Thứ Tư, 7 tháng 3, 2018

Lòng tự trọng của người trí thức

Cập nhật lúc 16:50

 Xin nói trước là trong bài này người viết không có ý “mạo phạm” đến những nhà trí thức chân chính, chỉ đề cập đến “một bộ phận không nhỏ” những nhà “trí thức” có học hàm học vị hẳn hoi nhưng dường như còn thiếu đi tính cách của một người bình thường cần có: đó là lòng tự trọng…


Theo định nghĩa, trí thức là người có hiểu biết sâu rộng và đem sự hiểu biết của mình để “soi sáng”, “dẫn đường” cho mọi người. Người trí thức là người tạo ra hay truyền bá những kiến thức, những ý tưởng mới và tiếng nói của họ có ảnh hưởng đến sự thay đổi, tiến bộ của xã hội.


  
Số lượng GS, PGS từ năm 2011 đến 2017. Biểu đồ: Tuổi Trẻ

Với định nghĩa đó thì các vị tiến sĩ chính là những nhà “đại trí thức” bởi học thuật của họ đã “đụng trần”, “chạm la phông”, còn phó giáo sư hay giáo sư còn “kinh thiên địa nghĩa” hơn nữa. Họ là tầng lớp “tinh hoa trí thức” của một xã hội. Một đất nước có nhiều giáo sư tiến sĩ là một tín hiệu đáng mừng, đáng tự hào cho đất nước đó, vì tầng lớp “tinh hoa” này sẽ “khai hoá”, đưa dẫn đất nước lên những tầm cao phát triển.

Thế nhưng có một điều nghịch lý là ở nước ta đó lại là điều đáng lo ngại! Dư luận xã hội đang bàn rất nhiều về tình trạng “lạm phát tinh hoa trí thức”, lạm phát những ông nghè, ông giáo. Tình trạng này đã lên đến mức báo động khiến cho Văn phòng Chính phủ vừa ra yêu cầu rà soát lại việc cấp phong học hàm giáo sư, phó giáo sư.

Theo thống kê, cả nước hiện giờ đã có 23.400 tiến sĩ. Từ năm 1980 đến năm 2016, đã có 10.774 chức danh giáo sư, phó giáo sư được cấp phong sau 25 đợt duyệt xét, chưa kể đến đợt “bùng phát” 1.226 người được “lên lon” học vị năm 2017.

Nhiều người đã rất bối rối khi đi tìm câu trả lời cho câu hỏi: “Để làm gì khi có nhiều giáo sự tiến sĩ? Các ông giáo, ông nghè “đông như quân Nguyên” kia đã làm được gì nhiều cho đất nước?”. Chẳng nói đâu xa, ngay ở lĩnh vực nông nghiệp mà người dân nước ta đang còn đến 70% – 80% là nông dân thì ngay cả cuộc “cách mạng nông nghiệp” đang âm thầm hình thành đa phần cũng qua sự sáng tạo của những người nông dân chứ chẳng phải của nhiều giáo sư tiến sĩ. Chính vì lẽ đó mà hễ có một phát kiến của nhà nông nào thì dư luận đều “cả cười” vì sự “bất lực” của đa số dàn “trí thức tinh hoa” kia.

Người trí thức có tự trọng chắc hẳn phải thấy xấu hổ khi phải nằm trong ánh mắt nghi ngờ, khi phải chịu sự “rà soát” lại năng lực tri thức và những cống hiến học thuật của mình để có được học hàm, học vị.

Người trí thức có tự trọng chẳng ai luồn lọt, mua chạy học hàm học vị để thăng quan tiến chức, cũng chẳng ai tạo ra cả một “thị trường” mua danh bán chức như phản ánh của nhiều bài báo gần đây.

Người trí thức có tự trọng chẳng ai dương danh dương tánh học hàm học vị mà không đưa ra được những đóng góp cụ thể nào cho nhân dân, cho đất nước, cho nhân loại, cho khoa học, cho xã hội.

Người trí thức có tự trọng phải thấy xấu hổ khi đất nước ta có nhiều nhà “đại trí thức” nhưng vẫn lẹt đẹt ở thứ hạng 127 trong các nền kinh tế của thế giới, phải thấy xấu hổ về tính nhân văn trong xã hội xuống cấp, đạo đức xã hội có xu hướng suy đồi.

Người trí thức có tự trọng phải biết không ngừng nâng cao tri thức chứ không phải chỉ nhắm tới học hàm, học vị. Xin mở ngoặc nói thêm là dường như các nhà “đại trí thức” nước ta đọc rất ít. Những tủ sách kinh điển, tinh hoa của thế giới được các dịch giả tâm huyết dịch sang tiếng nước ta, khá nở rộ trong những năm gần đây, mỗi lần xuất bản chỉ với số lượng lèo tèo 500 – 1.000 quyển và vẫn ế chỏng ế chơ trên các kệ sách. Các nhà “đại trí thức” nước ta đọc thẳng các nguyên tác chăng?

Nên nhớ rằng tri thức là con dao hai lưỡi, nó có thể làm lợi nhiều nhưng nó cũng có thể gây tác hại lớn nếu người trí thức thiếu đạo đức. Một người thiếu hiểu biết mà vô đạo đức gây hại không bao nhiêu, còn người có chút hiểu biết, có học hàm học vị, “leo cao trèo sâu” mà vô đạo sẽ gây hại lớn cho xã hội.

Một lần nữa xin lỗi các nhà trí thức, các giáo sư, tiến sĩ chân chính, bài viết này không dành cho các vị…
(Một Thế Giới) Đoàn Đạt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét