Thứ Sáu, 3 tháng 11, 2017

Bộ Công Thương không muốn dời trụ sở: Có điều chưa ổn?

Cập nhật lúc 10:13

Tôi cũng đặc biệt lo ngại, có hiện tượng lợi ích nhóm thao túng, dẫn dắt quy hoạch....
Cũng khẳng định chủ trương di dời trụ sở các bộ, ngành  ra ngoại thành nhằm giảm tải cho khu vực nội đô là rất cần thiết, phải làm. Tuy nhiên, PGS.TS Đặng Đình Đào cho rằng, phản ứng của Bộ Công Thương thể hiện một phần bất cập trong chủ trương quy hoạch chung của thành phố.
 Bo Cong thuong khong muon doi tru so: Co dieu chua on?
Trụ sở Bộ Công Thương
Cụ thể ở ngay khâu chuẩn bị quy hoạch thực hiện chưa tốt, việc rà soát, đánh giá vai trò, nhiệm vụ của từng bộ, ngành không sát sao, dẫn tới việc xác định bộ nào đi, bộ nào ở còn nhiều bất cập, chưa phù hợp.
Ông nói: "Trước hết về quy hoạch. Cần đánh giá lại ở Bộ Công Thương hiện nay vẫn có nhiều cơ sở của bộ này đang hoạt động tốt, hiệu quả, như vậy có cần thiết phải chuyển đi không? Nếu chuyển sẽ chuyển những đơn vị nào? Việc này phải xem xét kỹ để tránh lãng phí.
Tiếp đến, kế hoạch di dời được thực hiện như thế nào, nguồn kinh phí ở đâu?
Nhà nước có đủ kinh phí đi di dời, xây mới trụ sở cho các bộ, ngành không hay sẽ sử dụng hình thức đổi đất lấy hạ tầng? Để rồi cứ trụ sở cũ chưa đi, dự án mới đã định hình? Đây cũng là vấn đề phải suy nghĩ, vì cơ chế đổi đất lấy hạ tầng lâu nay đã tạo nhiều cơ hội cho thất thoát, lãng phí, gây bức xúc rồi.
Vấn đề nữa, sau khi di dời thì trụ sở cũ sẽ sử dụng vào mục đích gì?
Hà Nội cần phải công khai bản quy hoạch chi tiết vị trí các trụ sở cũ sẽ sử dụng thế nào, sử dụng vào mục đích gì? Mục đích di dời là nhằm giảm tải áp lực về hạ tầng, giao thông cho nội đô, do đó, Hà Nội cần khẳng định trước người dân di dời trụ sở cũ phải được quy hoạch làm công viên, trồng cây xanh, xây trường học, bệnh viện chứ không phải quy hoạch xây nhà cao tầng hay trung tâm thương mại.
Nếu khách quan hơn nữa, Hà Nội còn phải lấy ý kiến của người dân quanh khu vực đó trước khi quy hoạch vào mục đích gì.
Hiện có chuyện bộ không muốn đi, bộ không muốn trả cũng là do sự lập lờ về mục đích sử dụng, hoặc còn do họ đã nhìn thấy cơ hội có thể kiếm lợi khác.
Tôi lấy ví dụ, Công ty bánh kẹo Hải Châu - Hải Hà sắp chuyển đi nhưng ngay lập tức lại thấy manh nha một dự án cao tầng mọc lên tại vị trí đó. Cứ như vậy, thì các tuyến đường Đại La - đường Minh Khai - Trương Định chắc chắn sẽ chịu cảnh kẹt cứng. Nếu cứ như vậy tương lai chắc chúng ta sẽ chủ yếu di chuyển bằng máy bay hoặc cáp treo chứ không thể di chuyển được bằng đường bộ nữa.
Tôi cũng đặc biệt lo ngại, có hiện tượng lợi ích nhóm thao túng, dẫn dắt quy hoạch. Tôi không loại trừ khả năng, đã có sự dàn xếp cho một dự án đã được trù tính từ trước vì vậy, mà mục đích đưa trụ sở các bộ ngành ra ngoại thành bằng được chỉ để chiều lòng các nhà đầu tư.
Lý do này cũng có thể khiến các bộ phản ứng do không cam lòng, hoặc do không thống nhất được lợi ích.
Cuối cùng, là vấn đề khai thác cơ sở hạ tầng, tài sản quốc gia. Ở đây là câu chuyện chuyển các bộ đi hay giữ ở lại phải cân nhắc tính hiệu quả như thế nào? Chắc chắn không thể lặp lại tình trạng đầu tư hàng nghìn tỷ xây xong để phá, xây xong rồi bỏ hoang như tình trạng hàng nghìn căn hộ tái định cư vừa qua", ông Đào nêu.
Vị PGS nhấn mạnh, nếu Hà Nội có đủ nguồn lực, đủ kinh phí để đập đi, quy hoạch, xây dựng một trung tâm hành chính hoàn toàn mới như Malaysia thì mới mong giải quyết được tình trạng ùn tắc giao thông. Tuy nhiên, làm được việc này không dễ, nhất là trong bối cảnh ngân sách eo hẹp, nợ công tăng cao như hiện nay việc xoay trở hàng trăm nghìn tỷ để thực hiện việc này là điều không tưởng.
Hơn nữa, về mặt hạ tầng giao thông đô thị còn lạc hậu, kết nối logistics khó khăn, thiếu đồng bộ, việc di chuyển đi lại cũng rất khó khăn. Quy hoạch trung tâm hành chính nhưng lại bắt dân chạy vòng quanh thành phố là bất hợp lý.
Ngoài ra, theo vị PGS, tính hiệu quả của chủ trương quy hoạch khu hành chính tập trung vẫn chưa có được cơ sở đánh giá cụ thể. Ngay với cơ chế một cửa liên thông nhưng lại đang có quá nhiều chìa khóa, không đạt được mục đích đề ra.
Bên cạnh đó, vị PGS cũng đặt vấn đề phải xem xét năng lực, trách nhiệm của những người làm quy hoạch. Ông cho rằng, việc xây dựng quy hoạch mà không tính toán, đánh giá hết được vấn đề trên là do năng lực, trình độ yếu kém.
Cân nhắc kêu gọi BT
Trao đổi về những bất cập trên, TS. Lưu Đức Cường - Giám đốc Viện Quy hoạch môi trường, Hạ tầng kỹ thuật Đô thị- Nông thôn - Bộ Xây dựng cho biết, ý kiến của Bộ Công Thương chỉ là mong muốn của bộ và Chính phủ sẽ cân nhắc.
Về quy hoạch, ông Cường cho biết cơ quan này vẫn đang thực hiện nghiên cứu, hoàn thiện, do đó sẽ còn nhiều thay đổi.
Ông Cường khẳng định, trong quá trình xây dựng sẽ có những rà soát, đánh giá chặt chẽ dựa trên nhu cầu, vai trò của từng bộ ngành.
"Cũng có những bộ muốn đi chứ không phải tất cả đều muốn ở lại đâu. Chúng tôi sẽ có đánh giá dựa trên những tiêu chí khoa học, vì vậy sẽ có bộ phải chuyển đi nhưng vẫn có bộ phải ở lại".
Ông Cường nói thêm, một trong những mục tiêu quan trọng của quy hoạch là nhằm giảm tải áp lực về hạ tầng cho khu vực nội đô. Bên cạnh đó, quy hoạch cũng phải tạo được điều kiện thuận lợi cho việc đi lại của người dân cũng như các cán bộ các bộ bộ ngành.
Về quỹ đất các trụ sở sau khi di dời, ông Cường cho rằng sẽ có quy định buộc các đơn vị phải bàn giao lại quỹ đất cho thành phố để quy hoạch vào mục đích khác.
Trong đó có thể tính tới phương án kêu gọi đầu tư BT để giảm áp lực cho ngân sách.
"Chúng tôi cũng cân nhắc kêu gọi nguồn vốn từ BT, ví dụ như những khu vực ngoại ô thì có thể áp dụng hình thức này. Vì hiện nay, chúng ta cũng rất cần tới nguồn vốn từ các nhà đầu tư BT để xây lại trụ sở mới cho các bộ, ngành", ông Cường cho biết.
Mặc dù vậy, vị Giám đốc vẫn nhấn mạnh, mật độ dân số, giao thông, hạ tầng trong khu vực nội đô đang rất bức xúc, do đó, những quỹ đất trụ sở cũ phải được ưu tiên sử dụng vào các mục đích phục vụ công cộng trước tiên.
(Theo Đất Việt) Hoài An

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét