Thứ Tư, 14 tháng 3, 2018

 Hủy hợp đồng MobiFone mua AVG

Cập nhật lúc 09:25    

Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết MobiFone chưa thanh toán 5% giá trị hợp đồng là lý do khiến AVG có thể đơn phương chấm dứt hợp đồng và có thể bị phạt tới 8% giá trị hợp đồng, tương đương hơn 711 tỉ đồng

Trong thông cáo báo chí công bố chiều 13-3, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) cho biết đã chấp thuận chủ trương cho phép Tổng Công ty Viễn thông MobiFone (MobiFone) đàm phán chấm dứt hợp đồng mua 95% cổ phần AVG.
Thu hồi toàn bộ số tiền MobiFone đã bỏ ra
Căn cứ ý kiến chỉ đạo của Ban Bí thư, trong điều kiện hợp đồng MobiFone mua 95% cổ phần AVG chưa thực hiện xong, Bộ TT-TT chỉ đạo MobiFone làm việc với nhóm cổ đông chuyển nhượng cổ phần AVG để đàm phán chấm dứt hợp đồng với nguyên tắc thu hồi đầy đủ số vốn mà MobiFone đã bỏ ra.
 Hủy hợp đồng MobiFone mua AVG - Ảnh 1.
MobiFone đàm phán chấm dứt hợp đồng mua 95% cổ phần AVG
Theo đó, chiều 12-3, tại trụ sở Bộ TT-TT, nhóm cổ đông và Hội đồng Thành viên, Ban Tổng Giám đốc MobiFone đã họp, trao đổi về việc chấm dứt hợp đồng và thống nhất nguyên tắc như sau: Nhóm cổ đông và MobiFone thống nhất việc chấm dứt hợp đồng; MobiFone hoàn trả lại toàn bộ cổ phần AVG cho nhóm cổ đông; nhóm cổ đông hoàn trả lại đầy đủ số tiền MobiFone đã thanh toán cộng với tiền lãi và các chi phí liên quan. Các nội dung chi tiết và trình tự thực hiện, hai bên sẽ tiếp tục đàm phán và thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Như vậy, MobiFone sẽ nhận được số tiền lớn hơn số tiền MobiFone đã thanh toán cho nhóm cổ đông.
MobiFone và nhóm cổ đông chuyển nhượng cổ phần AVG sẽ khẩn trương xem xét và thực hiện các việc cần thiết, bảo đảm không bên nào chịu bất kỳ thiệt hại gì cũng như không ảnh hưởng tới nguồn vốn và lợi ích của nhà nước. Các bên cũng thống nhất thành lập nhóm làm việc để thống nhất chi tiết triển khai các công việc để hoàn thành việc hủy bỏ thỏa thuận chuyển nhượng và xử lý các vấn đề liên quan.
MobiFone có thể bị phạt 711 tỉ đồng
Cũng tại buổi làm việc này, lãnh đạo Bộ TT-TT đã chỉ đạo và chứng kiến việc MobiFone và nhóm cổ đông chuyển nhượng AVG ký biên bản cam kết hủy thỏa thuận chuyển nhượng 344,66 triệu cổ phần, với tổng giá trị hợp đồng chuyển nhượng 8.889,8 tỉ đồng. Bộ TT-TT khẳng định việc MobiFone và nhóm cổ đông mua cổ phần AVG thống nhất kết thúc hợp đồng là giải pháp tối ưu, đúng quy định pháp luật, bảo đảm thu hồi đầy đủ vốn mà MobiFone đã đầu tư, không làm thất thoát vốn của MobiFone, của nhà nước theo đúng chỉ đạo của Ban Bí thư.
Đáng chú ý, theo thông báo của Bộ TT-TT, việc MobiFone chưa thanh toán 5% giá trị hợp đồng là lý do khiến AVG có thể đơn phương chấm dứt hợp đồng và căn cứ vào hợp đồng theo quy định pháp luật thì MobiFone có thể bị phạt tới 8% giá trị hợp đồng, điều này là không có lợi cho MobiFone (nhà nước). Bộ TT-TT xác nhận: "Với giá trị hợp đồng chuyển nhượng 8.889,8 tỉ đồng, số tiền MobiFone bị phạt có thể tương đương hơn 711 tỉ đồng".
Liên quan đến vụ việc, cùng ngày, MobiFone cũng phát đi thông báo nêu rõ nhà mạng này và nhóm cổ đông AVG đang xúc tiến việc hủy bỏ hợp đồng thỏa thuận mua bán cổ phần theo quy định pháp luật. "Theo thỏa thuận hai bên, nhóm cổ đông AVG đã đặt cọc số tiền gần 450 tỉ đồng để cam kết thực hiện việc hủy hợp đồng. Hai bên sẽ khẩn trương xem xét và thực hiện những công việc cần thiết trên tinh thần thiện chí, bảo đảm không thiệt hại cũng như không ảnh hưởng tới nguồn vốn và lợi ích của nhà nước" - thông báo của MobiFone nêu rõ. 
Báo cáo lên Ban Bí thư
Cũng trong ngày 13-3, Bộ TT-TT đã có báo cáo Ban Bí thư, Thường trực Chính phủ, Tổng Thanh tra Chính phủ (TTCP) về thông tin hủy bỏ thỏa thuận chuyển nhượng cổ phần giữa MobiFone và AVG. Cùng với việc gửi báo cáo cho TTCP, Bộ trưởng Bộ TT-TT Trương Minh Tuấn đã trao đổi với Tổng TTCP Lê Minh Khái về những diễn biến của sự việc này, để TTCP và đoàn thanh tra có căn cứ xem xét những thông tin, tài liệu bổ sung, gửi tới người ra quyết định thanh tra theo đúng quy định tại điều 35 của Thông tư số 05 ngày 16-10-2014 của TTCP.
Trước đó, ngày 8-3, Văn phòng Trung ương Đảng công bố thông tin về việc xử lý vụ MobiFone mua 95% cổ phần AVG. Theo Văn phòng Trung ương Đảng, vừa qua, Ban Bí thư đã họp dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để nghe Ban Cán sự Đảng TTCP báo cáo kết quả việc thanh tra dự án MobiFone mua 95% cổ phần AVG. Ban Bí thư cho rằng đây là vụ việc rất nghiêm trọng, phức tạp, nhạy cảm, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm. TTCP đã có nhiều cố gắng tiến hành thanh tra toàn diện, kết luận và báo cáo với Ban Bí thư. Ban Bí thư đề nghị Thường trực Chính phủ, TTCP chỉ đạo và chịu trách nhiệm về kết luận thanh tra, sớm công bố kết luận thanh tra theo quy định của pháp luật. Các cơ quan có trách nhiệm khẩn trương xem xét, xử lý vụ việc bảo đảm khách quan, chính xác theo quy định của Đảng và pháp luật của nhà nước với tinh thần kiên quyết, chặt chẽ, làm rõ đến đâu xử lý đến đó, đúng người, đúng vi phạm, đúng pháp luật và thu hồi tài sản nhà nước bị thất thoát.
Ý KIẾN
Luật sư NGUYỄN VĂN ĐỨC (Công ty Luật Kinh Luân, Đoàn Luật sư TP HCM):
Cần phải xử lý trách nhiệm người liên quan
Trong việc hủy bỏ thỏa thuận chuyển nhượng cổ phần giữa MobiFone và AVG, dù hậu quả gây ra, thiệt hại cho nhà nước được khắc phục nhưng trách nhiệm của những người có liên quan đến vụ này cần phải tiếp tục được xem xét, xử lý đến nơi đến chốn. Bởi lẽ, hợp đồng chuyển nhượng cổ phần giữa AVG và MobiFone (có giá trị 8.889,8 tỉ đồng) có dấu hiệu vi phạm pháp luật, vô hiệu ngay từ khi ký kết.
MobiFone là doanh nghiệp (DN) nhà nước nên khi DN này thực hiện việc đầu tư vốn nhà nước để mua lại một phần hoặc toàn bộ DN khác phải tuân thủ đầy đủ quy định của Luật Đầu tư công, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất - kinh doanh tại DN. Theo điểm b, khoản 5, điều 8 Luật Đầu tư công, những dự án thuộc lĩnh vực phát thanh - truyền hình có vốn đầu tư từ 800 tỉ đồng trở lên là dự án thuộc nhóm A. Còn khoản 3, điều 17 Luật Đầu tư công và điều 20 Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất - kinh doanh tại DN quy định đối với dự án thuộc nhóm A, thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư là Thủ tướng Chính phủ. Để được Thủ tướng phê duyệt, DN phải lập dự án, trình các bộ, ngành có liên quan thẩm định (ở đây là Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Văn phòng Chính phủ). Trong vụ MobiFone mua AVG, do thủ tục này không đầy đủ nên giữa hai bên không tự hủy bỏ thì hợp đồng này cũng bị xác định là vô hiệu. Cũng vì thế, việc hủy hợp đồng và hoàn tiền chỉ được xem là tình tiết "đã khắc phục toàn bộ thiệt hại" khi các cơ quan có thẩm quyền xem xét vụ việc.
Việc Thanh tra Chính phủ thanh tra từ năm 2016 nhưng đến nay chưa công bố kết luận là một sự chậm trễ, cũng cần được làm rõ vì sao.
Thạc sĩ, luật sư HUỲNH CÔNG THƯ (Đoàn Luật sư tỉnh Long An):
Phù hợp với quy định pháp luật
Pháp luật dân sự cho phép cá nhân, pháp nhân được tự do xác lập, thực hiện và chấm dứt nghĩa vụ hợp đồng trên cơ sở tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận. Tuy nhiên, mọi cam kết thỏa thuận phải có điều kiện là không vi phạm lợi ích công, không trái đạo đức xã hội và phải được các chủ thể khác tôn trọng. Việc MobiFone và AVG hủy bỏ hợp đồng phù hợp với quy định pháp luật. Đây là quyền tự do ký kết hợp đồng trên cơ sở tự nguyện và không trái pháp luật.
Có ý kiến cho rằng hợp đồng mua bán AVG giữa các bên đang bị thanh tra nên việc hủy bỏ hợp đồng này là không có giá trị. Quan điểm này là không xác đáng vì việc thanh tra MobiFone và việc các bên thanh lý hợp đồng mua bán AVG không làm thiệt hại đến quyền lợi nhà nước mà chỉ khắc phục việc vi phạm pháp luật (nếu có) xảy ra trước đó. Mặt khác, cho đến thời điểm hiện tại, chưa có kết luận thanh tra và chưa hề có văn bản nào của cơ quan có thẩm quyền cấm hoặc không cho phép các bên không được thanh lý hợp đồng này.
Cần phải nhấn mạnh rằng việc thanh lý hợp đồng chuyển nhượng và bên chuyển nhượng trả lại số tiền chuyển nhượng không làm cho hành vi vi phạm pháp luật (nếu có) xảy ra do việc mua bán này được miễn truy cứu trách nhiệm pháp lý, có chăng chỉ được xem là tình tiết giảm nhẹ do hậu quả đã được khắc phục mà thôi.
PHẠM DŨNG ghi
(Theo Người Lao Động) BẢO TRÂN

Nếu không bị dư luận lên tiếng và thanh tra vào cuộc, vụ mua bán thậm thụt mờ ám này trót lọt thì có kẻ giàu sụ chỉ từ một phi vụ. Nay trả lại tiền là xong, nghe có vẻ giản đơn quá thể!!!
Việc này có dấu hiệu hình sự, sao lại báo cáo BBT? Liệu BBT có được làm trái pháp luật không hỡi lãnh đạo Bộ TTTT?
Thương Giang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét