Nghệ An: Cha nợ 7
triệu đóng góp, con không được kết nạp Đảng
Cập
nhật
lúc 14:50
Do nợ hơn 7 triệu đồng đóng cho
các quỹ của xã, một gia đình có hai con liên tục bị xã phê xấu vào hồ sơ lý
lịch, thậm chí một người con không được kết nạp Đảng.
Ông Nguyễn Văn Hùng bên tập hồ sơ của con bị xã phê
xấu - Ảnh: D.HÒA
Đó là tình cảnh trớ trêu của gia
đình ông Nguyễn Văn Hùng, 54 tuổi, ngụ xóm Bình Sơn, xã Hùng Tiến, huyện Nam
Đàn, tỉnh Nghệ An.
"Tôi
nợ, hai con tôi có tội gì đâu..."
Ngày 18-11, gặp phóng viên Tuổi Trẻ, ông Hùng cầm tập hồ sơ than thở: "Có
ai khổ như gia đình tôi không, cả hai con đều thất nghiệp cũng chỉ vì bản sơ
yếu lý lịch bị xã phê chưa chấp hành tốt nghĩa vụ của địa phương".
Theo trình bày
của ông Hùng, tháng 11-2016 con trai ông là Nguyễn Văn Bắc (24 tuổi) đến UBND
xã Hùng Tiến xin xác nhận dân sự để bổ sung hồ sơ xin đi xuất khẩu lao động
Nhật Bản.
Tại đây, ông
Trần Xuân Quyết - trưởng Công an xã Hùng Tiến - phê: "Nguyễn Văn Bắc,
bản thân chưa có tiền án, tiền sự. Nhưng chưa chấp hành tốt các quy định của
địa phương".
Cuối tháng
8-2017, ông Hùng lại lên xã xin xác nhận cho anh Bắc nhưng xã vẫn phê lý lịch
với nội dung như trên.
Rốt cuộc là anh
Bắc không thể đi xuất khẩu lao động do bị đơn vị tuyển dụng lao động chê có
lý lịch xấu. Hiện anh đang phải ở nhà phụ cha mẹ làm nông nghiệp.
Ông Hùng còn
nói năm 2015, con trai ông là Nguyễn Văn Trung (20 tuổi) tham gia nghĩa vụ
quân sự tại Đà Nẵng.
Trong thời gian
huấn luyện được đảng ủy đơn vị xét kết nạp Đảng, nên có gửi giấy về địa
phương thẩm tra lý lịch.
"Tháng 5-2017, tôi lên xã để làm sơ yếu lý lịch cho con thì
cũng bị trưởng công an xã phê trong hồ sơ "bản
thân và gia đình chưa chấp hành tốt nghĩa vụ của địa phương". Kết quả là
con tôi không được kết nạp Đảng", ông Hùng kể lại.
Ngoài ra, hồ sơ
vay vốn ngân hàng chính sách xã hội của ông Hùng cũng bị xã từ chối xác nhận
với lý do tương tự.
Vì sao lại bị
xã phê như vậy? Trả lời câu hỏi này, ông Hùng cho rằng gia đình ông còn nợ
hơn 7,4 triệu đồng các khoản quỹ, phí theo quy định của xã như xây dựng kênh
mương, quỹ đền ơn đáp nghĩa, quốc phòng an ninh, xây dựng trạm y tế xã...
Ông Hùng nói
hằng năm có nhiều khoản quỹ, phí do xã vận động các gia đình tự nguyện đóng
góp nhưng gia đình ông hoàn cảnh khó khăn, hộ nghèo mới vươn lên thoát nghèo
thành hộ... cận nghèo đầu năm 2017, nên không có tiền nộp cho xã.
"Tôi nợ
các khoản đóng góp tự nguyện cho xã thì có liên quan gì đến hai con tôi mà xã
phê vào hồ sơ lý lịch là chưa chấp hành tốt các quy định của địa phương?"
- ông Hùng bức xúc hỏi.
Ông Hùng cho
biết sau sự việc hai con bị xã phê lý lịch xấu, ông nhiều lần gửi đơn đến
phòng tiếp dân UBND huyện Nam Đàn kêu cứu nhưng đến nay chưa thấy cơ quan nào
giải quyết.
Xã
nói "không sai, nhưng không nên"
Bà Nguyễn Thị
Liên - xóm trưởng xóm Bình Sơn - cho hay gia đình ông Hùng là hộ cận nghèo
của xóm, hoàn cảnh rất khó khăn.
Khi xác nhận lý
lịch hồ sơ cho anh Trung kết nạp Đảng, bà Liên khẳng định gia đình ông Trung
chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Sau
đó thì bà mới biết xã phê xấu do gia đình ông Trung còn nợ tiền quỹ, phí của
xã.
Lý giải việc
này, ông Trần Xuân Quyết nói: "Gia đình ông Hùng còn nợ xã hơn 7 triệu
đồng một số khoản đóng góp thì phê là gia đình chưa chấp hành tốt các quy định
của địa phương, như thế không sai".
Trao đổi với Tuổi
Trẻ, ông Nguyễn Văn Kỳ - Chủ tịch UBND xã Hùng Tiến - cho hay số
tiền hơn 7,4 triệu đồng gia đình ông Hùng còn nợ là "các khoản bắt buộc
và tự nguyện", trong đó có tiền nộp vào quỹ đền ơn đáp nghĩa, quỹ quốc
phòng, an ninh, quỹ thiên tai, tiền đào đắp giao thông nội đồng...
"Một số
khoản được cho là tự nguyện nhưng thực tế là những khoản này đều được hơn 90%
người dân biểu quyết thống nhất, hội đồng nhân dân xã cũng ra nghị quyết thực
hiện. Nếu về lý, ông Hùng có quyền không đóng các khoản tự nguyện nhưng xã
vẫn vận động, kêu gọi đóng góp. Việc ông Hùng nợ không phải hoàn cảnh khó
khăn mà do không chấp nhận các khoản đóng góp đó" - ông Kỳ nói.
Tuy nhiên, ông
Kỳ cũng cho rằng "công an phê như vậy là không sai nhưng không
nên". Lãnh đạo xã đã nhắc nhở, chấn chỉnh từ nay không làm như vậy nữa.
Tuyệt
đối không được phê vào hồ sơ lý lịch
Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, không riêng gì trường hợp gia đình
ông Hùng, một số gia đình khác ở xã Hùng Tiến cũng bị trưởng công an xã này
phê "chưa chấp hành tốt nghĩa vụ của địa phương" vào hồ sơ lý lịch.
Ông Nguyễn
Trọng Tân (68 tuổi, thương binh 4/4, ngụ xóm Trang Thọ, xã Hùng Tiến) cho hay
tháng 6-2017, gia đình ông lên xã xin xác nhận của địa phương bổ sung hồ sơ
cho con gái đi xuất khẩu lao động nhưng cũng bị xã phê xấu do nợ xã khoản
tiền 1,5 triệu đồng tiền quỹ, phí tự nguyện.
Sau đó, gia
đình ông Tân phải vay nóng tiền từ người thân để đóng cho xã mới có lý lịch
"sạch" cho con. Hiện nay, con ông Tân có công việc ổn định ở nước
ngoài và gửi tiền về cho gia đình trả nợ vay vốn đi xuất khẩu lao động.
Trao đổi với Tuổi
Trẻ, bà Nguyễn Thị Thu Thủy - trưởng phòng hành chính, tư pháp Sở
Tư pháp Nghệ An - cho hay việc làm nói trên của địa phương gây ảnh hưởng đến
quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, gây bất lợi cho công dân khi sử dụng sơ
yếu lý lịch.
Thời gian qua,
Sở Tư pháp Nghệ An đã có văn bản gửi các địa phương để chấn chỉnh tình trạng
này.
Theo bà Thủy,
hướng dẫn quy định hiện hành về xác nhận lý lịch công dân có nêu rõ: UBND xã,
phường, thị trấn trên địa bàn chỉ chứng thực chữ ký của người khai sơ yếu lý
lịch.
UBND cấp xã
tuyệt đối không ghi nội dung về việc chấp hành pháp luật, chủ trương, chính
sách của Nhà nước, địa phương vào sơ yếu lý lịch của công dân.
Theo luật sư
Bùi Đình Ứng (Đoàn luật sư TP Hà Nội), nếu bị phê nội dung "không chấp
hành chủ trương, chính sách"... vào lý lịch, công dân có quyền yêu cầu
cán bộ ủy ban xã, phường phải xin lỗi, đồng thời thu hồi xác nhận cũ và cấp
lại xác nhận mới.
Trong trường
hợp cán bộ đó vẫn tiếp tục không xin lỗi, không cấp xác nhận mới, công dân có
quyền gửi đơn tố cáo cán bộ đến lãnh đạo trực tiếp của họ về hành vi cố tình
thực hiện trái pháp luật.
Bị
kiểm điểm do phê lý lịch xấu
Không chỉ ở
Nghệ An, thời gian qua ở các địa phương khác cũng xảy ra việc một số công dân
bị xã phê xấu trong lý lịch vì gia đình nợ các quỹ đóng góp ở địa phương.
Điển hình là
chủ tịch UBND xã Duyên Hà (Thanh Trì, Hà Nội) bị kiểm điểm vào tháng 8-2017
do ký vào hồ sơ lý lịch của một tân sinh viên với bút phê: "Bản thân và
gia đình chưa chấp hành chủ trương chính sách, quy định của địa phương".
Sau khi xảy
ra vụ việc, UBND huyện Thanh Trì phải có thông báo yêu cầu lãnh đạo UBND các
xã rút kinh nghiệm, không để lặp lại trường hợp tương tự.
L.TH.TÂM
(Theo Tuổi trẻ) DOÃN HÒA
|
Chủ Nhật, 19 tháng 11, 2017
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét