Thứ Sáu, 23 tháng 3, 2018

Facebook đối mặt với làn sóng dư luận bất chấp lời xin lỗi

Cập nhật lúc 14:38  

Lời xin lỗi công khai và cam kết tăng cường bảo mật thông tin của nhà sáng lập Facebook Mark Zuckerberg đã không thể dập tắt làn sóng chỉ trích của dư luận cũng như giải tỏa sức ép chính trị từ các nhà lãnh đạo Mỹ và châu Âu trong vụ Cambridge Analytica (CA), hãng phân tích dữ liệu của Anh, thu thập trái phép dữ liệu của 50 triệu người sử dụng mạng xã hội lớn nhất thế giới này. Diễn biến này báo hiệu một viễn cảnh sóng gió đối với Facebook. 

 
Người sử dụng tại Bogota, Colombia xóa tài khoản Facebook ngày 22/3. (Nguồn: AFP/TTXVN )

Tại Mỹ, các nhà lãnh đạo của Ủy ban Thương mại và Năng lượng Mỹ cho rằng ông Zuckerberg mới là nhân chứng chủ chốt, có thể giải đáp nghi vấn hiện nay. Cơ quan này cho biết trong những ngày tới sẽ sớm yêu cầu ông Zuckerberg ra điều trần trước Quốc hội Mỹ. 

Trong khi đó, có thông tin cho rằng Ủy ban Thương mại liên bang Mỹ đang mở cuộc điều tra vụ bê bối gây chấn động dư luận này. Động thái trên được đưa ra sau khi các lãnh đạo của Facebook không làm hài lòng các quan chức Mỹ trong cuộc gặp kéo dài 2 tiếng vào ngày 22/3 với khoảng 60 câu hỏi chưa được làm rõ. 

Ở phía bên kia bờ Đại Tây Dương, vụ bê bối cũng trở thành tâm điểm thảo luận của các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đang tham gia hội nghị thượng đỉnh EU tại Brussels, Bỉ. Các nhà lãnh đạo EU sẽ sớm ban hành quy định cứng rắn hơn đối với các hãng công nghệ lớn trong việc bảo mật thông tin. 


Chủ tịch Nghị viện châu Âu (EP) Antonio Tajani lên tiếng hối thúc nhà sáng lập Facebook sớm chấp nhận yêu cầu ra điều trần trước cơ quan này. Ông Tajani cho rằng sẽ là sai lầm lớn nếu ông Zuckerberg không làm rõ những nghi vấn của cơ quan lập pháp như EP có nhiệm vụ quản lý một thị trường với 500 triệu người, trong số này có hàng triệu khách hàng của Facebook.

Trả lời phỏng vấn đài BBC, Bộ trưởng Kỹ thuật số, Văn hóa, Phương tiện truyền thông và Thể thao Anh Matt Hancock cho rằng những cam kết bảo mật thông tin của Facebook là không đủ, mà cần tuân thủ nghiêm túc luật pháp. Một công ty bảo mật riêng tư của Israel cũng đã vào cuộc nhằm tìm kiếm khả năng Facebook vi phạm luật pháp nước này. 

Làn sóng tẩy chay Facebook bắt đầu lan rộng với từ khóa #DeleteFacebook. Thậm chí, người đồng sáng lập WhatsApp Brain Acton mới đây đã đăng tuyên bố trên tài khoản Twitter kêu gọi xóa sổ Facebook. Các công ty đối tác quảng cáo của Facebook như Mozilla và Commerzbank đã ngừng sử dụng dịch vụ trên trang mạng xã hội này. 

Vụ bê bối không chỉ khiến uy tín của Facebook giảm sút mà còn làm giá trị cổ phiếu của hãng tụt nhanh chóng. Các nhà đầu tư vẫn tiếp tục bán tháo cổ phiếu của hãng này dù không ồ ạt như những ngày trước đó. Chốt phiên giao dịch ngày 22/3, giá cổ phiếu của Facebook đã giảm 2,7%, đứng ở mức 164 USD/cổ phiếu. Kể từ khi vụ bê bối rò rỉ thông tin bị phát giác, giá trị cổ phiếu của Facebook đã mất hơn 50 tỷ USD.

Facebook đang đối mặt với "búa rìu" dư luận cũng như chịu sức ép điều tra từ cả giới chức Anh, Mỹ và châu Âu liên quan tới vụ CA, hãng phân tích dữ liệu của Anh được êkíp tranh cử của Tổng thống Donald Trump thuê trong cuộc bầu cử Mỹ năm 2016, đã thu thập và sử dụng thông tin của 50 triệu tài khoản Facebook. 

Có thông tin rằng doanh nghiệp này đã thu thập thông tin trên nhằm phục vụ cho chiến dịch tranh cử tổng thống của ông Trump vào năm 2016./.
Theo TTXVN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét