Thứ Bảy, 31 tháng 3, 2018

Thế giới 24h: Đòn giáng trả thẳng tay của Putin


Nga tuyên bố trục xuất ít nhất 150 nhà ngoại giao phương Tây, trong đó có 60 quan chức Mỹ, và đóng cửa lãnh sự quán Mỹ ở St Petersburg để đáp trả những hành động tương tự của Anh cùng các đồng minh.

Quyết định "ăn miếng trả miếng" kể trên đã được Ngoại trưởng Sergei Lavrov công bố. Bộ Ngoại giao Nga cho biết sẽ trao cho đại sứ các nước trục xuất nhà ngoại giao Nga công hàm phản đối và thông báo về các biện pháp đáp trả ngoại giao của Nga. Bộ này cũng triệu đại sứ các nước có hành động không thân thiện với Nga.


Tổng thống Nga Vladimir Putin. (Ảnh: Sputnik)
Theo Reuters, đại sứ của một loạt nước phương Tây, trong đó có Đức, Pháp, Italy... lần lượt xuất hiện tại Bộ Ngoại giao Nga trong ngày 30/3.
Tất cả bắt nguồn từ vụ đầu độc một cựu điệp viên Nga trên đất Anh. Theo Thủ tướng Anh Theresa May, ông Sergei Skripal và con gái bị tấn công bằng một vũ khí hóa học có tên Novichok – một trong những hóa chất kịch độc trên thế giới hiện nay - ở thành phố Salisbury.
Các nhà chức trách Anh quy kết Nga đứng sau vụ việc và nhanh chóng hành động nhằm trừng phạt chính quyền Tổng thống Putin vì đã vượt qua "lằn ranh đỏ". Sau khi Anh trục xuất 23 nhà ngoại giao Nga,các nhà lãnh đạo Mỹ, Anh, Pháp và Đức ra thông cáo chung tuyên bố "khả năng cao độ Nga phải chịu trách nhiệm vụ tấn công". Mỹ cùng hàng chục nước tuyên bố trục xuất các nhà ngoại giao Nga về nước.
Phía Moscow khẳng định không liên quan vụ đầu độc.
Dmitry Peskov, người phát ngôn của Tổng thống Nga, cho biết Moscow buộc phải đáp trả nhưng sẵn sàng xây dựng quan hệ tốt với các nước khác, trong đó có Mỹ. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert bình luận rằng Nga "không nên hành động giống như một nạn nhân".
Những tin quan trọng khác trong ngày 30/3:
- Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng ngày 30/3 cho biết nước này thực sự hy vọng Nga và Mỹ sẽ giải quyết những bất đồng hiện tại thông qua đối thoại trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau. 
Ông Lục nói: "Chúng tôi nhận thấy quyết định của chính phủ Nga hôm qua là tiếp nối những sự kiện gần đây. Tôi muốn nhấn mạnh rằng Nga và Mỹ là các ủy viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Họ chịu trách nhiệm gìn giữ hòa bình và an ninh quốc tế. Chúng tôi thực sự hy vọng Mỹ và Nga có thể giải quyết bất đồng thông qua đối thoại trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau".
- Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc kiêm Đặc phái viên của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, ông Dương Khiết Trì, bày tỏ sự ủng hộ đối với Hàn Quốc và Mỹ trong nỗ lực tổ chức các cuộc gặp thượng đỉnh với Triều Tiên, đồng thời hy vọng rằng tiến trình này sẽ đạt được một "thành tựu quan trọng".
- Trả lời phỏng vấn Tạp chí Phố Wall, Thái tử Ảrập Xêút kêu gọi cộng đồng quốc tế áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc đối với Iran nhằm tránh một cuộc đối đầu quân sự tại khu vực. "Nếu chúng ta không làm được điều này, có khả năng sẽ nổ ra một cuộc chiến tranh với Iran trong vòng 10-15 năm nữa", Thái tử Salman nói.
- Thủ tướng Kosovo Ramush Haradinaj quyết định sa thải Bộ trưởng Nội vụ và người đứng đầu cơ quan mật vụ sau vụ bắt giữ và dẫn độ 6 công dân Thổ Nhĩ Kỳ. Theo một số nguồn tin, Thủ tướng Haradinaj cho biết ông không được thông báo về việc này.
- Một nguồn tin từ Phủ Tổng thống Pháp khẳng định nước này không lên kế hoạch tiến hành bất kỳ chiến dịch quân sự nào tại miền bắc Syria nằm ngoài khuôn khổ cuộc chiến của liên minh quốc tế chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Tuyên bố được đưa ra sau khi Các lực lượng dân chủ Syria (SDF) nói rằng cam kết hỗ trợ của Tổng thống Emmanuel Macron nhằm làm ổn định khu vực chống IS sẽ bao gồm cả việc triển khai thêm binh lính.
- Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho biết ngoại trưởng nước này và người đồng cấp Nhật Bản đã có cuộc điện đàm thảo luận về vấn đề hạt nhân Triều Tiên, quan hệ song phương và những vấn đề hai bên cùng quan tâm.
(Theo VietNamNet) Thanh Hảo

Với một điệp viên phản bội đã hết tác dụng (với cả Nga và Anh), Nga đã trục xuất thì chẳng còn lợi ích gì cần phải ra tay, thậm chí bất lợi. Một lãnh đạo như ông Pu tin sẽ chẳng kém thông minh làm vậy. Việc này hoàn toàn mang lại lợi ích cho Anh. Vậy có khi nào nước Nga lại làm một việc chắc chắn sẽ mang lại lợi ích cho đối thủ? Nước Anh và châu Âu đang đau đầu giải quyết mâu thuẫn của tiến trình Brexit, dư luận người dân các nước trong khối đang hướng vào đây với sự phân tâm. Vụ điệp viên chết vì đầu độc khiến người dân bẵng quên đi những lùm xùm trong khối EU. Vụ này như một mũi tên đạt 2 đích của châu Âu.
Thương Giang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét