Thứ Tư, 7 tháng 3, 2018

Vụ cô giáo quỳ gối xin lỗi: 'Cần khởi tố vụ án!'

Cập nhật lúc 16:33

Trung tá Đào Trung Hiếu, chuyên gia nghiên cứu tội phạm học, Bộ Công an, cho rằng cần khởi tố vụ án để làm rõ vụ việc cô giáo tại Long An phải quỳ gối xin lỗi.
Vụ việc một phụ huynh được cho là ép giáo viên phải quỳ gối tại Long An vừa qua đang được dư luận đặc biệt quan tâm. Pháp Luật TP.HCM có cuộc trao đổi với Trung tá, NCS Đào Trung Hiếu, chuyên gia nghiên cứu tội phạm học, Bộ Công an.

Vụ cô giáo quỳ gối xin lỗi: 'Cần khởi tố vụ án!' - ảnh 1
Trung tá, NCS Đào Trung Hiếu, chuyên gia nghiên cứu tội phạm học, Bộ Công an. Ảnh: NVCC
Lỗi từ cả hai phía
PV: Thưa Trung tá, dưới góc độ xã hội, là một phụ huynh và cũng là một người thầy, ông bình luận như thế nào về vụ việc trên?
+ Trung tá Đào Trung Hiếu: Là một phụ huynh học sinh, đồng thời đang đứng bục giảng đại học và các CLB Võ thuật với vai trò giảng viên, trước hết tôi đánh giá đây là một sự việc rất nghiêm trọng bởi ý nghĩa xã hội của nó, không còn là câu chuyện cá nhân giữa cô giáo và vị phụ huynh nọ.
Việc một cô giáo bị phụ huynh gây áp lực đến mức phải quỳ trong 40 phút, ngay tại cơ sở giáo dục, trước mắt giáo viên và phụ huynh... đã trở thành một hình ảnh có tính biểu tượng về sự sa sút trong đạo đức xã hội. Khi đầu gối cô giáo chạm đất, truyền thống tôn sư trọng đạo cũng không còn. Do đó, trách nhiệm xử lý rốt ráo sự việc thuộc về các ngành chức năng, dưới sự giám sát của xã hội.
Tôi cũng nhận thấy đây là trường hợp hỗn hợp lỗi, cả hai phía đều có cái sai, nhưng tính chất và mức độ sai là khác nhau và xử lý theo các cách khác nhau.
. Ông có thể nói cụ thể hơn về “cái sai” của giáo viên?
+ Về phía cô giáo, có thể thấy hình thức phạt quỳ không được quy định trong các quy chế, quy định ngành dọc. Đây là sự “sáng tạo” không được phép của cô giáo, vì hành động này tác động lên thân thể học sinh, gây ra những mệt mỏi, căng thẳng, ức chế tâm lý, chán học trong trẻ. Mục tiêu “xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” không đạt được qua những hình phạt thiếu tính sư phạm này. Trước tôi cũng đã từng phản đối vụ cô giáo ở Hà Nội dán băng dính vào mồm học sinh mất trật tự.
Tuy nhiên, có thể thấy việc làm của cô giáo trong trường hợp này, xuất phát từ trách nhiệm trước công việc, mong muốn duy trì kỷ luật lớp bằng các biện pháp chế tài cứng rắn. Việc bắt học trò quỳ có mục đích làm trẻ ngoan hơn, chứ không có mục đích xúc phạm, hạ thấp danh dự, nhân phẩm của các cháu.
Hơn nữa, trong tư duy dạy trò truyền thống ngàn đời nay của người Việt, việc thầy đồ dùng roi vọt dạy trò trở thành biểu tượng của giáo dục Nho giáo. Cha mẹ tin tưởng, gửi con, phó thác sự học của con cho thầy, thầy được làm mọi việc để trò ngoan hơn, giỏi hơn. Bởi vậy, tôi cũng không quá khắt khe khi lên án cô giáo qua hành động vừa rồi, mặc dù thấy rõ cô đã thiếu kiềm chế và chưa khéo léo vận dụng kỹ năng sư phạm. Đây là bài học nghề nghiệp đáng nhớ đối với cô giáo đó nói riêng và ngành sư phạm nói chung.
. Vậy còn với vị phụ huynh kia?
+ Đối với vị phụ huynh được cho là đã gây áp lực, bắt cô giáo phải quỳ gối mới bỏ qua lỗi, hiện sự việc đang được xác minh nên chưa thể đưa ra những nhận xét mang tính kết luận, vì có thông tin rằng cô giáo tự giác quỳ để cho qua chuyện.
Trong trường hợp cô giáo buộc phải quỳ do bị ép buộc, tôi cực kỳ phẫn nộ và lên án, bởi hành động ép buộc giáo viên của con mình quỳ gối trước mặt nhiều người, là hành động xúc phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm, tư cách nghề nghiệp của người giáo viên.

Quỳ gối là hành động không đúng, không phù hợp với vai trò của giáo viên trong nhà trường. Ép buộc một giáo viên làm việc này là biểu hiện cao độ của thói ngạo mạn, ngông cuồng và vô văn hóa, đặt cái tôi lên trên mọi chuẩn mực văn hóa, đạo đức. Hành vi ép cô giáo đến mức phải quỳ thì mới tha của anh ta, báo hiệu sự băng hoại đạo đức đã tới mức thê thảm.
Hành vi của anh ta không chỉ xúc phạm đến cá nhân cô giáo, mà nghiêm trọng hơn là làm nhục nghề thầy, chạm vào dây thần kinh nhạy cảm nhất của nghề trồng người, đó là mong muốn được tôn trọng.
Còn trường hợp cô giáo chủ động quỳ xin lỗi, tôi không tin tưởng lắm vào thông tin này. Bởi lẽ không ai có thể dễ dàng tự bỉ, hạ thấp danh dự nhân phẩm của mình trước mắt học sinh và đồng nghiệp. Hành động tự quỳ (nếu có) và kéo dài trong 40 phút, chỉ có thể kết quả của áp lực tâm lý bên trong đủ mạnh, đủ căng thẳng, khiến cô giáo cực chẳng đã phải thực hiện để làm xuôi lòng phụ huynh. Và điều này đã mô tả đầy đủ về hành vi và lỗi của vị phụ huynh nọ.
Vụ cô giáo quỳ gối xin lỗi: 'Cần khởi tố vụ án!' - ảnh 3
Trường Tiểu học Bình Chánh (huyện Bến Lức, Long An). Ảnh: VĂN HỘI
"Cần khởi tố vụ án"
. Nhiều ý kiến cho rằng nếu vị phụ có huynh kia ép cô giáo quỳ thì mới bỏ qua chuyện, hành vi này có dấu hiệu làm nhục người khác?
+ Tôi hoàn toàn nhất trí với quan điểm đánh giá hành vi của vị phụ huynh nọ đã có dấu hiệu của tội “làm nhục người khác”, quy định tại Điều 155 BLHS năm 2015. Nói là có dấu hiệu, chứ việc chứng minh hành vi đó đã phạm vào tội này hay chưa thì còn chờ kết quả điều tra xác minh.
Hành vi gây sức ép bắt cô giáo quỳ gối nhận lỗi trong hơn 40 phút, trước mặt đồng nghiệp, đã xâm phạm đến quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm của công dân.
Trong trường hợp này, cô giáo đã bị sỉ nhục, hạ nhục ở chỗ đông người. Rất có thể đây là cú sang chấn tâm lý, cú sốc nghề nghiệp không chỉ của riêng bản thân cô. Người giáo viên đó còn tự tin khi đứng trên bục giảng? Còn quyền uy tinh thần để điều hành lớp học?
Tôi thấy cần thiết phải có một cuộc điều tra do cơ quan điều tra tiến hành, thu thập chứng cứ, làm rõ sự việc và xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Việc khởi tố điều tra vụ án là có căn cứ và cần phải làm ngay; cô giáo và nhà trường cũng cần khẩn trương đề nghị khởi tố vụ án.
. Rõ ràng việc bắt học sinh quỳ khi mắc lỗi là không nên và việc ép cô giáo quỳ để sửa chữa lại càng không đúng. Theo ông, trong những sự việc tương tự, cả phía phụ huynh học sinh và phía thầy/cô giáo nên xử lý như thế nào?
+ Về phía các thầy cô, trong công tác giảng dạy, chỉ nên thực hiện những điều được quy định trong quy chế, nội quy ngành dọc hay của cơ quan đơn vị. Nghĩa là đừng bước qua “vạch vôi” dành cho mình. Khả năng kiềm chế và khôn khéo trong xử lý tình huống sư phạm là các kỹ năng các nhà giáo (nhất là mầm non, tiểu học, trung học cơ sở…) phải thường xuyên trau dồi.
Các giáo viên trong trường khi có sự cố xảy ra với đồng nghiệp, không nên coi đó không phải việc của mình. Trong vụ này, tôi chê cách hành xử của ban giám hiệu đã không có tiếng nói đủ mạnh và động thái cương quyết bảo vệ giáo viên của mình.
Bên cạnh đó, các tổ chức nghề nghiệp trong nhà trường (như công đoàn) cũng cần chứng minh vai trò của mình trong việc bảo vệ quyền lợi của giáo viên, đương đầu, thậm chí đứng tên khởi kiện tổ chức, cá nhân nào xâm hại, xúc phạm, cản trở hoạt động bình thường của các nhà giáo.
Đối với các bậc phụ huynh, đành rằng “của đau con xót” khi con mình bị phạt ở trường theo các cách không đúng nhưng cần kiểm soát cảm xúc, hành vi. Phụ huynh có thể gặp ban giám hiệu, đưa vấn đề với thái độ bình tĩnh, làm rõ các tình tiết, đối thoại với giáo viên có liên quan.
Nếu nhà trường cầu thị, nhận lỗi, hãy cảm thông và độ lượng, bỏ qua vì con em mình đang học ở đó. Hãy thương các thầy cô giáo để tạo cho họ tâm trạng tốt nhất khi đến trường, các con mình được lợi.
Trường hợp nhà trường bao che, gian dối che giấu khuyết điểm, không cầu thị tiến bộ thì có rất nhiều cách làm sáng tỏ sự việc, trong đó việc bạch hóa thông tin trên báo chí hay mạng xã hội, là phương pháp hữu hiệu nhất.
. Xin cảm ơn ông!
(Theo PLO) TUYẾN PHAN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét