Chủ Nhật, 30 tháng 7, 2017

Trị bệnh 'hành dân': Kiên quyết yêu cầu cán bộ phải làm đúng

Cập nhật lúc 09:52
  
Việc người dân “bị hành” ở cấp phường, xã không còn là chuyện gì cá biệt. Thậm chí với một số người, mặc nhiên trong đầu luôn nghĩ việc “bị hành” khi đến cơ quan hành chính là hiển nhiên, là bình thường.

Trị bệnh 'hành dân': Kiên quyết yêu cầu cán bộ phải làm đúng  
Hiểu và nắm các quy định về thủ tục hành chính giúp người dân chuẩn bị tốt hồ sơ của mình cũng là cách hữu hiệu để phát hiện trong trường hợp có công chức nhũng nhiễu, làm khó dân. Trong ảnh: Người dân tìm hiểu thủ tục hành chính tại UBND P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Nếu tôi không tìm hiểu các thủ tục, không kiên quyết đòi hỏi quyền công dân của mình và không buộc cán bộ thực thi nghĩa vụ của họ, chắc tôi còn bị hành nhiều hơn một lần đến phường này
Ông TRI ANH
Cách nào để chống tình trạng “bị hành” này? Dưới đây là một số tình huống điển hình.
Té ngửa vì cán bộ làm sai
Cách đây 3 năm, mẹ của ông Đỗ Thành Phong (ở một phường của quận Tân Phú, TP.HCM) qua đời.
Ông Phong đến phường xin giấy chứng tử cho mẹ để làm các thủ tục quàn ở nhà tang lễ, mua đất xây mộ...
Một vị cán bộ tiếp nhận sau khi nói lời chia buồn thì hướng dẫn: mẹ ông Phong có hộ khẩu tại TP.HCM nhưng trước đó sinh sống ở quê nhà, “phải về quê quán xin cấp giấy chứng tử, chớ ở đây không cấp được”.
Phường chỉ cấp một cái giấy xác nhận bà cụ đã qua đời để giúp làm các thủ tục liên quan đến tang ma.
Sau vụ cán bộ phường Văn Miếu, Hà Nội bị tố “hành dân” khi làm giấy chứng tử, ông mới té ngửa: hóa ra cán bộ phường làm sai!
Kiên quyết yêu cầu cán bộ làm đúng
Những người “thiếu hiểu biết” như ông Phong bị “xỏ mũi” kiểu này rất nhiều. Không như ông Phong, ông Tri Anh lại khác.
Ông Tri Anh nói ông có nguyên tắc luôn “tìm hiểu kỹ, đòi hỏi đúng quyền công dân”, buộc cán bộ làm chưa đúng, chưa hết trách nhiệm phải phục vụ người dân.
Ông kể câu chuyện của mình:
“Trước khi đi làm khai sinh cho con trai, tôi cẩn thận gọi điện thoại lên UBND phường nơi đăng ký hộ khẩu thường trú để hỏi các thủ tục cần thiết dù trước đó đã lên mạng xem kỹ các quy định liên quan.
Cô nhân viên nghe điện thoại cũng rất tận tình trả lời. Tôi cẩn thận hỏi thêm tên cô, rồi còn hỏi tiếp “có ai trùng tên cô không”, cô trả lời không. Tôi tạm trú ở một phường của quận Tân Bình nên từ nhà chạy lên UBND phường đăng ký hộ khẩu thường trú mất gần 40 phút.
Lên đến UBND phường mới hơn 3 giờ chiều. Đến quầy để làm thủ tục đăng ký khai sinh thì một trong số ba cô ngồi ở đó bảo tôi hôm khác đến vì... tờ khai đã hết.
Tôi thấy không thuyết phục nên bảo: nếu không còn bản có sẵn thì cô có thể lên trang web của Sở Tư pháp hay Cổng thông tin của TP, của Bộ Tư pháp lấy xuống, in ra cho người dân. Cô im lặng.
Tôi nói rằng tôi đi từ xa và yêu cầu cô này hoàn tất trách nhiệm của họ với tôi. Cô vẫn ngồi im. Tôi hỏi cô nhân viên nọ đâu?
Cô này nãy giờ ngồi bên cạnh nhưng không lên tiếng, giờ mới nói: Tờ giấy in nhanh lắm nhưng người ký đi vắng rồi!
Tôi hỏi: Đi đâu vào giờ này? Nếu đi vắng thì có người khác trực ký thay hay không, chẳng lẽ tôi phải về?
Tôi kiên nhẫn nói: Người dân sắp xếp thời gian làm việc đến UBND phường để làm các thủ tục giấy tờ thì cán bộ cũng phải có trách nhiệm hoàn tất nghĩa vụ của mình.
Cô vẫn kiên trì, bảo “giờ chẳng còn ai”.
Đến khi tôi yêu cầu ghi vào trong bảng đăng ký làm khai sinh của con tôi, với nội dung là không có ai ký giấy, kèm theo ngày giờ, tên tuổi của cô.
Đến đây thì một nhân viên lấy điện thoại ra gọi cho ai đó và yêu cầu tôi ngồi chờ.
Khoảng 15 phút sau, một cô mang giấy khai sinh của con tôi đi lên lầu. Nhưng địa chỉ nhà trên giấy khai sinh lại chỉ có số nhà, khu phố mà không có tên đường.
Tôi lại yêu cầu phải viết lại có tên đường. Cô nhân viên nọ khăng khăng là quy định như thế, ai cũng làm như vậy.
Tôi hỏi: Vậy số nhà này nằm trên đường nào của khu phố này? Cô im lặng một hồi rồi bực bội làm lại. Cuối cùng con trai tôi cũng có bản giấy khai sinh.
Nếu tôi không tìm hiểu các thủ tục, không kiên quyết đòi hỏi quyền công dân của mình và không buộc cán bộ thực thi nghĩa vụ của họ, chắc tôi còn bị hành nhiều hơn một lần đến phường này.
Trị bệnh 'hành dân': Kiên quyết yêu cầu cán bộ phải làm đúng  
Cán bộ P.15, Q.8, TP.HCM xử lý nhanh các thủ tục giấy tờ, hồ sơ cho người dân - Ảnh: TÂM ĐỨC
Phải hiểu biết và thu thập bằng chứng
Chia sẻ về các bức xúc của người dân cũng như cách giải quyết khi gặp một số tình huống “bị hành”, luật sư Phạm Công Út (Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng khó có một lời khuyên nào cụ thể.
Việc đưa lên Facebook như người dân ở phường Văn Miếu - theo luật sư Út - cũng là một giải pháp nhưng không phải tất cả mọi thứ đều đưa lên Facebook.
Cũng không thể khuyên người dân... la toáng lên ở ủy ban phường để cán bộ sợ mà phải làm cho đúng mặc dù to tiếng đã được nhiều người áp dụng thành công. “Đưa ra một công thức trong việc này thật khó” - ông nói.
Luật sư Út cho rằng cách tốt nhất là trước khi cần thực hiện một yêu cầu hành chính, người dân cần tìm hiểu, trang bị các kiến thức pháp luật, hành chính liên quan để nắm rõ cách thức thực hiện, để tự đòi hỏi quyền chính đáng của mình khi bị cán bộ “vẽ chuyện” hoặc sách nhiễu.
Đồng thời, có thể thu thập các bằng chứng về việc các cán bộ, công chức thực hiện không đúng theo quy định để buộc họ làm đúng hoặc cho việc khiếu nại, khiếu kiện sau này.


Đồ họa: V.CƯỜNG

Tử vong không phải là... chết (!)
Câu chuyện của anh Trần Trung Nguyên ở Đồng Tháp sau đây khiến ai nghe cũng sửng sốt. Khi cha vợ qua đời, anh Nguyên đi làm thủ tục khai tử cho ông.
Anh mang theo hộ khẩu gia đình, giấy chứng tử của bệnh viện ở TP.HCM đến UBND phường nơi cha vợ cư trú để làm thủ tục khai tử.
Sau khi kiểm tra giấy tờ xong, cán bộ phụ trách cho biết không thể cấp giấy chứng tử được.
Lý do: “Giấy của bệnh viện ghi “tử vong” chứ không ghi là chết. Tử vong không phải là chết nên chúng tôi không cấp giấy được!”.
Anh Nguyên hỏi vậy làm thế nào để được cấp giấy chứng tử, người cán bộ này hướng dẫn phải... lên TP.HCM xin ghi lại vào hồ sơ bệnh án là người bệnh “đã chết”.
Thấy “căng”, anh Nguyên than thở và được cán bộ này bày cho một cách nhẹ nhàng hơn. Theo đó, chỉ việc viết một lá đơn, xin ủy ban phường cấp giấy chứng tử cho người thân với lý do chết tại nhà vì già yếu, nhờ hai người hàng xóm ký xác nhận vào.
Quả nhiên, đơn viết xong, nhờ hai người hàng xóm ký vào làm chứng, mang nộp cho phường. Vậy là được cấp giấy chứng tử.
“Tôi biết việc khai và xác nhận ba tôi chết tại nhà là không đúng nhưng trong trường hợp này tôi không biết phải làm sao khác” - anh Nguyên nói.
 (Theo Tuổi trẻ) LÊ NAM - HOÀNG ĐIỆP - QUANG THẾ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét