Thứ Tư, 22 tháng 11, 2017

Cổ phần hóa DNNN: “Bi kịch” Hãng phim truyện VN liệu có lặp lại?

Cập nhật lúc 15:31          
    
Nhà đầu tư chiến lược của DNNN tiến hành cổ phần hóa sẽ phải cam kết tiếp tục duy trì ngành nghề kinh doanh chính và thương hiệu của DN cổ phần hóa trong thời gian ít nhất 3 năm theo Nghị định số 126/2017/NĐ-CP vừa được Chính phủ ban hành. Những “bi kịch” như sự việc thâu tóm Hãng phim truyện Việt Nam sẽ không còn nhiều cơ hội lặp lại.

co phan hoa dnnn: “bi kich” hang phim truyen vn lieu co lap lai? hinh anh 1 
Việc lựa chọn sai nhà đầu tư chiến lược đã gây ảnh hưởng tới quá trình cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam - VFS (Ảnh minh họa)

Bài học từ “bi kịch” Hãng phim truyện VN
Việc lựa chọn nhà đầu tư chiến lược khi cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam (VFS) là một công ty vận tải đường sông (Vivaso) mà không phải là một đơn vị am hiểu về nghệ thuật thực sự là một câu hỏi lớn với nhiều chuyên gia kinh tế và những người yêu điện ảnh Việt Nam.
Theo đó, thay vì thực hiện đúng cam kết khi thực hiện mua cổ phần Hãng phim truyện Việt Nam như 90% doanh thu phải từ sản xuất phim hay đầu tư cơ sở sản xuất phim, tuân thủ phương án sử dụng đất đã được duyệt, sử dụng toàn bộ số lao động hiện có, sử dụng tối thiểu 20% vốn chủ sở hữu cho việc sản xuất phim… thì Vivaso lại dẹp bớt các phòng quay phim và biên kịch để cho thuê bán phở, chân gà nướng…


Diện tích đất tại địa chỉ số 4, Thụy Khuê (Hà Nội) là nơi kinh doanh các loại hình ẩm thực vỉa hè (Ảnh minh họa)

Trong một cuộc trao đổi với Dân Việt xung quanh câu chuyện về hãng phim truyện Việt Nam, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, việc lựa chọn Vivaso là nhà đầu tư chiến lược là sai lầm đầu tiên của việc cổ phần hóa.
“Việc chọn đối tác là một chủ đầu tư có liên quan tới điện ảnh, chắc chắn khi cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam, chủ đầu tư sẽ chỉ nhắm tới mục đích phát triển điện ảnh, vực dậy Hãng phim truyện Việt Nam chứ không phải là để biến Hãng phim truyện trở thành công ty bất động sản” – TS. Nguyễn Đình Cung nói.
Theo ông Cung, phải định hình được cổ đông chiến lược là gì bởi không phải ai cũng là chiến lược.
TS. Nguyễn Đình Cung chia sẻ: “Cái cần từ cổ đông chiến lược không chỉ là vốn mà là năng lực mềm để phát triển. Ít nhất cổ đông chiến lược cũng phải là nhà phát hành phim hay liên quan đến nghệ thuật. Công ty đường thủy được chọn làm cổ đông chiến lược, dư luận khó chấp nhận là đương nhiên”.
Từ đây, ông Cung bày tỏ lo ngại, sau vài năm, chủ đầu tư có thể xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất vàng tại số 4 Thụy Khuê (Hà Nội) thành xây nhà cao tầng, làm trung tâm thương mại, nhà ở, cho thuê văn phòng… Thực chất, việc này là sử dụng với mục đích khác, nhưng vẫn lấy danh nghĩa  làm phim, sản xuất phim.
Còn ông Đặng Quyết Tiến - Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho rằng, trong việc lựa chọn cổ đông sai mục đích trong quá trình CPH hãng phim truyện Việt Nam, lỗi nằm ở cả hai phía: người lao động và lãnh đạo doanh nghiệp.
Ông Tiến phân tích: “Ngành nghề không đúng thì trách người cũng phải trách ta. Người lao động phải hiểu ông chủ DN sẽ làm gì, sử dụng mình như thế nào. CPH là quá trình giúp người lao động cũng thành một người chủ của doanh nghiệp thông qua tham gia vào quá trình CPH. Khi chọn một ông cổ đông không đúng phải có ý kiến báo cáo cấp trên. Nếu cấp trên vẫn quyết định lựa chọn là sai.
Bản chất của CPH là có sự tham gia điều hành, góp vốn của người lao động. Tiếng nói của công đoàn nhằm bảo vệ quyền lợi cho người lao động, và để DN hoạt động đúng định hướng.
Vừa rồi, Công ty Cao su Phú Riềng tiến hành đại hội công nhân viên chức, lực lượng lao động lên tới hàng vạn người. Ban lãnh đạo công ty muốn làm gì cũng phải tôn trọng ý kiến người lao động, họ đồng ý mới làm”.
Quy định ràng buộc nhà đầu tư chiến lược
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 126/2017/NĐ-CP về chuyển doanh nghiệp nhà nước và công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đầu tư 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần.
Theo nội dung của Nghị định 126, nhà đầu tư chiến lược là các nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài sẽ phải đáp ứng một loạt các điều kiện như có đủ tư cách pháp nhân theo quy định của pháp luật; Có năng lực tài chính và có kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh 2 năm gần nhất tính đến thời điểm đăng ký mua cổ phần có lãi, không có lỗ lũy kế.


TS. Nguyễn Đình Cung cho rằng việc lựa chọn nhà đầu tư chiến lược là vô cùng quan trọng trong quá trình cổ phần hóa DNNN

Thêm vào đó, nhà đầu tư chiến lược phải có cam kết bằng văn bản của người có thẩm quyền khi đăng ký trở thành nhà đầu tư chiến lược của doanh nghiệp cổ phần hóa về những nội dung sau:
Tiếp tục duy trì ngành nghề kinh doanh chính và thương hiệu của doanh nghiệp cổ phần hóa trong thời gian ít nhất 3 năm kể từ thời điểm chính thức trở thành nhà đầu tư chiến lược.
Đối với các doanh nghiệp đã nằm trong danh sách doanh nghiệp đạt thương hiệu Quốc gia, cơ quan đại diện chủ sở hữu báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định cụ thể thời gian nhà đầu tư chiến lược phải cam kết tiếp tục duy trì ngành nghề kinh doanh chính và thương hiệu của doanh nghiệp cổ phần hóa.
Đồng thời, nhà đầu tư chiến lược không được chuyển nhượng số cổ phần được mua trong thời hạn 3 năm kể từ ngày công ty cổ phần được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cổ phần lần đầu hoạt động theo Luật doanh nghiệp.
Về trách nhiệm,  nhà đầu tư chiến lược phải có phương án hỗ trợ doanh nghiệp sau cổ phần hoá trong việc chuyển giao công nghệ mới; đào tạo nguồn nhân lực; nâng cao năng lực tài chính; quản trị doanh nghiệp; cung ứng nguyên vật liệu; phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Ngoài ra, nhà đầu tư còn có nghĩa vụ bồi thường khi vi phạm cam kết đã ký với mức bồi thường xác định theo thiệt hại thực tế và quyền định đoạt của Nhà nước đối với toàn bộ số lượng cổ phần nhà đầu tư chiến lược mua khi vi phạm các cam kết đã ký. 
(Theo Dân Viêt) Nguyên Phương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét