Chất
vấn thống đốc: Đem tiền gửi ngân hàng lớn sẽ yên tâm?
Cập nhật lúc 09:45
Băn khoăn mức chi trả rủi ro 75 triệu đồng, đại biểu hỏi thống đốc Lê
Minh Hưng làm thế nào biết được mức độ rủi ro của từng ngân hàng khi đem tiền
đi gửi.
Thống
đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Lê Minh Hưng - Ảnh: Quochoi.vn
Ông Lê Minh Hưng còn một nửa buổi sáng
hôm nay 17-11 trả lời chất vấn trước Quốc hội. Lần đầu đăng đàn, thống đốc
đang có một phiên chất vấn khá sôi nổi.
Có 48 đại biểu đã bấm nút đăng ký để
chất vấn thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Lê Minh Hưng chiều 16-11. Ông
Hưng nhận được các câu hỏi "hóc búa" từ chuyện huy động vàng và
ngoại tệ trong dân, đến bảo đảm an toàn tiền gửi, cho vay vốn các dự án BOT,
mua ngân hàng 0 đồng, điều hành lãi suất cho đến một vấn đề rất mới là tiền
ảo bitcoin.
Trả lời gãy gọn gần như không phải nhìn
tài liệu, thống đốc đã đưa ra một số thông tin đáng chú ý.
Giải pháp huy động vàng trong dân (theo
dự báo có khoảng 500 tấn vàng và 10 tỉ USD nằm trong dân) căn cơ nhất, bền
vững, khả thi nhất, theo thống đốc là: "Chính phủ và các bộ ngành cần
kiên định mục tiêu điều hành ổn định kinh tế vĩ mô, tạo dựng lòng tin của
doanh nghiệp... trên cơ sở đó sẽ khiến nguồn vốn không bỏ vào tài sản tài
chính như vàng, ngoại tệ. Việc này cần có thời điểm và lộ trình để chuyển hóa
nguồn lực".
Theo ông Hưng, trước đây Việt Nam tốn
nhiều ngoại tệ nhập khẩu vàng, khiến thị trường có tác động, gây bất ổn.
Nhiều năm qua thị trường này ổn định, không mất ngoại tệ nhập vàng; thị
trường đang tự điều tiết. Như vậy đã chuyển hóa một phần nguồn lực lớn từ
vàng sang nền kinh tế.
Vừa qua Ngân hàng Nhà nước đã áp dụng
trần lãi suất huy động ngoại tệ là 0%, nguồn lực đó thực tế chuyển hóa qua
VND. Thời gian qua, tỉ giá ổn định, ngân hàng mua được lượng lớn ngoại tệ từ người
dân.
Trả lời câu hỏi về tiền ảo bitcoin,
thống đốc Lê Minh Hưng nói đây là vấn đề các nước cũng đang nghiên cứu, một
số nước thừa nhận, một số nước thừa nhận nhưng có khuyến cáo và có nước không
thừa nhận.
Ở Việt Nam, theo quy định pháp luật
hiện hành, bitcoin không phải đồng tiền mặt, không phải phương tiện thanh
toán hợp pháp, nên các giao dịch sử dụng đồng tiền này là giao dịch không hợp
pháp.
Ông Hưng cho hay Ngân hàng Nhà nước
đang phối hợp với các bộ ngành để nghiên cứu, và cho rằng trong một thế giới
hội nhập thì đây là điều phải nghiên cứu thấu đáo. Riêng trường hợp Đại học
FPT cho sinh viên đóng học phí bằng tiền ảo, Ngân hàng Nhà nước chưa nhận
được đề xuất.
Trả lời Tuổi
Trẻ Online, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) đánh giá tốt các phần trả
lời về xử lý nợ xấu, công tác quản lý hệ thống ngân hàng đã "có vấn
đề" từ giai đoạn trước.
"Tôi đồng
tình với thống đốc đây là vấn đề có nhiều tồn tại và thống đốc đang quyết tâm
cùng Chính phủ tháo gỡ. Mong thống đốc tiếp tục duy trì tinh thần này để có
thể giải quyết những chất vấn của đại biểu trong phần trả lời tiếp
theo", ông Nhưỡng nói.
Sẽ xem xét điều chỉnh mức vay cho sinh
viên
Trả lời đại biểu Nguyễn Thanh Hiền
(Nghệ An) về việc bảo vệ khách hàng vay ở các công ty tài chính tiêu dùng,
thống đốc Lê Minh Hưng cho biết lãi suất vay của các công ty này cao hơn ngân
hàng, vì kỳ hạn ngắn, giá trị cho vay nhỏ, chi phí vốn của các công ty này
cũng cao hơn.
Thời gian qua Ngân hàng Nhà nước đã có
quy định cụ thể riêng cho đối tượng này nhằm tăng cường tính minh bạch, công
bố công khai lãi suất, thời gian tính lãi.
Trả lời về việc nâng mức vay và kéo dài
thời hạn cho vay với sinh viên, thống đốc Lê Minh Hưng cho biết đã có 3,5
triệu lượt sinh viên được vay, với tổng dư nợ khoảng 15.000 tỉ đồng. Mức
cho vay đã có 7 lần điều chỉnh, hiện nay là 1,5 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên mức
này chưa đủ đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, học tập.
Ông Hưng ghi nhận điều này nhưng cũng
cho biết trong bối cảnh khó khăn hiện chưa điều chỉnh ngay được, sắp tới sẽ
xem xét điều chỉnh.
Đối với thời hạn trả nợ, học sinh sinh
viên được ân hạn 1 năm kể từ khi ra trường, và nếu có khó khăn khách quan có
thể được gia hạn tối đa bằng ½ thời gian vay nợ.
Có sự thông đồng gian lận ATM
Trả lời chất vấn về giải pháp trong
thanh toán thẻ ATM, thống đốc cho rằng các hành vi gian lận trong thanh toán
thẻ gia tăng đáng lo ngại.
Theo thống kê của các tổ chức phát hành
thẻ quốc tế, năm 2015 tổng số tiền thiệt hại từ hành vi gian lận trong hoạt
động thanh toán thẻ lên đến 21 tỉ USD, bình quân cứ 100 USD giao dịch thì bị
thiệt hại 7 cent. Ở Việt Nam, tỉ lệ thiệt hại chỉ bằng 1/3 mức bình quân các
nước, nhưng gần đây có xu hướng gia tăng hành vi gian lận.
Về nguyên nhân, thống đốc khẳng định là
từ phía ngân hàng. "Do hệ thống ATM bị cài đặt thiết bị sao chép dữ liệu
để bị ăn cắp dữ liệu, bảo mật của ngân hàng còn lỗ hổng. Mặt khác, chủ thẻ
cũng có những sơ suất. Cá biệt có trường hợp tổ chức chấp nhận thẻ thông đồng
với đối tượng xấu để có hành vi gian lận, chiếm dụng tiền của khách
hàng", thống đốc nói.
Ngân hàng Nhà nước đã có quy định về
trình tự thủ tục xử lý thiệt hại do hành vi gian lận trong thanh toán ATM,
xác định rõ trách nhiệm của các tổ chức tín dụng trong việc bồi hoàn thiệt
hại cho chủ thẻ. Một số ngân hàng đã ứng tiền cho chủ thẻ.
Giải pháp tới đây, theo ông Hưng, là
tập trung hoàn thiện các quy định pháp lý về an ninh an toàn, đặc biệt là
chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chip bảo mật cao hơn, áp dụng quy chuẩn quốc tế
trong giám sát hệ thống thẻ. Mặt khác là tăng cường thanh tra đối với các
dịch vụ thanh toán thẻ, tăng cường truyền thông cho các chủ thẻ cẩn trọng tự
bảo mật khi thanh toán thẻ.
Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận)
tranh luận: "Về an toàn trong giao dịch, có một số khách hàng đột ngột
bị mất tiền trong thẻ, tuy chỉ một số trường hợp nhưng ảnh hưởng tâm lý rất lớn.
Giải pháp bảo mật trong thời gian tới như thế nào để đem lại niềm tin cho
khách hàng?"
Thống đốc Lê Minh Hưng trả lời:
"Ngay sau khi xảy ra các vụ việc đó, Ngân hàng Nhà nước đã có chỉ đạo
các ngân hàng phối hợp chặt chẽ với cơ quan điều tra, làm rõ từng vụ việc, xử
lý theo pháp luật.
Đồng thời chúng tôi lưu ý các ngân hàng
tăng cường các biện pháp bảo mật, rà soát triệt để các quy trình kiểm tra,
kiểm soát nội bộ, tăng cường an toàn, an ninh kho quỹ, các chi nhánh, các
phòng giao dịch…
Đặc biệt, chúng tôi yêu cầu các ngân
hàng tăng cường đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, nhân viên, luân chuyển
thường xuyên các vị trí cán bộ, nhân viên. Chúng tôi đã tổ chức hội nghị trực
tuyến đến 63 tỉnh, thành, quán triệt đến cán bộ chủ chốt của các tổ chức tín dụng
chú trọng phòng ngừa các hành vi vi phạm".
Nợ xấu khoảng hơn 550.000 tỉ đồng
Trả lời câu hỏi về nợ xấu của đại biểu
Bùi Văn Xuyền (Thái Bình), thống đốc Lê Minh Hưng cho biết tỉ lệ nợ xấu đến
tháng 9-2017 là 2,34%. Nhưng nếu đánh giá thận trọng và tính cả nợ xấu tiềm
ẩn thì là khoảng hơn 550 ngàn tỉ đồng, nâng tỉ lệ lên đến 8,61%, có giảm so
với con số hơn 10% cuối năm 2016.
Trả lời câu hỏi về xếp hạng tín nhiệm
các tổ chức tín dụng của đại biểu Bùi Thị Hiền Mai (Hà Nội), thống đốc cho
biết việc công bố công khai chỉ số tín nhiệm này chỉ áp dụng trong phạm vi
các tổ chức tín dụng. Theo thông lệ các nước, việc xếp hạng này chỉ nhằm mục đích
quản lý nhà nước, căn cứ để Ngân hàng Nhà nước đánh giá mức độ an toàn, rủi
ro, cảnh báo sớm.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Phạm Tất Thắng
(Vĩnh Long) về định hướng điều hành chính sách tiền tệ, thống đốc cho biết
mục tiêu đầu tiên và xuyên suốt là bảo vệ giá trị đồng tiền. Thời gian qua,
Ngân hàng Nhà nước đã tập trung kiểm soát lạm phát để ổn định kinh tế vĩ mô,
ổn định giá trị đồng tiền mà vẫn đảm bảo tăng trưởng kinh tế mức hợp lý.
Dự trữ ngoại hối đạt 46 tỉ USD
Với câu hỏi của đại biểu Bùi Thanh Tùng
(Hải Phòng) về điều hành tỉ giá, thống đốc cho rằng đây là vấn đề khó. Ngân
hàng Nhà nước Việt Nam luôn đánh giá tác động đến kiểm soát lạm phát, yếu tố
nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của Chính phủ, giá hàng xuất khẩu, vì nước ta vừa
xuất khẩu vừa nhập khẩu. Mặt khác là tâm lý đối với diễn biến của thị trường.
Từ tháng 1-2016, Ngân hàng Nhà nước
điều hành chính sách tỉ giá trung tâm. Qua đánh giá từ thời điểm đó đến nay,
diễn biến thị trường tỉ giá hết sức tích cực.
"Năm 2016, chúng ta đã mua vào hơn
9 tỉ USD, và 6 tháng đầu năm nay, mua được hơn 7 tỉ USD. Đến nay, dự trữ
ngoại hối của Việt Nam đạt 46 tỉ USD. Hiện nay chúng ta đã xuất siêu 2,8 tỉ
USD. Giữ được tỉ giá ổn định thì giữ được lòng tin của nhà đầu tư, trong đó
có nhà đầu tư nước ngoài", ông Hưng nhấn mạnh.
Các tổ chức tín dụng phải công khai,
minh bạch hoạt động
Đại biểu Tô Thị Bích Châu (TP.HCM) hỏi:
"Chính sách cho phép phá sản ngân hàng là biện pháp đúng trong nền kinh
tế thị trường. Tuy nhiên, mức chi trả rủi ro 75 triệu đồng gây nhiều băn
khoăn. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để khách hàng biết được mức độ rủi ro của
từng ngân hàng khi đem tiền đi gửi? Phải chăng cứ đem tiền gửi vào các ông
lớn thì sẽ yên tâm?"
Thống đốc nhấn mạnh lại là trong bất cứ
trường hợp nào thì các phương án xử lý các tổ chức tín dụng đều phải đảm bảo
mục tiêu đầu tiên là an toàn hệ thống, củng cố lòng tin của người dân vào hệ
thống ngân hàng, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng, không để
xảy ra tình trạng đổ vỡ, mất kiểm soát.
"Chúng tôi cũng đã kiến nghị ở dự
thảo luật trình Quốc hội là trong tình huống đặc biệt cũng đều phải đảm bảo
mục tiêu là đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, người gửi tiền và đảm
bảo an toàn hệ thống. Thời gian tới, cùng với tăng cường cơ cấu lại và thanh
tra, giám sát các ngân hàng thì chất lượng hoạt động của hệ thống sẽ đảm bảo
mục tiêu an toàn và ổn định hơn", thống đốc nói.
"Đồng thời trong quá trình đó thì
các quy định về kiểm tra, kiểm soát nội bộ cũng như tăng cường kiểm tra, giám
sát của Ngân hàng Nhà nước cũng để đảm bảo mục tiêu an toàn, lành mạnh. Chúng
tôi có các công cụ khác nhau để đánh giá thực trạng, kiểm soát tình hình để
đảm bảo không có những đổ vỡ ngoài tầm kiểm soát.
Chúng tôi yêu cầu các tổ chức tín dụng phải
công khai, minh bạch hoạt động của mình thông qua việc niêm yết trên thị
trường vốn, thị trường chứng khoán, hàng năm công bố báo cáo kiểm toán. Đây
là các thông tin phục vụ cho hoạt động của ngân hàng cũng như nhu cầu của nhà
đầu tư, người gửi tiền".
Nhóm phóng viên TTO
|
Thứ Sáu, 17 tháng 11, 2017
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét