Thứ Hai, 31 tháng 7, 2017

Người nhà nữ Phó hiệu trưởng tố bệnh viện tắc trách, Phó Giám đốc nói gì?


Một tháng sau cái chết của vợ, anh Thành mới có đơn gửi cơ quan chức năng 'tố' Bệnh viện (BV) đa khoa tỉnh Quảng Trị tắc trách. Tuy nhiên, BV này phủ nhận và cho rằng có chăng là do trình độ y bác sĩ còn hạn chế…

BV Đa khoa tỉnh Quảng Trị. /// ẢNH: NGUYỄN PHÚC 
BV Đa khoa tỉnh Quảng Trị.ẢNH: NGUYỄN PHÚC

Có máy hiện đại nhưng..."không dùng"!
Ngày 31.7, anh Hoàng Kim Thành (trú P.Đông Giang, TP.Đông Hà, Quảng Trị)  cho Thanh Niên hay đã có đơn gửi Bộ Y tế, Sở Y tế và Công an tỉnh Quảng Trị đề nghị làm rõ cái chết của vợ là chị Lê Thị Anh Thi (44 tuổi, nguyên Phó hiệu trưởng trường THCS Nguyễn Huệ, H.Cam Lộ).
Ngoài ra anh Thành cũng cho đăng tải những bức xúc của mình lên mạng xã hội và được rất nhiều người chia sẻ, quan tâm.
Theo anh Thành, vợ anh vào BV đa khoa tỉnh Quảng Trị vào ngày 11.6 do đau đầu dữ dội và được BS Đỗ Quang Vinh (phó khoa Nội tổng hợp) trực tiếp điều trị.
Sau 6 ngày vật vã nằm viện, đến 15 giờ 52 phút ngày 16.6, BV mới xác định ra bệnh của chị Thi là : phình động mạch máu não ở động mạch thông tức và động mạch não giữa. Đến 3 giờ sáng ngày 17.6, chị Thi trở bệnh nặng đến bất tỉnh (kết quả chụp cắt lớp cho thấy bệnh nhân đã xuất huyết não) thì BV mới cho chuyển vào tuyến trên là BV T.Ư Huế vào 6 giờ sáng cùng ngày và qua đời sau đó tại BV T.Ư Huế.
 Người nhà nữ Phó hiệu trưởng tố bệnh viện tắc trách, Phó Giám đốc nói gì? - ảnh 2
Anh Hoàng Kim Thành trình bày những bức xúc của mình với PV Thanh Niên. ẢNH: NGUYỄN PHÚC
Anh Thành cho rằng BV đa khoa tỉnh Quảng Trị đã phát hiện bệnh quá chậm, nên cả 6 ngày chị Thi hầu như chỉ uống và chích thuốc giảm đau.



Tôi làm đơn tố cáo sau 1 tháng không những vì muốn tìm ra sự thật cái chết của vợ mà còn muốn những trường hợp tương tự không còn lặp lại bởi sự chủ quan, tắc trách của các cán bộ y tế tại BV này.


Anh Hoàng Kim Thành

“BV có máy chụp cộng hưởng từ cắt lớp vi tính tới 160 lớp nhưng nhiều ngày lại không áp dụng cho vợ tôi mà chỉ chụp phim xoang, chụp cộng hưởng từ cắt lớp 32 lớp…Nên họ xác định vợ tôi bị rối loạn tiền đình. Qua nhiều ngày không thuyên giảm, gia đình xin chuyển viện nhưng BV nhất quyết không cho”, anh Thành cho hay.
Cũng theo anh Thành đến ngày thứ 6, gia đình nỗi giận, các BS mới cho chụp cộng hưởng từ cắt lớp vi tính tới 160 lớp thì phát hiện ra bệnh. “Lúc đã phát hiện bệnh và bệnh đang nguy kịch, BV cũng xác định là không can thiệp được nhưng không có biện pháp để xử lý trong tình huống tối cấp cứu, cho chuyển lên tuyến trên ngay nên làm giảm cơ hội sống sót của vợ tôi. Để 3 giờ sáng hôm sau thì mọi chuyện đã muộn…”, anh Thành nói.
Ngoài ra anh Thành cũng cho rằng kể cả khi chuyển viện BV cũng không bố trí xe và điều dưỡng đi cùng mà gia đình phải thuê xe dịch vụ 115 bên ngoài và cho rằng dù bác sĩ điều trị là BS Vinh như trong hồ sơ bệnh án lại do BS Thúy ký, dù BS này chỉ tiếp xúc với chị Thi duy nhất 1 lần.
“Tôi làm đơn tố cáo sau 1 tháng không những vì muốn tìm ra sự thật cái chết của vợ mà còn muốn những trường hợp tương tự không còn lặp lại bởi sự chủ quan, tắc trách của các cán bộ y tế tại BV này”, anh Thành chia sẻ.
“Thà nói chúng tôi “dốt” chứ đừng nói chúng tôi…tắc trách”
Đó là câu nói trải lòng của BS Trương Xuân Nhuận, PGĐ BV đa khoa tỉnh Quảng Trị với Thanh Niên sáng 31.7.
BS Nhuận cho rằng, chị Thi nhập viện với triệu chứng duy nhất là đau đầu dữ dội trong khi nguyên nhân dẫn đến đau đầu thì quá nhiều nên các BS đã phải làm tuần tự các xét nghiệm để lần tìm.
“Việc không tiến hành chụp cộng hưởng từ cắt 160 lớp ngay từ đầu để phát hiện bệnh một phần vì phải làm tuần tự, một phần cũng do trình độ anh em còn hạn chế, chưa đủ kinh nghiệm khoanh vùng bệnh để có hướng xử trí nhanh hơn. Phần nữa đây là bệnh mà ít khi anh em gặp nên ít nghĩ tới và thực tế bệnh này với trình độ của BV cấp tỉnh như chúng tôi thì việc chuẩn đoán được là tốt rồi chứ không đủ khả năng xử lý”, BS Nhuận phân bua.
 Người nhà nữ Phó hiệu trưởng tố bệnh viện tắc trách, Phó Giám đốc nói gì? - ảnh 5
Gia đình anh Thành đau đớn trước sự ra đi của vợ, của mẹ. ẢNH: NVCC



Trong câu chuyện này BV cũng đã làm hết sức mình. Ở góc độ cá nhân, tôi có thể nói rằng, nếu nói chúng tôi “dốt”, kém về chuyên môn thì chúng tôi còn chịu chứ xin đừng nói chúng tôi tắc trách, thiếu trách nhiệm”, BS Nhuận nói.


BS Trương Xuân Nhuận

Trước thắc mắc vì sao đã “không đủ khả năng xử lý” mà vẫn để bệnh nhân ở lại mà không chuyển gấp lên tuyến trên, giữa lúc tính mạng họ tính từng giờ từng phút, BS Nhuận cho biết: “Không phải trường hợp phình động mạch nào cũng bị vỡ, xuất huyết não bởi đây là bệnh lý bẩm sinh, có thể bệnh nhân đã bị từ nhiều năm trước. Ngay khi phát hiện bệnh chúng tôi đã có kế hoạch chuyển bệnh nhân lên tuyến trên, hôm đó là thứ 6, chúng tôi tính ngày thứ 2 sẽ cho gia đình đưa ra Hà Nội theo nguyện vọng, không ngờ chỉ vài tiếng sau thì bệnh trở nặng. Chỗ này là do xui rủi và các BS cũng không lường trước được lúc nào thì mạch máu vỡ. Cũng vì chúng tôi chưa có BS thực sự giỏi”.
Riêng đối với việc không có xe chuyển viện mà người nhà phải thuê xe dịch vụ 115, BS Nhuận cho rằng về mặt chuyên môn và pháp lý của 2 xe này tương đương nhau vì xe dịch vụ 115 vẫn thuộc dưới sự chỉ đạo của Sở Y tế và trên xe nào cũng chỉ có 1 điều dưỡng với những trang bị tối thiểu. Và về việc BS ký trong hồ sơ bệnh án là BS chỉ vừa tiếp xúc với bệnh nhân 1 lần trong lúc nguy kịch mà không phải là BS điều trị từ đầu, theo BS Nhuận cũng là bình thường.
Dù thế, sau khi bệnh nhân qua đời, ông Nhuận cho biết đã yêu cầu những cá nhân liên quan làm bản tường trình, nội bộ khoa cũng họp kiểm điểm và BV cũng lập hội đồng chuyên môn đánh giá lại bệnh lý.
“Trong câu chuyện này BV cũng đã làm hết sức mình. Ở góc độ cá nhân, tôi có thể nói rằng, nếu nói chúng tôi “dốt”, kém về chuyên môn thì chúng tôi còn chịu chứ xin đừng nói chúng tôi tắc trách, thiếu trách nhiệm”, BS Nhuận nói.
(Theo Thanh Niên Online) Nguyễn Phúc

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét