Thứ Bảy, 8 tháng 7, 2017

Vụ chém lìa đầu ở Vĩnh Phúc: Liệu có “kịch bản” tâm thần?

 Cập nhật lúc 10:54

Vài ngày qua, trên một số trang mạng xã hội loan tin kẻ thủ ác chém lìa đầu anh T ở Vĩnh Phúc có bệnh án tâm thần. Với thông tin này, các chuyên gia pháp lý nhận định sẽ có cơ chế giám sát, xác minh, điều tra và giám định, do đó kẻ thủ ác không dễ qua mặt cơ quan chức năng nếu bệnh án tâm thần là giả.
 
Trong tâm lý học tội phạm, hành vi của Cường không bất thường.

Theo ghi nhận của luật sư Hằng Nga (Trưởng văn phòng luật sư Hằng Nga, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội), chuyện bị can, bị cáo bỗng dưng tâm thần sau gây án không còn mới. Lịch sử tố tụng ghi nhận, nhiều bị cáo bỗng dưng tâm thần tại toà, với một bộ hồ sơ bệnh án mới toanh do người nhà cung cấp.
Bàn về chế định này, luật sư Hằng Nga cho hay, pháp luật hình sự đã có những quy định rất cụ thể. Theo đó, người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội khi đang mắc bệnh tâm thần, mất khả năng nhận thức, điều khiển hành vi thì không phải chịu trách nhiệm hình sự. Đối với trường hợp này, cơ quan tố tụng sẽ áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh.
Với tình huống phạm tội trước, trong khi gây án có đủ nhận thức, điều khiển hành vi, sau đó lâm vào tình trạng tâm thần, sẽ được đưa đi chữa bệnh bắt buộc và sau khi khỏi bệnh, phải chịu trách nhiệm hình sự, tuy có nhẹ hơn.
Trở lại chuyện của thủ ác Nguyễn Văn Cường (được cho là người đã chém lìa đầu anh T ở Vĩnh Phúc). Ít hôm gần đây, với luồng tin Cường có “bửu bối” là hồ sơ bệnh án tâm thần nhằm né tránh trách nhiệm hình sự, luật sư Hằng Nga khẳng định: “Không thể dễ dàng qua mắt cơ quan tố tụng, nếu đó là giả mạo”.
Luật sư Nga phân tích, có thể một người, bằng lý do nào đó có bộ hồ sơ bệnh án tâm thần, tuy vậy, đây là chế định pháp lý chặt chẽ. Bởi lẽ, nếu các đối tượng (bị can, bị cáo) xuất trình chứng nhận tâm thần, việc làm đầu tiên của cơ quan tố tụng chính là công tác giám định. “Một người đang bình thường, cư xử bình thường, lối sống bình thường, quá trình sinh hoạt tai gia đình, địa phương, cơ quan, đơn vị ... không có bất cứ biểu hiện khác lạ nào, nhưng cứ gây án xong lại bị tâm thần thì ai tin được” – bà Nga đánh giá.
Cũng theo luật sư Hằng Nga, dù trên thực tế, cũng có người gây án xong dẫn đến tình trạng hoảng loạn tinh thần dẫn đến tâm thần. Nhưng cũng có những tình huống, người phạm tội am hiểu luật pháp, biết rằng nếu có “bửu bối” – hồ sơ bệnh án tâm thần, sẽ được giảm trách nhiệm hình sự đáng kể nên đã chuẩn bị sẵn cho mình.
Với tình huống này “dứt khoát phải có cơ chế giám sát, xác minh, điều tra và giám định chặt chẽ từ phía cơ quan chức năng” – luật sư Nga khẳng định.
Phân tích thêm về tình huống phạm tội của Nguyễn Văn Cường, luật sư Nga lập luận, đây rõ ràng là hành vi côn đồ, dù không mâu thuẫn trực tiếp, nhưng đã cùng nhau đánh “đòn hội đồng”, với ý thức để bảo vệ ông chủ hiệu cầm đồ. Và xét về tính chất, dù hành vi là quá dã man, nhưng không có những biểu hiện bất thường trong tâm lý học tội phạm.
(Theo Lao Động) Bảo Thắng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét