng “xôi đậu” này nhiều hộ vẫn còn bám trụ, quyết không chịu nhận đền bù rẻ mạt giao đất, bất chấp những cuộc cưỡng chế trái luật có thể ập đến. Những gia đình bà Sáng, cụ Thơ, anh Tám… mà PLVN đã phản ánh trong những bài viết trước, đều “cố thủ” hàng chục năm trong khu vực này.
“Con tôi chết chưa được đầu thai” 
Anh Tám, người bán nước đá kêu oan chín năm nay (PLVN đã phản ảnh trong bài 7), nắm rõ tình cảnh từng người trong số 46 người bị đi tù. Anh đưa nhóm nhà báo vào nhà anh Đỗ Phước Hậu. Dù trước đó anh Tám đã trao đổi riêng với chị gái anh Hậu – nhà kế bên chung một mảnh vườn, người nhà anh Hậu vẫn tỏ ra e dè. Có lẽ kết cục cái chết nhiều khuất tất mà anh Hậu mang, cùng những thủ đoạn lấy đất của dự án khiến họ trở nên sợ sệt, đề phòng với bất kỳ ai.
Căn nhà nằm khá sâu trong hẻm nhỏ ở ấp Phước Hội, lối đi đổ đầy đất đá lổn nhổn, sân trước đổ xi măng lem nhem cáu bẩn. Cái sân xi măng này trước đây dùng phơi lúa. Nhưng nay ruộng đã bị thu hồi nên không còn một hạt thóc để phơi. Ngôi nhà cũ kỹ rộng bề ngang nhưng hẹp bề dài, thấp lè tè, không quét vôi, rêu phong bám đầy bốn bức tường. Ngôi nhà vắng lặng khóa cửa trong khu vườn cây cối um tùm dường như lâu ngày không người chăm sóc.
Phải chờ khá lâu mẹ anh Hậu mới về. Bà lão 70 tuổi người thấp dáng gầy ốm, mái tóc bạc trắng búi gọn gàng, gò má hốc hác, da đồi mồi, chân bước khập khiễng. Dù được lời giới thiệu từ “bạn tù” của đứa con trai vắn số, ban đầu bà vẫn nghi ngại: “Lấy đất hả?”. Khi hiểu chuyện, bà mới tâm sự từ ngày con trai chết trong tù, bà càng thêm gầy mòn, tinh thần lúc nào cũng bất an. Cứ nghe tới từ “đất” và “Dona.Coop” là lo sợ giật mình. Sợ bị mất nhà mất đất, sợ không biết cả nhà rồi sẽ đi đâu về đâu, sợ nói câu nào không phải “người ta bắt đi tù”. 
Ngồi bệt xuống hiên nhà, bà kể chuyện con bà là anh Đỗ Phước Hậu (SN 1981), bị tuyên án sáu năm sáu tháng tù với ba tội danh “Cố ý làm hư hỏng tài sản”, “Gây rối trật tự công cộng” và “Xúc phạm quốc kỳ” trong vụ án nông dân Long Hưng “đốt trụ sở xã” hồi đầu năm 2009. Bà lão kể: “Khi xảy ra sự việc, vợ chồng nó đã ly thân. Con trai tui nuôi con. Gia đình có mồ mả bị quẹt sơn nên nghe người ta kéo lên xã phản đối, con tui đi theo”. 
“Tui ở nhà trông cháu, có biết chuyện gì đâu. Rạng sáng ngày 19/2/2009, Công an đến gõ cửa, lúc đó nó đang ngủ với thằng con. Công an ập vào còng tay, gỡ đứa nhỏ khỏi tay cha. Đứa nhỏ khóc quá trời. Con tui bị bắt đi ngay giữa khuya, không có lệnh gì cả”.
Bà lão không biết con mình đã làm gì, bị bắt vì tội gì. Ngày ra tòa, bà nghe tin có đến nhìn mặt con, nghe con trai bị tuyên án sáu năm sáu tháng tù. Nghe vậy rồi thôi, bà phải tất tả về trông cháu. 
“Tui vẫn thường đi thăm nó ở trại giam Xuân Lộc. Đến năm thứ tư, người ta báo rằng thằng Hậu treo cổ tự vẫn trong trại giam, xác đang nằm ở bệnh viện. Tui tức tốc bắt xe lên. Cũng có được vào nhìn xác con một lúc. Người ta nói nó tự vẫn, tui nghe vậy thôi chứ có biết gì đâu. Trước khi đi tù, nó không bệnh tình gì, cũng không rõ oan ức chuyện gì mà thắt cổ chết bỏ mẹ bỏ con. Tui xin người ta mang xác con về nhà chôn cất nhưng không được. Người ta nói nó chết trong trại giam nên cần điều tra gì đó. Thế rồi họ chôn luôn trong khuôn viên trại giam. Sinh ly tử biệt từ đó, oan khuất gì thế con ơi? Giờ chắc con còn oan ức chưa được đầu thai”, tiếng bà lão than van ai oán càng làm khu vườn thêm u ám.
“Đời tui khổ, đến đời con cháu tui cũng khổ vì cái dự án “cốp cốp cướp cướp” ấy. Già rồi, kêu ai, khóc ai nghe? Thằng Hậu chết, tui phải thay nó nuôi con, vợ nó thì đã có chồng mới. Nhà đất bị lấy. Một thân một mình tui không biết liệu đằng nào. Giờ còn sống được ngày nào hay ngày ấy. Giờ tui chỉ lo cho đứa con thằng Hậu, tui chết đi thì ai lo. “Cốp cốp cướp cướp” đến, chưa thấy yên ổn ngày nào, chỉ thấy liên tiếp bi kịch”, bà lão nói.
“Mưu ma chước quỷ” triệt sinh kế nông dân
Người dân Long Hưng kể, Dona.Coop đến, không chỉ gây ra cảnh người chết tức tưởi như anh Hậu, mà người sống cũng lay lắt, khổ từ tinh thần đến sinh kế. Vẫn lời mẹ anh Hậu kể, sau vụ án, sợ quá, mồ mả ông bà ngoài nghĩa địa, bà bốc rồi đưa cốt vào chùa. Bao năm nay bà ôm nỗi khổ tâm mỗi năm chỉ bắt xe lên trại thăm mộ con được một lần. Bà bảo có mang về cũng đưa cốt vào chùa chứ tiền đâu mua đất chôn. “Ngày xưa còn nghĩa địa xã, ai chết cứ chôn tự do, không tốn tiền. Nay nghĩa địa cũng bị Dona.Coop giành đất, người chết chỉ vào chùa hoặc mua đất nơi khác mà chôn. Tui còn lo khi mình chết, không biết rồi chôn hay thiêu”, bà nói.


Chuyện bị Dona.Coop triệt nguồn sinh kế, ông Nguyễn Thanh Long (SN 1944, ngụ ấp Phước Hội) cho hay chính nhà ông là một ví dụ tiêu biểu. Mười năm nay ông tố cáo khiếu kiện, vụ việc vẫn “dẫm chân tại chỗ”. 
Gia đình ông bị thu hồi hơn 6000m2 đất ruộng và hơn 4000m2 đất nhà ở, đất trồng cây lâu năm. Ông phản đối dự án “phân lô bán nền”, không giao đất. Bắt đầu từ 2010, ông thấy Dona.Coop san lấp làm tràn cát vào ruộng nhà mình. Ông làm đơn yêu cầu xã vào cuộc. Xã có văn bản hứa sẽ yêu cầu Dona.Coop khắc phục, hút hết số cát tràn vào ruộng. Nhưng thực tế máy xúc ngày càng ngang ngược lấp ruộng nhà ông nhiều hơn chứ không khắc phục gì. 
Ông gửi đơn tố cáo đến chính quyền TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, Dona.Coop, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh. “Tự san lấp ruộng nhà tôi, là ăn cướp đất chứ còn gì”, ông nói. Đồng Nai sau đó trả lời: “Hộ ông Long không thường trú tạm trú tại địa phương, diện tích đất san lấp thuộc diện vắng chủ”, dù thực tế ông sinh sống ở đây từ năm 1996, có sổ KT3. “Họ “đổi trắng thay đen” như thế, tôi còn biết tin vào điều gì?”, ông nói. Tố cáo khiếu nại của ông chưa được giải quyết, nay toàn bộ đất ruộng của ông đã bị ngang nhiên san lấp sạch.
“Mưu ma chước quỷ” triệt sinh kế nông dân, theo cụ Trần Văn Bảo (SN 1936, ngụ ấp Phước Hội), còn có những thủ đoạn khác. Theo báo cáo của xã Long Hưng hồi 2010, tổng diện tích xã gần 1200 ha, trong đó đất nông nghiệp trên 750 ha, riêng đất ruộng hai vụ lúa trên 500 ha và khoảng 300 ha diện tích mặt nước ao hồ với 1029 hộ dân sinh sống. “Từ bao đời nay cả xã canh tác lúa nước đều dựa vào hệ thống kênh mương tự nhiên tưới tiêu. Dự án trước tiên lấy trắng rất nhiều ao hồ. Sau đó chủ dự án lấp hệ thống kênh mương nước, hàng trăm ha đất ruộng ao cá hồ nước của dân, nếu không giao cho Dona.Coop thì cũng thành đất chết. Như vậy là triệt đường sinh sống, là giết nông dân chứ còn gì”, cụ Bảo bất bình.
Những thủ đoạn chưa hết. Theo tố cáo của nông dân Lê Đình Hạnh, từ năm 2010, khi dân không đồng ý giao đất, chính quyền và Dona.Coop sẽ kiểm kê bắt buộc. Đoàn kiểm kê khi đi làm việc luôn dẫn theo một cán bộ xã giới thiệu là “đại diện nhân dân”. Chủ nhà đi vắng, không đồng tình, người này sẽ ký tên. Vừa kiểm kê, đoàn người vừa cưa bỏ những gốc sầu riêng hàng chục năm tuổi, tiêu diệt nguồn sống của những nông dân lương thiện.
Nhóm PV Báo Pháp luật VN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét