Thứ Ba, 21 tháng 11, 2017

Trị “dịch” tham nhũng, chưa bốc được thuốc đặc hiệu, sao còn pha loãng ra?

Cập nhật lúc 15:32     
           
“Tham nhũng như một dịch bệnh, cần bốc thuốc đúng liều, cho thuốc đặc hiệu mà lại cứ pha loãng ra thì không ăn thua. Nếu cứ làm tràn lan thì cuối cùng chính con cá to ta lại không bắt mà chỉ tóm được cá nhỏ” - đại biểu Dương Trung Quốc tham gia ý kiến trong phiên thảo luận sửa luật phòng chống tham nhũng.

“Gửi giá”, “lại quả”- Tham nhũng móc ngoặc giữa khu vực công và tư

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng giơ biển xin tranh luận tại phiên thảo luận 
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng giơ biển xin tranh luận tại phiên thảo luận

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) băn khoăn về việc mở rộng phạm vi phòng chống tham nhũng ra ngoài khu vực nhà nước. Theo ông Nhưỡng, tội phạm tham nhũng đòi hòi chủ thể đặc biệt, một chủ thể có thể phạm tội đưa hối lộ thì cũng không thể gọi là đồng phạm của tham nhũng được.
Vì vậy, mở rộng đối tượng điều chỉnh ra cả khu vực tư, theo ông Nhưỡng tính khả thi của quy định không đảm bảo vì sẽ có mâu thuẫn khi một mặt đặt vấn đề thu hẹp đối tượng kê khai tài sản để thực hiện một cách có thực chất nhưng mặt khác lại đối tượng cần kiểm soát tham nhũng lại mở ra rất rộng.
“Tôi tán thành quan điểm cần cắt đường dây kết nối giữa khu vực trong và ngoài nhà nước nhưng không có nghĩa ta chỉ sử dụng một con dao duy nhất là luật Phòng chống tham nhũng để cắt sợi dây này. Công cụ cần thiết nhất là kiểm soát kê khai tài sản của cán bộ ngay từ khi bắt đầu bước vào ngạch công chức trở đi” – ông Nhưỡng khuyến cáo.
Tán thành ý kiến của ông Nhưỡng, đại biểu Nguyễn Văn Chiến (Hà Nội) cho rằng, việc mở rộng có thể dẫn đến nhầm lẫn về chủ thể tham nhũng.
Ông Chiến phân tích, 12 hành vi tham nhũng được liệt kê trong luật đều ở khu vực nhà nước. Còn ở nội dung mở rộng đối tượng ra khu vực tư, các quy định chỉ được thiết kế như… khẩu hiệu chứ không mang tính chất chế tài.
Liên hệ cách đặt vấn đề này với quy định giới hạn lại đối tượng có nghĩa vụ kê khai tài sản là những cán bộ, công chức có hệ số lương 7.0 trở lên, ông Chiến e ngại: “Tham nhũng lớn thì gây hệ quả nghiêm trọng với xã hội nhưng tham nhũng vặt thì tạo ra sự bất an trong xã hội, không thể không phòng chống. Vậy thì việc mở rộng công tác phòng chống tham nhũng nên mở ngay trong khu vực nhà nước chứ không phải thu hẹp diện kiểm soát ở khu vực này để mở ra khu vực tư”.
Ngược lại quan điểm này, đại biểu Hoàng Quang Hàm lại thống nhất với chủ trương mở rộng hoạt động phòng chống tham nhũng sang khu vực tư. Ông Hàm đánh giá, đây là điểm nổi bật của luật lần này, thể hiện sự đổi mới tư duy trong việc bảo vệ quyền của người dân, của cộng đồng trong nền kinh tế thị trường.
Ông Hàm cho rằng, vụ lợi trong khu vực tư cũng nghiêm trọng không kém gì khu vực công, thậm chí gây lũng đoạn hoạt động của nhà nước. Ông dẫn chứng, Việt Nam đã có nhiều vụ việc kiểu này, như ở Cty cho thuê tài chính ALC II.
Việc mở rộng, theo dự thảo luật, cũng chỉ ở 4 nhóm đối tượng như các công ty đại chúng, tổ chức tín dụng, ông Hàm lập luận là không làm ảnh hưởng đến hoạt động của khu vực tư.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) cũng tán thành việc mở rộng. Ông Nghĩa lập luận, hiện có sự thông nhau giữa khu vực công và tư và nhiều cán bộ thực hiện việc tham nhũng qua khu vực tư. Ví dụ như hiện tượng gửi giá, chỉ định hợp đồng, gói thầu để nhận tiền “lại quả” từ doanh nghiệp tư. Cách đặt vấn đề của cơ quan soạn thảo luật, theo ông Nghĩa là đúng hướng.
Không bắt cá to, chỉ tóm cá nhỏ
Tiếp tục tranh luận về kiểm soát tài sản, thu nhập, đại biểu Nguyễn Bá Sơn (Đà Nẵng) đặt vấn đề, người sở hữu tài sản bất minh có nên coi là tài sản tham nhũng và trao quyền cho cơ quan chức năng truy lùng đến cùng nguồn gốc của các loại tài sản không?
Theo ông Sơn, để việc xác lập, chuyển nhượng quyền sở hữu với tài sản bất minh mà không truy xét chính là tạo nơi trú ẩn tốt nhất cho tội phạm tham nhũng cất giấu tài sản. Ông Sơn thống nhất quan điểm buộc nghĩa vụ chứng minh tài sản cho chủ sở hữu tài sản. Nếu không chứng minh được nguồn gốc minh bạch của tài sản, xã hội sẽ coi đó là tài sản bất hợp pháp và nhà nước sẽ nhân danh xã hội để tịch thu.
Luật sư Trương Trọng Nghĩa nhất trí về quy định xử lý với tài sản bất minh. Theo ông, nguyên lý chung đặt ra là mọi công dân đều có quyền sở hữu tài sản hợp pháp đồng nghĩa với việc mỗi người phải có nghĩa vụ chứng minh tài sản của mình là minh bạch, nếu không cục thuế có thể vào cuộc xác minh và tiến hành tịch thu, theo mô hình Thái Lan đang áp dụng hiện nay.
Khác quan điểm này, đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) tranh luận: “Tài sản là bất minh, do đi buôn lậu chẳng hạn thì sao gọi là tài sản tham nhũng được. Nếu cứ làm tràn lan như này thì cuối cùng chính con cá to ta lại không bắt mà chỉ tóm được cá nhỏ”.
Ông Quốc cho rằng vẫn chỉ nên tập trung việc kiểm soát tài sản, thu nhập với những người giữ chức vụ thôi.
“Tham nhũng đã như một dịch bệnh, cần bốc thuốc đúng liều, cho thuốc đặc hiệu mà lại chứ pha loãng ra như này thì không ăn thua. Minh bạch tài sản là cần thiết cho xã hội hiện đại nhưng phải làm từng bước, trước hết là xác định hành động nào làm phương hại đến công quỹ, tài sản quốc gia” – đại biểu nói.
Nhìn từ khía cạnh pháp lý, luật sư Nguyễn Chiến cảnh báo, suy đoán kiểu… có tội để xử lý tài sản không minh bạch, không cần biết tài sản đó có do tham nhũng hay không sẽ là quy định không phù hợp hiến pháp.
(Theo Dân trí) P.Thảo

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét