KHI "CÔNG BỘC"
COI BÁO CHÍ LÀ "CHÚNG MÀY"
Cập nhật lúc
10:58
Xin gửi về lãnh đạo Thành
phố Hà Nội câu hỏi rằng một quan chức mà hành xử vừa “ấu trĩ”, vừa thô lỗ,
vừa khinh dân, gọi dân là “mày”, liệu có xứng đáng đứng trong đội ngũ?
(Minh họa: Ngọc
Diệp)
Dự án xe buýt nhanh là
một trong những công trình trọng điểm về giao thông vận tải của Hà Nội, có
vốn đầu tư lên đến cả ngàn tỉ đồng. Song, nhiều ý kiến cho rằng hoàn toàn có
thể đứng trước nguy cơ đổ vỡ bởi các lỗi kỹ thuật, có thể làm xong rồi không
chạy được vì ùn tắc.
Trong một bài đăng trên Dân trí, Tiến sỹ
Khoa học - Thiếu tướng Nguyễn Quang Bắc, Nguyên Phó Chủ nhiệm TC KTQS - Nguyên
Giám đốc Viện KHCNQS, một chuyên gia đã chỉ ra hàng loạt những bất cập của dự
án này. Trong bảng tính điểm của mình, ông Bắc đã cho khá nhiều tiêu chí điểm
thấp, thậm chí có tiêu chí chỉ được 0 điểm.
Nhiều bạn đọc gửi thư
điện tử (comment) về Dân trí cũng cho rằng dự án trên không khả thi.
Một bạn đọc viết: “Đây là một
dự án gây lãng phí tốn kém tiền của một cách kinh khủng nhưng nó lại là một
dự án mà hiệu quả hoàn toàn không được như một phần trăm mong muốn, vừa lãng
phí vừa gây mất cảnh quan, vừa nguy hiểm cho những đoạn đường có dự án xe
buýt nhanh đi qua.
Hơn nữa, nó lại vô lý đến
mức kệch cỡm vì gần như toàn bộ điểm dừng đỗ xe đều ở giải phân cách giữa
đường và tất cả đều nằm bên tay trái ngược với chiều giao thông.
Các điểm đỗ xe này không
những gây nguy hiểm, xung đột ùn tắc giao thông cho người và phương tiện tham
gia giao thông khác mà còn gây nguy hiểm, mất an toàn cho ngay cả những hành
khách đi xe sau khi xuống xe, phải băng qua đường đông đúc. Dự án thi công
phần đường cho xe buýt nhanh thì bị làm theo kiểu bớt xén, chưa đưa vào sử
dụng đã bong tróc, nứt nẻ, vỡ từng mảng...
Hiệu quả chưa thấy đâu
nhưng bất cập, sự phi lý và tính bất khả thi đã thấy rõ. Có lẽ những cán bộ
ban ngành lập dự án đề xuất làm dự án này cần phải bị thanh tra khẩn cấp,
thậm chi phải bị xử lý thích đáng vì đã tham mưu cho lãnh đạo một dự án tốn
kém, nguy hiểm làm người dân bức xúc…”.
Đọc ý kiến trên, có thể
thấy độc giả này rất am hiểu và trùng với ý kiến của nhiều nhà khoa học, nhà
chuyên môn.
Vì thế có thể nói, những
lo ngại về dự án này là có thật và đang rất bức xúc. Tuy nhiên, trong bài
này, người viết muốn đề cập đến một vấn đề không kém bức xúc khác, đó là trả
lời phỏng vấn báo Tiền phong của ông Trần Anh Tú - nguyên Giám đốc Ban Quản
lý dự án Đầu tư phát triển giao thông đô thị Hà Nội (hiện chuyển công tác
sang làm Phó Tổng Giám đốc Cty TNHH một thành viên Đường sắt Hà Nội-một công
ty lớn sẽ tiếp quản toàn bộ hệ thống đường sắt đô thị Hà Nội), một trong
những nhân vật chủ chốt của dự án này.
Xin đăng tải nguyên văn:
“+ Vấn đề dự án không hiệu quả, ông nghĩ
thế nào?
Không hiệu quả, không
phải việc của chúng mày. Chúng mày làm báo không có chuyên môn. Chúng mày là
cơ quan báo chí hay cơ quan thẩm định?
+ Ít nhất chúng tôi thấy ngay khả năng ùn
tắc, xe buýt nhanh có chạy được đâu?
Ùn tắc không phải việc
của chúng mày. Chúng mày là cơ quan báo chứ có phải cơ quan thẩm định, không
phải là cơ quan chuyên môn, chuyên ngành. Mày ăn nói lung tung.
+ Dư luận xã hội quan tâm, các anh có trách
nhiệm trả lời chứ?
Dư luận nào. Ăn nói lung
tung. Chúng mày mượn báo chí, hay lộng ngôn?”.
Đọc những dòng trên,
không khỏi gai người về thái độ trịch thượng và thô lỗ của một cán bộ lãnh
đạo Cty Đường sắt Hà Nội khi ông ta gọi người đối thoại là “mày” và cơ quan
báo chí là “chúng mày”.
Đây là lối hành xử vô văn
hóa của một cán bộ công chức, không thể chấp nhận. Còn nhớ cách đây hơn 2 năm
(4/2014), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (khi đó là Phó Thủ tướng) đã đặt rõ yêu
cầu “Cán bộ, công chức, viên chức phải biết 4 xin đối với người dân là xin
chào, xin lỗi, xin cảm ơn, xin phép. Phải rèn luyện điều này, để thực sự do
dân, vì dân”.
Điều nữa, ông Tú đã ngộ
nhận khi cho rằng việc đặt những câu hỏi về chất lượng công trình với nhà
quản lý là “không phải việc của chúng mày” và việc “ùn tắc” cũng “không phải
việc của chúng mày”.
Xin hỏi, việc chuyển tải
ý kiến của nhân dân và các nhà chuyên môn đến với cơ quan nhà nước nếu không
phải là trách nhiệm của báo chí thì của ai, thưa ông Tú?
Đó là chưa kể nhà báo
cũng là công dân nên hoàn toàn có quyền chất vấn và các ông phải có trách
nhiệm trả lời những thắc mắc của dân.
Ông Tú cũng nên nhớ, số
tiền đó là của dân nên dân có quyền hỏi, có quyền truy vấn… như phát biểu của
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị An: “Số tiền hàng nghìn tỷ đồng của dự án là công
sức của dân đóng góp, mồ hôi nước mắt của dân; dù có vay nước ngoài, đời con
cháu phải trả. Không thể trả lời đơn giản làm xong rồi không chạy được vì ùn
tắc. Bây giờ phải làm rõ nguyên nhân, xử lý đến cùng, giải quyết tận gốc. Có
như vậy mới không ai dám đưa ra những dự án thiếu khả thi, tiêu tốn đến hàng
nghìn tỷ đồng. Nước đã nghèo như thế này rồi mà cứ để như thế là không được”.
Xin gửi về lãnh đạo Thành
phố Hà Nội rằng một quan chức mà hành xử vừa “ấu trĩ”, vừa thô lỗ, vừa khinh
dân, gọi dân là “mày”, liệu có xứng đáng đứng trong đội ngũ?
(Theo Dân trí) Bùi Hoàng Tám
|
Thứ Hai, 3 tháng 7, 2017
Hà Nội
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét