Đổi
đất lấy công trình đâu phải là thượng sách
Cập nhật lúc 11:21
Thái Bình đang
thực hiện dự án Trung tâm hội nghị của tỉnh, với tổng kinh phí 230 tỷ đồng.
Tỉnh này cũng đã lập dự án đầu tư xây dựng Tháp Thái Bình, với số tiền 300 tỷ, và một số công trình
khác, theo hình thức xã hội hoá, đổi đất lấy công trình.
Việc các địa
phương, từ tỉnh đến huyện, xã, đua nhau xây hội trường, trung tâm hội nghị,
hoành tráng, từ quỹ đất, là chuyện có thật.
Để đủ chuẩn
nông thôn mới, nhiều xã nghèo cũng cố xây nhà thi đấu đa năng, chợ trung tâm,
tốn nhiều tỷ, nhưng xây xong, không sử dụng, dần dà xuống cấp. Chưa có trụ
sở, thiếu nơi tổ chức hội nghị, xây dựng mới, đã đành. Đang có nơi có chốn,
không đến nỗi nào, vẫn “chạy” dự án, đập cũ xây mới, để thỏa mãn cái sự
“không đâu bằng làng mình”, mới đáng nể.
Hơn một lần,
tại các kỳ họp Quốc hội, nhiều đại biểu đã lên tiếng cảnh báo, và cả phê phán
tình trạng nhà nghèo mà chơi sang, tỉnh nghèo mà vẽ vời nhiều dự án trụ sở,
tượng đài trăm tỷ, nghìn tỷ, trong khi thiếu trầm trọng trường học, bệnh
viện. Thế nhưng, có vẻ như những cảnh báo ấy là dành cho ai đó, ở quốc gia
nào đó.
Trong bối cảnh
nền kinh tế nước nhà đang rất cần nguồn vốn, từ nhiều nguồn lực để đầu tư cho
phát triển và đáp ứng nhu cầu dân sinh bức thiết khác, việc bỏ ra hàng trăm
tỷ đồng xây dựng trung tâm hội nghị, trong khi tỉnh đã có trung tâm hội nghị
khang trang, như ở “đất lúa” Thái Bình, có là việc làm cần thiết?
Ăn nên làm ra,
sản xuất phát triển, tiền của dư dả, xây nhiều công trình để đời cho con cháu
mai sau, cũng đáng. Tỉnh nghèo, thu chưa đủ chi, chủ yếu dựa vào bầu sữa ngân
sách trung ương, có chút tài nguyên đất đai đem đổi chác phung phí, thì không
nên tí nào.
Lâu nay, thành
cái tật, để dễ bề lách dự án, người ta hay “nâng cấp” tính cấp thiết của dự
án và hiệu quả mà nó đem lại. Nhưng, hãy nhìn vào các trung tâm hội nghị trên
đất nước ta, mỗi năm ở đó diễn ra bao nhiêu hội nghị? Được mấy trung tâm hội
nghị không phải chuyển đổi công năng sang chủ yếu phục vụ tiệc tùng cưới xin?
Đất nước mình, vào thời buổi này, Đảng, Chính phủ chắc chắn không cổ xúy cho
việc tăng hội nghị, lễ nghi; và tuyệt nhiên không xem việc tăng tần suất hội
họp là yếu tố thúc đẩy tăng trưởng, phát triển!
Cũng để dễ bề
thuyết phục dư luận về nguồn vốn đầu tư, người ta thường nại ra cơ chế xã hội
hoá. Xã hội hoá, BT hay BOT, hay gì gì nữa, trước sau cũng lấy từ nguồn tài nguyên
đất nước và tiền túi của dân.
Như dự án
Trung tâm hội nghị tỉnh Thái Bình, theo hình thức BT, xây dựng - chuyển giao,
nhà đầu tư bỏ ra 230 tỷ xây dựng, đổi lại, tỉnh Thái Bình cấp cho họ 5 khu
đất, với tổng diện tích 27.000 m2. Gần một nửa diện tích trong số đó nằm ở vị
trí trung tâm, đắc địa, là đất vàng.
Tính ra, 1m2
đất mà nhà đầu tư được nhận, giá chỉ hơn 8,5 triệu đồng. Trong khi, giá đất
thị trường ở TP Thái Bình, khoảng từ 25 đến 80 triệu đồng/m2, theo vị trí 5
khu đất. Chưa hết. Tỉnh lại phải cấp đất, cấp tiền xây trụ sở mới cho các cơ quan,
đơn vị bị di dời để có đất trả cho nhà đầu tư. Để có thêm trung tâm hội nghị
gọi là xứng tầm, bằng hình thức đổi đất lấy công trình, biết bao hệ lụy nảy
sinh.
Nhiều chuyên
gia am hiểu lĩnh vực đất đai đã cảnh báo, đã qua rồi cái giai đoạn ồ ạt đua
nhau đổi đất lấy công trình, các địa phương nên thận trọng với bài toán lợi
bất cập hại này.
Đã có nhiều
bài học về hình thức đổi chác với nhiều ưu ái thái quá dành cho nhà đầu tư,
mà thấp thoáng sau đó, là tư duy nhiệm kỳ, lợi ích nhóm, là chủ nghĩa thân
hữu, doanh nghiệp sân sau.
Không nên nóng
vội cố tạo ra những công trình “dấu ấn để đời” nặng về hình thức mà phung phí
nguồn tài nguyên quý giá là đất đai. Thay bằng dùng hình thức chỉ định thầu
BT không phản ánh đúng bản chất thị trường, hãy tổ chức đấu giá đất công khai,
minh bạch; lấy nguồn tiền đó đầu tư các công trình thiết yếu, bức thiết.
Địa phương còn
nghèo, đua nhau thêm một hội trường hay trung tâm hội nghị hoành tráng, liệu
có làm cho tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh, lòng dân phấn chấn hơn không? Liệu có
làm cho mối quan hệ nhân dân với chính quyền thêm bền chặt?
Cứ mãi điệp khúc
đổi đất lấy công trình, hết công trình này lại công trình khác, một mai, thế
hệ kế tiếp có còn quỹ đất để phát triển?
Nhớ lời Bác Hồ
dạy: “Việc gì, dù lợi cho mình, phải xét nó có lợi cho nước không. Nếu không
có lợi, mà có hại cho nước thì quyết không làm”. Trong câu chuyện đổi đất lấy
công trình, nhất là lấy đất vàng đổi công trình có tính phô trương hình thức,
lại càng thấm nhuần lời nhắc nhở của Người.
(Theo VietNamNet) Uông Ngọc Dậu
|
Thứ Tư, 8 tháng 11, 2017
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét