Thứ Sáu, 30 tháng 3, 2018

ACV vẫn xin thu "BOT sân bay": Dân gánh hết!

Cập nhật lúc 10:46 

Những lý lẽ, lập luận của Tổng công ty hàng không Việt Nam (ACV) đưa ra cho việc vẫn thu phí sân bay rất mập mờ.

Đừng biện minh
Trong văn bản mới đây gửi Bộ GTVT Tổng công ty hàng không Việt Nam (ACV) có đưa ra lý lẽ toàn bộ số tiền thu được từ việc thu phí vào sân bay được doanh nghiệp này thực hiện đầy đủ nghĩa vụ ngân sách theo quy định và hạch toán vào kết quả kinh doanh của ACV.
Tiền đầu tư, nâng cấp, sửa chữa hệ thống kết cấu hạ tầng tại các cảng hàng không nói chung và hệ thống đường dẫn vào nhà ga nói riêng là từ quỹ đầu tư phát triển của ACV, không sử dụng ngân sách.
Về những lý luận trên, chia sẻ với Đất Việt, TS Phạm Sanh - chuyên gia giao thông cho biết: "Nếu ACV đưa ra các giải thích như vậy thì đề nghị Thanh tra Chính phủ (TTCP) xác nhận xem có chính xác hay không. Vì chính trong bản kết luận Thanh tra có nêu rõ các sai phạm của ACV khi tiến hành thu phí.
Đặc biệt, ACV, Bộ GTVT phải lý giải, tranh luận với TTCP, nếu chưa rõ thì nên báo cáo Thủ tướng, Bộ tư pháp, Quốc hội xem nên làm thế nào? Nếu coi là phí thì phải lý giải tại sao có phí này, cơ sở hạ tầng của nhà nước đầu tư sao lại có thêm phí.
 Còn nếu coi là Luật giá thì phải là các nhà đầu tư riêng. Đừng nhầm với BOT đường bộ. Doanh nghiệp bỏ vốn ra làm thì họ có quyền dùng Luật giá. Cho nên, nếu muốn thêm phí đường đi vào sân bay cũng phải xin ý kiến Chính phủ, Quốc hội, nếu không sẽ xuất hiện thực trạng phí chồng phí.
Giống như các trạm BOT thu phí cầu đường, người dân phải được lựa chọn đi đường quốc lộ khỏi mất phí hoặc đi đường mới được đầu tư phải trả phí. Ở đây, người ra vào sân bay chỉ có một con đường, chứ không có lựa chọn nào khác thì không thể thu phí.
Theo tôi, thanh tra chính phủ đã kết luận từ lâu, cái gì còn mâu thuẫn chưa rõ Luật thì báo cáo ngay Thủ tướng để xử lý, không nên đưa ra quá nhiều văn bản biện minh gây rối nhiễu thông tin dư luận".

 ACV van xin thu 
ACV vẫn kiến nghị duy trì thu phí vào sân bay


Bên cạnh đó, theo ông Sanh, vấn đề ở đây là thu đúng hay không phải dựa theo pháp luật. Nếu cứ đè dân ra gánh phí thì sẽ tác động đến xã hội làm cho giá cả tăng lên, sự phát triển sẽ giảm.
Mua vé máy bay đã tiền triệu, mà vẫn phải nộp phí dịch vụ 10.000đ để ra vào sân bay thì thật khó chấp nhận.
Dân chịu tất
Ở góc độ khác, theo vị chuyên gia giao thông trên, tất nhiên, các doanh nghiệp trực tiếp thu chắc chắn sẽ không muốn bỏ đi nguồn phí không cần làm gì vẫn được sử dụng này.
Thế nhưng, sự mâu thuẫn giữa cục hàng không và ACV trong quan điểm tiếp tục hay dừng thu phí thể hiện khâu quản lý của Cục hàng không hiện nay chưa chặt chẽ.
Nếu ngay từ đầu, khi doanh nghiệp đặt vấn đề về khoản thu, hoặc khi doanh nghiệp đề nghị in ấn biên lai phí bị từ chối vì chưa đáp ứng các quy định, tức hệ thống quản lý hoạt động hiệu quả, có biện pháp ngăn chặn thì đâu có con số sai phạm hơn 550 tỉ đồng.
Và việc thu sai Thanh tra Chính phủ đã có kết luận, đây là vấn đề đã được xem xét ở khía cạnh luật pháp. Thu phí hiện tại ở sân bay là không đúng và đã lạm quyền, lạm thu. Quy định về phí và lệ phí, phí sân bay phải có quy định cụ thể do Bộ GTVT đưa ra. Nếu ở các địa phương, phí về giao thông phải được hội đồng nhân dân quyết định.
"Một vấn đề tôi cần chỉ rõ ở đây, nếu có tiến hành thu phí thì không phải doanh nghiệp vận tải chịu mà là dân chịu, vì giá vé máy bay đã bao gồm đủ thuế, phí, nhưng đi qua cửa ra vào vẫn phải trả phí dịch vụ. Taxi sẽ tính vào tiền vé, xe chở hàng cũng vậy, nên điểm mấu chốt vẫn là dân trả.
Ở các nước thì không ai thu phí kiểu này. Đa phần sân bay thế giới của nhà nước, có một số sân bay tư nhân họ cũng thu phí nhưng thu công khai, chứ không như chúng ta không ai biết. Ngay cả hai nước láng giềng như Lào, Campuchia còn không thu", ông Sanh nói rõ.
 (Theo Đất Việt) Châu An

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét