Facebook,
Google có 'bỏ' Việt Nam vì quy định đặt máy chủ?
Cập nhật lúc 14:22
Việc bảo đảm an toàn an ninh mạng quốc gia là tối cần thiết, nhưng
buộc các đại gia như Google, Facebook đặt máy chủ tại Việt Nam lại trái với
cam kết quốc tế.
Theo Dự thảo Luật an ninh mạng,
Facebook, Google... phải có giấy phép hoạt động, đặt cơ quan đại diện, máy
chủ quản lý dữ liệu người sử dụng Việt Nam tại Việt Nam - Ảnh: NAM TRẦN
Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt
Nam (VCCI) vừa có văn bản gửi Ủy ban Quốc phòng và an ninh của Quốc hội, cho
rằng một số quy định trong Dự thảo Luật an ninh mạng chưa phù hợp về tính
thống nhất với cam kết quốc tế của Việt Nam cũng như thông lệ quốc tế.
Khoản
4, Điều 34 Dự thảo Luật An ninh mạng Việt Nam có quy định: "Các doanh nghiệp
nước ngoài khi cung cấp dịch vụ viễn thông, Internet tại Việt Nam phải tuân
thủ pháp luật, tôn trọng chủ quyền, lợi ích, an ninh quốc gia Việt Nam, có
giấy phép hoạt động, đặt cơ quan đại diện, máy chủ quản lý dữ liệu người sử
dụng Việt Nam trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam...".
Nếu không có Google, Facebook...
Theo quy định này, tất cả các dịch vụ
của nước ngoài đang cung cấp tại Việt Nam hiện nay như Google, Facebook,
Viber, Skype, Gmail, Uber... buộc phải có giấy phép hoạt động, có cơ quan đại
diện, có đặt máy chủ quản lý dữ liệu người dùng ở Việt Nam mới được cung cấp
dịch vụ tại Việt Nam.
Nếu quy định trong Dự thảo này được
thông qua và trong trường hợp các doanh nghiệp lớn như Google, Facebook không
tuân thủ, nhiều người cho rằng sẽ rất thiệt thòi cho sự phát triển của
Internet nói riêng, kinh tế số Việt Nam nói chung, đặc biệt trong kỷ nguyên
4.0 hiện nay.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Huỳnh
Thanh Phi, chuyên gia marketing, cho rằng: "Nếu Việt Nam áp dụng luật
này sẽ trở thành một rào cản, khiến người Việt không thể tiếp cận được những
tiến bộ về mặt công nghệ truyền thông của thế giới".
Theo ông Phi, các quốc gia phát triển
không quan tâm đến việc dữ liệu được đặt ở đâu bởi đây là kỷ nguyên của
"đám mây" (Cloud), họ chỉ quan tâm dữ liệu sẽ được sử dụng như thế
nào.
Trong khi đó, bà Bùi Việt Hiền Nhi, Phó
ban truyền thông FPT Telecom, cho rằng việc yêu cầu xây dựng chi nhánh đại
diện là điều hợp lý bởi điều này sẽ hỗ trợ tốt hơn trong việc kiểm soát và
hạn chế tối đa những rủi ro về gian lận thương mại, an toàn thông tin.
Một doanh nghiệp dù hoạt động trên bất
kỳ quốc gia nào, nhưng "khai thác" nguồn lợi tại Việt Nam thì bắt
buộc các doanh nghiệp nước ngoài vẫn phải tuân thủ theo những quy định của
nước sở tại.
"Tuy nhiên, việc đưa máy chủ về
Việt Nam là điều không hề đơn giản và chắc chắn ít nhận được sự đồng tình của
các công ty nước ngoài. Tôi thấy rằng việc thắt chặt kiểm soát là điều cần
thiết, nhưng cần cân nhắc tới đặc thù hoạt động của từng ngành hàng khác nhau
để xây dựng những quy định phù hợp" - bà Nhi nhận định.
Cũng theo chiều hướng này, luật sư Vũ
Quang Đức (Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng những dịch vụ như Google, Facebook
hiện có lượng người dùng Việt Nam rất lớn.
Do đó, nếu các công ty này không được
hoạt động tại Việt Nam thì với nhu cầu rất lớn của người dùng trong nước, họ
vẫn sẽ tìm cách sử dụng dịch vụ của Facebook, Google.
Và tất nhiên có thể các công ty này
cũng sẽ có cách để hỗ trợ người dùng Việt Nam sử dụng dịch vụ do họ cung cấp.
"Tôi cho rằng chúng ta không nên
dùng biện pháp hành chính để quản lý các dịch vụ xuyên biên giới của các
doanh nghiệp nước ngoài, mà nên dùng biện pháp kỹ thuật nào đó để quản lý họ
sẽ có tác động hiệu quả hơn", luật sư Đức nói.
Trụ sở Google khu vực
châu Á - Thái Bình Dương tại Singapore - Ảnh: N.T.A.
An
ninh mạng quốc gia là trên hết
Thực tế hiện nay, sự phụ thuộc của
người dùng vào Facebook, Google được thể hiện rất rõ. Hầu hết người dùng
Internet tại Việt Nam đều sử dụng ít nhất một dịch vụ do Google cung cấp.
Hơn chục triệu người dùng đang sử dụng
các ứng dụng của Facebook. YouTube của Google còn phổ biến hơn nhiều kênh
truyền hình tại Việt Nam...
Tuy nhiên, kèm theo đó là những phát
sinh tiêu cực ngày càng lớn như: tin giả, lừa đảo, xúc phạm lãnh đạo, chống
phá Nhà nước, tuyên truyền văn hóa tiêu cực... gây khó khăn rất lớn cho cơ
quan quản lý cũng như ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển chung của đất
nước.
Đó là chưa kể lĩnh vực an ninh mạng
ngày càng đóng vai trò sống còn đối với đất nước trong cuộc cách mạng 4.0.
Do đó, theo ông Nguyễn Hồng Văn, Phó
viện trưởng Viện An toàn thông tin, quy định này là cần thiết nếu xét từ góc
độ an ninh mạng quốc gia.
Ông Văn cho rằng hiện nay Facebook hay
Google đã trở thành những dịch vụ như "cơm bữa" đối với rất nhiều
người dân Việt Nam.
"Điều gì sẽ xảy ra nếu thông tin
cá nhân, vị trí, thói quen của người dân Việt Nam bị thu thập phục vụ mục
đích của kẻ xấu thông qua các dịch vụ nêu trên, trong khi chúng ta chẳng hay
biết và cũng không quản lý được gì? Giả sử chẳng may có một cuộc chiến tranh
mạng tấn công Việt Nam từ những sơ hở nêu trên, hậu quả là khôn lường vì
chúng ta không nắm được tình hình. Do vậy, theo tôi, quy định này là cần
thiết để cơ quan quản lý kiểm soát các dịch vụ nước ngoài tại Việt Nam. Nó là
nền tảng để Nhà nước có thể tiến hành các bước tiếp theo trong việc đảm bảo
an ninh mạng quốc gia", ông Văn nhận định.
Công
ty PA Việt Nam trên đường Nguyễn Đình Chiểu, Q.3, TP.HCM làm đại lý dịch vụ
quảng cáo của Google tại VN - Ảnh: HỮU KHOA
Trái với cam
kết quốc tế
Theo lý giải
của Phòng Thương mại và công nghiệp VN (VCCI), "quy định đặt cơ quan đại
diện của doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam, trong cam kết của Tổ chức
Thương mại thế giới (WTO), dịch vụ viễn thông cung cấp qua biên giới là không
hạn chế tiếp cận thị trường, trừ một số trường hợp cụ thể, nhưng trong các
trường hợp loại trừ đó không quy định phải có cơ quan đại diện trên lãnh thổ
Việt Nam.
Cam kết trong
Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) mà Việt Nam đã ký kết cũng
tương tự".
"Như vậy,
quy định về việc đặt cơ quan đại diện tại Việt Nam tại Khoản 4, Điều 34 của
Dự thảo là trái với cam kết WTO và EVFTA của Việt Nam", Đại diện VCCI
nhấn mạnh.
Hơn nữa, theo
ông Hoàng Quang Phòng, Phó chủ tịch VCCI, về việc đặt máy chủ, trong nội dung
Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã được Việt Nam ký kết tháng
2-2016, Chương Thương mại điện tử, Khoản 2, Điều 14.13 (địa điểm của hạ tầng
công nghệ thông tin) quy định: "Không bên nào yêu cầu đối tượng áp dụng
của chương này được sử dụng, hoặc lựa chọn địa điểm lắp đặt các cơ sở hạ tầng
công nghệ thông tin trong phạm vi lãnh thổ của bên mình nhằm xem đó như là điều
kiện để triển khai công việc kinh doanh trong lãnh thổ đó".
"Hiện nay,
dù TPP chưa được Quốc hội Việt Nam phê chuẩn nhưng Việt Nam và 10 nước còn
lại, trừ Hoa Kỳ, vẫn tiếp tục đàm phán để đưa ra quyết định cuối cùng. Do đó,
VCCI cho rằng cần hết sức cân nhắc và không nên đặt ra quy định pháp luật
trong nước đi ngược lại hướng của TPP", đại diện VCCI kiến nghị.
(Theo Tuổi trẻ) ĐỨC THIỆN - THANH HÀ
|
Thứ Sáu, 3 tháng 11, 2017
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét