Thứ Sáu, 21 tháng 7, 2017

Tự đưa tên nhà khoa học vào dự án nhận chìm 1 triệu m3 bùn xuống biển
Cập nhật lúc 14:41        
        
TS Nguyễn Tác An - nguyên viện trưởng Viện Hải dương học - khẳng định ông không hề tham gia dự án này.

Tự đưa tên nhà khoa học vào dự án nhận chìm 1 triệu m3 bùn  
Các nhà máy nhiệt điện bên bờ biển Vĩnh Tân - Ảnh: ĐỨC TRONG
Ngày 20-7, khi biết có tên trong danh sách các nhà khoa học tham gia thực hiện dự án “nhận chìm” chất thải xuống vùng biển Tuy Phong (Bình Thuận), TS Nguyễn Tác An khẳng định ông không hề tham gia dự án “có nhiều sai trái ngây thơ, bậy bạ” ấy.
Theo TS Nguyễn Tác An, từ trước đến nay, cả chủ dự án lẫn công ty tư vấn (Công ty CP Tư vấn xây dựng cảng biển Việt Nam) không nói bất cứ gì với ông về dự án nói trên, mà họ đã tự ý “lôi” tên ông vào.
“Sai sót” do thư ký
“Đó là một sự dối trá chưa từng thấy đối với hoạt động khoa học ở Việt Nam, tôi không nghĩ người ta có thể làm những chuyện quá sức tưởng tượng như vậy. Đó là một tiền lệ xấu” - ông An nói.
Theo ông An, sáng 20-7 có một người đàn ông gọi điện thoại đến, tự giới thiệu là giám đốc công ty tư vấn thực hiện dự án nhận chìm "vật chất" nạo vét của Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1.
Người tự nhận giám đốc công ty tư vấn này nói sẽ “bay” vào Nha Trang để xin lỗi về việc đã đưa tên ông vào danh sách những nhà khoa học tham gia thực hiện dự án “nhận chìm” đó. Ông giám đốc công ty tư vấn có giải thích rằng việc tự ý đưa tên ông An vào danh sách là do “sai sót của nhân viên thư ký”.
Trao đổi với Tuổi Trẻ chiều 20-7, ông An cho biết: “Về nguyên tắc, một khi hồ sơ đã làm giả thì phải hủy hồ sơ đó. Còn giấy phép đã cấp căn cứ theo hồ sơ giả đó thì cũng phải bị thu hồi”.
Đối với dự án “nhận chìm” đã được cấp phép, ông An đồng tình với kiến nghị của nhiều nhà khoa học khác, đề nghị Bộ Tài nguyên - môi trường tạm dừng triển khai thực hiện dự án đã cấp phép đó để tìm ra giải pháp tốt nhất.
Bởi “sản xuất ra điện là quan trọng nhưng môi trường cũng quan trọng không kém, nên phải được bảo vệ để phát triển bền vững” - ông An nói.
Tự đưa tên nhà khoa học vào dự án nhận chìm 1 triệu m3 bùn  
Trung tâm Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân (Tuy Phong, Bình Thuận) - nơi dự kiến sẽ cấp phép nạo vét luồng, vũng quay tàu trước cảng rồi đem nhận chìm xuống vùng biển Vĩnh Tân - Ảnh: ĐỨC TRONG
“Chỉ là hồ sơ ban đầu”
Trong khi đó, chiều cùng ngày, ông Phan Ngọc Cẩm Thành - phó tổng giám đốc Công ty TNHH nhiệt điện Vĩnh Tân 1 - lại cho biết hồ sơ, danh sách các thành viên tham gia có TS Nguyễn Tác An là hồ sơ ban đầu, là hồ sơ trong quá trình lấy ý kiến thẩm định đối với hồ sơ "nhận chìm" từ tháng 10 đến tháng 12-2016.
Sau đó, được sự góp ý của các ngành chức năng cũng như chủ động giải trình các vướng mắc và nhận được ý kiến chấp thuận của các cơ quan liên quan, Bộ Tài nguyên - môi trường đã thành lập hội đồng thẩm định. Ngày 20-2-2017, công ty đã báo cáo và giải trình trực tiếp các nội dung liên quan đến hồ sơ "nhận chìm" trước các thành viên hội đồng thẩm định.
Theo ông Thành, ngay sau khi nhận được thông báo kết luận của hội đồng thẩm định, công ty đã bổ sung và hoàn thiện để trình lại hồ sơ "nhận chìm" theo đúng ý kiến của hội đồng thẩm định. Đồng thời, đã điều chỉnh danh sách các thành viên tham gia lập hồ sơ và đơn vị tư vấn lập hồ sơ.
“Như vậy, bản hồ sơ cuối cùng hiện được lưu giữ tại Bộ Tài nguyên - môi trường không có tên TS Nguyễn Tác An” - ông Thành nói.
Ở trụ sở công ty tư vấn
Chiều 20-7, chúng tôi tìm tới trụ sở của Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng cảng biển Việt Nam tại địa chỉ 36 Lý Thường Kiệt (Q.Hoàn Kiếm, Hà Nội), đó chỉ là một căn phòng làm việc rất nhỏ nằm trên tầng 5 của tòa nhà. Tại đây chỉ có 2 nữ nhân viên đang làm việc.
"Chúng tôi chỉ là nhân viên, còn việc các anh nói chúng tôi không biết và cũng không có thẩm quyền để trả lời" - một nhân viên trả lời khi phóng viên đề cập tới tính chính xác liên quan tới danh sách chuyên gia mà đơn vị tư vấn này đưa vào khi lập dự án nhận chìm vật chất ở biển của dự án nhiệt điện Vĩnh Tân 1.
Khi được hỏi nơi làm việc của lãnh đạo công ty, các nhân viên cho hay lãnh đạo họ làm việc ngay tại phòng làm việc này. Tuy nhiên "các anh ấy đi lại suốt, hiếm khi có mặt ở công ty". Chúng tôi xin số điện thoại liên lạc của lãnh đạo công ty nhưng không nhận được sự hợp tác từ các nhân viên.
LÂM HOÀI
(Theo Tuổi trẻ) PHAN SÔNG NGÂN - ĐÔNG HÀ

Ngoài ra theo VietNamNet, còn có 2 trường hợp khác là Thạc sĩ môi trường Nguyễn Ngọc Bảo Trâm (Trung tâm Quy hoạch và Quản lý tổng hợp vùng duyên hải khu vực phía Nam) và Thạc sĩ công trình biển Lê Thị Vân Linh (Viện Kỹ thuật biển) cũng lên tiếng xác nhận, bị lợi dụng tên tuổi trong hồ sơ dự án nói trên. Thạc sĩ Trâm và thạc sĩ Linh xác nhận, chỉ mới biết thông tin qua báo chí và đang tìm hiểu để làm rõ vấn đề, từ đó có ý kiến chính thức và hướng giải quyết.
Thương Giang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét